Phạt vi phạm trong hoạt động thương mại một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật

Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ một số vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định về phạt vi phạm trong hoạt động thương mại, từ đó đưa ra một số giải pháp gợi mở để góp phần hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Luật Thương mại năm 2005 ra đời đã góp phần tạo nên khung pháp lý vững chắc điều chỉnh các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, qua nhiều năm áp dụng, Luật Thương mại năm 2005 đã phát sinh những bất cập cần phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, trong đó có các quy định liên quan đến phạt vi phạm trong hoạt động thương mại. Chế định pháp lý về phạt vi phạm được coi là một chế định quan trọng để bảo vệ các bên trong quan hệ thương mại. Mục đích của phạt vi phạm là nhằm ngăn ngừa những hành vi vi phạm có thể xảy ra, để từ đó góp phần bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể khi tham gia vào các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định về phạt vi phạm trong Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản có liên quan vẫn còn tồn tại những vấn đề chưa thật sự rõ ràng, thống nhất, phù hợp nên đã dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau. Chính điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi các quy định về phạt vi phạm trên thực tế. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đưa ra được các giải pháp hữu ích để góp phần khắc phục những vấn đề còn bất cập trong quy định về phạt vi phạm để từ đó nâng cao hiệu quả trong việc thực thi và áp dụng chế định này trong thực tế là điều rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

1. Thực trạng quy định về phạt vi phạm trong pháp luật Việt Nam hiện nay

Hiện nay, vấn đề phạt vi phạm được quy định chủ yếu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Về mặt khái niệm, cả hai văn bản pháp luật này có cách quy định khá tương đồng và thống nhất với nhau. Theo đó, khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này...”. Như vậy, theo quy định trong cả hai văn bản pháp luật trên, phạt vi phạm là một chế tài thỏa thuận, theo đó, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền nhất định. Về điều kiện áp dụng, chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi thỏa mãn ba điều kiện gồm: (i) Các bên có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng; (ii) Một bên có hành vi vi phạm hợp đồng mà theo thỏa thuận giữa các bên thì bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm hợp đồng; (iii) Hành vi vi phạm hợp đồng không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm.

Như vậy, dưới góc độ là một văn bản pháp luật chuyên ngành, Luật Thương mại năm 2005 đã tạo ra được hành lang pháp lý cần thiết cho việc phạt vi phạm trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, các quy định của này vẫn còn một số điểm chưa thật sự hợp lý và cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:

Một là, còn nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm. Thực tế, hiện tại vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất đối với quy định về phạt vi phạm trong Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Có quan điểm cho rằng, thỏa thuận phạt vi phạm cần có ngay trong hợp đồng từ thời điểm giao kết. Quan điểm khác lại cho rằng, thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và thỏa thuận này không nhất thiết phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra mà có thể thỏa thuận sau khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra1. Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, tuy nhiên, quan điểm này cho rằng thỏa thuận phạt vi phạm phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra2. Có thể thấy rằng, việc vẫn còn  nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề xác định thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm như trên đã dẫn đến sự khó khăn và không thống nhất trong việc thực thi pháp luật trên thực tế.

Hai là, về mức phạt vi phạm. Hiện nay, đối với hợp đồng dân sự thông thường thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận3, còn đối với hợp đồng thương mại thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm… Có thể thấy rằng, việc Luật Thương mại năm 2005 vẫn giữ quy định về giới hạn mức phạt vi phạm như trên có nhiều điểm chưa thật sự hợp lý và thuyết phục. Trước đây, theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 thì phạt vi phạm là một loại chế tài luật định4. Đây có thể xem là dấu ấn còn sót lại của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các bên ký kết hợp đồng đều là các đơn vị kinh tế quốc doanh hoặc tập thể nhằm thực hiện các chỉ tiêu được giao, do đó mức phạt cũng bị giới hạn theo5. Tuy nhiên, hiện tại, nền kinh tế của nước ta đã phát triển theo hướng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật Thương mại năm 2005 đã thay đổi và quy định phạt vi phạm là chế tài thỏa thuận. Tuy nhiên, pháp luật thương mại vẫn giữ nguyên quy định về việc giới hạn về mức phạt, gây ra nhiều bất cập. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự6, quy định trên phần nào hạn chế sự tự do thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng.

