Về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”

Trong bài viết này đề cập đến vấn đề xác định “có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung của tội “Cố ý gây thương tích” tại điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015.

1.Quy định của pháp luật

Tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” trong cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” tại điểm i, khoản 1, Điều 134, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% có tính chất côn đồ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Về khoa học pháp lý, tính chất “côn đồ” được sử dụng là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết định khung hoặc định khung tăng nặng.

Theo từ điển Tiếng Việt: “Côn đồ” là danh từ để chỉ kẻ chuyên gây sự, hành hung. Để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội giết người và cố ý gây thương tích, TANDTC có hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995 giải thích:

“Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.

Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.

Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TANDTC về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm. Trong đó yếu tố được đánh giá là có tính chất “côn đồ” là chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.

Theo tác giả Đinh Văn Quế, tính chất côn đồ là: Trường hợp khi gây thương tích, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, gây thương tích vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để gây thương tích.

Trước đây, BLHS năm 1985, tình tiết “có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2, Điều 109 có khung hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

BLHS năm 1999, tình tiết “có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung được quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 104: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% có tính chất côn đồ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

BLHS năm 2015 quy định về “côn đồ” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 52, BLHS năm 2015 (phạm tội có tính chất côn đồ) và quy định “có tính chất côn đồ” là định khung của tội “Giết người” tại điểm n, khoản 1, Điều 123 và tội “Cố ý gây thương tích” tại điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015.

2.Thực tiễn chưa thống nhất

Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thấy rằng xác định trường hợp phạm tội gây thương tích có tính chất côn đồ không phải bao giờ dễ dàng như các trường hợp gây thương tích khác nên việc áp dụng tình tiết này nảy sinh các vấn đề sau:

2.1.Thứ nhất, sơ thẩm không áp dụng, phúc thẩm sửa án

Vì chưa có quy định cụ thể để định lượng được một hành vi như thế nào là “có tính chất côn đồ” nên khi áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” cấu thành tội cố ý gây thương tích trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng hoặc chỉ được áp dụng khi bản án sơ thẩm bị kháng nghị như trường hợp sau:

Tóm tắt vụ án [1]: Năm 2012, trong quá trình làm đường bê tông vào ngõ đi chung, 04 gia đình ông A, B, C, D đã đào hố ga trên đường ngõ để phục vụ thoát nước. Khoảng giữa tháng 11/2016, gia đình ông A đã lấp 01 trong các hồ ga dẫn đến nước thải của gia đình ông B bị ứ đọng nên vào khoảng 15h0 ngày 20/11/2016 khi ông B và vợ đang dùng xẻng, quốc để khai thông hố ga thứ ba thì ông A đi ra nói “Chúng mày hỏi ai mà bật nắp hố ga này lên”, ông B nói “Tôi đã báo với xóm trưởng”, sau đó hai bên cãi chửi nhau.

Khoảng 30 phút sau M (là con trai ông A) về đến đầu ngõ thì thấy tấm bê tông đậy hố ga bị cậy lên liền hỏi vợ chồng ông B “sao cậy nắp hố ga lên mà không ý kiến gì”, đồng thời M dùng tay đẩy vào đầu, dùng chân đạp vào người vợ ông B. Thấy vợ ngã ông B chạy đến dùng tay kéo vai áo M làm rách vai áo và đứt sợi dây chuyền của M thì bị M dùng tay phải đấm một nhát vào vùng mắt trái làm ông B chảy máu; gây tổn hại sức khỏe là 13%.

Ngày 16/8/2017, TAND huyện N đã áp dụng khoản 1 điều 104, điểm b, h, p khoản 1 Điều 46, Điều 60 BLHS năm 1999 xử phạt M 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 24 tháng về tội “Cố ý gây thương tích”. Người bị hại kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh T có quan điểm cho rằng chỉ vì một nguyên cớ nhỏ nhặt trong việc khơi thông hố ga giữa hai gia đình, M thấy ông B cãi nhau với bố đẻ mình đã lập tức xông vào dùng tay đẩy, đạp vợ ông B, khi ông B can ngăn đã dùng tay đấm vào mắt ông B là thể hiện bản tính côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Do vây, hành vi của bị cáo M thuộc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt “có tính chất côn đồ” nên đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo từ 24 đến 30 tháng tù.

Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh T đã chấp nhận một phần đề nghị của đại diện VKS, áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” quy định tại điểm i, khoản 2 điều 104 BLHS năm 1999 tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

2.2. Có kháng nghị nhưng không được cấp phúc thẩm chấp nhận

Vụ án [2]: Khoảng 11 giờ ngày 24/8/2017, các đối tượng T, M, H rủ nhau đến nhà N để bắt tổ ong trên cây nhãn trong vườn nhà bà N thì thấy khóa cửa. Thấy nhiều người đứng trước khu vực vườn nhà bà N, anh P (là cháu của bà N) đi xe mô tô đến và không đồng ý cho nhóm của T bắt ong. Thấy vậy T nói “Ong của thiên nhiên, tôi cứ bắt thì sao”, anh P nói “Không được, bắt cái đ… gì mà bắt”.

