Mô hình Tòa án trực tuyến tại Trung Quốc – Kinh nghiệm cho Việt Nam

Xét xử trực tuyến tại Trung Quốc, thực sự là một mô hình đáng lưu tâm của Việt Nam trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế tri thức trên nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sự phát triển chung của cả nước và mọi mặt của đời sống…

Đặt vấn đề

Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp[1]. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Cách mạng công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các nhà máy thông minh, sự phát triển của internet vạn vật giúp tạo ra bản sao ảo của thế giới vật lý, cho phép mọi người ở khắp nơi trên thế giới kết nối với nhau thông qua mạng internet dịch vụ qua các thiết bị di động ở mọi nơi.

Chính vì cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang một vai trò quan trọng trong sự phát triển cúa đất nước. Việc này đòi hỏi chúng ta phải thật sự nghiêm túc  trong việc tối ưu hóa những vấn đề xã hội và trước hết phải đi từ các bộ máy quản lí nhà nước. “Tòa án trực tuyến” một một giải pháp tưởng chừng như không thể thực hiện với nền tảng công nghệ cũ nhưng đang thực sự tồn tại và vận hành hiệu quả tại một số quốc gia có nền tảng internet thế hệ thứ 4 và thứ 5, tại Việt Nam với sự phát triển vượt bậc về hạ tầng internet trong nhiều năm qua (một trong các nước thí điểm thành công mạng 5G)[2] và tỷ lệ dân số sử dụng internet hàng đầu thế giới hoàn toàn đủ khả năng xây dựng mô hình này nếu có đủ quyết tâm. Hiện tại, một số quốc gia đã áp dụng hiệu qủa mô hình này giúp rút ngắn thời gian tiếp nhận và thụ lý án đồng thời giảm các án tồn đọng tại Toà án chúng ta có thể tham khảo như Australia, Trung Quốc là hai quốc gia điển hình và tiên phong.

1.Mô hình tòa án trực tuyến tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, mô hình “Tòa án trực tuyến” mới thành lập tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) được xây dựng để tiếp nhận trực tuyến hồ sơ và xét xử trực tuyến. Đây là một dạng tòa án đặc biệt chỉ dành riêng cho thương mại điện tử và các vụ án liên quan đến Internet.

Tòa án trực tuyến Trung Quốc thành lập đầu tiên tại thành phố Hàng Châu vào tháng 8.2017. Sau đó, toàn án tương tự được thành lập ở Bắc Kinh và Quảng Châu vào tháng 9.2018.

Đặc biệt là các tòa án này cơ bản áp dụng mô hình xét xử trực tuyến, từ khâu thụ lý hồ sơ, thu thập chứng cứ cho đến xét xử và thi hành, thông qua việc áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Blockchain và Internet vạn vật.

Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc thông tin, các tòa án trực tuyến ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu đã tiếp nhận gần 120.000 vụ án kể từ ngày 31/10/2019, giảm thời gian xử lý các vụ án gần 50%.

Trung bình, phải mất 45 phút cho các phiên điều trần trực tuyến và 38 ngày để kết luận một trường hợp. Có tới 98% các bên chấp nhận bản án sơ thẩm mà không kháng cáo.

Theo mô hình này, Tòa án sẽ thụ lý các hồ sơ điện tử và việc xử lý sẽ được phát qua live stream, hồ sơ sẽ là các tranh chấp trong các lĩnh vực: tranh chấp hợp đồng, trách nhiệm phát sinh trong mua bán qua mạng; quyền lợi và trách nhiệm về dịch vụ internet; xâm phạm bản quyền trên internet và các khoản nợ tài chính thanh toán qua mạng.

Chỉ cách Thượng Hải một giờ đi đường, Hàng Châu được mệnh danh là “Trung tâm của thương mại điện tử của Trung Quốc”, là khởi nguồn của những công ty như Alibaba hay Netsease cũng như đã mang thương mại điện tử vượt ra khỏi địa phận Trung Quốc. Thành phố này vẫn đang dẫn đầu trong việc đặt ra các tiêu chuẩn cho thủ tục cũng như quá trình giám sát các vụ việc liên quan thương mại điện tử.