Mặt khác, các quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa đưa ra được cách thức giải quyết trong trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm lớn hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Hiện nay, vẫn còn tồn tại hai quan điểm đối với vấn đề trên: (i) Quan điểm thứ nhất cho rằng, phần vượt quá sẽ không được tính và mức phạt sẽ được xác định là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, điều khoản phạt vi phạm vẫn có hiệu lực; (ii) Quan điểm thứ hai cho rằng, điều khoản này sẽ bị vô hiệu, không được áp dụng và bên bị vi phạm không có căn cứ để yêu cầu phạt vi phạm7. Từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại, các Tòa án thường chấp nhận quan điểm thứ nhất, nghĩa là nếu hai bên thỏa thuận vượt quá 8% thì sẽ áp dụng mức phạt từ 8% trở xuống để giải quyết yêu cầu bồi thường cho bên bị vi phạm8.

Ba là, mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại vẫn có sự quy định không thống nhất giữa Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm, điều này có thể hiểu là các bên phải thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì khi có đủ các điều kiện cần thiết, bên bị vi phạm mới có thể yêu cầu áp dụng đồng thời hai chế tài. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 lại quy định rằng, trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Theo quy định này, có thể hiểu, các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại mà không cần phải thỏa thuận việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo quan điểm của tác giả, quy định của Luật Thương mại năm 2005 có phần hợp lý hơn do bồi thường thiệt hại được đặt ra khi có hành vi vi phạm, có hậu quả xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chứ không phải là một chế tài thỏa thuận. Sự chưa thống nhất trong các quy định trên đã gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

2. Đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về phạt vi phạm

Để khắc phục những bất cập trong quy định của pháp luật về phạt vi phạm, tác giả đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, bổ sung quy định thống nhất cách hiểu về thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm. Theo quan điểm của tác giả, thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và không nhất thiết phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Chế tài phạt vi phạm là một chế tài thỏa thuận. Do đó, cần tôn trọng thỏa thuận và ý chí của các bên. Khi xảy ra hành vi vi phạm nhưng các bên vẫn thỏa thuận được về việc phạt vi phạm đồng nghĩa với việc hai bên đã thống nhất được một ý kiến chung và ý kiến đó cần được tôn trọng.

Hai là, không nên quy định giới hạn của mức phạt vi phạm mà nên để các bên tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, nên xem xét quy định về sự can thiệp nhất định của Tòa án trong trường hợp mức phạt quá cao hay quá thấp. Vấn đề này có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Theo đó, pháp luật của các quốc gia này cho phép cơ quan tài phán can thiệp vào mức phạt vi phạm.

Bên cạnh đó, trong trường hợp vẫn giữ quy định về mức giới hạn như hiện nay thì cần có các quy định cụ thể để giải quyết trong trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm lớn hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Theo quan điểm của tác giả, thỏa thuận trên nên bị vô hiệu vì nếu giải quyết theo hướng phần vượt quá sẽ không được tính và mức phạt sẽ được xác định là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm sẽ vô tình dẫn đến những tiền lệ xấu, các bên sẽ thỏa thuận vượt mức quy định, bởi lẽ, dù thỏa thuận vượt quá giới hạn luật định thì thỏa thuận vẫn được công nhận với mức 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm mà không hề bị vô hiệu.

Mặt khác, theo nghiên cứu các văn bản pháp luật trước đây của nước ta cũng có những quy định theo hướng phạt vi phạm phải tương xứng với mức độ thiệt hại. Ví dụ như, theo Thông tư số 1861-KT ngày 21/7/1962 của Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước về giải thích Điều lệ tạm thời về việc quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ban hành do Nghị định số 29-CP ngày 23/02/1962 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, trong trường hợp số tiền bồi thường thiệt hại thực tế ít hơn số tiền phạt vi phạm thì bên vi phạm chỉ nộp khoản tiền phạt vi phạm. Nhưng nếu tiền bồi thường cao hơn tiền phạt vi phạm thì bên có lỗi chỉ trả khoản tiền bồi thường thiệt hại thực tế cho bên bị vi phạm. Theo đó, việc bổ sung quy định về sự can thiệp nhất định của Tòa án trong trường hợp mức phạt quá cao hay quá thấp căn cứ trên việc phạt vi phạm phải tương xứng với mức độ thiệt hại là một gợi mở để hoàn thiện hơn nữa những quy định về phạt vi phạm.

