Các biện pháp khuyến khích theo Luật Đầu tư và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Quảng Bình

Mặc dù đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận nhưng việc thực hiện luật đầu tư và các biện pháp khuyến khích, ưu đãi theo luật đầu tư vẫn còn một số khó khăn, vướng mắt ở địa phương như nhiều quy định về đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 không thống nhất, chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đất đai; Luật Bất động sản và một số văn bản quy phạm pháp luật khác... Vì vậy hoàn thiện pháp luật để thu hút đầu tư là vấn đề rất thiết thực hiện nay.

1.Những nguyên tắc cơ bản

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy con đường tất yếu có thể tăng trưởng nhanh tốc độ mong muốn (từ 9-10% ) là tăng trưởng đầu tư nhằm tạo ra sự phát triển ở khu vực công nghiệp và dịch vụ. Ở nước ta, đầu tư còn là điều kiện tiên quyết của sự phát triển và tăng cường khả năng công nghệ. Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam lạc hậu nhiều thế hệ so với thế giới và khu vực.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc thực hiện pháp luật khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể. Các biện pháp khuyến khích đầu tư về thuế đặc biệt là theo ngành và lĩnh vực đã bước đầu phát huy tốt hiệu quả định hướng đầu tư. So với các năm đầu tiên thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan quản lý, cấp phép địa phương đến nay đã có những bước tiến đáng kể trong hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý nhà nước của mình.

Theo tinh thần của Luật Đầu tư 2014, các biện pháp khuyến khích đầu tư có thể bao gồm các biện pháp ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư. Trong đó, các biện pháp ưu đãi đầu tư gồm ưu đãi về thuế và ưu đãi khác về tài chính. Mục tiêu chính của các ưu đãi thuế là nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế thực sự và nâng cao tỷ lệ thu hồi vốn đối với đầu tư mà đáng kể là quy định miễn một phần hoặc toàn bộ Thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường. Các ưu đãi về thuế khác là việc miễn thuế nhập khẩu, hoàn thuế nhập khẩu, khấu hao nhanh, các khoản khấu trừ cụ thể, giảm thuế đối với đầu tư và tái đầu tư và các khoản khấu trừ đối với đóng góp an ninh xã hội. Các ưu đãi khác về tài chính bao gồm việc cung cấp vốn cho các công ty để tài trợ cho các dự án đầu tư mới hoặc thanh toán vốn và các chi phí hoạt động, chuyển lỗ trong kinh doanh, khấu hao tài sản, ưu đãi về sử dụng đất… Hỗ trợ đầu tư là những biện pháp tích cực chủ động về phía nhà nước nhằm giúp đỡ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Các biện pháp này thường được áp dụng trong trường hợp xảy ra những khó khăn, những bất lợi, những rủi ro đối với nhà đầu tư trong những dự án, những lĩnh vực, những địa bàn mà Chính phủ khuyến khích đầu tư. Các biện pháp này bao gồm cơ sở hạ tầng được bao cấp, các dịch vụ được bao cấp, hỗ trợ về thủ tục hành chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ thông tin…

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc xác định giới hạn can thiệp hợp lý từ phía Nhà nước đối với hoạt động khuyến khích đầu tư nói riêng trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại, muốn xác định được ranh giới này cần phải quán triệt và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản:

 Nguyên tắc thứ nhất: Nhà nước chỉ can thiệp ở tầm vĩ mô và bằng các biện pháp vĩ mô đối với hoạt động kinh tế nói chung và khuyến khích đầu tư nói riêng; còn những hoạt động mang tính vi mô, vốn dĩ là công việc của các chủ thể kinh tế (ở đây ngụ ý các doanh nghiệp) thì để cho họ tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm kinh tế theo sự dẫn dắt của các quy luật thị trường.

Nguyên tắc thứ hai: Nhà nước thực hiện các hành vi can thiệp vào hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động khuyến khích đầu tư, phải xuất phát từ hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, có tính đến yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn đương đại. Mọi hành vi sao chép một cách máy móc các mô hình quản lý của nước ngoài mà không tính đến hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam sẽ là không thích hợp và thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả vô cùng bất lợi cho nền kinh tế và xã hội.