Theo thủ tục, mỗi công dân Trung Quốc đủ điều kiện khiếu nại một công ty phải được xử lý tại thành phố đặt trụ sở chính của công ty đó hoặc đảm bảo gửi tới chính xác địa chỉ của nó. Trong các năm vừa qua, theo thống kê của toà án Hàng Châu, số lượng các vụ án liên quan thương mại điện tử tăng liên tục từ 300 vụ năm 2013 tới hơn 10.000 vụ năm 2016.

Để vụ án được thụ lý, nguyên đơn phải đưa ra các bằng chứng được xác minh qua Alipay (dịch vụ trả tiền của Alibaba) hoặc trực tiếp đưa ID của mình cho thư ký tòa án Hàng Châu. Khi vụ án được tiếp nhận, nó trước tiên sẽ được dàn xếp qua mạng internet, điện thoại hay gửi các đoạn video hội ý và nếu vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp thì vụ kiện sẽ chính thức được đưa lên cho toà án giải quyết, tất cả đều qua online.

Mỗi cá nhân cũng có thể tự đưa lên bằng chứng trong cuộc xét xử qua tài khoản mà “Tòa án online” cấp cho họ. Mọi thông tin trao đổi liên tục liên quan tới vụ án sẽ được mã hóa bởi hệ thống Alibaba Cloud.

Theo website của tòa án, một vụ kiện có thể chỉ mất tới 5 phút để giải quyết và vì thế các trường hợp kiện tụng online thế này sẽ mất ít thời gian và tiền bạc để xử lý hơn.

Dụ Quân, chánh án của tòa, đã phát biểu chính thức trên thông tấn của Tòa án nhân dân tối cao rằng “tòa án online” sẽ: “đem lại một giải pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cho những tranh chấp kiểu mới diễn ra trên mạng internet” và rằng ” nó cũng sẽ bảo vệ việc mua bán trên mạng bằng những quy định pháp lý cho việc tiêu thụ hàng hóa của các công ty trên mạng”[3].

Tòa án Trực tuyến tại thành phố Hàng Châu đã tiến hành xét xử vụ kiện đầu tiên, về việc tranh chấp và vi phạm bản quyền giữa một nhà văn mạng và một công ty phát hành trực tuyến. Các đại diện pháp luật tại Hàng Châu và Bắc Kinh tham dự phiên tòa qua máy tính cá nhân và phiên tòa kéo dài trong khoảng 20 phút.

Tòa án này sẽ tập trung vào các vấn đề dân sự, bao gồm các các tranh chấp trong việc mua sắm trực tuyến. Nghi thức không có gì khác biệt khi các thẩm phán cũng tiến hành tuyên thệ và phiên tòa đầu tiên theo hình thức này đã được trình chiếu trên một màn hình lớn được đặt tại phòng xử án.

Bị cáo và nguyên đơn xuất hiện tại “tòa” qua hình thức chat video. Hình thức tòa án trực tuyến đã giúp phá vỡ các rào cản về vị trí địa lý và tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với hình thức xử án truyền thống.[4]

Hiện tại, Trung Quốc chỉ đang thí điểm  tòa án trực tuyến cho 3 tỉnh thành và còn giới hạn về lĩnh vực xét xử, khu vực áp dụng thì hạn chế. Nhưng chính vì như vậy mà với mô hình trực tuyến hiện tại của Trung Quốc sẽ dễ quản lí. Cùng với sự phát triển tòa án trực tuyến, Trung Quốc đã nổ lực xây dựng môi trường internet lành mạnh, đây là một lối xây dựng đúng đắn giúp cho việc đẩy mạnh thực thi pháp luật trên không gian mạng đạt hiệu quả an toàn, ngăn chặn cả việc xâm phạm dữ liệu mật của quốc gia từ đó từng bước phát triển mô hình tòa án trực tuyến mở rộng đảm bảo an toàn, chất lượng hơn. Và với mô hình tòa án mới này thì rất cần sự đảm bảo về dữ liệu, tính quyền uy,…

