
Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 một số điểm lưu ý
(TCTA) - Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 mới được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua, có hiệu lực từ 01/7/2025.
Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 đã điều chỉnh một số nhiệm vụ, thẩm quyền để phù hợp với mô hình tổ chức của các cơ quan tiến hành tố tụng sau sắp xếp tổ chức bộ máy, bổ sung một số trình tự thủ tục liên quan đến các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy quan điều tra từ mô hình 03 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 02 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh); bổ sung quy định Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Viện kiểm sát nhân dân từ mô hình 04 cấp (tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 03 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực), điều chỉnh nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát các cấp để phù hợp với mô hình của Cơ quan điều tra và Tòa án.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) sửa đổi, bổ sung quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự như sau: Tòa án nhân dân khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án: (1) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực; (2) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được giữ nguyên.
Điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo
Luật sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt theo hướng Cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can, Viện kiểm sát có thể quyết định truy tố bị can, Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định trong các trường hợp sau: (1) Bị can, bị cáo bỏ trốn, không biết bị can, bị cáo ở đâu và việc truy nã không có kết quả; (2) Bị can, bị cáo đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Ngày 01/7/2025, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2025/TTLTBCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo.
Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành
Sửa đổi Điều 367 của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành theo hướng trường hợp Chủ tịch nước không quyết định ân giảm thì hết thời hạn 01 năm kể từ ngày nhận được ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì cơ quan có thẩm quyền thông báo ngay về việc không có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước để Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định.
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) điều chỉnh thẩm quyền từ Tòa án nhân dân cấp tỉnh về Tòa án nhân dân khu vực đối với việc xét xử sơ thẩm vụ án có yếu tố nước ngoài (khoản 2 Điều 268); thẩm quyền theo lãnh thổ đối với vụ án mà bị cáo phạm tội ở nước ngoài (khoản 2 Điều 269); tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 452); xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ (Điều 501)...
Sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan (quan hệ phối hợp, giao, gửi quyết định, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, không tổ chức Nhà tạm giữ, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, đổi tên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước...) tại các điều 71, 75, 76, 111, 113, 114, 119, 120, 121 và 122 của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025
Bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh
Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh bao gồm: (1) Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); (2) Tội gián điệp (Điều 110); (3) Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); (4) Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); (5) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); (6) Tội tham ô tài sản (Điều 353); (7) Tội nhận hối lộ (Điều 354) và (8) Tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Giảm mức hình phạt đã tuyên
Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự theo hướng người bị kết án tù chung thân về Tội tham ô tài sản, Tội nhân hối lộ chỉ có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Các tội phạm về ma túy
Bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256a) theo hướng chỉ xử lý đối với những người sau đây mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy: (1) Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế; (2) Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy; (3) Đang trong thời hạn 02 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; (4) Đang trong thời hạn 02 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế.
Tách khung hình phạt “phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” thành 02 khung hình phạt “20 năm hoặc chung thân” và “chung thân hoặc tử hình” tại Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).
Bổ sung các chất ma túy Ketamine và Fentanyl trong cấu thành của 05 tội phạm về ma túy, bao gồm: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
Nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh
Nâng mức khởi điểm của khung hình phạt tù đối với một số tội về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) và Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).
Nâng mức phạt tiền gấp 02 lần đối với một số tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, tội phạm về môi trường, tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng, tội phạm tham nhũng.
Bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là người bị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Điều 40 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
Bổ sung quy định sau khi có kết luận khỏi bệnh hoặc có kết luận đủ khả năng nhận thức, đủ khả năng điều khiển hành vi, người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tiếp tục chấp hành hình phạt tại Điều 49 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức việc rà soát người bị kết án tử hình thuộc diện được chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Bài liên quan
-
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 những quy định về thẩm quyền của các Tòa án
-
Quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, sửa đổi, bổ sung năm 2025
-
Xác định tư cách tố tụng tại phiên toà theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
-
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 những quy định về thẩm quyền của các Tòa án
-
Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 một số điểm lưu ý
-
Một số quy định mới về tố tụng hình sự
-
Danh sách địa điểm đặt trụ sở chính của 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
Bình luận