Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong phần quyết định của bản án sơ thẩm

Việc tiếp tục duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong những giai đoạn tố tụng trước đó liệu có được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm hay không? Trong trường hợp nội dung phần quyết định của Bản án sơ thẩm có ghi nhận việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì nội dung này có phải là đối tượng của thủ tục kháng cáo hay không?

Điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) quy định:Bản án gồm có phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định và phần quyết định của Tòa án, cụ thể như sau: […] c) Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó”.

Mặt khác, khoản 1 Điều 139 BLTTDS năm 2015 quy định: Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay và  theo Điều 140 BLTTDS năm 2015 thì Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời […]”

Từ các quy định trên, thực tiễn xét xử còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong việc ghi nhận nội dung áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm.

Bài viết này sẽ giải quyết các vấn đề như sau: (i) Bản án sơ thẩm có được ghi nhận nội dung tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời trước đó đã được Thẩm phán ban hành bằng một Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? (ii) Nếu Bản án sơ thẩm có ghi nhận nội dung liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì đương sự có quyền kháng cáo hay không?

1.Thực tiễn xét xử

Vụ án thứ nhất[1]: Ngày 24-01-2018, Công ty H khởi kiện yêu cầu buộc Công ty B trả số tiền gốc 1.920.512.821 đồng và yêu cầu tính lãi 08%/năm với số tiền 195.892.306 đồng. Ngày 26-3-2018, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2018/QĐ-BPKCTT về việc phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ đối với Công ty B.

Ngày 02-7-2018, Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Bản án sơ thẩm “[…] Tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2018/QĐ-BPKCTT ngày 26-3-2018 […]”.

Bị đơn Công ty B có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm với nội dung […] không đồng ý việc Tòa án tuyên xử tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời […]. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Không chấp nhận kháng cáo của Công ty B và giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm […]. Tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số: 01/2018/QĐ-BPKC ngày 26-3-2018 […]”.

Có thể thấy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm trong trường hợp này đều cho rằng việc ghi nhận nội dung tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm là cần thiết. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm đã xem xét kháng cáo về việc không đồng ý việc Tòa án tuyên xử tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ra quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Như vậy, dường như Tòa án cấp phúc thẩm trong trường hợp này cho rằng đương sự có quyền kháng cáo đối với phần nội dung của Bản án sơ thẩm liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

vụ án thứ hai[2], ngày 26-6-2018, chị Đ khởi kiện yêu cầu được ly hôn với anh H. Hai bên có tranh chấp về con chung và tài sản chung. Ngày 18-10-2018, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 105/2018/QĐ-BPKCTT phong tỏa tài sản là phần đất do chị Đ đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên đất có căn nhà của chị Đ.  Ngày 21-11-2018, Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Bản án sơ thẩm quyết định: “[…] Tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số: 105/2018/QĐ-BPKCTT ngày 18-10-2018 […] đến khi Tòa án có quyết định thay đổi, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.

Nguyên đơn chị Đ kháng cáo Bản án sơ thẩm, trong đó có yêu cầu Tòa án ra quyết định thu hồi Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 105/2018/QĐ-BPKCTT. Quyết định Tòa án cấp phúc thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của chị Trần Thị Đ và sửa một phần Bản án sơ thẩm số […]. Hủy phần 4 quyết định của bản án sơ thẩm về việc tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 105/2018/QĐ-BPKCTT ngày 18-10-2018 […]”.

Có thể thấy, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là vi phạm tố tụng. Hay nói cách khác, Tòa án cấp sơ thẩm không thể ghi nhận việc tiếp tục duy trì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm. Mặt khác, dường như theo Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng phần nội dung của Bản án sơ thẩm liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn có thể là đối tượng bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này.

2.Quan điểm khác nhau

Điểm c khoản 2 Điều 266 BLTTDS năm 2015 đã khẳng định nội dung về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những nội dung thuộc phần quyết định của Bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, nếu trước đó đã có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử có được quyết định tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời đó trong Bản án sơ thẩm hay không? Trong trường hợp việc tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời được ghi nhận trong Bản án sơ thẩm thì đương sự có được quyền kháng cáo đối với phần nội dung này hay không?

Liên quan đến vấn đề này, còn tồn tại các quan điểm trái chiều như sau:

Quan điểm thứ nhất: Không được ghi nhận việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm.

Theo quan điểm này, chỉ khi tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử sơ thẩm mới ghi nhận nội dung này trong Bản án sơ thẩm. Hay nói cách khác, việc tiếp tục duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong các giai đoạn tố tụng trước đó sẽ không được ghi nhận trong Bản án sơ thẩm. Bởi lẽ:

Thứ nhất, theo các quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” trong BLTTDS năm 2015, biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án áp dụng thông qua việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại mẫu số 17-DS và 18-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP cũng ghi nhận Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dành cho Thẩm phán (trước phiên tòa) và Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm (tại phiên tòa). Như vậy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được ban hành bằng một quyết định độc lập, không thể ghi nhận trong nội dung của Bản án sơ thẩm.