Ba là, cần có sự thống nhất trong quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Theo tác giả, hiện nay, quy định của Luật Thương mại năm 2005 có phần chính xác về mặt bản chất hơn so với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì chế tài bồi thường thiệt hại được áp dụng dựa trên thiệt hại thực tế xảy ra. Do đó, nếu chỉ áp dụng chế tài phạt vi phạm thì trong nhiều trường hợp, mức phạt vi phạm sẽ không đủ khắc phục thiệt hại xảy ra cho người bị vi phạm. Chỉ trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phạt vi phạm mà có thiệt hại do vi phạm hợp đồng xảy ra, bên bị vi phạm mới đương nhiên được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều này làm cho quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại trong các trường hợp không có sự thống nhất. Tức là, có trường hợp chế tài bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng nếu có thỏa thuận, nhưng lại có trường hợp đương nhiên được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra9. Vì thế, cần thống nhất quy định này giữa hai văn bản để tránh sự mâu thuẫn nhau.

Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay, các quy định về phạt vi phạm trong hoạt động thương mại còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, thống nhất và phù hợp với tình hình mới. Điều này đã, đang và sẽ gây ra những hạn chế nhất định trong việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật về vấn đề này trên thực tế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá, xem xét và tiếp tục hoàn thiện các chế định pháp luật về phạt vi phạm trong hoạt động thương mại hiện nay là điều rất quan trọng và cấp thiết. Đặc biệt là việc hoàn thiện các quy định về vấn đề liên quan đến thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm, mức phạt vi phạm, mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại giữa Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi các vấn đề này được hoàn thiện theo hướng đề xuất sẽ là điều kiện cần thiết để giúp hoạt động thương mại được diễn ra hiệu quả, đáp ứng với các yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.

 Theo tcdcpl.gov.vn

 TAND TP Hà Nội xét xử vụ án kinh doanh thương mại - Ảnh: Khánh Hoài

 

1. Nguyễn Thế Đức Tâm (2015), Chế tài phạt vi phạm hợp đồng thương mại từ góc nhìn quản trị và luật so sánh, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 30.

2. Đỗ Văn Đại (2007), “Phạt vi phạm hợp đồng trong pháp luật thực định Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 19/2007, tr. 13.

3. Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Điều 19 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 quy định: “Tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế do các bên thỏa thuận trong khung phạt đối với từng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có quy định của pháp luật, các bên có quyền thỏa thuận về mức tiền phạt”.

5. Nguyễn Văn Phúc, “Một số vấn đề đặc thù về chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực dân sự theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp dưới góc độ luật học so sánh” (Kỳ 2), https://khoaluat.duytan.edu.vn/goc-hoc-tap/mot-so-van-de-dac-thu-ve-che-tai-phat-vi-pham-hop-dong-trong-linh-vuc-dan-su-theo-phap-luat-viet-nam-va-phap-luat-cong-hoa-phap-duoi-goc-do-luat-hoc-so-sanh-ky-2/, truy cập ngày 22/12/2021.

6. Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015.

7. Đinh Văn Cường (2020), “Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại và mối quan hệ giữa hai chế tài”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 03/2020, tr. 51.

8. Nguyễn Đức Anh, “Phạt vi phạm hợp đồng theo pháp luật thương mại Việt Nam”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/phat-vi-pham-hop-dong-theo-phap-luat-thuong-mai-viet-nam, truy cập ngày 22/12/2021.

9. Nguyễn Văn Hợi, “Sự không thống nhất trong quy định về hợp đồng giữa Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210500, truy cập ngày 22/12/2021.

THS. TRẦN LINH HUÂN & NGUYỄN PHƯỚC THẠNH (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)