Mỹ ra Cáo trạng truy tố tập đoàn Huawei của Trung Quốc

Theo Hãng thông tấn Reuter và hãng tin Bloomberg, ngày 28/01 Mỹ đã chính thức ra Cáo trạng truy tố tập đoàn Huawei của Trung Quốc cùng giám đốc tài chính và hai công ty chi nhánh tội lừa đảo ngân hàng để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran

Huawei là một trong những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, gần đây đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai sau Samsung. Hồi tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei, con gái nhà sáng lập Huawei đã bị bắt ở Canada vì những cáo buộc công ty đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

 

Bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei  

Ngày 28/1 vừa qua, công tố viên liên bang Mỹ nộp Cáo trạng truy tố Tập đoàn viễn thông Huawei và bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei của Trung Quốc và hai công ty chi nhánh tội lừa đảo ngân hàng để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Theo Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và lừa chính quyền Mỹ về mối quan hệ của tập đoàn này với các công ty chi nhánh là Skycom Tech và Huawei Device USA Inc nhằm tiến hành giao dịch với Iran.

Hai công ty chi nhánh của Huawei bị truy tố với 10 tội danh, trong đó có đánh cắp bí mật thương mại, lừa đảo chuyển tiền và cản trở công lý, đánh cắp công nghệ robot dùng thử nghiệm điện thoại thông minh của tập đoàn viễn thông T-Mobile – Mỹ.

Cũng theo Reuter, chính quyền Mỹ đang tìm cách ngăn chặn các công ty Mỹ mua thiết bị của Huawei và thúc giục các nước đồng minh cùng làm vậy với lý do lo ngại thiết bị của Huawei sẽ giúp Trung Quốc nghe lén, do thám Mỹ.

Hãng tin Bloomberg thì cho rằng bằng cáo trạng mới nhất chống lại Huawei, Mỹ gửi thông điệp rõ ràng đến nhiều lãnh đạo thế giới đang cân nhắc dùng thiết bị của hãng này cho thế hệ mạng không dây kế tiếp.

Cáo buộc của Mỹ là dấu hiệu mới cho thấy căng thẳng chiến lược rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tồn tại ngay cả khi đôi bên đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng. Ngoài ra, cáo trạng cũng gia tăng chú ý đặt vào Huawei, hãng là biểu tượng cho sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, thách thức vị thế siêu cường của Mỹ.

Cáo trạng tấn công trực tiếp vào uy tín của Huawei. Mỹ cáo buộc rằng bà Mạnh Vãn Chu và nhà sáng lập kiêm CEO doanh nghiệp Nhậm Chính Phi trình bày sai hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran lên chính phủ Mỹ và bốn tổ chức tài chính kể từ năm 2017, vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran.

Đồng thời, Mỹ trích dẫn nhiều email giữa Huawei USA và Trung Quốc để giải thích cách giới kỹ sư đánh cắp bí mật thương mại từ T-Mobile. Nội dung email cho thấy nhân viên ở Trung quốc liên tiếp “ép” đồng nghiệp tại Mỹ thu thập thông tin chính về Tappy. Tappy là robot được dùng để kiểm tra điện thoại di động của T-Mobile mà Huawei muốn có.

Huawei bị cáo buộc che đậy vấn đề bằng cuộc điều tra nội bộ sai và đổ lỗi cho nhân viên. Song trên thực tế, Huawei có ủy ban nội bộ, trao thưởng hằng tháng cho nhân viên nào đánh cắp được tài sản trí tuệ từ các đối thủ. Hai lần mỗi năm, khoản thưởng đặc biệt được trao cho nhiều nhân viên ở ba khu vực, những người thu thập được thông tin bí mật, quan trọng.

Về phía Trung Quốc, ngay trong buổi sáng ngày 29/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ và yêu cầu Mỹ hủy ngay lệnh bắt giữ bà Mạnh cũng như gỡ bỏ các cáo buộc nhằm vào Huawei.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ông Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc đốc thúc mạnh mẽ Mỹ dừng ngay các hoạt động chèn ép vô lý đối với các công ty của Trung Quốc trong đó có Huawei, tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp hai nước”

Về vụ án bà Mạnh Vãn Chu, ông Cảnh Sảng cho rằng Mỹ và Canada đã lạm dụng Hiệp định dẫn độ giữa hai nước, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc.

 

NGUYỄN TIẾN DŨNG