2.Kinh nghiệm cho Việt Nam khi xây dựng mô hình Toà án tực tuyến

Mô hình tòa án trực tuyến giúp các thủ tục tố tụng được linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của đôi bên cũng như các nhân chứng. Mô hình này tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người, đảm bảo chất lượng cuộc sống không bị giảm. Hơn nữa nếu mô hình này được triển khai 1 cách chặt chẽ thì thời gian thụ lí đơn, xét xử,… sẽ được tiết kiệm tối đa giúp tòa án hoàn thành nhanh chóng các hồ sơ còn tồn đọng. Một điều quan trọng hơn hết mô hình này có thể xử lí cấp thiết các vụ án trong trường hợp khẩn cấp. Tòa án trực tuyến cũng có thể xét xử công khai tạo lòng tin cho nhân dân cả nước

Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước nên phán quyết của tòa án có tính cưỡng chế cao. Trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ; và đảm bảo hiệu lực thi hành của phán quyết tại Tòa. Nên khi thực hiện mô hình tòa án trực tuyến sẽ giảm đi tính răn đe và giáo dục do tâm lí của bị cáo sẽ không bị tác động. Và khi xử án online sẽ có sự lừa lọc hoặc vi phạm khác làm cho lời khai, những câu trả lời của bị cáo thiếu tính xác thực,…và dễ bị ảnh hưởng bởi những lí do khách quan như: đường truyền, thiết bị…

Hiện nay trên thế giới, hệ thống Tòa án của một số quốc gia đã tiến hành và thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình, ngoài hệ thống Tòa án của Trung Quốc còn có hệ thống Tòa án của Australia, Singapore, Malaysia. Qua kinh nghiệm của các nước, chúng ta có thể thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án mang lại rất nhiều lợi ích, như: nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho các đương sự, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn; Hỗ trợ Thẩm phán, bất kể ở khu vực địa lý nào, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn; Hỗ trợ bộ phận quản lý hành chính Tòa án thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được dễ dàng hơn. Cụ thể:

(1) Nộp đơn qua mạng (eLodgment)[5]

Việc nộp đơn bằng văn bản có nhiều hạn chế như việc lưu trữ văn bản chiếm quá nhiều diện tích, việc tìm kiếm văn bản gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc rất nhiều vào các cán bộ văn thư lưu trữ. Việc di chuyển các tài liệu từ nơi này qua nơi khác cũng dẫn đến việc mất mát hoặc thất lạc tài liệu. Ngoài ra, nếu hồ sơ không được lưu giữ cẩn thận cũng có thể xảy ra khả năng hồ sơ bị hư hỏng.

Với việc áp dụng hệ thống nộp đơn qua mạng, tất cả các tài liệu sẽ được nộp bằng bản mềm và được nhập vào hệ thống máy chủ của Tòa án mà không cần phải in ra. Những tài liệu này sẽ được quản lý trên máy tính và sẽ được đánh mã số để phục vụ cho việc tìm kiếm. Như vậy đương sự hoặc luật sư có thể trực tiếp nộp đơn qua mạng internet từ nhà riêng, văn phòng hoặc bất kỳ nơi đâu.

(2) Phòng xử án điện tử (eCourtroom)[6]

Phòng xử án điện tử là phòng xử án ảo, các chủ thể là thành phần của một phiên tòa sẽ tham gia vào phiên xét xử giống như một hội nghị video được thiết lập bởi Skype, nếu cần có thể liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan cũng thông qua hình thức này mà không cần các chủ thể phải có mặt tập trung tại phòng xử án thông thường. Áp dụng các phòng xử án điện tử sẽ giúp cho người dân tiết kiệm được chi phí đi lại, nhất là khi các bên đương sự đến từ những khu vực nằm xa tòa án; đồng thời cũng giúp nhà nước giảm bớt được chi phí tổ chức phiên tòa. Hơn nữa, phiên xét xử online cũng có thể giúp đông đảo người dân quan tâm đến vụ kiện có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường.