Thứ hai, quy định tại khoản 2 Điều 266 BLTTDS năm 2015 là về nội dung của Bản án sơ thẩm và ghi nhận các quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Do đó, Bản án sơ thẩm về nguyên tắc chỉ có thể ghi nhận việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, không thể ghi nhận lại việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trước phiên tòa (thuộc thẩm quyền của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án). Mặt khác, theo điểm b khoản 2 Điều 133, Điều 137 BLTTDS năm 2015, trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu áp dụng, thay đổi, bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa. Kết hợp với phân tích nêu trên, nội dung của Bản án sơ thẩm về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ có thể là về việc Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa.

Thứ ba, theo quy định của BLTTDS năm 2015, biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng chỉ hết hiệu lực thi hành nếu như bị Tòa án thay đổi (Điều 137 BLTTDS năm 2015) hoặc hủy bỏ (Điều 138 BLTTDS năm 2015). Do đó, nếu như tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử không áp dụng những căn cứ này thì biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng đương nhiên tiếp tục có hiệu lực thi hành. Nói cách khác, việc ghi nhận tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm là hoàn toàn không cần thiết.

Đây chính là hướng giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm trong Vụ án thứ hai. Cụ thể, trong Bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định: “[…] Tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời […] đến khi Tòa án có quyết định thay đổi, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Khi xét kháng cáo của nguyên đơn, Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.

Quan điểm thứ hai: Bản án sơ thẩm phải ghi nhận việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã có và đương sự có quyền kháng cáo đối với phần quyết định tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm.

Theo quan điểm này, việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những nội dung phải được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm và đương sự có quyền kháng cáo đối với phần nội dung này. Quan điểm này có thể được lý giải bởi những lý do sau:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 266 BLTTDS năm 2015 như đã đề cập đã khẳng định một trong những nội dung phải được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm là “về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Bên cạnh đó, Mục III.6 Công văn số 212/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 13-9-2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử quy định: “[…] việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện ở một quyết định của Tòa án hoặc ghi nhận trong bản án và được thực hiện theo trình tự, thủ tục riêng biệt […]”. Như vậy, theo BLTTDS năm 2015 và Công văn số 212/TANDTC-PC thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những nội dung mà Tòa án cấp sơ thẩm phải ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm, việc ghi nhận này bao gồm cả những biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được Tòa án áp dụng trước và tại phiên tòa sơ thẩm.

Thứ hai, việc ghi nhận này cũng phù hợp với quy định về thủ tục ra bản án và quyết định của Tòa án tại phiên tòa. Bởi lẽ, khoản 2 và khoản 3 Điều 235 BLTTDS năm 2015 quy định, chỉ có quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, hoãn phiên tòa, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tạm ngừng phiên tòa là Hội đồng xét xử phải ban hành bằng văn bản tại phiên tòa. Đối với những quyết định khác, Hội đồng xét xử không cần ban hành bằng văn bản mà chỉ cần ghi nhận trong biên bản phiên tòa. Như vậy, việc quyết định tiếp tục duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không được liệt kê trong số những quyết định phải ban hành bằng văn bản riêng. Do đó, Bản án sơ thẩm ghi nhận việc tiếp tục duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 271 BLTTDS năm 2015, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện chỉ có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Nói cách khác, Bản án sơ thẩm là đối tượng của thủ tục kháng cáo. Mặt khác, phần quyết định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lúc này là một bộ phận của Bản án sơ thẩm. Do đó, khi Tòa án đã tuyên “giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” hay “tiếp tục duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” trong phần quyết định của Bản sơ thẩm, nếu đương sự kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm thì đương nhiên phần nội dung liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm[3].

Thứ tư, khoản 2 Điều 482 BLTTDS năm 2015 quy định những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị bao gồm: i) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công; ii) Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Có thể thấy, việc kháng cáo Bản án sơ thẩm không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngoài ra, bên cạnh quyền hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm còn có thẩm quyền hủy một phần Bản án sơ thẩm để xét xử lại[4]. Do đó, trong trường hợp cần duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn chứng cứ hoặc đảm bảo thi hành án, Hội đồng xét xử phúc thẩm hoàn toàn có thể thực hiện thẩm quyền hủy một phần bản án mà không hủy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thứ năm, việc ghi nhận nội dung áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm và cho phép đương sự có quyền kháng cáo sẽ giúp Tòa án cấp phúc thẩm có thể khắc phục được những sai sót trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm trong trường hợp đương sự đã không khiếu nại theo thời hạn quy định của pháp luật, qua đó bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi hợp pháp của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Đây dường như là quan điểm mà Tòa án cấp phúc thẩm trong vụ án thứ nhất đã vận dụng, việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm và đương sự có quyền kháng cáo đối với phần nội dung này của Bản án sơ thẩm.

Quan điểm thứ ba: Bản án sơ thẩm phải ghi nhận việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã có nhưng đương sự không có quyền kháng cáo đối với phần quyết định tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm.

