Về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với dân quân tự vệ phạm tội

Một dân quân tự vệ phạm tội trong vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án. Trong thực tiễn, để xác định đúng thẩm quyền xét xử đối với đối tượng dân quân tự vệ rất khó và phức tạp.

1.Một vụ án liên quan đến Dân quân tự vệ

 Khoảng 7 giờ ngày 3/12/2018, B.V.H, sinh năm 1986; chức vụ: Phó trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đã mang theo súng vào khuôn viên trụ sở UBND phường Đoàn Kết, khống chế, bắn một nữ cán bộ phường chết tại chỗ sau đó tự sát nhưng không chết. Ngày 05/12/2018 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người trên.

Xác định B.V.H đang là học viên đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở của Trường Quân sự tỉnh Gia Lai nên VKSND tỉnh Gia Lai ra Quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 5 để giải quyết theo thẩm quyền.

Việc xác định thẩm quyền điều tra đối với vụ án trên có đúng với quy định của pháp luật?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định tại Điều 272.

Trong nhiều căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự có căn cứ liên quan đến đối tượng là Dân quân tự vệ (DQTV), tuy nhiên không phải mọi trường hợp DQTV phạm tội đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự mà chỉ trong trường hợp “DQTV trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”.

Trong vụ án này, đối tượng B.V.H là dân quân, hành vi giết người của B.V.H xảy ra trong thời gian đối tượng này đang đi học đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở tại Trường Quân sự tỉnh Gia Lai. Đây là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng xác định thẩm quyền điều tra đối với vụ án này.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra thời gian đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở tại Trường Quân sự có phải là trong thời gian huấn luyện của DQTV hay không?

Lần đầu tiên các căn cứ xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được quy định thành điều luật tại Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 1985 và sau này được thay thế bằng Pháp lệnh Tòa án quân sự năm 2002. Các văn bản này đều không quy định DQTV phạm tội trong trường hợp tập trung huấn luyện thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự,

DQTV phạm tội trong thời gian tập trung huấn luyện thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, đây là một trong nhiều điểm mới của BLTTHS năm 2015 về các căn cứ xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Tuy nhiên trường hợp này không phải là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Chương XXV của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 về “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”, như vậy có sự chênh nhau giữa BLHS và BLTTHS.

Vấn đề huấn luyện DQTV được quy định tại Điều 34, Luật DQTV năm 2009, như sau:

“Huấn luyện dân quân tự vệ

Hằng năm, dân quân tự vệ nòng cốt được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật theo chương trình cơ bản của từng đối tượng phù hợp với nhiệm vụ và địa bàn hoạt động. 

Thời gian huấn luyện hằng năm được quy định như sau: a) 15 ngày đối với dân quân tự vệ năm thứ nhất; b) 12 ngày đối với dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ biển, dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế; c) 7 ngày đối với dân quân tự vệ tại chỗ; d) 60 ngày đối với dân quân thường trực”.

Theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BQP ngày 08/01/2016 của Bộ Quốc phòng quy định chương trình tập huấn, huấn luyện và quy định việc tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao dân quân tự vệ.

Theo đó huấn luyện DQTV được tiến hành ở các trạng thái thường xuyên; trình trạng khẩn cấp về quốc phòng và trình trạng chiến tranh.

Như vậy đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở tại trường Quân sự tỉnh không phải là trong thời gian tập trung huấn luyện.

Vấn đề đào tạo được quy định tại Điều 32, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 như sau:

Đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã

1.Chỉ huy trưởng và Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được đào tạo đạt trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở trở lên. Việc đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở được thực hiện tại trường quân sự cấp tỉnh, đào tạo trình độ cao hơn tại nhà trường cấp quân khu, nhà trường, học viện thuộc Bộ Quốc phòng”.

Theo Thông tư 117/TT-BQP ngày 30/12/2009 và Thông tư số 96/2015/TT-BQP ngày 31/ 8/ 2015 của Bộ Quốc phòng quy định về đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở, quy định về chiêu sinh, tổ chức đào tạo; đánh giá học phần, thi kết thúc học phần và thi tốt nghiệp; điều kiện công nhận, xếp loại và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở. Với thời gian đào tạo là 18 tháng.

Với quy định này thì các đối tượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở không thuộc quản lý về hành chính, quân sự, không thuộc biên chế của trường Quân sự tỉnh. Mà đối tượng này đang thuộc biên chế, chịu sự quản lý của chính quyền địa phương theo phân cấp.

