Thời hiệu và thời hiệu khởi kiện

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 có quy định về thời hiệu, thời hiệu khởi kiện.

Quy định về thời hiệu, thời hiệu khởi kiện trong BLDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu, thời hiệu khởi kiện trong BLDS 2005 để mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện thống nhất và là căn cứ pháp lý để xác định việc thực hiện thời hiệu khởi kiện của người khởi kiện, cơ quan tiến hành tố tụng có đúng pháp luật hay không.

1.Về thời hiệu

Khoản 1 Điều 149 BLDS 2015 quy định:

“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.

Điều 150 BLDS 2015 quy định các loại thời hiệu:

“1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu”.

Như vậy, có 04 loại thời hiệu, từng loại thời hiệu có quy định riêng.

2. Về thời hiệu khởi kiện

BLDS 2015 quy định có các trường hợp sau đây:

-Trường hợp thứ nhất, quy định cụ thể thời hiệu khởi kiện

(1) Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng: Điều 429 BLDS 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

(2) Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại: Điều 588 BLDS 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng và thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong BLDS 2015 mà chúng tôi trình bày ở trên là quy định sửa đổi Điều 427 BLDS 2005 (thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự) và sửa đổi điều 607 BLDS 2005 (thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại) theo hướng tăng thời hiệu khởi kiện từ 02 năm lên 03 năm.

– Trường hợp thứ hai, không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Điều 155 BLDS 2015 quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

“1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

4. Trường hợp khác do luật quy định”.

– Trường hợp thứ ba, áp dụng quy định về thời hiệu yêu cầu áp dụng về thời hiệu của đương sự. Trường hợp này, khoản 2 Điều 149 BLDS 2015 quy định như sau: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiệ
n yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS 2015 thì việc áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu của đương sự phải có điều kiện. Điều kiện đó là thời hiệu mà đương sự thực hiện thì đương sự báo cho Tòa án cấp sơ thẩm biết trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.

Theo chúng tôi, điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS 2015 có ý nghĩa là để Tòa án cấp sơ thẩm kiểm tra, xem xét thời hiệu mà đương sự tự thỏa thuận đưa ra thực hiện có đúng pháp luật hay không?

Ví dụ 1: A và B tự thỏa thuận với nhau về thời hiệu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai bên là 10 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp (ngày 15/02/2010) và báo với Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền giải quyết ngay sau ngày đương sự nộp đơn khởi kiện. Sau khi xem xét, Tòa án cấp sơ thẩm xác định việc đương sự thỏa thuận thời hiệu khởi kiện này là trái pháp luật, vi phạm Điều 155 BLDS 2015. Vì Điều 155 BLDS 2015 quy định: không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp quyền sử dụng đất mà Tòa án căn cứ vào Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết, đồng thời Tòa án cấp sơ thẩm báo cho các đương sự biết và Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án để giải quyết.

Ví dụ 2: H và K thỏa thuận với nhau về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 04 năm kể từ ngày 04/9/2015 (K gây thiệt hại về sức khỏe cho H) và báo với Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền giải quyết ngay sau ngày đương sự nộp đơn khởi kiện. Sau khi xem xét, Tòa án cấp sơ thẩm xác định: việc đương sự thỏa thuận thời hiệu khởi kiện này trái pháp luật, vi phạm Điều 588 BLDS 2015. Vì Điều luật này quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là ngày 04/9/2015, đồng thời Tòa án cấp sơ thẩm báo cho các đương sự H, K biết và trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện yêu cầu bồi thường với lý do là đã hết thời hiệu khởi kiện.

3. Về thời hiệu thừa kế

Điều 623 BLDS 2015 quy định:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Thời hiệu quy định tại Điều 623 BLDS 2015 mà chúng tôi trích dẫn ở trên cũng đang có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Ý kiến khác lại cho rằng đó là thời hiệu yêu cầu về thừa kế. Ý kiến thứ ba lại cho rằng đó là thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Nghiên cứu quy định tại Điều 623 BLDS 2015 về thời hiệu thừa kế và quy định về thừa kế trong BLDS 2005, BLDS 1995, chúng tôi nhận thấy: BLDS 1995 không quy định thời hiệu thừa kế. Còn BLDS 2005 có quy định về thời hiệu. Cụ thể là, tại Điều 645 BLDS 2005 quy định tên gọi của điều luật là: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Với tên gọi này thì việc giải quyết di sản thừa kế chỉ có một cách duy nhất là người thừa kế khởi kiện tại Tòa án để Tòa án giải quyết chia thừa kế. Tên gọi của điều luật đã hạn chế sự thân thiện của người thừa kế trong việc giải quyết di sản thừa kế. Do đó, BLDS 2015 đã sửa đổi tên gọi từ “thời hiệu khởi kiện về thừa kế” thành “thời hiệu thừa kế”.

Với tên gọi của điều luật là “thời hiệu thừa kế” và nội dung quy định của Điều 623 BLDS 2015 thì đó là thời hiệu thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản, yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bãi bỏ quyền thừa kế của người khác và để người có yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại đối với người có yêu cầu. Các yêu cầu này có thể do các thừa kế tự giải quyết với nhau, sau đó yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận hoặc cũng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Do đó, theo chúng tôi, thời hiệu quy định tại Điều 623 BLDS 2015 là thời hiệu thừa kế như tên gọi của điều luật mà không phải là thời hiệu khởi kiện, cũng không phải là thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Để nhận thức pháp luật được thống nhất, chúng tôi đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hướng dẫn về thực hiện và giải thích quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS 2015 và quy định tại Điều 623 BLDS 2015./.

Khai mạc phiên tòa dân sự tại TAND tỉnh Cà Mau – Ảnh: Phạm Thanh Răng

ĐỖ VĂN CHỈNH