Quan điểm thứ ba đồng ý với quan điểm thứ hai về việc Bản án sơ thẩm phải ghi nhận việc tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã có trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm, tuy nhiên, quan điểm thứ ba lại không đồng ý với quan điểm thứ hai về việc đương sự có quyền kháng cáo đối với phần quyết định tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bản án sơ thẩm. Theo quan điểm thứ ba, đương sự không có quyền kháng cáo đối với nội dung liên quan đến việc tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm. Quan điểm này có thể được giải thích bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được ban hành độc lập, khoản 1 Điều 139 và Điều 140 BLTTDS năm 2015 đã khẳng định một cách minh thị các quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và đương sự chỉ có quyền khiếu nại.

Mặt khác, Mục 13.2 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-4-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của BLTTDS trước đây có quy định: “Trong trường hợp đương sự kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm mà trong đơn kháng cáo hoặc kèm theo đơn kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ BPKCTT của Tòa án cấp sơ thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm thông báo ngay cho họ biết là Tòa án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và giải thích cho họ biết họ có quyền yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm thay đổi, áp dụng bổ sung BPKCTT; hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng BPKCTT theo quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này”. Với quy định trên, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã khẳng định Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể xem xét yêu cầu hủy bỏ, thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nói cách khác, Tòa án cấp phúc thẩm không có quyền xem xét kháng cáo (và cả khiếu nại[5]) đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.[6]

Như vậy, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được ban hành độc lập chỉ là đối tượng của thủ tục khiếu nại, kiến nghị, không phải là đối tượng của thủ tục kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Mặt khác, nội dung về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm cũng là quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do đó, nội dung này mang những đặc trưng cơ bản của một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Chính vì thế, đương sự không có quyền kháng cáo đối với phần nội dung liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bản án sơ thẩm.

Thứ hai, trong những vụ án nêu trên, Bản án sơ thẩm chỉ khẳng định lại (không phải thay thế) cho Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được ban hành trước đó. Do đó, nếu cho phép kháng cáo, kháng nghị đối với phần quyết định của Bản án sơ thẩm về nội dung này, sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa hiệu lực đối với cùng một trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Quyết định ban hành độc lập thì không được kháng cáo, kháng nghị còn Bản án sơ thẩm thì lại được).

Thứ ba, nếu cho phép đương sự có quyền kháng cáo đối với phần nội dung liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bản án sơ thẩm có thể dẫn đến tình trạng khi hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy luôn cả phần nội dung liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.[7] Trong khi đó, biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án áp dụng nhằm mục đích ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại chứng cứ, giúp bảo toàn tình trạng hiện có của tài sản, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án và thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có những căn cứ luật định và tương tự, Tòa án cũng chỉ quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi xuất hiện một trong những căn cứ quy định tại Điều 138 BLTTDS năm 2015. Do đó, việc biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể bị hủy cùng với Bản án sơ thẩm sẽ làm tăng khả năng xảy ra các hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại chứng cứ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thứ tư, Mục III.6 Công văn số 212/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 13-9-2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử quy định: “[…] việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện ở một quyết định của Tòa án hoặc ghi nhận trong bản án và được thực hiện theo trình tự, thủ tục riêng biệt; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị […]”. Như vậy, theo Công văn số 212/TANDTC-PC thì cho dù việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện dưới hình thức là một quyết định độc lập hoặc được ghi nhận trong Bản án sơ thẩm thì đương sự cũng không có quyền kháng cáo.

Kết luận

BLTTDS năm 2015 đã có một số sửa đổi nhằm hoàn thiện thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó đã khẳng định rõ ràng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những nội dung phải được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm.[8] Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong những giai đoạn tố tụng trước đó liệu có được ghi nhận trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm hay trong trường hợp nội dung phần quyết định của Bản án sơ thẩm có ghi nhận việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì nội dung này có phải là đối tượng của thủ tục kháng cáo hay không vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều. Do đó, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề này.

Tòa án  huyện Châu Đức, BRVT đã mở phiên tòa xét xử vụ án  “Tranh chấp quyền sử dụng đất” – Ảnh: Trần Minh Quế

 

 

 

[1] Bản án số 13/2018/DS-PT ngày 18-01-2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đ.

[2] Bản án số 20/2019/DS-PT ngày 13-6-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh V.

[3] Nguyễn Thành Duy (2013), “Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự”, Kiểm sát, (07), tr. 48 – 50, tr. 53.

[4] Điều 310 BLTTDS năm 2015.

[5] Thẩm quyền giải quyết kháng cáo đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thuộc về Tòa án cấp phúc thẩm (Điều 270 BLTTDS năm 2015). Trong khi đó, thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân đã ban hành quyết định đó (Điều 141 BLTTDS năm 2015).

[6] Mặc dù Nghị quyết này đã hết hiệu lực thi hành nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do đó, các Tòa án trên thực tiễn xét xử vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết để giải quyết đối với các trường hợp tương tự.

[7] Điều 310 BLTTDS năm 2015.

 [8] Khoản 2 Điều 266 BLTTDS năm 2015.

Th.S NGUYỄN TRẦN BẢO UYÊN (Giảng viên trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh)