Tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng tại Nhật bản

Nhật Bản được xếp hạng là một trong những quốc gia có tình trạng tham nhũng ít nhất thế giới. Các doanh nghiệp ở đây ít đối mặt với nguy cơ tham nhũng.

I. Tổng quan về tham nhũng ở Nhật Bản[1]

Nhật Bản là một quốc gia dân chủ gắn liền với tự do về kinh tế, có nền kinh tế phát triển đứng thứ ba trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp thị trường tài chính với một hệ thống các quy tắc linh hoạt để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo điều kiện thiết lập hoạt động kinh doanh. Nhật Bản được xếp hạng là một trong những quốc gia có tình trạng tham nhũng ít nhất thế giới. Các doanh nghiệp ở đây ít đối mặt với nguy cơ tham nhũng. Tuy nhiên, ở Nhật có một truyền thống về bổ nhiệm nhân viên chính phủ đã nghỉ hưu vào những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp mà họ đã từng quản lý dẫn đến nhiều tranh luận liên quan đến tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, hối lộ. Thực tế này thường xảy ra trong các lĩnh vực như tài chính, xây dựng, giao thông và công nghệ dược phẩm.

Nguy cơ tham nhũng trong hệ thống tư pháp của Nhật Bản rất thấp. Tư pháp độc lập được tôn trọng và bảo đảm thực hiện trong thực tế, Tòa án xét xử công bằng, Nhà nước pháp quyền được thiết lập. Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2015 – 2016 (the Global Competititiveness Report 2015 – 2016) thì các khoản chi trả không chính thức để có được phán quyết thuận lợi của Tòa án rất hiếm xảy ra ở đất nước này. Các doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp.

Ở Nhật, không có trường hợp tham nhũng nào trong lực lượng Cảnh sát được báo cáo. Chính phủ có cơ chế hữu hiệu để điều tra và trừng phạt các hành vi lạm dụng, tham nhũng, giảm thiểu tình trạng miễn trừng phạt đối với Cảnh sát. Các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng lực lượng Cảnh sát là đáng tin cậy trong việc bảo vệ các doanh nghiệp trước tình hình tội phạm.[2]

Trong lĩnh vực dịch vụ công, nguy cơ tham nhũng và hối lộ khi các doanh nghiệp xin cấp phép và sử dụng các dịch vụ công khác cũng rất thấp. Cũng theo báo cáo về cạnh tranh toàn cầu năm 2015 – 2016 thì Nhật Bản được xếp hạng trong các quốc gia mà các khoản chi không chính thức, hối lộ liên quan đến dịch vụ công thấp nhất thế giới[3]. Thiết lập một doanh nghiệp ở Nhật Bản có thể nhiều hơn so với các nước phát triển khác cả về khía cạnh thủ tục và chi phí. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tham khảo thông tin về thiết lập một doanh nghiệp ở Nhật Bản trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.

Quyền tài sản ở Nhật Bản được xếp hạng trong các quốc gia tốt nhất thế giới. Việc đăng ký một tài sản trung bình mất thời gian là 13 ngày, trong khi việc giải quyết cấp phép xây dựng dài hơn một chút so với các nước phát triển nhưng ít chi phí hơn. Lĩnh vực quản lý thuế cũng rất ít nguy cơ tham nhũng. Các khoản chi phí không chính thức, hối lộ khi thanh toán thuế hiếm xảy ra. Trung bình, các doanh nghiệp mất khoảng 330 giờ/01 năm để chuẩn bị, đăng ký và thanh toán thuế. Trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguy cơ tham nhũng cũng rất thấp. Việc quản lý biên giới minh bạch và hiệu quả; hàng rào thuế quan, phi thuế quan và các thủ tục nhập khẩu là vấn đề phức tạp nhất trong nhập khẩu hàng hóa ở Nhật Bản.

II. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Nhật Bản

1. Về thể chế chống tham nhũng

Những đạo luật chủ yếu về chống tham nhũng ở Nhật gồm Bộ luật hình sự và Luật về chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhật Bản được đánh giá là quốc gia  có khung pháp lý mạnh mẽ và được thực thi hiệu quả. Bộ luật hình sự áp dụng đối với các tội phạm thuộc lĩnh vực công và nghiêm cấm việc hối lộ chủ động hoặc thụ động các công chức, bao gồm các khoản thanh toán thuận lợi. Đạo luật về phòng chống cạnh tranh không lành mạnh đã tội phạm hóa hành vi hối lộ công chức và doanh nghiệp nước ngoài cũng như những cá nhân có trách nhiệm. Nhật Bản không có luật về hối lộ trong khu vực tư nhưng pháp luật đặc biệt được áp dụng khi doanh nghiệp tư nhân có mối liên hệ chặt chẽ với lợi ích công. Luật doanh nghiệp áp dụng đối với khu vực tư và quy định hình phạt đối với hành vi hối lộ chủ động hoặc thụ động của giám đốc hoặc người có vị trí tương tự của các công ty chứng khoán. Đạo luật về đạo đức chỉ áp dụng đối với cá nhân, có giá trị tham khảo về quà tặng và yêu cầu các công chức trung, cao cấp phải báo cáo về những quà tặng có giá trị vượt quá 5000 yên Nhật. Hình phạt cao nhất là 5 năm tù hoặc phạt tiền 300 ngàn yên và có thể lên đến 20 năm đối với công chức đòi hối lộ. Luật về xóa bỏ và phòng ngừa đấu thầu gian lận xác định tham nhũng trong mua sắm công. Nhật Bản là thành viên của Công ước chống hối lộ của các nước phát triển và đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2. Về thiết chế chống tham nhũng

Nhật Bản không có cơ quan độc lập chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số cơ quan trong phạm vi thẩm quyền của mình đã tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng. Chẳng hạn, Ủy ban thương mại công bằng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Cơ quan quản lý thuế quốc gia.

Nhật Bản không có cơ quan thanh tra quốc gia. Tuy nhiên, một số thành phố có cơ quan thanh tra. Chính phủ Nhật Bản không tổ chức cơ quan thanh tra cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

3. Vai trò của Cơ quan công tố Nhật Bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, Viện công tố là tổ chức của Công tố viên để thực thi nhiệm vụ.[4] Viện công tố Nhật Bản có các nhiệm vụ sau:

– Điều tra các vụ án hình sự. Công tố viên có quyền điều tra bất kỳ vụ án nào khi thấy cần thiết.

– Truy tố bị can ra Tòa bằng bản cáo trạng, yêu cầu Tòa án áp dụng pháp luật khách quan và đúng đắn;

– Giám sát việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án;

– Đại diện cho lợi ích công (bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của những cá nhân, nhóm cá nhân có nhược điểm về thể chất, tâm thần) theo quy định của pháp luật trong các lĩnh vực tố tụng khác, chẳng hạn tố tụng dân sự.[5]

Như vậy, nhiệm vụ chính của Cơ quan công tố là giám sát các hoạt động do các Công tố viên thực hiện. Các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya có Cơ quan điều tra đặc biệt trong tổ chức của Viện công tố. Trong các cơ quan này có các Công tố viên được đào tạo và có kinh nghiệm nghề nghiệp để thực hiện nhiệm vụ điều tra. Mặc dù Viện công tố Nhật Bản không có nhiệm vụ đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng thực tiễn cho thấy các Cơ quan điều tra đặc biệt ở Tokyo và Osaka đã điều tra nhiều vụ án, trong đó có các vụ án liên quan đến hối lộ và gian lận thuế./.

Theo http://www.vksndtc.gov.vn

.


[1]Thông tin được tham khảo trên trang thông tin điện tử http://www.business-anti-corruption.com/country-profiles/east-asia-the-pacific/japan/show-all.aspx

[2] The Global Competititiveness Report 2015-2016

[3] The Global Competititiveness Report 2015-2016

[4] Điều 1 Luật Viện công tố Nhật Bản năm 2012

[5] Xem Điều 4, Điều 6 Luật Viện công tố Nhật Bản năm 2012

ThS. LẠI THỊ THU HÀ ( Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSNDTC)