Trình tự xử lý tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng

Thực tiễn xử lý tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong trường hợp bảo lãnh bằng việc thế chấp tài sản của bên thứ ba đảm bảo cho khoản vay tại các TCTD đang còn có nhiều quan điểm khác nhau

Nhiều quan điểm khác nhau

Thế chấp và bảo lãnh là hai trong chín biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLDS năm 2015. Thế chấp theo quy định tại Điều 317 BLDS năm 2015 là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Còn bảo lãnh theo quy định tại Điều 335 BLDS năm 2015 là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Theo quy định tại Điều 299 BLDS năm 2015 thì khi nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ thì bên nhận thế chấp được xử lý tài sản dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong trường hợp bảo lãnh bằng việc thế chấp tài sản của bên thứ ba đảm bảo cho khoản vay tại các TCTD đang còn có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất (quan điểm đang được thực hiện phổ biến hiện nay trong giải quyết các tranh chấp tại Tòa án liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp): Khi người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì TCTD (bên nhận bảo lãnh) được xử lý ngay tài sản thế chấp của bên thứ ba (bên bảo lãnh) để thu hồi nợ của của bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh).

Quan điểm thứ hai: Nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng tài sản thế chấp là nghĩa vụ bảo lãnh của bên thế chấp tài sản. Do đó, khi người có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì TCTD (bên nhận bảo lãnh) phải có yêu cầu bên bảo lãnh (bên thế chấp tài sản) thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Chỉ khi bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì TCTD (bên nhận bảo lãnh) mới được xử lý tài sản thế chấp.

Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: Đối với trường hợp bảo lãnh bằng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các TCTD thì trình tự xử lý tài sản thế chấp lại có đặc điểm riêng biệt. Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba là loại hình bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của bên thứ ba, theo đó bên bảo lãnh cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để trả nợ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu đến hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ.

Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba, xuất hiện hai quan hệ hợp đồng: quan hệ hợp đồng giữa bên bảo lãnh (bên thứ ba) với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) và quan hệ hợp đồng giữa bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) với bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh). Việc bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba được thực hiện bằng biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản. Trong các giao dịch này, nghĩa vụ chính được bảo đảm bởi bảo lãnh nên bảo lãnh là phụ cho nghĩa vụ chính, còn nghĩa vụ bảo lãnh được bảo đảm bởi thế chấp nên thế chấp là phụ của bảo lãnh.[1] Do đó, theo quy định tại Điều 299 BLDS năm 2015, để xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp này, thì cần phải thực hiện các bước sau[2]:

* Đã yêu cầu bất thành người có nghĩa vụ

Người thứ ba (bên bảo lãnh) không phải là người có nghĩa vụ chính mà chỉ là người đứng ra bảo đảm cho nghĩa vụ chính (ở đây là trả nợ vay); trong khi đó người đứng ra bảo đảm, theo pháp luật hiện hành, chỉ là người có nghĩa vụ phụ và lệ thuộc vào việc người có nghĩa vụ chính đã thực hiện hay chưa. Nếu người có nghĩa vụ chính trong khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình thì không cần đến sự bảo đảm của người thứ ba. Do đó, chưa thể khởi động buộc người thứ ba bảo đảm khi chưa chứng minh được người có nghĩa vụ chính không thực hiện được nghĩa vụ của họ.

* Không được yêu cầu xử lý ngay tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm (tài sản thế chấp) của người thứ ba (bên bảo lãnh) chỉ là bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh chứ không bảo đảm trực tiếp cho nghĩa vụ chính. Do đó, chúng ta không thể xử lý tài sản bảo đảm ngay khi người có nghĩa vụ chính không thực hiện. Tài sản bảo đảm chỉ được sử dụng để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh nên chỉ khi nào nghĩa vụ bảo lãnh không được thực hiện thì mới có thể xử lý tài sản bảo đảm như chúng ta sẽ thấy ở phần dưới đây.

* Đã yêu cầu bất thành người thứ ba thực hiện thay

Người thứ ba là người bảo lãnh và lúc này tài sản bảo đảm được sử dụng để thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh. Khoản 1 Điều 342 BLDS năm 2015 khẳng định: “Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó”. Quy định này cho thấy tài sản thế chấp chỉ có thể bị xử lý khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, trong khi đó nghĩa vụ được bảo đảm bởi thế chấp ở đây chính là nghĩa vụ bảo lãnh (không là nghĩa vụ chính được hình thành từ việc vay). Do đó, chúng ta chỉ có thể chuyển sang giai đoạn xử lý tài sản bảo đảm khi nghĩa vụ được bảo đảm bởi tài sản là nghĩa vụ bảo lãnh không được thực hiện đúng.

Đồng thời, khoản 5 Điều 323 BLDS năm 2015 quy định người nhận thế chấp chỉ có quyền “Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Ở đây, người thứ ba là bên thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ của mình (là nghĩa vụ bảo lãnh). Vì vậy, người nhận thế chấp cũng chỉ có thể tiến hành xử lý tài sản bảo đảm khi người thế chấp (người bảo lãnh) “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Hoàn thiện trình tự thủ tục

Tác giả đề xuất hoàn thiện về trình tự xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp bảo lãnh bằng thế chấp tài sản đảm bảo cho vay tại các TCTD như sau :

Thứ nhất, việc xây dựng Nghị định mới để thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ đã đến lúc cấp bách. Trong Nghị định mới về giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo lãnh cần được hướng dẫn chi tiết hơn và làm rõ các vấn đề mà BLDS năm 2015 còn quy định mang tính khái quát.

Cụ thể, cần có quy định về trình tự xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp bảo lãnh bằng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các TCTD, giải thích để làm rõ hơn bản chất pháp lý của biện pháp bảo lãnh và không nhắc lại hoặc sao chép các quy định đã có trong BLDS. Theo đó, trình tự xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp bảo lãnh bằng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các TCTD cần phải đủ 3 điều kiện:

  • Đã yêu cầu bất thành người có nghĩa vụ (bên vay)
  • Không được yêu cầu xử lý ngay tài sản bảo đảm
  • Đã yêu cầu bất thành người thứ ba (bên bảo lãnh) thực hiện thay

Thứ hai, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 335 BLDS năm 2015.

Bảo lãnh là biện pháp đối nhân, vì vậy, thứ tự ưu tiên thanh toán (tính đối kháng với người thứ ba) không đặt ra hoặc bắt buộc phải có quy định về giá trị tối đa của nghĩa vụ bảo lãnh với nghĩa vụ được bảo lãnh. Mặc dù các quy định của BLDS năm 2005 cũng như BLDS năm 2015 đã có xu hướng tiếp cận biện pháp bảo lãnh là biện pháp đối nhân, nhưng trong các hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể hoặc thiên hướng vào yếu tố “đối vật” để đảm bảo quyền lợi cho bên nhận bảo lãnh, dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật thiếu chuẩn xác. Bên cạnh đó, còn rất nhiều quy định mang tính tùy nghi, ví dụ như “các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình” (Điều 361 BLDS năm 2005 và khoản 2 Điều 335 BLDS năm 2015)…

Quy định như vậy sẽ đưa đến hệ quả là, bên bảo lãnh có thể thiếu tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ và ai sẽ chứng minh được rằng, bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ? Đồng thời, bên được bảo lãnh cũng không tích cực thực hiện nghĩa vụ mà trông chờ vào việc thực hiện nghĩa vụ thay của bên bảo lãnh… Về nguyên tắc, bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp bên được bảo lãnh đã dùng toàn bộ tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh nhưng vẫn không đảm bảo trọn vẹn việc thực hiện nghĩa vụ. Các quy định về trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh theo Điều 342 BLDS năm 2015 cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn để bên được bảo lãnh cũng như bên bảo lãnh phải có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng như nghĩa vụ bảo lãnh[3]. Trong trường hợp các bên không thoả thuận về sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thì cần có quy chế pháp lý để đảm bảo cho bên nhận bảo lãnh có thể yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại một cách hiệu quả trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh.

Chế định bảo lãnh của Việt Nam đặc biệt có lợi cho bên nhận bảo lãnh, nếu khi nghĩa vụ được bảo lãnh đến hạn mà bên được bảo lãnh (bên đi vay) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ này, thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh và các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều đó có nghĩa là, khi các bên không có thỏa thuận, thì khi nghĩa vụ được bảo lãnh đến hạn nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ này, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà không cần phải chứng minh việc bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Pháp luật chưa có quy định về việc bên nhận bảo lãnh phải yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của mình trước và việc cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ trước hết được tiến hành đối với tài sản của người được bảo lãnh, sau đó nếu người được bảo lãnh không có tài sản thì mới có quyền yêu cầu người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Điều này chưa thực sự hợp lý, vì suy cho cùng, thì bên bảo lãnh chỉ là người có nghĩa vụ thứ hai và chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi người có nghĩa vụ chính không thực hiện.

Ảnh minh họa của SCB

[1] Đỗ Văn Đại (2017), Luật nghĩa vụ và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Việt Nam – Bản án và bình luận bản án (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ ba), Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.738.

[2] Đỗ Văn Đại (2017), Luật nghĩa vụ và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Việt Nam – Bản án và bình luận bản án (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ ba), Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.743.

[3] Như đã nói ở trên, bản chất của bảo lãnh không phải là việc người bảo lãnh bằng danh dự, uy tín của mình, mà thực chất bằng toàn bộ khối tài sản của mình để cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh nếu người sau này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Trong bảo lãnh – bảo đảm đối nhân, cái mà người nhận bảo lãnh quan tâm là người đứng ra bảo lãnh và khả năng tài chính của anh ta (toàn bộ khối tài sản mà người bảo lãnh có) mà không hướng vào một tài sản cụ thể nào.

LẠI HIỆP PHONG (TAND tp Long Xuyên, tỉnh An Giang)