Hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Bài viết phân tích những quy định của pháp luật xung quanh vấn đề hình thức của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Nêu lên những khó khăn vướng mắc đồng thời đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề này.

1. Khái quát về hình thức của giao dịch dân sự

Hiện nay thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thực chất là một giao dịch dân sự của nhiều chủ thể nên phải tuân thủ quy định về giao dịch dân sự (điều kiện có hiệu lực), nếu thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hội tụ đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì thỏa thuận phân chia di sản thừa kế sẽ có giá trị pháp lý”.

1.1.Các loại hình thức của giao dịch dân sự

Hình thức hiểu theo nghĩa thông thường là “toàn thể nói chung những gì làm thành mặt bề ngoài của sự vật, cái chứa đựng biểu hiện nội dung[1]. Có thể nói hình thức giao dịch là “sự biểu hiện ra bên ngoài nội dung của giao dịch, bao gồm tổng hợp các cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của giao dịch[2].

Hình thức giao dịch dân sự được quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015:

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo quy định này thì hình thức của giao dịch dân sự có thể nói bao gồm các dạng như sau:

  • Hình thức lời nói: chủ thể tuyên bố ý chí bằng lời hoặc thỏa thuận hợp đồng bằng miệng qua lời nói (hình thức miệng).
  • Hình thức bằng hành vi cụ thể: chủ thể tuyên bố ý chí hoặc thỏa thuận hợp đồng bằng một hành vi cụ thể.
  •  Hình thức văn bản: chủ thể ký kết một giao dịch nào đó bằng văn bản. Hiện nay, với sự xuất hiện của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến thì hình thức giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử như: điện báo, telex, fax, thư điện tử… có thể được xem là giao dịch bằng văn bản.
  • Hình thức văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Như vậy, so với BLDS năm 2005 thì BLDS năm 2015 có những thay đổi theo hướng như sau:

Thứ nhất: Bỏ hình thức “văn bản” không có công chứng, chứng thực (văn bản viết tay, văn bản đánh máy). Việc không coi văn bản là điều kiện có hiệu lực (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) là thuyết phục. Bởi vì không phải trong mọi trường hợp hình thức văn bản đều được xem là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà chỉ để chứng minh cho sự tồn tại của giao dịch, và lúc này hình thức văn bản được xem như yêu cầu về mặt chứng cứ[3].

Thứ hai: BLDS năm 2015 không còn coi “xin phép” là một loại hình thức nữa. Tác giả đồng ý với quan điểm cho rằng xin phép không phải một vấn đề về hình thức mà là điều kiện về nội dung để hợp đồng có hiệu lực[4].

Thứ ba: BLDS năm 2015 ràng buộc điều kiện đối với những loại giao dịch bằng phương tiện điện tử là phải “theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. Tức là không phải bất cứ giao dịch nào được xác lập thông qua phương tiện điện tử đều được công nhận như một hình thức giao dịch bằng văn bản. Điều này có ý nghĩa trong việc giới hạn sự tùy tiện của các chủ thể khi xác lập giao dịch dân sự thông qua hình thức này.

1.2.Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Hình thức đối với giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là một trong những quy định mang tính chất quan trọng, bởi nó liên quan đến tài sản “có giá trị lớn”. Do đó pháp luật ghi nhận về hình thức của các loại giao dịch liên quan đến đối tượng này khá chi tiết.

Ngoài quy định của BLDS năm 2015, các luật chuyên ngành cũng có những hướng dẫn khá cụ thể về vấn đề này. Chẳng hạn, khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định:Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”. Hình thức đối với giao dịch về nhà ở tại Điều 121, Điều 122 Luật Nhà ở 2014, cụ thể là hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản và phải thực hiện công chứng, chứng thực. Hình thức của giao dịch về bất động sản quy định tại Điều 10, 17 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của luật này bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, thông thường.

So với Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì Luật Kinh doanh bất động sản tỏ ra thoáng hơn trong quy định về hình thức. Đối tượng nằm ngoài quy định tại khoản 2 Điều 10 như đã nêu trên thì không bắt buộc phải thực hiện việc công chứng, chứng thực đối với giao dịch về bất động sản.

Việc quy định về điều kiện bắt buộc về hình thức có nhiều điểm tỏ ra không hợp lý, đặc biệt nó thể hiện ở quan điểm của nhà làm luật Việt Nam là “coi trọng hình thức” và biểu hiện sự can thiệp quá sâu của cơ quan Nhà nước vào các quan hệ dân sự, điều đó sẽ xâm phạm vào quyền tự do định đoạt của chủ thể tham gia giao dịch dân sự. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận theo chiều hướng ngược lại rằng việc bắt buộc chủ thể tuân thủ các quy định về hình thức sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được sự dịch chuyển tài sản, đặc biệt là những tài sản có giá trị lớn như nhà ở, đất đai trong xã hội cũng như đảm bảo trật tự xã hội[5].

2. Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải lập thành văn bản

Theo quy định tại khoản 2 Điều 681 BLDS năm 2005 ( Điều 684 BLDS 1995) quy định “ mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản” và quy định này được duy trì ở khoản 2 Điều 656 BLDS 2015. Như vậy, thỏa thuận phân chia di sản phải được lập thành văn bản và không yêu cầu văn bản này công chứng, chứng thực. Lưu ý là BLDS đặt ra điều kiện là thỏa thuận chia di sản phải lập bằng văn bản nhưng lại không cho biết chế tài của trường hợp không đáp ứng nhu cầu về văn bản. Trong trường hợp này, chúng ta quay sang khai thác các quy định về hình thức của giao dịch dân sự để xử lý[6].

Ví dụ: Vụ án tranh chấp về việc hủy bỏ văn bản thỏa thuận phân chia di sản giữa nguyên đơn bà Huỳnh Thị D và bị Đơn ông Huỳnh Hữu H về xét tính hợp pháp của Văn bản thỏa thuận phân chia di sản số 014850 do Văn phòng công chứng H chứng nhận ngày 21/10/2016 đối với phần đất diện tích 589m2 thuộc thửa 270-1, tờ bản đồ số 1 (TL1998) xã B, huyện H theo Giấy chứng nhận số Y935128 do UBND huyện H cấp ngày 22/4/2004)[7].

Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm: Tòa án cho rằng xét về trình tự, thủ tục, hình thức của văn bản công chứng: hồ sơ về việc thực hiện chứng nhận Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đáp ứng các giấy tờ, thủ tục quy định tại các Điều 40, Điều 41 Luật Công chứng, Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Quan điểm giải quyết vụ án xét thấy, văn bản thỏa thuận phân chia di sản trên là đúng quy định cả nội dung và hình thức nên đề nghị bác yêu cầu tuyên bố hủy thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của nguyên đơn.

Quan điểm của tác giả: Tác giả thống nhất với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát và quan điểm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án trên về nhận định hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia di sản bởi vì, thỏa thuận phân chia di sản này đã được lập thành văn bản nên về mặt hình thức phù hợp với quy định pháp luật.

Hiện nay luật chỉ đòi hỏi các bên chỉ phải lập thành văn bản không yêu cầu các bên phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu như các bên không tuân thủ quy định bắt buộc thỏa thuận phân chia di sản phải lập thành văn bản thì hướng xử lý như thế nào thì hiện nay luật không quy định cụ thể. Do đó,vấn đề xử lý khi thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vi phạm quy định về hình thức (chẳng hạn không lập thành văn bản vv…) như thế nào thì hiện nay chưa rõ, có Tòa án cho rằng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vi phạm quy định về hình thức thì đương nhiên vô hiệu, cũng có Tòa án lại cho rằng cần vận dụng linh hoạt những quy định về xử lý giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức để áp dụng trong trường hợp này. Do chưa có hướng dẫn nên có nhiều quan điểm khác nhau, trong thời gian tới tác giả đề nghị cần phải có hướng dẫn trong trường hợp thỏa thuận phân chia di sản nếu không tuân thủ quy định về hình thức bằng văn bản để thống nhất trong thực tiễn xét xử.

Vì thế, xin kiến nghị TANDTC ban hành văn bản hướng dẫn cho trường hợp chế tài đối với thỏa thuận phân chia di sản nếu như thỏa thuận phân chia di sản không thực hiện đúng theo quy định hình thức theo hướng sau:

Thứ nhất, áp dụng dụng Điều 129 BLDS năm 2015 để giải quyết các vụ án liên quan đến thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do vi phạm điều kiện về hình thức. Hướng giải quyết này sẽ bổ sung vào sự thiếu sót của luật vì suy cho cùng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cũng là giao dịch dân sự.

Thứ hai, thiết lập án lệ đối với thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không tuân thủ quy định về hình thức

Trong xu hướng hiện nay, khi mà án lệ đã chính thức được công nhận thì việc tạo ra những án lệ để xử lý giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức chỉ là vấn đề về thời gian. Với việc tạo ra án lệ sẽ giúp hỗ trợ cho hệ thống pháp luật vốn dĩ còn nhiều thiếu sót. Đó cũng là cách thức để Tòa án có thể áp dụng để giải quyết những vụ án tương tự. Hy vọng vào việc thiết lập những án lệ thuyết phục về vấn đề này theo hướng không quá coi trọng vấn đề hình thức mà đề cao ý chí tự nguyện của các chủ thể.

3. Thủ tục công chứng, chứng thực thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

 Khi việc phân chia di sản được công chứng, chứng thực thì việc phân chia di sản đã được đáp ứng yêu cầu “văn bản” của BLDS và nếu có tranh chấp Tòa án công nhận  thỏa thuận này. Trong trường hợp thỏa thuận phân chia di sản không được công chứng chứng thực thì thỏa thuận phân chia di sản giữa những người thừa kế có giá trị pháp lý không? Công chứng năm 2006 quy định thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, tại đó trong khoản 1 Điều 49 có quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau: “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc đi theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản”. Ở đây, Luật Công chứng không yêu cầu phân chia di sản phải được lập bằng văn bản công chứng, mà chỉ coi công chứng thỏa thuận phân chia di sản là “quyền” của những người thừa kế. Khoản 1 Điều 54 Nghị định 75/2000/NĐCP của Chính phủ về công chứng, chứng thực cũng ghi nhận “quyền” lập thỏa thuận phân chia di sản bằng văn bản thỏa thuận hướng quy định coi đây là một quyền lập phân chia di sản bằng công chứng được tiếp tục duy trì tại Điều 57 Luật Công chứng năm 2014.

Như vậy, BLDS chỉ yêu cầu thỏa thuận phân chia di sản được lập thành văn bản và những người thừa kế “có quyền” lập thỏa thuận phân chia di sản bằng văn bản công chứng theo pháp luật về công chứng. Tuy nhiên, trong thực tế, có Tòa án theo hướng thỏa thuận phân chia di sản phải được công chứng và nếu thỏa thuận phân chia di sản không được công chứng hay chứng thực thì không có giá trị pháp lý. Điều đó có nghĩa là Tòa án đã chuyển “quyền” thành “nghĩa vụ” công chứng, chứng thực thỏa thuận phân chia di sản và thực trạng này là không thuyết phục, trái văn bản và đi ngược quy tắc tự do cam kết, thỏa thuận.

Qua thực tiễn xét xử chúng ta cùng xem xét Quyết định giám đốc thẩm số 459/2009/DS-GĐT ngày 25/9/2009 của Tòa Dân sự TANDTC. Về nội dung vụ án: Căn nhà 24, đường 35, thuộc thửa đất số 525 tờ bản đồ số 27 do vợ chồng  cụ Cón và cụ Bảy tạo lập. Cụ Cón chết năm 1994 cụ Bảy chết năm 1992, đều không để lại di chúc. Sau khi hai cụ chết 6 người có của cụ đã thỏa thuận cho ông Hơn là đại diện đứng ra quản lý, sử dụng và kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong vụ án trên các cấp Tòa và Viện kiểm sát đều có những quan điểm khác nhau. Cụ thể: Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát thì cho rằng theo quy định tại Điều 35, 36 Luật Công chứng thì công chứng viên phải ghi lời chứng vào từng trang của văn bản công chứng thỏa thuận trên có 3 trang nhưng công chứng viên chỉ ký xác nhận vào trang cuối là không đúng quy định. Hơn nữa ngày 19/10/2007, các bên mới đến Phòng công chứng số 3 để thỏa thuận và ký vào bản thỏa thuận phân chia di sản nhưng tại trang 3 của bản công chứng lại thể hiện các bên có thỏa thuận trước đó một tháng và thỏa thuận này đã được niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân phường Linh Xuân, có mâu thuẫn. Trong khi quan điểm của cấp giám đốc thẩm cho rằng sau khi thực hiện niêm yết nội dung thỏa thuận phân chia di sản tại Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Chánh từ ngày 18/9/2007 và Phòng công chứng số 03 không nhận được khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến việc có thêm người thừa kế hoặc liên quan đến di sản là vi phạm Điều 49 Luật Công chứng quy định về công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Do vậy, tờ thỏa thuận phân chia di sản tuy có công chứng nhưng vi phạm về hình thức lẫn nội dung. Do đó cấp giám đốc thẩm đã hủy án của cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Bình luận về vụ án trên có tác giả[8] còn cho rằng: Trong vụ việc trên người thừa kế thỏa thuận phân chia di sản và thỏa thuận được công chứng nhưng thủ tục công chứng không hợp lệ. Từ đó, tòa giám đốc thẩm khẳng định tờ “thỏa thuận phân chia di sản” “có vi phạm hình thức”. Từ sự không hợp lệ này cùng với việc thiếu một người thừa kế, tòa giám đốc thẩm cho rằng “biên bản phân chia thừa kế nêu trên là không hợp pháp”. Trong trường hợp thỏa thuận phân chia di sản được công chứng, chứng thực nhưng chỉ thủ tục công chứng, chứng thực không hợp lệ thì chúng ta không nên vô hiệu hóa thỏa thuận này khi thỏa thuận thỏa mãn các điều kiện về nội dung.