Từ các quy định trên xác định B.V.H thực hiện hành vi giết người không phải trong thời gian tập trung huấn luyện của Dân quân tự vệ. Do đó không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nên không thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 5.

Quay lại vụ án, quá trình điều tra xác định B.V.H “Lợi dụng các cán bộ chiến sĩ đang chào cờ, H. đã lén dùng máy cắt sắt phá hủy tủ đựng súng, cắt dây xâu cò và lấy trộm súng ”[2] . Xác định hành vi này của B.V.H có dấu hiệu của tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự;” được quy định tại Điều 304 BLHS năm 2015.

Theo quy định tại Điều 272 BLTTHS năm 2015, ngoài căn cứ là DQTV phạm tội như hai trường hợp nêu trên còn có các căn cứ khác để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đó là:

a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; 

b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ. 

Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.”

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì Vũ khí tại các Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn do Bộ Quốc phòng trang bị và quản lý. Theo quy định tại Điều 24, Luật tổ chức Cơ quan điều tra năm 2015 vụ án trên thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra Quân khu 5.

Vậy hành vi của B.V.H có dấu hiệu của 2 tội danh thuộc thẩm quyền điều tra của hai cơ quan điều tra khác nhau là Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Gia Lai và Cơ quan An ninh điều tra Quân khu 5. Trường hợp này được giải quyết như sau:

Trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự được quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015 quy định:

“Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện: 

Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; 

Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.”

Như vậy vụ án trên thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Quân khu 5. Tuy nhiên, qua sự phân tích đó, thấy rằng để xác định đúng thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với đối tượng “Dân quân tự vệ” rất khó và phức tạp.

2.Một số vấn đề về thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự liên quan đến DQTV phạm tội.

DQTV là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức, xây dựng vững mạnh, rộng khắp, không tách rời quá trình lao động sản xuất. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: DQTV và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã[2].

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực, hòa bình, hợp tác là chính, cũng tiềm ẩn những diễn biến, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh… về cơ bản vẫn giữ vững ổn định, nhưng cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Lợi dụng những sơ hở, yếu kém của chính quyền cơ sở, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với mặt tích cực đã, đang phát sinh nhiều phức tạp mới, như ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội,… đe dọa trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở từng cơ sở.

Tình hình đó, đặt ra cho công tác xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng nói chung, xây dựng lực lượng DQTV nói riêng những yêu cầu mới cao hơn, toàn diện hơn. Trong đó nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật nói chung về DQTV, hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nói riêng cần được nghiên cứu cho phù hợp với tình hình xây dựng lực lượng DQTV.

Quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với DQTV phạm tội phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được quy định lần đầu tại BLHS năm 1985, sau đó là Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 1985 và được giữ nguyên đến nay.

BLTTHS năm 2015 lần đầu tiên quy định căn cứ xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thành 01 điều luật, quy định DQTV phạm tội trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự.

Với quy định này có điểm mới đó là thêm căn cứ DQTV phạm tội trong thời gian huấn luyện; thu hẹp khi DQTV bị thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm trong thời gian tập trung huấn luyện thì không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Qua nghiên cứu các căn cứ xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự được quy định tại BLTTHS năm 2015, chúng tôi nhận thấy căn cứ xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự đối với DQTV phạm tội có sự chênh nhau giữa BLHS và BLTTHS và chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DQTV. Trước đây chức năng nhiệm vụ quyền hạn của DQTV được Quy định 29-HĐBT ngày 29/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ Dân quân tự vệ, sau này được thay thế bằng Pháp lệnh DQTV năm 1996, đến năm 2009 được thay thế bằng Luật Dân quân tự vệ.

Chức năng, nhiệm vụ của DQTV trên các lĩnh vực khác nhau được Luật Dân quân tự vệ năm 2009 quy định cụ thể như sau:

1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở; phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển và lực lượng khác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam. 

Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước. 

Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác. 

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, cơ sở. 

Học tập chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự và diễn tập. 

Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật

Qua các nhiệm vụ trên thấy rằng không có từ hay cụm từ nào là “phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”.