 Nguyên tắc thứ ba: Nhà nước thực hiện các hành vi can thiệp vào kinh tế, trong đó có hoạt khuyến khích đầu tư phải nhằm thoả mãn các mục tiêu cơ bản về kinh tế, chính trị và xã hội theo định hướng XHCN như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra.[1]

 Nguyên tắc thứ tư: Nhà nước có thể can thiệp vào hoạt động khuyến khích đầu tư bằng nhiều công cụ và biện pháp khác nhau (chẳng hạn như công cụ pháp luật, các chính sách và hệ thống chương trình, kế hoạch định hướng…) nhưng các biện pháp và công cụ này không được gây cản trở cho quá trình tự do hoá thương mại quốc tế trong mà Việt Nam đã tham gia hoặc cam kết sẽ tham gia, cũng như không cản trở quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia giao dịch thương mại ngân hàng.

 Nguyên tắc thứ năm: Tiêu chí xác định giới hạn hợp lý cho hành vi can thiệp của Nhà nước vào hoạt động khuyến khích đầu tư là hậu quả của sự can thiệp đó phải là cho kinh tế tăng trưởng bền vững; hệ thống doanh nghiệp  hoạt động ổn định và có hiệu quả; các chủ thể kinh tế thoả mãn được lợi ích của mình khi giao dịch với đối tác; nền kinh tế và đời sống xã hội không gặp phải các rắc rối và những biến động bất lợi; xu hướng hội nhập quốc tế không bị cản trở và ngày càng được thúc đẩy.

2.Thực tiễn thu hút đầu tư tại Quảng Bình

Trong thời gian Luật đầu tư 2014 có hiệu lực, tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 03/4/2014 quy định về các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, cụ thể việc áp dụng như Ưu đãi về thuế và đất đai; Hỗ trợ giải phóng mặt bằng; Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động… Ngoài các quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11, đối với các dự án trọng điểm, có tính đột phá phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi đặc biệt riêng. Điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư đối với trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư đáp ứng điều kiện để được hưởng thêm ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư đó có quyền đề nghị cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư  tại Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.

Có thể thấy Quảng Bình là một trong các tỉnh chú trọng thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư và có nhiều chính sách mang tính đột phá. Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 đã một lần nữa quy định cụ thể hơn về các biện pháp khuyến khích đầu tư và ưu đãi đầu tư, như sau:  Ưu đãi về thuế và đất đai, doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành; Hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhưng chưa được giải phóng mặt bằng và có tổng vốn đầu tư (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) từ 10 tỷ đồng trở lên; Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án đố với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, gồm: Giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và có tổng vốn đầu tư (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) từ 10 tỷ đồng trở lên; Hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở lưu trú du lịch đó với các dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và được cơ quan có thẩm quyền công nhận hạng sao; Hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống được cơ quan có thẩm quyền cấp biển hiệu; dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hỗ trợ đầu tư đường bay mới đối với doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định. Mỗi đường bay mở mới đến Cảng hàng không Đồng Hới chỉ được hỗ trợ một lần; Hỗ trợ đường bay đối với đường bay nội địa: Hỗ trợ tối đa 05 tỷ đồng/đường bay mới đối với doanh nghiệp cam kết mở và khai thác đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới với tần suất tối thiểu 03 chuyến/tuần hoặc 12 chuyến/tháng, thời gian khai thác tối thiểu là 01 năm. Đối với đường bay quốc tế: Hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/đường bay mới đối với doanh nghiệp cam kết mở và khai thác đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới với tần suất tối thiểu 02 chuyến/tuần hoặc 08 chuyến/tháng, thời gian khai thác tối thiểu là 01 năm; Hỗ trợ văn phòng làm việc đối với doanh nghiệp mở đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới được hỗ trợ 01 văn phòng làm việc tại địa điểm phù hợp do tỉnh bố trí; Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá đường bay mới (trong vòng 06 tháng kể từ khi bắt đầu khai thác đường bay mới).