Tác giả đồng ý với quan điểm của tác giả trên và không đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát và quan điểm của cấp giám đốc thẩm cho rằng thỏa thuận phân chia di sản trên vô hiệu. Theo quan điểm của tác giả thì BLDS chỉ quy định các bên chỉ cần phải lập thành văn bản khi thỏa thuận phân chia di sản không bắt buộc phải công chứng chứng thực, do đó nếu công chứng, chứng thực vi phạm thì cũng không được được coi là vi phạm về hình thức.

Qua thực tiễn xét xử một số Tòa án theo hướng thỏa thuận vi phạm về hình thức không công chứng, chứng thực hay thủ tục công chứng, chứng thực vi phạm không có giá trị pháp lý, chúng tôi thiết nghĩ thỏa thuận trong trường hợp này vẫn có giá trị pháp lý về mặt hình thức do đã thỏa mãn điều kiện đã lập thành văn bản. Pháp luật không yêu cầu phải công chứng, chứng thực, tuy nhiên nếu các bên tự nguyện công chứng, chứng thực thì thủ tục công chứng, chứng thực có vấn đề hay không đều không quan trọng bởi vì luật chỉ yêu cầu các bên phải lập thành văn bản không yêu cầu công chứng chứng thực, theo tác giả luật chỉ quy định yêu cầu lập thành văn bản mà các bên tự nguyện công chứng, chứng thực Tòa theo hướng phải tuân thủ đúng quy định về công chứng, chứng thực là không cần thiết, áp dụng tùy tiện pháp luật.

Tác giả kiến nghị TANDTC nên ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng trong trường hợp thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vi phạm thủ tục công chứng (kể cả trong trường hợp không công chứng) nếu đáp ứng được các yêu cầu về nội dung là đã lập thành văn bản thì không vô hiệu mà vẫn có hiệu lực pháp luật, do luật chỉ quy định thỏa thuận phân chia di sản thừa kế chỉ yêu cầu lập bằng văn bản không yêu cầu công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn này sẽ thống nhất trong thực tiễn xét xử và đúng theo quy định pháp luật.

 

Bình minh ở Tp HCM - Ảnh: Thái Vũ

 

[1] Viện Ngôn ngữ học (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.427

[2] Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh (2013), Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, NXB. Hồng Đức, Tp Hồ Chí Minh, tr.164

[3] Đỗ Văn Đại(2013), Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia (tái bản lần thứ 4), Bản án số 65-68, phần bình luận số 2.

[4] Đỗ Văn Đại (2013), Luật hợp đồng Việt Nam, Sđd, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Bản án số 65-68, phần bình luận số 10.

[5] Lý Văn Toán- Nguyễn Thị Kim Lan, Công nhận giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7, năm 2018, tr.12.

[6] Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS 2015, Nxb. Hồng Đức- Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ hai), phần số 129 và tiếp theo.

[7] Bản án số 885/2018/DS-ST ngày 14/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh về việc: “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”.

[8] PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Luật Thừa kế Việt Nam (Tập 2), Bản án và bình luận Bản án, trang 476.

ThS. NGUYỄN BÍCH NHƯ (TAND Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau) – LÊ QUANG HIẾN (Công ty Luật TNHH MTV Minh Khai)