Bàn về tổng hợp hình phạt

Thực tiễn xét xử cho thấy có bị cáo bị xét xử và kết án về nhiều tội; bị xét xử và kết án bằng nhiều bản án, mà Đinh La Thăng là một trường hợp khá điển hình. Vì vậy, vấn đề tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đang được quan tâm. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Ls Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC in trong Bộ sách Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông năm 2020.

1.Nguyên tắc tổng hợp hình phạt qua từng giai đoạn

Tổng hợp hình phạt là trường hợp Tòa án cộng các hình phạt mà người phạm tội bị kết án thành một hình phạt chung buộc người phạm tội phải chấp hành.

Tổng hợp hình phạt là một chế định pháp lý bảo đảm tính công bằng xã hội, thể hiện nguyên tắc trừng trị trong chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội. Người phạm tội nghiêm trọng phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội ít nghiêm trọng và người phạm nhiều tội phải bị xử phạt nặng hơn người chỉ phạm một tội. Tuy nhiên, khi tổng hợp hình phạt đối với người phạm tội cũng phải tuân theo nguyên tắc và nguyên tắc này cũng có thể  thay đổi tùy thuộc vào chính sách hình sự của Nhà nước.

Trước khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985, việc tổng hợp hình phạt trên cơ sở cho phép áp dụng nguyên tắc thu hút một phần hoặc toàn bộ vào hình phạt nặng. Ví dụ: A bị Tòa án phạt 10 năm tù về tội cướp tài sản và 3 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Khi tổng hợp hình phạt, Tòa án có thể chỉ buộc A phải chấp hành 10 năm tù. Trường hợp này gọi là thu hút toàn bộ hình phạt. Nếu Tòa án buộc A phải chấp hành 11 năm tù hoặc 12 năm tù thì gọi là thu hút một phần.

Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, không thừa nhận nguyên tắc thu hút hình phạt, nhưng vẫn quy định “hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên” (Điều 41). Ví dụ: Đặng Văn M bị Tòa án phạt 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa theo khoản 2 Điều 134 và 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản của công dân theo khoản 2 Điều 15 Bộ luật hình sự   năm 1985. Khi tổng hợp hình phạt, Tòa án chỉ buộc M phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 12 năm tù, vì tội nặng nhất ở đây là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và mức cao nhất của khung hình phạt theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự  1985 là 12 năm tù.

Như vậy, việc không thừa nhận nguyên tắc tương tự chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp hình phạt chung đối với bị cáo khi tổng hợp hình phạt mà điều luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm. Ví dụ: Trần Văn H bị Tòa án phạt 03 năm tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 109 và 01 năm tù về tội cố ý gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự 1985, thì khi tổng hợp hình phạt Tòa án phải buộc H chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 04 năm tù (03 năm + 01 năm).

Thấy rõ sự bất hợp lý của quy định trên, nên ngày 28/12/1989 Quốc hội nước ta đã sửa đổi, bổ sung Điều 41 Bộ luật Hình sự  theo hướng “hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên”. Ví dụ: Trường hợp đối với Đặng Văn M vừa nêu trên, Tòa án phải buộc M chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 17 năm tù. Tuy nhiên, nếu một người phạm nhiều tội và mỗi tội đều bị áp dụng loại hình phạt tù có thời hạn, thì khi tổng hợp hình phạt, Tòa án không được buộc người phạm tội chấp hành hình phạt chung trên 20 năm tù, vì hình phạt tù có thời hạn được Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định cao nhất là 20 nằm tù (Điều 25). Ví dụ: Võ Minh Q bị Tòa án phạt 17 năm tù về tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, 8 năm tù về tội trộm cắp tài sản của công dân và 5 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Khi tổng hợp hình phạt, Tòa án chỉ buộc Võ Minh Q chấp hành hình phạt chung cho cả ba tội là 20 năm tù.

 

Bộ sách Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 của tác giả Đinh Văn Quế

Bộ luật Hình sự năm 1999 vẫn quy định hình phạt tù có thời hạn là 20 năm, nhưng đối với người phạm nhiều tội và mỗi tội đều bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì hình phạt chung đối với người phạm tội có thể tới 30 năm. Ví dụ: Trường hợp của Võ Minh Q vừa nêu trên, Tòa án phải buộc Q chấp hành hình phạt chung cho cả ba tội là 30 năm tù. Đây là một điểm mới cơ bản so với Bộ luật Hình sự năm 1985. Việc nhà làm luật quy định mức cao nhất của loại hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm nhiều tội là 30 năm, không chỉ thể hiện nguyên tắc công bằng mà còn phù hợp với thực tiễn xét xử, có tác dụng đấu tranh phòng và chống tội phạm. So với Bộ luật Hình sự  năm 1985, thì đây là một quy định nghiêm khắc hơn.

Bộ luật Hình sự 2015 kế thừa những tiến bộ của Bộ luật Hình sự 1999 nên giữ nguyên nguyên tắc tổng hợp hình phạt mà không có sửa đổi, bổ sung.

 2.Quyết định hình pht trong trường hp phm nhiu tội

Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là trường hợp khi xét xử, Tòa án kết án bị cáo phạm từ hai tội trở lên và khi quyết định hình phạt Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó phải quyết định hình phạt chung đối với các tội đó, để buộc bị cáo chấp hành. Tuy nhiên, do hình phạt trong hệ thống hình phạt được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự  có nhiều loại và khi quyết định hình phạt đối với từng tội, Tòa án không thể chọn một loại hình phạt chung cho tất cả các tội mà có thể phải áp dụng loại hình phạt khác nhau đối với từng tội.

Thực tiễn xét xử cho thấy, một người có thể phạm một tội nhưng không ít trường hợp một người phạm nhiều tội và các tội đó đều bị truy tố xét xử trong cùng một lần trong một vụ án. Vì vậy, khi xét xử, Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự  .

a.Đối với hình pht chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Hình sự, thì hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Do đó, việc tổng hợp phải theo nguyên tắc sau:

-Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá 03 năm. Ví dụ: Hoàng Kinh Th bị phạt hai năm cải tạo không giam giữ về tội “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật” theo khoản 1 Điều 241 và bị phạt hai năm cải tạo không giam giữ về tội “vi phạm các quy định về quản lý ,bảo vệ động vật hoang dã” theo khoản 1 Điều 234 Bộ luật hình sự. Nếu cộng hai hình phạt này với nhau là 04 năm cải tạo không giam giữ, nhưng vì mức tối đa của hình phạt cải tạo không giam giữ là 03 năm, nên Tòa án chỉ buộc Hoàng Kim Th phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 03 năm cải tạo không giam giữ.

-Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không không được vượt quá 30 năm. Ví dụ: Đào Văn T bị phạt 20 năm tù về tội “giết người” theo khoản 1 Điều 123 và 15 năm tù về tội “cướp tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 171 Bộ luật Hình sự. Nếu cộng hai hình phạt này với nhau là 35 năm tù, nhưng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự  thì hình phạt tù đối với người phạm nhiều tội tối đa là 30 năm, nên Tòa án chỉ buộc Đào Văn T chấp hành hình phạt tù chung cho cả hai tội là 30 năm tù.

-Nếu các hình phạt đã tuyên vừa là hình phạt cải tạo không giam giữ, vừa là hình phạt tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung như trường hợp hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn. Ví dụ: Vũ Thị M bị phạt 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ về tội “lừa dối khách hàng” theo khoản 1 Điều 198 và 02 năm tù về tội “trốn thuế” theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự, Tòa án chuyển đổi 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ thành 06 tháng tù và cộng với 02 năm tù, buộc Vũ Thị M phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 02 năm 06 tháng .

-Nếu hình phạt nặng nhất trong số hình phạt đã tuyên là tù chung thân, thì hình phạt chung là tù chung thân. Ví dụ: Mai Văn S bị phạt tù chung thân về tội “mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 4 Điều 251, 7 năm tù về tội “mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 2 Điều 254 và 10 năm tù về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự, thì khi tổng hình phạt phạt, Tòa án buộc Mai Văn S phải chấp hành hình phạt chung cho cả ba tội là tù chung thân.

-Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình, thì hình phạt chung là tử hình. Ví dụ: Phạm Thanh B bị phạt tử hình vì tội “giết người” theo khoản 1 Điều 123, 15 năm tù về tội “cướp tài sản” theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Hình sự, thì khi tổng hợp hình phạt, Tòa án buộc Phạm Thanh B phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.

-Nếu các hình phạt đã tuyên, trong đó có hình phạt tiền, thì Tòa án không được tổng hợp hình phạt tiền với các hình phạt khác, các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Ví dụ: Đào Thị L bị phạt 20.000.000  đồng về tội “quảng cáo gian dối” theo khoản 1 Điều 197; 50.000.000 đồng về tội “lừa dối khách hàng” theo khoản 1 Điều 198 và 05 tù về tội “buôn bán hàng giả” theo khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự. Khi tổng hợp hình phạt, Tòa án cộng 20.000.000 đồng với 50.000.000 đồng thành 70.000.000 đồng và buộc Đào Thị L phải chấp hành hình phạt chung cho cả ba tội là 05 năm tù và 70.000.000  đồng.