Nghe vậy M đi đến vị trí anh P đang ngồi trên xe mô tô dùng tay tát vào mặt anh P, ngay sau đó H và Đ cũng tiến đến dùng tay đấm, tát nhiều nhát vào người và kéo anh P xuống xe mô tô. Khi anh P ngã ngồi xuống đất và lấy hai tay ôm đầu để tự vệ thì bà Trần thị D (ở cùng xóm với bà N) đến can ngăn nhưng H vẫn đi đến dùng tay ôm ghì đầu anh P xuống, còn T, M tiếp tục dùng chân, tay đấm đá nhiều nhát vào bụng và lưng anh P.

Kết luận giám định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh P là 13%.
Ngày 30/8/2017 Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án, bị can đối với M, H về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1, Điều 104 BLHS năm 1999. Riêng đối với T do “tái phạm nguy hiểm” nên phải chịu tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2, Điều 104 BLHS năm 1999. Trong giai đoạn điều tra Cơ quan CSĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với M và H (do bị hại rút yêu cầu khởi tố).
Từ nội dung vụ án trên, TAND huyện B đã áp dụng khoản 2 Điều 104 (với tình tiết định khung tái phạm nguy hiểm); điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 BLHS năm 1999 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Xử phạt bị cáo T 02 năm 03 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong thời hạn luật định, VKSND tỉnh T đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND tỉnh T xét xử theo hướng: Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng hành vi phạm tội của T cùng đồng bọn gây ra là nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì một lời nói của người bị hại không trực tiếp xúc phạm đến ai mà các đối tượng đã có hành vi dùng vũ lực tấn công đấm đá túi bụi người bị hại gây tổn hại 13% sức khỏe. Các đối tượng có nhân thân rất xấu, chỉ vì lý do nhỏ nhặt đã ngang nhiên đánh gây thương tích cho người khác giữa ban ngày tại khu vực đông dân cư, mặc dù đã có sự can ngăn nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt trong khi lực lượng hai bên không tương xứng và người bị hại không có bất kỳ hành động, lời nói nào chống đối. Hành vi đó thể hiện bản tính côn đồ hung hãn, bất chấp, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác, gây mất trật tự trị an xã hội, gây hoang mang lo lắng, bất bình trong quần chúng nhân dân.
Do vậy, bị cáo T cùng đồng phạm phải bị truy tố theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất côn đồ” và phải áp dụng Điều 53 BLHS năm 1999 để quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm mới đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

2.3.Hình sự hóa một hình vi không phải là tội phạm

Vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên sẽ có trường hợp khi không áp dụng được các trường hợp khác về tội cố ý gây thương tích tại Khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 thì vận dụng để áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” để áp dụng, dẫn đến hình sự hóa một hình vi không phải là tội phạm.
Theo quy định tại Điều 155, BLTTHS năm 2015 “Tội cố ý gây thương tích” tại khoản 1, Điều 134 được khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ điều tra theo yêu cầu khởi tố của bị hại.
Trong quá trình giải quyết có quan điểm, nhận định khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì vấn đề xác định tội cố ý gây thương tích với định khung có tính chất côn đồ được cơ quan tiến hành tố tụng nào xác định, đánh giá nếu vụ án đã được khởi tố sau đó tạm đình chỉ, ví dụ trường hợp sau:
Do mâu thuận bột phát A gây thương tích bằng tay, chân cho B với tỷ lệ thương tích là 08%, Cơ quan Điều tra cho rằng hành vi của A không cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015; Viện kiểm sát cho rằng A phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS với tình tiết có tính chất côn đồ và bị hại có yêu cầu khởi tố nên Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm hành vi của A không có tính chất côn đồ nên Viện kiểm sát ra Quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can đối với A; có đủ căn cứ bắt tạm giam nên Cơ quan Điều tra đã ra lệnh bắt tạm giam đối với A. Sau khi A bị bắt tạm giam một thời gian thì gia đình A hỗ trợ cho B trong điều trị thương tích nên B rút yêu cầu khởi tố, vụ án được đình chỉ điều tra.
Sau khi đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can A khiếu nại hành vi gây thương tích của mình không phạm tội cố ý gây thương tích với định khung có tính chất côn đồ theo quy định tại Điểm i, khoản 1, Điều 134, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Cơ quan Điều tra cũng xác định hành vi gây thương tích của A không có tính chất côn đồ. Vậy trường hợp này cơ quan có thẩm quyền nào sẽ xác định hành vi của A có tính chất côn đồ? Trong khi vụ án được đình chỉ điều tra khi bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự?

3.Kiến nghị

Để áp dụng thống nhất đối với tình tiết có tính chất côn đồ đối với “Tội cố ý gây thương tích” theo điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 cần phải:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức về côn đồ và có tính chất côn đồ, BLHS quy định nghiêm trị đối với những người côn đồ, nhưng phải phân biệt rõ giữa “côn đồ” với “phạm tội có tính chất côn đồ”. Khi xác định một người côn đồ là nói đến một cá nhân cụ thể; trong khi đó xác định hành vi “có tính chất côn đồ” là chỉ hành vi của con người khi thực hiện hành vi tội phạm.

Do đó một con người côn đồ khi thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc đã có tính chất côn đồ, người côn đồ không đồng nhất là sẽ có hành vi côn đồ. Phân biệt giữa “côn đồ” với “phạm tội có tính chất côn đồ là cơ sở để xác định quan điểm xem xét tính chất côn đồ dựa trên nhân thân là chưa đầy đủ.
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” được tại điểm d, khoản 1, Điều 52, BLHS năm 2015 với tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 là giống nhau về nội dung, bản chất; khi được áp dụng để định tội danh thì không được áp dụng để quyết định hình phạt.

Thứ hai, khi đánh giá một hành vi có tính chất côn đồ, theo tác giả Đinh Văn Quế: Khi xác định trường gây thương tích có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện, tránh xem xét một cách phiến diện như: chỉ nhấn mạnh đến nhân thân người phạm tội, hoặc chỉ nhấn mạnh đến địa điểm xảy ra vụ gây thương tích hay chỉ nhấn mạnh đến hành vi cụ thể gây ra thương tích cho nạn nhân, đâm nhiều nhát dao vào người nạn nhân là có tính chất côn đồ; Cần xem xét đến mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội cố ý gây thương tích cho nạn nhân.

Thứ ba, khi xem xét hành vi có tính chất côn đồ, cần phải trên các phương diện sau:

Nguyên nhân xảy ra sự việc: Nguyên nhân dẫn đến sự việc là do nguyên cớ nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày, như: Ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh người; lời nói qua lại trong sinh hoạt hàng ngày nhưng đã đánh người; Tạo lý do để tấn công nạn nhân như cho rằng “nhìn đểu”, vay tiền không cho, tranh chỗ đứng đón khách…
Diễn biến sự việc, tương quan lực lượng như: Diễn biến sự việc thể hiện tấn công liên tục nạn nhân, có người khuyên can nhưng vẫn tấn công nạn nhân; nạn nhân đã xin nhưng vẫn tấn công tiếp, các yếu tố khác thể hiện đối tượng sẽ tấn công liên tục nạn nhân, các yếu tố khác thể hiện sẽ tấn công nạn nhân đến cùng, hành vi diễn ra không tương xứng với nguyên nhân của sự việc.

Địa điểm, không gian xảy ra sự việc: Là một yếu tố quan trong để xem xét đánh giá hành vi có tính chất côn đồ hay, như: Công khai đánh người tại nơi công cộng, có nhiều người qua lại; tại trụ sở cơ quan, đơn vị; địa điểm đang có nhiều người…

Lời nói, hành động của bị hại trước khi xảy ra sự việc: Hành động lời nói của bị hại là một trong những nguyên nhân dẫn đến đối tượng có hành vi tấn công nạn nhân, do đó phải xem xét đến các yếu tố như: Lời nói, hành động của bị hại, những hành động, lời nói của bị hại có đến mức bị tấn công hay không? Lời nói, hành động của bị hại có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc hay không? Bị hại có lỗi hay không.

Nhân thân người phạm tội: Là một yếu tố để đánh giá tính chất hành vi, đó là: Tiền án, tiền sự; ý thức chấp hành pháp luật tại địa phương trước khi sự việc xảy ra; sau khi sự việc xảy ra thái độ chấp hành triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng; thái độ đối với thương tích của bị hại.

Trong đó các yếu tố quan trong để xác định hành vi có tính chất côn đồ là Nguyên nhân dẫn đến sự việc và diễn biến hành vi đã xảy ra, các yếu tố khác như địa điểm, nhân thân, thái độ … là yếu tố để hỗ trợ cho việc đánh giá, xem xét đối với hành vi đã xảy ra.

Thứ tư, Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn cụ thể hoặc ban hành án lệ về tội cố ý gây thương tích với tình tiết có tính chất côn đồ theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 để áp dụng thống nhất.

Vậy áp dụng hành vi có tính chất côn đồ trong tội cố ý gây thương tích tại điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 trong thực tiễn là một vấn đề rất khó nên khi áp dụng cần có sự thống nhất về nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; cần thận trọng để đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật nhưng tránh khiếu kiện kéo dài và làm oan người vô tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

1.https://vienkiemsathanam.gov.vn/index.php/vi/news/KIEM-SAT-VIEN-VIET-9/Da-nh-gia-va-a-p-du-ng-ti-nh-tie-t-co-ti-nh-cha-t-con-do-trong-to-i-Co-y-gay-thuong-ti-ch-nhu-the-na-o-cho-du-ng-962/
2.https://vienkiemsathanam.gov.vn:443/index.php/vi/news/KIEM-SAT-VIEN-VIET-9/Da-nh-gia-va-a-p-du-ng-ti-nh-tie-t-co-ti-nh-cha-t-con-do-trong-to-i-Co-y-gay-thuong-ti-ch-nhu-the-na-o-cho-du-ng-962/

HOÀNG ĐÌNH DUYÊN (Phó Thủ trưởng Cơ quan ĐTHS khu vực Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng)