Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước. Bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp là nhu cầu thiết yếu của mọi quốc gia. Trên thế giới có nhiều mô hình bảo hiến khác nhau và thành lập Tòa án Hiến pháp là một trong ba mô hình điển hình tồn tại cho đến ngày nay. Đây là mô hình giám sát Hiến pháp tập trung, xuất hiện đầu tiên ở Áo vào năm 1920 và được nhiều quốc gia Châu Âu áp dụng, trong đó có Liên bang Nga.

Tại Liên bang Nga, dưới thời Xô Viết, năm 1989, Liên bang Xô Viết đã thành lập Ủy ban Kiểm sát Hiến pháp Liên Xô. Ngày 12/6/1991, thông qua Luật của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga “Về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga” và đến ngày 30/10/1991, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga được thành lập. Sau khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin ký sắc lệnh số 1400 về việc “từng bước cải cách Hiến pháp” vào ngày 21/9/1993, giải tán Xô Viết tối cao và Đại hội đại biểu nhân dân, Tòa án Hiến pháp Nga đã ra phán quyết Tổng thống vi hiến và công nhận đó là cơ sở để có thể bãi nhiệm Tổng thống. Tháng 10/1993, Tổng thống Yeltsin cho tạm ngừng hoạt động của Tòa án Hiến pháp. Ngày 12/12/1993, Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua và ngày 21/7/1994, thông qua Luật Hiến pháp Liên bang “Về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga”. Theo đó, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga là một cơ quan tư pháp giám sát Hiến pháp, tự mình và độc lập thực hiện quyền tư pháp thông qua tố tụng hiến pháp.

1. Vị trí, vai trò và thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga

Có nhiều quan điểm khác nhau về vị trí và vai trò của Tòa án Hiến pháp trong bộ máy nhà nước. Có quan điểm cho rằng, Tòa án Hiến pháp cũng là một Tòa án có chức năng tư pháp trong hệ thống tư pháp của các quốc gia. Do đó, không nên tách Tòa án Hiến pháp ra khỏi nhánh quyền lực tư pháp, vì hoạt động của Tòa án Hiến pháp cũng tuân theo trình tự, thủ tục tương tự như Tòa án có thẩm quyền chung. Một số người có quan điểm khác lại cho rằng, Tòa án Hiến pháp là một thiết chế bảo hiến, vì vậy, cần sự độc lập, không nên phụ thuộc vào bất cứ nhánh quyền lực nào trong các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp[1].

Có thể thấy, ở mỗi quốc gia, Tòa án Hiến pháp lại giữ một vị trí tương đối khác nhau trong bộ máy nhà nước. Ở Áo, Tòa án Hiến pháp là sản phẩm pháp lý được phái sinh trên cơ sở của bản Hiến pháp năm 1920. Nó được xây dựng trên nền tảng của học thuyết về mô hình giám sát tư pháp Hiến pháp của Hans Kelsen. Tòa án Hiến pháp Áo được quy định là một cơ quan chuyên trách có cơ cấu tổ chức và hoạt động hoàn toàn độc lập và được đánh giá như là một “nhánh quyền lực thứ tư” trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước Cộng hòa Áo.

Tại Liên bang Nga, Tòa án Hiến pháp là một cơ quan nằm trong hệ thống tư pháp. Luật về hệ thống Tòa án của Nga quy định Tòa án Hiến pháp nằm trong hệ thống Tòa án cấp liên bang. Do đặc thù của nhà nước liên bang, nên ở mỗi bang của Nga đều thành lập các Tòa án Hiến pháp với mô hình tương tự như của nhà nước liên bang.

Với mục đích bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, quyền cơ bản của con người và công dân, bảo đảm tính tối cao và hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga, Tòa án Hiến pháp có các thẩm quyền sau:

(1) Xem xét tính hợp hiến của các luật Liên bang, văn bản pháp quy của Tổng thống Nga, Hội đồng Liên bang, Duma Quốc gia, Chính phủ Nga; Hiến pháp các nước cộng hòa, Điều lệ của các chủ thể cấu thành Liên bang (sau đây gọi chung là các bang), luật và những văn bản quy phạm pháp luật khác của các bang; thỏa thuận giữa các cơ quan nhà nước Liên bang với các bang và thỏa thuận giữa các bang với nhau; các điều ước quốc tế của Nga mà chưa có hiệu lực.