-Nếu các hình phạt đã tuyên, trong đó có hình phạt trục xuất, thì Tòa án không được tổng hợp hình phạt trục xuất với các hình phạt khác. Ví dụ: Kim Yong Shu là người mang quốc tịch Hàn Quốc bị phạt 100.000.000 đồng về tội “gây ô nhiễm nguồn nước” theo khoản 1 Điều 235 và trục xuất về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự, Tòa án buộc Kim Yong Shu phải chấp hành chung cho cả hai tội là trục xuất và 100.000.000 đồng.

b.Đối với hình pht bổ sung

Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật Hình sự  thì hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Cũng như hình phạt chính, có loại hình phạt bổ sung có thể tổng hợp thành hình phạt chung được nhưng cũng có loại hình phạt bổ sung không thể tổng hợp với nhau được. Do đó việc tổng hợp hình phạt bổ sung cũng phải tuân theo những nguyên tắc sau:

-Nếu các hình phạt bổ sung đã tuyên là cùng loại, thì khi tổng hợp, Tòa án cộng các hình phạt đó lại, hình phạt chung không được vượt quá giới hạn mà Bộ luật Hình sự   quy định đối với loại hình phạt đó. Ví dụ: Trần Thị H bị phạt 03 năm quản chế về tội “chứa mại dâm” theo khoản 5 Điều 327 và 3 năm quản chế về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 5 Điều 255 Bộ luật Hình sự. Nếu cộng hai hình phạt này với nhau thì hình phạt chung phải là 06 năm quản chế, nhưng Tòa án chỉ buộc Trần Thị H phải chấp hành hình phạt bổ sung chung là 05 năm quản chế, vì hình phạt quản chế có mức tối đa theo quy định của Bộ luật Hình sự là 05 năm.

-Nếu hình phạt bổ sung đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Ví dụ: Vũ Thị C bị phạt 03 năm quản chế theo quy định tại khoản 5 Điều 255 về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, phạt 10.000.000 triệu đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 328 về tội “môi giới mại dâm”, cấm kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Tòa án buộc Vũ Thị C phải chấp hành tất cả các hình phạt bổ sung đã tuyên đối với bị cáo.

3.Tổng hp hình pht ca nhiu bn án

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là trường hợp một người đã bị kết án và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong thì lại bị xét xử về một vụ án khác. Do đó khi quyết định hình phạt về tội phạm đang bị xét xử, Tòa án phải tổng hợp với hình phạt của bản án trước chưa thi hành hoặc thi hành chưa xong, sau đó buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt chung cho các bản án. Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án về lý luận cũng như thực tiễn xét xử không phải bao giờ cũng dễ dàng mà không ít trường hợp sau khi đã tổng hợp mới phát hiện việc tổng hợp đó là không đúng hoặc do tổng hợp không rõ ràng nên không thi hành được.

Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự, thì việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được tiến hành như sau:

-Trong trường hợp một người đang phải chấp hành (chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong) một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt chung như quy định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự. Thời gian đã chấp hành của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Ví dụ: Ngày 20/9/2014, Tòa án nhân dân tỉnh H phạt Phạm Quang K 10 năm tù về tội “nhận hối lộ”, thời hạn tù tính từ ngày 1/8/2014, bản án này không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù của bản án ngày 20/9/2014, thì phát hiện ngày 13/7/2014, K còn phạm tội “cưỡng dâm” và bị truy tố. Ngày 1/11/2014, Tòa án tỉnh H xét xử Phạm Quang K về tội “cưỡng dâm” và phạt Phạm Quang K 05 năm tù. Tòa án tổng hợp với hình phạt 10 năm tù của bản án ngày 20/9/2014, buộc Phạm Quang K phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 15 năm tù, được trừ thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án ngày 20/9/2014 là 3 tháng.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong trường hợp này các Tòa án không trừ thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước mà tính thời hạn tù của Phạm Quang K từ ngày 1/8/2014, vì nếu trừ thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước thì dễ bị nhầm khi vụ án được xét xử nhiều cấp, mỗi lần xét xử thời gian được trừ lại khác nhau nhưng tổng thời gian mà người bị kết án phải chấp hành lại không thay đổi. Trong ví dụ nêu trên, nếu trừ thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước, thì Tòa án tỉnh H phải buộc Phạm Quang K chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 15 năm tù, được trừ 3 tháng đã chấp hành, còn lại 14 năm 9 tháng, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 1/11/2014. Nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm khi tổng hợp hình phạt phải trừ tiếp thời gian đã chấp hành hình phạt của Phạm Quang K từ ngày 1/11/2014 đến ngày tuyên án phúc thẩm, nếu thời gian đã chấp hành hình phạt của K không liên tục mà bị ngắt quãng, thì việc tính thời hạn tù rất dễ bị nhầm lẫn.

