Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu- Giải pháp hữu hiệu để tăng cường liêm chính của các tòa án trên thế giới

Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu được ra mắt vào ngày 09 tháng 4 năm 2018 tại trụ sở Liên Hợp quốc (Thủ đô Viên, Cộng hòa Áo), sau gần hai năm chuẩn bị. Đây được coi là cơ hội để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các nền tư pháp, cũng như các Thẩm phán trên toàn cầu, góp phần đẩy mạnh liêm chính trong hoạt động của các tòa án.
  1. Quá trình hình thành Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu

Điều 11 của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và để thực hiện vai trò này một cách hiệu quả, chính các cơ quan tư pháp phải trong sạch, thẩm phán, cán bộ Tòa án phải liêm chính. Theo đó, Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên (i) có những giải pháp để tăng cường liêm chính của cán bộ hệ thống tư pháp và (ii) thực hiện các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống.

Nhằm hỗ trợ các quốc gia và hệ thống tư pháp của họ để thực hiện đầy đủ Điều 11 của UNCAC, phù hợp với các Nguyên tắc ứng xử tư pháp Bang-ga-lo, Dự án liêm chính tư pháp lên kế hoạch thiết lập một Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, bao gồm các quan chức cao cấp của bộ máy tư pháp trên toàn thế giới, nhằm tập hợp, chia sẻ những kiến thức chuyên môn của các thẩm phán và kinh nghiệm của các quốc gia và hiệp hội khu vực trong hoạt động này.

Để thiết lập Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, coi đây như là một trụ cột cơ bản của dự án liêm chính tư pháp, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) đã tổ chức 07 cuộc họp cấp chuyên gia tại các khu vực, với sự tham dự của các quan chức cấp cao của hệ thống tư pháp của các quốc gia, để xác định các ưu tiên toàn cầu về liêm chính tư pháp, phòng, chống tham nhũng và tham vấn, thảo luận các vấn đề có liên quan đến việc ra mắt Mạng lưới.

                              Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Mạng lưới

Hội thảo trù bị chuẩn bị thành lập Mạng lưới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đã được tổ chức tại thủ đô Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 15-16 tháng 11 năm 2016. Tham dự Hội thảo có đại diện hệ thống tòa án và các cơ quan tư pháp của 16 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và một số tổ chức như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Nhóm liêm chính tư pháp, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABD-ROLI). Đoàn Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam do TS.Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội thảo nói trên.

Tại Hội thảo này, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đã nêu bật những nỗ lực của Việt Nam nói chung và hệ thống Tòa án trong việc tăng cường liêm chính tư pháp. Trong đó, phải kể đến nội dung quan trọng như bảo đảm độc lập xét xử; nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ thẩm phán; tăng cường giám sát hoạt động của Tòa án, đặc biệt là vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu quốc hội và nhân dân; công khai, minh bạch hoạt động xét xử và thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong hệ thống Tòa án nhân dân. Đồng thời, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cũng bày tỏ sự đồng tình cao đối với sáng kiến thành lập Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, coi đây là một giải pháp hữu hiệu để tăng cường liêm chính, minh bạch cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các tòa án trên toàn thế giới.[1]

2. Mục tiêu của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cu

Ngày 09 tháng 4 năm 2018, Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu đã chính thức ra mắt sau gần hai năm chuẩn bị. Lễ ra mắt có sự tham dự của 350 thẩm phán cao cấp và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có 35 Chánh án, đến từ 106 quốc gia, 40 hiệp hội tư pháp và các tổ chức có liên quan khác.

Mục tiêu của Mạng lưới là tạo ra một diễn đàn cho các thẩm phán trên toàn thế giới chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và cùng tham gia phát triển các công cụ, các bộ hướng dẫn tiên tiến để tăng cường liêm chính và ngăn ngừa tham nhũng trong hệ thống tư pháp. Hoạt động của Mạng lưới tập trung vào các nội dung chính sau:

(i) Thúc đẩy việc trao đổi về thực tiễn và bài học kinh nghiệm về những thách thức và các vấn đề đang nổi lên liên quan đến liêm chính tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, thiết lập một cơ sở dữ liệu tài nguyên liên quan và tham vấn định kỳ thông qua các nền tảng trực tuyến;

(ii) Phát triển các công cụ, chẳng hạn như sổ tay hướng dẫn và các chương trình đào tạo thực tế, phù hợp với hệ thống pháp luật có liên quan, có tính đến yếu tố văn hóa pháp lý và những thách thức của các quốc gia;

(iii) Cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo và các hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực liên quan đến liêm chính tư pháp của hệ thống tư pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế;

(iv) Hỗ trợ các hệ thống tư pháp trong việc đánh giá các rủi ro của liêm chính trong quy trình tư pháp hình sự và đề ra các giải pháp hiệu quả để giải quyết những rủi ro đó; và

(v) Tư vấn soạn thảo luật, việc xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của thẩm phán và cán bộ tòa án; phát triển các chương trình đào tạo và thành lập các cơ chế giám sát trách nhiệm và hiệu quả.