(2) Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền: giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang, giữa cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang và các cơ quan của bang; giữa các cơ quan nhà nước cao nhất của các bang.

(3) Xem xét tính hợp hiến của luật được áp dụng trong một vụ việc cụ thể: Khi có khiếu nại về vi phạm quyền hiến định và quyền tự do của công dân hoặc theo yêu cầu của Tòa án.

(4) Giải quyết vấn đề về khả năng thực thi quyết định của cơ quan quốc tế về bảo vệ quyền và tự do của con người theo yêu cầu của cơ quan hành pháp liên bang được trao thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ lợi ích của Liên bang Nga khi xem xét tại các cơ quan quốc tế về bảo vệ quyền và tự do của con người các khiếu nại chống lại Liên bang Nga trên cơ sở một hiệp ước quốc tế.

(5) Giải thích Hiến pháp Liên bang;

(6) Đưa ra kết luận về việc tuân thủ quy trình buộc tội Tổng thống Liên bang Nga về tội phản quốc hoặc phạm một tội phạm nghiêm trọng khác;

(7) Kiểm tra việc tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga của vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý;

(8) Đưa ra các sáng kiến lập pháp về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình;

(9) Thực hiện những quyền hạn khác do Hiến pháp, hoặc những bộ luật khác quy định.
Nhằm phát huy tối đa vai trò của một cơ quan bảo hiến, Tòa án Hiến pháp phải được tổ chức một cách chặt chẽ cùng các Thẩm phán uy tín, được tuyển chọn và bổ nhiệm theo một quy trình đặc biệt.

2. Cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga

2.1. Cơ cấu tổ chức

Ở nhiều quốc gia (Tây Ban Nha, Đức, Séc…), Tòa án Hiến pháp có cơ cấu tổ chức phức tạp với nhiều bộ phận, cơ quan giúp việc và tồn tại đồng thời cả hai hình thức “phiên họp toàn thể” và các phiên của hai phòng hoặc hai viện – là những bộ phận tổ chức thường trực của Tòa án Hiến pháp.

Ví dụ như ở Đức, Tòa án Hiến pháp gồm hai Tòa con (Senat) tồn tại song song. Mỗi tòa con có cơ cấu tổ chức và nhân sự độc lập, có thẩm quyền tài phán riêng biệt. Tòa con thứ nhất xem xét tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật của Liên bang hoặc tiểu bang cũng như giải quyết các khiếu nại Hiến pháp. Tòa con thứ hai tập trung giải quyết những tranh chấp phát sinh trong mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực như Quốc hội với Chính phủ, hay giữa các cấp quyền lực như giữa liên bang với tiểu bang và các tranh chấp khác theo quy định của luật công. Hệ thống tòa sinh đôi này của Đức có ưu điểm là mỗi tòa con phụ trách một nhóm việc khác nhau nên tiến độ xét xử được đẩy nhanh đồng thời đảm bảo được tính chuyên môn và tính độc lập.

Ở Nga, Tòa án Hiến pháp bao gồm 19 Thẩm phán, trong đó có 01 Chánh án và 02 Phó Chánh án. Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền thực hiện các hoạt động của mình với sự hiện diện của ít nhất hai phần ba tổng số Thẩm phán.