(3) Hệ thống quản lý án điện tử

Hệ thống quản lý án điện tử là một ứng dụng phần mềm kết nối với mạng internet được xây dựng nhằm quản lý và giám sát các vụ án từ khi thụ lý đến khi được giải quyết xong. Hệ thống này sẽ ghi lại các vụ án, quản lý danh sách các vụ án sẽ được xét xử, ghi lại những lệnh của Tòa án và kết quả của từng vụ án. Hệ thống quản lý án điện tử giúp các cán bộ chuyên trách quản lý án; hỗ trợ thư ký sắp xếp lịch và hồ sơ các vụ án sẽ được xét xử; hỗ trợ Thẩm phán trong việc đưa ra phán quyết; đồng thời là nguồn thông tin số liệu về hoạt động của Tòa án.

Hệ thống quản lý án điện tử đã giúp Tòa án thực hiện các quy trình, thủ tục mang tính chất lặp đi lặp lại một cách chính xác hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn so với khi làm thủ công. Nếu như trước đây, việc đăng ký một vụ án phải mất vài ngày với sự tham gia của nhiều cán bộ Tòa án thì khi hệ thống này được áp dụng, việc đăng ký như vậy chỉ mất vài phút và do một cán bộ đảm nhiệm.

Mặc dù có thể nhìn nhận được những lợi ích của việc ứng dụng các Tòa án điện tử nhưng để ứng dụng được vào hệ thống Tòa án của Việt Nam, chúng ta cần phải chuẩn bị thêm nhiều yếu tố trước khi chính thức thành lập các Tòa án điện tử. Những yếu tố cần thiết này không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho hệ thống Tòa án những máy móc thiết bị cần thiết, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của cán bộ Tòa án, mà quan trọng hơn là phải mở rộng phổ cập tin học đến người dân để họ có thể tự tin lựa chọn và dễ dàng tham gia vào các phiên tòa điện tử. Với điều kiện hiện nay của nước ta, trong tương lai gần chúng ta khó có thể ngay lập tức thành lập và đưa vào hoạt động các Tòa án điện tử hoàn chỉnh được. Tuy nhiên, chúng ta có thể đi dần từng bước nhỏ bằng cách ban đầu ứng dụng một phần của các dịch vụ của Tòa án điện tử, như: nộp và tiếp nhận đơn qua mạng internet, quản lý hồ sơ vụ việc bằng phần mềm điện tử…

Từ những ưu điểm và hạn chế của mô hình toà án trực tuyến tại Trung Quốc, thiết nghĩ, để xây dựng thành công mô hình tòa án trực tuyến chúng ta cần cân nhắc một số vấn đề:

– Thứ nhất, phải chọn lọc một số lĩnh vực xét xử phù hợp với văn hóa, thể chế chính trị và chọn một vài tỉnh thành thí điểm để tránh đầu tư tập trung và đánh giá tác động.

– Thứ hai, phải sử dụng các dịch vụ internet có chất lượng đường truyền mạnh và ổn định đảm bảo tính thông suốt trong quá trình xử lý vụ án. Đặc biệt phải lưu tâm đến vấn đề bảo mật.

– Thứ ba, phải tập trung tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi công nghệ thông tin để phục vụ đề án.

– Thứ tư, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nguồn nhân lực về hệ thống thông tin cần thiết cho mô hình tòa án trực tuyến.

– Thứ năm, quản lý chặt chẽ hệ thống an ninh mạng để tránh ảnh hưởng tới quy trình xét xử và bị đánh cắp dữ liệu.

Kết luận

Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất, tổ chức xã hội kể cả con người trong các tương tác hiện tại và tương lai, thay đổi cả cách thức bố trí sản xuất và liên kết trong sản xuất hiện nay với xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập, với những tiến bộ của công nghiệp 4.0 đó là kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, là những sản phẩm và vật liệu mới… cần phải thay đổi tư duy về công nghiệp hóa, ngay từ những khái niệm của nó. Đây không đơn thuần là cải cách về sản xuất, vận tải hay sản xuất – kinh doanh, cuộc cách mạng 4.0 là sự thay đổi toàn bộ về tất cả các mặt cuộc sống của nhân loại và Việt Nam chúng ta nếu muốn nhanh chóng bắt kịp với sự tiến bộ của thế giới không thể đứng ngoài cuộc chơi này.

Vì vậy, thiết nghĩ việc nhanh chóng cải tiến mô hình xét xử hiện tại, áp dụng thí điểm mô hình toà án trực tuyến tại một số địa phương ứng với một số lĩnh vực có mức độ số hoá cao (như mua bán trực tuyến) là cần thiết và cấp thiết với mục đích giảm tải cho hệ thống tòa án Việt Nam vì số lượng an ngày càng căng. Đặc biêt, trong giai đoạn vừa qua, cả Việt Nam và thế giới chứng kiến sự đình trệ do dịch bệnh COVID lây lan nghiêm trọng dẫn đến sự đóng cửa toàn bộ hệ thống toà án và tất cả các vụ án đều phải ngừng xét xử tập trung (trừ những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng)[7]. Như vậy, rõ ràng nếu sớm có mô hình toà án trực tuyến, ngành toà án đã không phải ngưng việc xét xử chỉ vì các đương sự không thể có mặt do khoảng cáh đại lý hay vấn đề bất khả kháng, bất ngờ như thời gian vừa qua.

 Tòa án nhân dân Trung cấp số 1 thành phố Thiên Tân, Trung Quốc  xét xử nguyên Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh vì tham nhũng hơn 100 triệu USD.

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Cách_mạng_Công_nghiệp_lần_thứ_tư

[2] https://vietteltelecom.vn/tin-tuc/chi-tiet/viettel-thuc-hien-cuoc-goi-5g-dau-tien-tai-viet-nam/18332468 truy cập ngày 13.5.2020

[3] http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi- song-quoc-te/trung-quoc-lap-them-toa-an- truc-tuyen-531401

[4] https://cafef.vn/tai-sao-hinh-thuc-toa-an-truc-tuyen-dang-ngay-cang-pho-bien-tai-trung-quoc-2017082008281224.chn truy cập ngày 26/5/2020

[5] eLodgment cho phép bất kỳ chủ thể nào, cho dù họ là những người hành nghề luật, các công ty luật, các doanh nghiệp hoặc các cá nhân, đều có thể gửi đơn kiện điện tử tới Tòa án Liên bang Úc và Tòa Sơ thẩm Liên bang Úc. eLodgment có thể được sử dụng để bắt đầu nộp đơn khởi kiện tới Tòa án và để bổ sung bất kỳ tài liệu hỗ trợ nào. Tương tự như vậy, các tài liệu liên quan khác cũng có thể được nộp thông qua eLodgment miễn là số lượng tập tin được thể hiện rõ.

[6] eCourtroom là một phòng xử án ảo được sử dụng trong việc quản lý và xem xét một số vấn đề trước khi đưa ra xét xử trước Tòa án Liên bang Úc hoặc Tòa Sơ Thẩm Liên bang Úc. Chúng bao gồm: yêu cầu đơn phương thay đổi thủ tục phá sản và các yêu cầu triệu tập lấy lời khai (applications for examination summonses), bằng việc cho phép các hướng dẫn và các chỉ thị khác được thực hiện trực tuyến, về các vấn đề liên quan đến Luật pháp Liên bang. eCourtroom cho phép các bên của một vụ kiện tham gia vào một cuộc tranh luận trực tuyến về các vấn đề của vụ kiện

[7] Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19.

ThS. NGÔ MINH TÍN (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM) - VÕ THỊ THANH HÒA (Trường ĐH Văn Lang)