Các hỗ trợ khác tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm đầu mối để kết nối các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, xây dựng giá ưu đãi cho các chương trình tham quan sử dụng đường bay, nhằm giảm giá buồng, phòng và các dịch vụ khác cho các hành khách của đường bay, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho việc duy trì và phát triển đường bay; Đối với hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo áp dụng với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/doanh nghiệp bao gồm: Lệ phí đăng ký doanh nghiệp; phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; phí khắc dấu doanh nghiệp; kinh phí làm biển hiệu cho các doanh nghiệp; hỗ trợ tiền nộp lệ phí môn bài trong năm đầu tiên kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

UBND tỉnh Quảng Bình cam kết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng mọi ưu đãi mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. UBND tỉnh Quảng Bình đặc biệt khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp điện, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, lĩnh vực du lịch; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản; thủ công mỹ nghệ và vận tải biển…

Mặc dù đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận nhưng việc thực hiện luật đầu tư và các biện pháp khuyến khích, ưu đãi theo luật đầu tư vẫn còn một số khó khăn, vướng mắt ở địa phương như nhiều quy định về đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 không thống nhất, chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đất đai; Luật Bất động sản và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.
1. Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó, thủ tục, hồ sơ yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014 lại không yêu cầu cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì sự không thống nhất này, thời gian qua có hai cách hiểu và áp dụng khác nhau:

Ý kiến thứ nhất, xét về quy định thủ tục hành chính, luật chuyên ngành về đầu tư, thì việc cấp GCNĐKĐT theo Luật Đầu tư năm 2014 tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiệt hại, rủi ro về tài chính cho nhà đầu tư vì nếu thành phần hồ sơ cấp GCNĐKĐT có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền thì nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để có báo cáo tác động môi trường, song không phải nhà đầu tư nào cũng nhận được quyết định chủ trương đầu tư (chấp thuận đầu tư). Với ý kiến này, việc yêu cầu phê duyệt báo cáo tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư tại Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là không hợp lý.

Ý kiến thứ hai, tuy việc bổ sung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền vào thành phần hồ sơ cấp GCNĐKĐT gây bất lợi cho nhà đầu tư khi dự án không được chấp thuận, song nhiều dự án đầu tư hiện nay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy để lường trước tác động của dự án đầu tư với môi trường, cần thiết phải bổ sung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền vào thành phần hồ sơ cấp GCNĐKĐT và để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Với ý kiến này, Luật Đầu tư năm 2014 không phù hợp, thiếu tính thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Hiện nay, vị trí đặt các dự án hầu hết do nhà đầu tư đề xuất; do vậy, nếu các dự án đặt ở vị trí đúng với vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước đó thì việc chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất phù hợp với Điều 52 Luật Đất đai năm 2013. Song, đối với các dự án đặt ở vị trí không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý về đất đai, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư do phải cho điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Điều 45 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 37 Nghị định 118 thì đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh (như Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp tỉnh) thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng để điều chỉnh GCNĐKĐT hoặc trình UBND cấp tỉnh đối với trường hợp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo Điều 50, Điều 51 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ thì đối với dự án bất động sản (đô thị mới, phát triển nhà ở), Sở Xây dựng là cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện việc chuyển nhượng. Đây là một bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý về đầu tư.