Thực tiễn xét xử, vì sợ bị nhầm nên các Tòa án thường tổng hợp hình phạt của các bản án và tính thời hạn chấp hành hình phạt từ khi bị bắt lần cuối cùng, nếu trước đó bị cáo có bị tạm giam thì trừ thời gian tạm giam. Khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp này, Tòa án phải áp dụng khoản 1 Điều 56 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp khi xét xử một người đang chấp hành một bản án (đã chấp hành, nhưng chưa chấp hành xong hoặc chưa chấp hành) mà lại phạm một tội mới, thì khi xét xử tội mới đó, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự. Trường hợp này khác với trường hợp trên ở chỗ tội phạm bị xét xử sau là do người phạm tội thực hiện sau khi bị kết án, còn trường hợp trên thì tội phạm bị xét xử sau do người phạm tội thực hiện trước khi bị kết án. Hậu quả pháp lý của trường hợp tổng hợp này cũng nặng hơn trường hợp trên ở chỗ người bị kết án có thể chấp hành hình phạt trên 30 năm tù.

Ví dụ: Ngày 1/8/2014, Trần Quốc T bị phạt 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Trong thời gian đang chấp hành hình phạt, ngày 1/8/2016, Trần Quốc T trốn khỏi nơi giam, sau đó phạm tội “giết người” và tội “cướp tài sản” thì bị bắt vào ngày 30/9/2016. Đến ngày 1/12/2016 Tòa án xét xử Trần Quốc T về các tội: trốn khỏi nơi giam, tội giết người và tội cướp tài sản và quyết định hình phạt Trần Quốc T 15 năm tù về tội “giết người”, 10 năm tù về tội “cướp tài sản” và 5 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam”, tổng hợp với hình phạt 1 năm tù chưa chấp hành của bản án ngày 1/8/2014, buộc Trần Quốc T phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 30 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 30/9/2016. Như vậy, thời gian đã chấp hành hình phạt của Trần Quốc T từ 1/8/2014 đến ngày 1/8/2016 (là 2 năm) không được trừ, nên trên thực tế Trần Quốc T có thể phải chấp hành hình phạt 32 năm tù (30 năm + 2 năm).

Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp các bản án. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Chánh án Tòa án ra quyết định tổng hợp theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 56 Bộ luật Hình sự   như đã giới thiệu ở trên. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật chưa được tổng hợp lại do nhiều cấp Tòa án xét xử, vậy Chánh án Tòa án nào ra quyết định tổng hợp hình phạt? Vấn đề này, tại Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự thì:

-Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một Tòa án thì Chánh án Tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.

-Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong cùng một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu), thì Chánh án Tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt. Cụ thể là: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án cấp huyện khác nhau (trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh), thì Chánh án Tòa án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án quân sự khu vực khác nhau (trong cùng một quân khu hay khác quân khu), thì Chánh án Tòa án quân sự khu vực ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các Tòa án cấp tỉnh (hoặc đều là của các Tòa án quân sự cấp quân khu), thì Chánh án Tòa án cấp tỉnh (hoặc Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu) ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.

-Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.

-Trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án của Tòa án nhân dân, có bản án của Tòa án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp và trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của Tòa án không cùng cấp. Cụ thể là: Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của Tòa án cấp huyện và của Tòa án quân sự khu vực hoặc là của Tòa án cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu, thì Chánh án Tòa án đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án khác nhau và khác cấp, thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau. Ví dụ: Có bản án của Tòa án nhân dân huyện, có bản án của Tòa án quân sự quân khu, thì Chánh án Tòa án quân sự quân khu ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án quân sự quân khu có trước hay có sau bản án của Tòa án nhân dân huyện.

-Trường hợp trong số bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của Tòa án nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận, có bản án là của Tòa án Việt Nam, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt[1].

Hướng dẫn trên đây đối với trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà hình phạt của bản án chưa được tổng hợp quy định tại khoản 3 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 1999 vẫn còn phù hợp.

 

Bị cáo Đinh La Thăng ra tòa vụ cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương - Ảnh: PV
 

 

 

[1] Các văn bản hình sự, dân sự và tố tụng, t.2, tr.63, Tòa án nhân dân tối cao, năm 1992.

LS. ĐINH VĂN QUẾ (Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC)