Pháp luật về phòng, chống rửa tiền ở một số nước trên thế giới

Do sự hoành hành của nạn tham nhũng ở nhiều quốc gia, nạn buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí trên toàn cầu, cùng với đó là các tổ chức khủng bố quốc tế với khả năng tài chính và nhu cầu cung cấp tiền cho mạng lưới khủng bố, đã khiến tội phạm rửa tiền ngày càng nhiều. Tội phạm rửa tiền đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế gây hậu quả nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và uy tín quốc tế của quốc gia.

Hiện nay, hoạt động rửa tiền đang ngày càng tinh vi hơn khi hầu hết các quốc gia đã hình sự hóa hành vi “rửa tiền”.

Hiện nay, các cơ quan phòng chống rửa tiền (PCRT) quốc tế phân các quốc gia thành 3 nhóm: Các quốc gia có rủi ro về PCRT và gây bất ổn cho hệ thống tài chính; Các quốc gia có sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền hoặc thực hiện đúng kế hoạch đã cam kết; Và các nước có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền nhưng có các cam kết cấp Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hành động, phải chịu sự giám sát liên tục của các cơ quan về PCRT.

Mỹ là quốc gia có hệ thống luật pháp về phòng, chống rửa tiền toàn diện và nghiêm khắc nhất trên thế giới. Rất nhiều ngân hàng lớn của châu Âu đang hoạt động tại Mỹ đã phải nhận những án phạt nặng do không tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia này. Chỉ riêng năm 2012, hai ngân hàng của Anh là HSBC và Standard Chartered Plc đã bị cơ quan chức năng kiểm tra. Trong đó, HSBC đã chuẩn bị sẵn 700 triệu USD để chi trả cho án phạt của Thượng viện Mỹ, còn Standard Chartered Plc đã chấp thuận nộp phạt 340 triệu USD cho cơ quan giám sát ngành ngân hàng bang New York. Tháng 8/2011, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã phạt JPMorgan Chase 88,3 triệu USD cho những vi phạm bị xem là “quá nặng” đối với lệnh cấm vận của Chính phủ. Bên cạnh việc phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ, uy tín của các ngân hàng này bị suy giảm nghiêm trọng khiến cho giá chứng khoán của các ngân hàng này giảm mạnh.

Năm 2013, Hệ thống thanh toán điện tử chuyển tiền tại Mỹ, Liberty Reserve, đã phải đóng cửa ngay lập tức sau cáo buộc rửa tiền với giá trị lên tới 6 tỷ USD. Cơ quan có thẩm quyền tại New York cho biết, Liberty Reserve chưa từng đăng ký hoạt động kinh doanh chuyển tiền với Bộ Tài chính Mỹ mặc dù họ có hơn 1 triệu khách hàng trên toàn cầu. Mỗi năm website này thực hiện khoảng 12 triệu giao dịch tài chính. Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Liberty Reserve là tổ chức rửa tiền, theo đó ngân hàng quốc tế nào giao dịch với Liberty Reserve cũng có thể bị cấm giao dịch với các ngân hàng Mỹ.

Tại Mỹ, Luật Bí mật ngân hàng (BSA) năm1970 và Luật Sửa đổi, bổ sung BSA là văn bản pháp lý quan trọng trong việc tạo điều kiện điều tra tội phạm rửa tiền bằng việc yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ những chứng từ liên quan đến giao dịch có trị giá tới 10.000 USD. Luật pháp về phòng chống rửa tiền tại Mỹ luôn được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền. Nhân viên làm trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ không tuân thủ theo các quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền có thể bị phạt dân sự hoặc hình sự.

Tại Anh, những quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền bao gồm: Luật Chống buôn bán ma túy năm 1986; Luật Phòng, chống khủng bố năm 1987; Luật Hình sự (Hợp tác quốc tế- năm 1990) và Luật Hình sự năm 1993.

Năm 1990, Ngân hàng Trung ương Anh phối hợp với các ngân hàng thương mại, các đơn vị tình báo tài chính, hải quan và cảnh sát đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn các ngân hàng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trong đó tập trung chủ yếu vào việc yêu cầu ngân hàng phải báo cáo cho các cơ quan chức năng những hoạt động và giao dịch đáng ngờ. Các ngân hàng phải lưu giữ tất cả chứng từ giao dịch trong 6 năm để phục vụ điều tra.

Giống như Mỹ, việc không tuân thủ những quy định trong phòng, chống rửa tiền hay bảo mật thông tin khách hàng đều sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, tổ chức môi giới đều phải thực hiện những hướng dẫn này.

Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định ba tội phạm liên quan đến rửa tiền, đó là: tội hợp pháp hoá (rửa tiền) tiền và tài sản khác do người khác có được một cách bất hợp pháp (Điều 174); tội hợp pháp hoá (tẩy rửa) tiền hoặc tài sản khác do mình phạm tội mà có (Điều 174.1); tội sở hữu hoặc tiêu thụ tài sản biết rõ là do phạm tội mà có (Điều 175). Luật về phòng, chống rửa tiền của Nhật Bản năm 1991 quy định hai tội phạm liên quan đến rửa tiền; đó là: tội che giấu những khoản bất lợi chính (Điều 9) và tội chấp nhận những khoản lợi bất chính (Điều 10). Bộ luật của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định bốn tội phạm liên quan đến rửa tiền; đó là: tội về giao dịch tài chính (Điều 1956 (a)(1)); tội vận chuyển quốc tế (Điều 1956 (a)(2)); tội về tiền tệ (Điều 1957 (a)) và tội phạm được quy định tại Điều 1956(a)(2) và 1956(a)(3).

Liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi lớn nhất đó là chủ thể của tội phạm rửa tiền có hay không bao hàm người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Tội phạm nguồn của tội rửa tiền là tội phạm chính tạo ra thu nhập mà khi được rửa sẽ dẫn đến tội rửa tiền. Công ước Viên năm 1988, là Công ước đầu tiên có các quy định về đấu tranh chống rửa tiền ở cấp độ quốc tế. Theo nội dung Công ước này, không có quy định nào xác định chủ thể của tội phạm rửa tiền bao gồm cả người phạm tội nguồn. Nhưng tại mục I, điểm b khoản 1 Điều 3 Công ước Viên, quy định:“Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định tại điểm (a) của khoản này hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội đó với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ người nào có dính líu vào hành vi phạm tội như vậy trốn tránh trách nhiệm hình sự của hành vi đó;”. Mục đích là yếu tố bắt buộc, tức là hành vi rửa tiền phải xuất phát từ một trong hai trường hợp sau:

+Trường hợp thứ nhất: Nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản;

+Trường hợp thứ hai: Nhằm “giúp đỡ” người phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Công ước Viên chỉ quy định về các tội phạm nguồn của tội buôn bán bất hợp pháp ma túy,vì vậy, những hành vi phạm tội không liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma túy như lừa đảo, bắt cóc và trộm cắp thì không cấu thành tội rửa tiền theo Công ước Viên. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã hình thành quan điểm rằng các tội phạm nguồn của tội rửa tiền cần phải được mở rộng, chứ không phải chỉ bó hẹp trong hành vi buôn bán bất hợp pháp ma túy. Vì vậy, FATF và các tổ chức quốc tế khác đã mở rộng định nghĩa của Công ước Viên về tội phạm nguồn để bổ sung cả những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Ví dụ, Công ước Palécmô yêu cầu tất cả các nước thành viên phải áp dụng “giới hạn rộng nhất các tội phạm nguồn” tội rửa tiền của Công ước này.

Dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm tương đối đặc biệt. Với tư cách là một tội phạm phái sinh, rửa tiền có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Có thể nói không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, thường xuất hiện trường hợp các đối tượng, sau khi kết thúc hành vi phạm tội nguồn, thu được những lợi ích vật chất nhất định, thì cũng đồng thời tích cực và chủ động thực hiện hành vi “làm sạch” những khoản tiền, tài sản mà chính mình chiếm đoạt được, tức là hành vi “tự rửa tiền” (self-laundering). Vậy hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn, có được xem xét, xử lí về tội rửa tiền hay không? Câu hỏi này, thực tế các Công ước quốc tế cũng như pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng còn những quan điểm khác nhau.

Các nhà luật học trong trường hợp này cho rằng, hành vi bị trừng phạt trong cấu thành tội phạm nguồn đã bao gồm các hành vi kèm theo như hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc tài sản chiếm đoạt được sau khi phạm tội, và hình phạt áp dụng cho tội phạm nguồn đã bao trùm toàn bộ hành vi trái pháp luật hình sự của người phạm tội. Hơn nữa, hành vi tự rửa tiền không xâm hại một cách độc lập hay gây thêm thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đồng thời những quan hệ xã hội này đã được bảo vệ hợp lý bằng cách trừng phạt hành vi phạm tội nguồn. Trường phái thứ hai mà đại diện là các nước như Hoa Kì, Vương quốc Anh, Nhật Bản,… giữ quan điểm truy tố hành vi tự rửa tiền; tức là trong quy định của pháp luật hình sự ở các quốc gia theo trường phái này, tội phạm rửa tiền có thể được truy tố đồng thời với tội phạm nguồn, mặc dù chỉ do một người thực hiện. Ví dụ, tội rửa tiền được quy định trong Luật Phòng chống ma túy và Luật trừng trị tội phạm có tổ chức của Nhật Bản, cho phép trừng phạt hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn khi đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc phạm tội của tài sản mà chính mình chiếm đoạt được.

Sự không thống nhất trong pháp luật hình sự về vấn đề tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền đã thể hiện rõ sự khác biệt trong lí luận về cấu thành tội phạm và các nguyên tắc khoa học luật hình sự của mỗi quốc gia. Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), trong các khuyến nghị của mình cho phép các quốc gia có thể quy định tội rửa tiền không áp dụng đối với những người đã thực hiện tội phạm nguồn với điều kiện đó là nguyên tắc luật pháp cơ bản của mỗi nước. Tuy nhiên, nếu không có một nguyên tắc cơ bản nào trong nội luật quốc gia chống lại việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền, thì FATF sẽ xem xét việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền như một tiêu chí đánh giá sự tuân thủ các khuyến nghị của FATF.

Thành Chung (tổng hợp) – Theo Phaply.vn