Trong những năm qua, để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, ngoài việc ban hành kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm, tỉnh cũng đã ban hành hệ thống các văn bản về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong các chính sách đó vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc như: Trùng lặp, thiếu thống nhất với nhau, thiếu cụ thể gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm hiểu, áp dụng, cụ thể những quy định trùng lắp, chồng chéo từ hướng dẫn của trung ương đến văn bản địa phương. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh Quảng Bình phấn khởi khi địa bàn hoạt động và lĩnh vực ngành nghề kinh doanh thuộc nhóm được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP (NĐ118). Nhưng họ lại hụt hẫng khi Thông tư 83/2016/TT-BTC (TT83) hướng dẫn thực hiện ưu đãi được Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn thực hiện ưu đãi theo Luật Đầu tư nhưng lại căn cứ vào các điều khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được ban hành trước đó vài năm. Dường như đang có sự không rõ ràng của cơ quan soạn thảo trong ban hành các văn bản về hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư. Theo TT83 những dự án đầu tư mới đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN, hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại phụ lục II của NĐ118 được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mức tương ứng đối với lĩnh vực, địa bàn. TT83 còn ghi rõ chỉ những DN thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 83/2016/TT-BTC vẫn còn nhiều bất cập khiến việc triển khai cực kì khó khăn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Hội đồng Nhân dân tỉnh ra Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 18/07/2017 ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều quy định thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa quy định chung và quy định đặc thù khiến việc thực hiện còn nhiều bất cập, hiện tại các cơ quan chức năng vẫn chưa hệ thống hoá được các quy định để áp dụng với thực tế, trong quá trình tìm hiểu và áp dụng các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực của tỉnh, cần tạo sự thống nhất trong hệ thống các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh, thiết nghĩ UBND tỉnh Quảng Bình cần chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát tổng thể các chính sách để xây dựng một văn bản quy định chung nhất về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh như: Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 30/9/2009 về việc phân cấp thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình) các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách; Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 17/9/2007 về việc ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư áp dụng tại tỉnh Quảng Bình.

Trên cơ sở văn bản này, cần phải yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện rà soát trong phạm vi lĩnh vực, ngành mình phụ trách để tham mưu xây dựng các văn bản về chính sách mang tính đặc thù của lĩnh vực, tránh trường hợp quy định lại các chính sách gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng văn bản. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cũng cần tăng cường sự phối hợp với nhau trong quá trình xây dựng các văn bản, chính sách; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý văn bản quy phạm pháp luật, huy động sự tham gia của các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp đối với các chính sách liên quan đến doanh nghiệp.

Thực tiễn tại  Quảng Bình cũng cho thấy quan điểm đúng đắn bằng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ như về: thuế và đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động… Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng trên thực tế các quy định về khuyến khích và bảo đảm đầu tư vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định như, quản lý nhà nước về đầu tư còn chưa minh bạch, rõ ràng, thủ tục hành chính còn phức tạp, lằng nhằng v.v. Những bất cập này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư nói chung và khả năng thu hút vốn đầu tư nói riêng, đòi hỏi cần có những định hướng và giải pháp hoàn thiện các biện pháp khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư Việt Nam.

3.Những giải pháp cần phải triển khai đồng bộ

Để tiếp thực hiện tốt các biện pháp khuyến khích đầu tư có một số giải pháp cần phải triển khai đồng bộ trong đó bao gồm: Hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư hoàn chỉnh trong thời gian đến; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư để rà soát, phân loại các dự án đầu tư. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án đầu tư của các cơ quan cấp GCNĐT để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép.Tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp. Tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước để có hướng xử lý đối với từng loại dự án, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết;  Nâng cao hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, có chế tài xử phạt mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Thường xuyên rà soát để đồng bộ hóa luật pháp. Đồng thời, tăng cường năng lực của bộ máy cơ quan quản lý; Thực hiện các chương trình Xúc tiến đầu tư theo đúng định hướng tại Quyết định 03/2014/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động Xúc tiến đầu tư.

Vốn đầu tư đã và đang khẳng định được vai trò của nó trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Các biện pháp bảo đảm đầu tư góp phần không nhỏ tạo ra môi trường đầu tư bình ổn. Do có sự ổn định trong các quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư mà hầu như ở quốc gia nào các nhà đầu tư cũng có thể yên tâm đầu tư trong môi trường đầu tư không có sự xáo trộn, ít nhất là các vấn đề cơ bản liên quan đến những lợi ích trực tiếp của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút ngày càng lớn lượng đầu tư trong cũng như ngoài nước điều đó phụ thuộc cơ bản vào việc hoàn thiện pháp luật, xây dựng một cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của đát nước và các cam kết quốc tế. Việc hoàn thiện pháp luật đầu tư nói chung và pháp luật về các biện pháp khuyến khích đầu tư nói riêng phải được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định pháp luật trước đó, đồng thời phải loại bỏ những hạn chế, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

 

1] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

HOÀNG ANH TUẤN (Khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật - Đại học Huế)