Cũng trong Lễ ra mắt, các đại biểu đã thông qua Tuyên bố về liêm chính tư pháp và các điều khoản tham chiếu của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu. Đồng thời, Hội đồng tư vấn của Mạng lưới cũng đã được thành lập với 10 thành viên.[2]

3.Các hoạt động chính của Mạng lưới

3.1. Tiếp tục phát triển website chính thức của Mạng lưới

Trang web chính thức của Mạng lưới[3] được ra mắt vào ngày 09 tháng 4 năm 2018. Trang web này chứa đựng đầy đủ các thông tin liên quan đến Mạng lưới, bao gồm các tài liệu liên quan đến 07 cuộc họp trù bị cấp khu vực chuẩn bị cho việc thành lập Mạng lưới, cho đến việc ra mắt chính thức Mạng lưới.

Được thiết kế theo hướng thân thiện, những người quan tâm có thể dễ dàng truy cập vào các chuyên mục khác nhau của trang web như giới thiệu về Mạng lưới; tin tức về các sự kiện và hoạt động có liên quan (bao gồm chi tiết về các sự kiện sắp diễn ra và các sự kiện đã diễn ra); phần ý kiến – nơi các thẩm phán có thể bày tỏ các quan điểm khác nhau về các vấn đề liên quan đến liêm chính tư pháp và các hoạt động của Mạng lưới.

Một tính năng chính của trang web là cơ sở dữ liệu tài nguyên trực tuyến phong phú, chứa hàng trăm nghiên cứu và phân tích có liên quan đến chính sách, tài liệu pháp lý, bộ quy tắc ứng xử tư pháp, hướng dẫn và các tiêu chuẩn có thể dễ dàng truy cập và tải miễn phí để nghiên cứu, sử dụng. Cơ sở dữ liệu này có thể được tìm kiếm theo loại tài liệu, theo quốc gia, hoặc tìm kiếm toàn văn, biến nó thành tài nguyên trực tuyến toàn diện về liêm chính tư pháp dành cho các thẩm phán, luật sư, nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến lĩnh vực này. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu của trang web được thiết kế theo hướng mở, liên tục được bổ sung tài nguyên và các công cụ theo thời gian. Tất cả các thẩm phán và chuyên gia tư pháp đều được khuyến khích đóng góp tài liệu có liên quan đến liêm chính tư pháp và phòng, chống tham nhũng trong hoạt động của tòa án, làm phong phú thêm tài nguyên cho trang web.

3.2. Phát triển Bộ công cụ đào tạo đạo đức tư pháp

Bên cạnh việc phát triển trang web của Mạng lưới, UNODC đang phát triển Bộ công cụ đào tạo đạo đức tư pháp, bao gồm một khóa học trực tuyến, một khóa tự học ngoại tuyến và một sổ tay dành cho giảng viên. Bộ công cụ đào tạo này giúp cung cấp cho những người mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp của các tòa án sự hiểu biết vững chắc về Nguyên tắc ứng xử tư pháp Bang-ga-lo và Điều 11 của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Dự kiến, Bộ công cụ này sẽ hoàn thành vào năm 2018 và sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp quốc và tiếng Bồ Đào Nha.
Hệ thống tòa án một số nước đồng ý sử dụng thí điểm Bộ công cụ nói trên khi hoàn thành và công bố. Các hội thảo phổ biến, tập huấn việc sử dụng Bộ công cụ sẽ được tổ chức trong năm 2018-2019. Mọi thông tin chi tiết về Bộ công cụ đào tạo đạo đức tư pháp sẽ được cung cấp trên trang web của Mạng lưới.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hệ thống Tòa án nhân dân đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống tham nhũng trong công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đang chuẩn bị ban hành Bộ quy tắc ứng xử, đạo đức Thẩm phán, Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu là một thiết chế rất có ý nghĩa, có giá trị nghiên cứu, tham khảo trong thời gian tới./.

[1] Xem thêm: Báo cáo số 64/BC-ĐCT ngày 09/12/2016 của Tòa án nhân dân tối cao về kết quả tham dự Hội thảo trù bị khu vực chuẩn bị thành lập Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu tại Thái Lan.

 

[2] Xem Danh sách các thành viên của Hội đồng tại địa chỉ: <https://www.unodc.org/ji/en/advisory_board.html>.

[3] Xem trang web chính thức của Mạng lưới tại địa chỉ: <www.unodc.org/ji>.

ThS. TẠ ĐÌNH TUYÊN