Theo Từ điển Bách khoa quân sự, “phối thuộc” là “Lâm thời giao một bộ phận lực lượng cho người chỉ huy thuộc quyền để tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ tác chiến của đơn vị đó, người chỉ huy đơn vị phối thuộc không được quyền thay đổi cơ cấu tổ chức, cán bộ và không được sử dụng đơn vị phối thuộc ngoài chức năng nhiệm vụ của nó. Thời hạn phối thuộc do cấp trên quyết định”.

Như vây, nội hàm của từ “phối thuộc bao gồm:

Thứ nhất: Giao bộ phận lực lượng tự vệ quân cho người chỉ huy thuộc quyền để tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ tác chiến của đơn vị đó.

Thứ hai: Người chỉ huy được phối thuộc không được thay đổi cơ cấu, tổ chức và cán bộ của đơn vị phối thuộc.

Thứ ba: Trong một thời gian nhất đinh.

Như vậy phối thuộc nằm trong phối hợp, qua đó có một số vấn đề như sau:

Một là: DQTV có nhiều nhiệm vụ khác nhau từ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở đến gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước… Các nhiệm vụ của DQTV trong khi thực hiện các nhiệm vụ 1, 2, 3, 5 đều liên quan trực tiếp đến hoạt động quân sự như phương tiện quân sự, địa điểm, tài sản cũng như công tác điều hành của chỉ huy các cấp trong QĐND. Trong đó việc điều động, chỉ huy DQTV để thực hiện các nhiệm vụ trên thuộc thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Quốc phòng.

Qua đó thấy rằng chỉ những trường hợp DQTV phạm tội trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và sẵn sẵng chiến đấu mới thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự, còn phạm tội trong khi thực hiện nhiệm vụ khác như giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ đảng, chính quyền là không thuộc thẩm quyền là chưa hợp lý. Vì tất các các hoạt động nhiệm vụ của DQTV đều dưới sự điều hành, chủ huy trực tiếp và thống nhất của cơ quan quân sự địa phương theo phân cấp.

Hai là: Để thực hiện nhiệm vụ, DQTV tiến hành bằng nhiều phương thức, phương pháp khác nhau, có thể là: Hoạt động độc lập; phối thuộc với các đơn vị Quân đội; phối hợp hoạt động với các đơn vị quân đội, cảnh sát biển, Công an nhân dân, kiểm lâm và các lực lưỡng khác đóng chân trên địa bàn.

Đối với trường hợp DQTV phạm tội trong khi hoạt động độc lập dưới sự chỉ huy của cơ quan quân sự theo phân cấp mà không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Quân đội nhân dân

Ba là: Việc bổ nhiệm chức vụ, chỉ huy các đơn vị DQTV; phê duyệt các chương trình, kế hoạch huấn luyện, chiến đấu theo các mức độ khác nhau đều thuộc thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Quốc phòng; Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, đề án tổ chức, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, hoạt động, quản lý và nghiên cứu khoa học quân sự về dân quân tự vệ; Bảo đảm quân trang, vũ khí trang bị cho DQTV.

Các vấn đề này đều liên quan đến bí mật quân sự, do đó nếu DQTV phạm tội, để làm rõ khách quan, toàn diện của vụ án phải được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội nhân dân.

Bốn là: Theo quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thực hiện công tác thi đua khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về dân quân tự vệ.

Vì vậy các tội phạm xảy ra liên quan đến DQTV thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự là phù hợp với quy định và đảm bảo sự đồng bộ của BLTTHS với luật chuyên ngành.

Năm là: Qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử nhận thấy nếu DQTV phạm tội trong khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định đều thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội nhân dân vì hành vi đó liên quan trực tiếp đến công tác điều hành chỉ huy của các trong Quân đội nhân dân hoặc liên quan đến vũ khí, trang bị, địa bàn do quân đội quản lý.

Với những lý do trên, chỉ quy định DQTV phạm tội trong thời gian huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự như hiện nay là chưa phù hợp

Trường hợp này sửa lại theo hướng DQTV phạm tội hoặc bị thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự.

Đề xuất sửa Điều 272 BLTTHS năm 2015 theo hướng sau:

Điều … Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự 

Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: 

a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; Dân quân, tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; 

b) Những vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ. 

Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật”./.

 

[1].https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-pho-chu-tich-hdnd-phuong-bi-ban-chia-khoa-tu-sung-do-2-nguoi-nam-giu-20181204132947864.htm

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 518

 

 

 

 

 

 

 

 

HOÀNG ĐÌNH DUYÊN (Phòng Điều tra hình sự - Tổng cục Hậu cần – BQP)