Trước khi được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hiến pháp Liên bang số 7 ngày 03/11/2010 thì Tòa án Hiến pháp Nga gồm hai viện, một viện gồm 10 Thẩm phán và một viện 09 Thẩm phán. Tất cả các Thẩm phán tham gia vào phiên họp toàn thể và các Thẩm phán là thành viên của viện sẽ tham gia các phiên họp của viện tương ứng. Chánh án và các Phó Chánh án của Tòa án Hiến pháp không thể là thành viên của cùng một viện. Tòa án Hiến pháp xem xét và giải quyết các vụ việc trong các phiên họp toàn thể và các phiên họp của các viện. Phiên họp toàn thể của Tòa án Hiến pháp xem xét, giải quyết những vấn đề quan trọng như: giải thích Hiến pháp Liên bang; xem xét tính hợp hiến của Hiến pháp các nước cộng hòa, Điều lệ của các bang; đưa ra kết luận về việc tuân thủ quy trình buộc tội Tổng thống Liên bang Nga về tội phản quốc hoặc phạm một tội phạm nghiêm trọng khác.

Hiện nay, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga xem xét và giải quyết các vụ việc tại các phiên họp toàn thể bằng việc tổ chức xét xử và trong một số trường hợp, không tổ chức xét xử[2].
2.2. Nguyên tắc hoạt động của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga

Trao quyền phán xét về tính hợp hiến của các văn bản pháp luật cũng như các quyền giám sát tư pháp khác cho Thẩm phán Tòa án Hiến pháp có thể dẫn đến nguy cơ về một khả năng “lấn sân” của Tòa án Hiến pháp sang lĩnh vực lập pháp và hành pháp? Để đảm bảo điều đó không xảy ra, pháp luật các nước quy định Tòa án Hiến pháp chỉ xem xét vụ việc khi có đơn đề nghị và xét xử trong phạm vi đề nghị của chủ thể có thẩm quyền.

Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga kết hợp giữa mô hình bảo hiến trừu tượng với mô hình bảo hiến cụ thể. Có nghĩa là, việc xem xét các hành vi vi hiến có thể không cần xuất phát từ một vụ tranh chấp cụ thể nào hoặc xuất phát từ một vụ việc cụ thể theo đề nghị của các bên hoặc theo đề nghị của Tòa án đang xem xét vụ việc đó với yêu cầu xem xét tính hợp hiến của các đạo luật áp dụng cho vụ việc cụ thể đó.

Theo quy định tại Điều 36 Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga, lý do xem xét vụ việc tại Tòa án Hiến pháp là Tòa án Hiến pháp nhận được đề nghị dưới hình thức yêu cầu, kiến nghị hoặc khiếu nại đáp ứng các yêu cầu của Luật về Tòa án Hiến pháp. Cơ sở để Tòa án Hiến pháp xem xét vụ việc là sự không chắc chắn trong vấn đề liệu Luật liên bang, các văn bản quy phạm pháp luật khác có hợp hiến hay không; mâu thuẫn trong quan điểm của các bên về thẩm quyền trong tranh chấp về thẩm quyền; sự không rõ ràng trong việc hiểu các quy định của Hiến pháp Liên bang Nga hoặc cáo buộc của Duma Quốc gia về tội phản quốc của Tổng thống hoặc một tội phạm nghiêm trọng khác.

Việc xem xét tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các điều ước quốc tế chưa có hiệu lực tại Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga được thực hiện theo yêu cầu của: Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Duma Quốc gia, 1/5 thành viên (đại biểu) Hội đồng Liên bang hoặc Duma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, Tòa án tối cao Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp và hành pháp của các bang[3]

Đơn đề nghị được gửi tới Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga bắt buộc phải được thụ lý và nghiên cứu sơ bộ đơn đề nghị là một giai đoạn tố tụng bắt buộc tại Tòa án Hiến pháp. Hằng năm, số lượng đơn đề nghị gửi đến Tòa án Hiến pháp là rất lớn. Tuy vậy, trong đa số các đơn đề nghị không có vấn đề Hiến pháp thực sự nào được đặt ra, vì vậy việc nghiên cứu sơ bộ đơn đề nghị giúp lọc ra những vụ việc cần phải được xem xét và ra phán quyết cuối cùng. Theo thống kê của Ban Thư ký Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đăng trên báo Nga – Российская Газета, năm 2009 Tòa án Hiến pháp nhận được hơn 20.000 đơn đề nghị, năm 2011 là hơn 19.000 đơn, năm 2017 là 14.628 đơn[5]. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong đa số các đơn đề nghị không có vấn đề Hiến pháp thực sự nào được đặt ra, vì vậy Tòa án Hiến pháp thường ban hành Quyết định về việc không tiếp tục xem xét đơn đề nghị. Thực tế, năm 2017, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga chỉ thông qua 40 quyết định cuối cùng, năm 2018 – 47 quyết định và trong năm 2019 – 41 quyết định[5].

3. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga

3.1. Điều kiện, quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Hiến pháp

Thẩm phán là linh hồn của bất kỳ Tòa án nào, vì họ là người quyết định trực tiếp đến việc Tòa án có hoạt động hiệu quả hay không. Vì vậy, pháp luật các nước quy định rất chặt chẽ và cụ thể với nhiều điều kiện để một cá nhân có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp. Ở Nga, người có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Hiến pháp phải là công dân Liên bang Nga, không dưới 40 tuổi, có uy tín cao, có trình độ học vấn pháp lý cao và có ít nhất mười lăm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga.

Mỗi Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga được bổ nhiệm riêng bằng cách bỏ phiếu kín. Khi được bổ nhiệm, Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp phải tuyên thệ với nội dung sau: “Tôi thề sẽ thực hiện một cách trung thực và tận tâm các nhiệm vụ của một Thẩm phán Tòa án Hiến pháp, trong khi chỉ tuân theo Hiến pháp Liên bang Nga, không ai hay điều gì khác”[6].

3.2. Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án Hiến pháp

Thông thường, pháp luật của các nước có Tòa án Hiến pháp đều quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán (Pháp quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán là 09 năm, Đức quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán là 12 năm, Thái Lan quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán là 09 năm) và số nhiệm kỳ tối đa mà một Thẩm phán có thể được bổ nhiệm. Hiến pháp Áo quy định: các Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp khi được bổ nhiệm sẽ làm việc đến hết ngày 31/12 năm họ tròn 70 tuổi, làm việc độc lập và không thể bị cách chức, trừ trường hợp đặc biệt.

Ở Nga, quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án Hiến pháp nhiều lần được thay đổi. Luật về Tòa án Hiến pháp năm 1994 ban đầu quy định nhiệm kỳ 12 năm với độ tuổi giới hạn là 70. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, từ năm 2005 tới nay Luật quy định thẩm quyền của Thẩm phán không bị giới hạn bởi nhiệm kì, độ tuổi giới hạn của Thẩm phán Tòa án Hiến pháp là 70 tuổi. Thẩm quyền của Thẩm phán kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng mà Thẩm phán tròn 70 tuổi. Thẩm phán đã đạt đến độ tuổi giới hạn sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi có phán quyết cuối cùng về vụ việc mà Thẩm phán tham gia. Chánh án Tòa án Hiến pháp không bị giới hạn về độ tuổi tối đa, độ tuổi giới hạn của Phó Chánh án là 76 tuổi. Nhiệm kỳ của Chánh án và Phó Chánh án là 06 năm, sau khi hết nhiệm kỳ có thể được tái bổ nhiệm[7].

3.3. Điều kiện về tính bất khả kiêm nhiệm của Thẩm phán
Để đảm bảo tính độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp, pháp luật của các nước có Tòa án Hiến pháp như Áo, Italia, Hàn Quốc, Thái Lan,… đều quy định tính bất khả kiêm nhiệm của Thẩm phán Tòa án Hiến pháp.

Ở Nga, Thẩm phán Tòa án Hiến pháp không thể là thành viên của Hội đồng Liên bang, Đại biểu của Duma Quốc gia, các cơ quan đại diện khác, giữ các chức vụ khác; không thể tham gia vào hoạt động kinh doanh, hoạt động được trả lương khác, ngoại trừ giảng dạy, khoa học và các hoạt động sáng tạo khác. Việc thực hiện các công việc đó không được cản trở việc hoàn thành nghĩa vụ của một Thẩm phán Tòa án Hiến pháp và không thể là lý do chính đáng cho sự vắng mặt tại cuộc họp, nếu không có sự đồng ý của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga.

Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga cũng không được tham gia vào các đảng phái và phong trào chính trị, hỗ trợ họ về tài chính,… Thẩm phán cũng không thể là thành viên ban lãnh đạo của bất kỳ hiệp hội nào, ngay cả khi họ không theo đuổi các mục tiêu chính trị.

Trên báo, các phương tiện thông tin đại chúng khác, Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp sẽ không được phép công khai bày tỏ ý kiến của mình về một vấn đề có thể trở thành chủ đề được xem xét tại Tòa án Hiến pháp, cũng như đang được nghiên cứu hoặc chấp nhận để xem xét bởi Tòa án Hiến pháp trước khi thông qua quyết định về vấn đề đó.

Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga cũng nhấn mạnh rằng, những quy định trên không thể được coi là hạn chế quyền của Thẩm phán Tòa án Hiến pháp tự do thể hiện ý chí của mình như một công dân và cử tri bằng cách bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý.

4. Hiệu lực pháp lý của quyết định của Tòa án Hiến pháp

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có giá trị chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc. Quyết định của Tòa án Hiến pháp có hiệu lực trực tiếp và không cần sự xác nhận của bất cứ cơ quan và cá nhân nào. Đây là quyết định cuối cùng và không bị kháng cáo. Quyết định được thông qua sau khi xét xử sẽ có hiệu lực ngay sau khi tuyên bố. Quyết định được thông qua mà không qua xét xử sẽ có hiệu lực kể từ ngày được công bố theo quy định. Các quyết định khác của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga sẽ có hiệu lực vào ngày thông qua.

Văn bản quy phạm pháp luật hoặc các điều khoản của chúng bị công nhận là vi hiến sẽ bị mất hiệu lực; các điều ước quốc tế của Liên bang Nga chưa có hiệu lực mà bị công nhận là không tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga sẽ không có hiệu lực và không được áp dụng. Các quyết định của Tòa án và các cơ quan khác dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các điều khoản của chúng bị công nhận là vi hiến sẽ không có hiệu lực thi hành và phải được xem xét lại theo trình tự luật định. Trước khi thông qua đạo luật mới, Hiến pháp Liên bang Nga được áp dụng trực tiếp[8].

Là một cơ quan được thành lập theo quy định của Hiến pháp, với vị trí là một cơ quan chuyên trách, hoạt động trên nguyên tắc công khai, độc lập, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga có nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga. Thông qua nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của mình, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã thể hiện được vai trò giữ thế ổn định và cân bằng quyền lực trong toàn hệ thống chính trị; đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp và tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật và trong hoạt động của các cơ quan nhà nước./.

1. Nguyễn Hoàng Anh. (Năm 2013). Mô hình Tòa án Hiến pháp của một số nước trên thế giới và vấn đề xây dựng Tòa án Hiến pháp ở Việt Nam (Luận văn Thạc sĩ, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội).
2. Điều 20 Luật Hiến pháp Liên bang về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga.
3. Điều 84 Luật Hiến pháp Liên bang về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga.
4. Xem tại: https://rg.ru/2018/03/12/ks-v-2017-godu-vynes-rekordnoe-chislo-opredelenijpostanovlenij.html?fbclid=IwAR1EU_jCUzxoupVTsUaMe8RUBn7oFBMEqbJ_5c5WKosWOy_VAzwXxooAfpk, truy cập ngày 02/12/2019
5. Xem tại; http://ksrf.ru/ru/Decision/Pages/default.aspx, truy cập ngày 02/12/2019.
6. Điều 10 Luật Hiến pháp Liên bang về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga.
7. Điều 12 Luật Hiến pháp Liên bang về Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga.
8. Điều 79 Luật Hiến pháp Liên bang về Tòa án Hiến pháp Liên bang Ng
a.

ThS. CHÍ THỊ NHUNG (Vụ Giám đốc kiểm tra II - TANDTC)