Xem xét nguyện vọng của người con khi cha mẹ ly hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 thì khi giải quyết việc ly hôn giữa vợ với chồng mà còn con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người con là mong muốn sống với cha hay sống với mẹ khi cha mẹ ly hôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định việc xem xét nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn lại vướng mắc một số bất cập.

Trong vụ án hôn nhân gia đình thì bên cạnh việc xem xét, giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ (chung hoặc riêng) thì Tòa án còn xem xét, giải quyết vấn đề về nhân thân. Việc xem xét vấn đề nhân thân ở đây không chỉ là mối quan hệ giữa vợ với chồng mà còn xem xét quan hệ giữa cha, mẹ với người con. Thực tế cho thấy, khi Tòa án xem xét, giải quyết vấn đề về nhân thân không phải lúc nào cũng đơn giản mà đòi hỏi người tiến hành tố tụng ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải có thái độ, niềm tin và kinh nghiệm trong việc giải quyết án.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 thì khi giải quyết việc ly hôn giữa vợ với chồng mà còn con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người con là mong muốn sống với cha hay sống với mẹ khi cha mẹ ly hôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định việc xem xét nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn lại vướng mắc một số bất cập, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về hình thức thể hiện nguyện vọng của con

Pháp luật ghi nhận khi giải quyết việc ly hôn mà có con từ đủ 7 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con, nhưng không có quy định về hình thức lấy lời khai nguyện vọng của con. Do đó, thực tế cho thấy việc lấy lời khai nguyện vọng của con bằng nhiều hình thức khác nhau, dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật của người tiến hành tố tụng.

Trong thực tiễn thì có một số người tiến hành tố tụng lấy lời khai của người con bằng hình thức trực tiếp. Họ cho rằng việc lấy lời khai trực tiếp của người con sẽ đảm bảo việc khách quan, công bằng khi giải quyết vụ án. Vì thông qua lời khai của người con thì người tiến hành tố tụng sẽ nắm bắt được tình cảm, tâm tư nguyện vọng của người con là mong muốn sống với cha hay sống với mẹ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số người tiến hành tố tụng còn lấy lời khai của người con gián tiếp thông qua bảng tự khai của người con do cha hoặc mẹ giao nộp cho Tòa án. Một số người tiến hành chọn hình thức lấy lời khai này vì cho rằng việc lấy lời khai trực tiếp của người con sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người con về sau, việc lấy lời khai trực tiếp đòi hỏi Tòa án phải đưa VKSND cùng cấp tham gia phiên tòa[1]. Việc lấy lời khai thông qua hình thức bản tự khai của con sẽ giúp vụ án được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và công sức, tiền bạc của các bên đương sự cũng như của cơ quan tiến hành tố tụng.

Mặc dù việc lấy lời khai của người con thông qua bản tự khai được giao nộp cho Tòa án thể hiện những ưu điểm trên nhưng lại dễ xảy ra trường hợp là bản tự khai của con lại không thể hiện đúng nguyện vọng thực sự của người con do Tòa án không tiến hành lấy lời khai trực tiếp của người con mà bản tự khai của con là do cha hoặc mẹ giao nộp[2]. Do đó, để đảm bảo bản tự khai thể hiện đúng nguyện vọng, ý kiến của con về việc mong muốn sống với cha hoặc mẹ thì đòi hỏi bản tự khai đó phải có xác nhận của chính quyền địa phương (xác nhận của UBND cấp xã nơi người con đang cư trú). Chính vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất pháp luật và đảm bảo việc lấy lời khai của con theo đúng như nguyện vọng mong muốn thì pháp luật cần phải quy định hình thức lấy lời khai của con khi giải quyết vụ việc ly hôn.

Thứ hai, về nội dung thể hiện nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

Do pháp luật không có quy định, hướng dẫn các nội dung thể hiện về việc xem xét nguyện vọng của con nên thực tế có một số Tòa án hướng dẫn người con tự khai ngoài việc nêu rõ nguyện vọng mong muốn sống với cha hoặc với mẹ khi cha mẹ ly hôn ra thì còn yêu cầu người con trình bày phần hôn nhân, tài sản chung và nợ chung của cha mẹ, có ý kiến gì không?

Theo quan điểm tác giả thì việc ly hôn của vợ chồng là do vợ chồng tự quyết định và được pháp luật bảo vệ, không ai có thể ngăn cản được quyền đó, kể cả người con của họ. Do đó, việc Tòa án ghi lời khai hoặc bản tự khai của con thì không cần phải ghi nội dung ý kiến của con về quan hệ hôn nhân của cha và mẹ. Tuy nhiên, đối với phần tài sản chung hoặc nghĩa vụ trả nợ chung thì cần thiết người con phải có ý kiến. Bởi lẽ, người con từ đủ 7 tuổi trở lên vẫn có quyền hưởng phần tài sản chung của cha, mẹ nếu người con có sự đóng góp vào khối tài sản chung đó[3]. Hoặc phải chịu trách nhiệm nghĩa vụ dân sự cùng với thành viên của hộ gia đình[4].

Thứ ba, việc xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trờ lên có được xem là thủ tục bắt buộc hay không.

Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau về việc xem xét nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn có được xem là thủ tục bắt buộc hay không.

Quan điểm 1: Thủ tục xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên được xem là thủ tục bắt buộc. Bởi lẽ:

Một là, khi ly hôn thì người chịu ảnh hưởng lớn nhất không phải là vợ hoặc chồng mà là những người con của họ. Vì vậy, để bù đắp thiệt hại cho người con thì pháp luật quy định con từ đủ 7 tuổi trở lên phải thể hiện nguyện vọng muốn sống với ai mà trẻ cảm thấy tốt nhất.

Hai là, theo điểm d mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị quyết số 02/2000) thì “Trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển về tinh thần. Nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Tòa án phải hỏi ý kiến người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.

Như vậy, theo hướng dẫn trên thì việc hỏi ý kiến của con từ đủ 9 tuổi trở lên (từ đủ 7 tuổi trở lên theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015) khi cha mẹ ly hôn mà không thỏa thuận được việc giao con cho cha hay mẹ nuôi là thủ tục bắt buộc của Tòa án.

Đồng thời tại Công văn số 61/2002/KHXX ngày 2002 của TANDTC (Công văn số 61/2002) về việc công nhận thuận tình ly hôn có hướng dẫn:

“Theo tinh thần quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình thì khi vợ chồng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận được với nhau về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn. Sự thoả thuận của vợ chồng về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của con. Để xem xét sự thoả thuận của vợ chồng có bảo đảm quyền lợi chính đáng của con hay không thì theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình, việc hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên là cần thiết để xem xét nguyện vọng của con. Nếu qua việc hỏi ý kiến của con mà nguyện vọng của con phù hợp với sự thoả thuận của vợ chồng, thì Toà án áp dụng Điều 90, Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con. Trong trường hợp qua việc hỏi ý kiến của con mà nguyện vọng của con khác với sự thoả thuận của vợ chồng, thì Toà án phải đưa vụ án ra xét xử và quyết định việc giao con cho ai nuôi. Do đó, trong trường hợp Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng, nhưng trước khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà Toà án không hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên là chưa điều tra đầy đủ….

Đối với những trường hợp Toà án đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn trước khi có Công văn này nhưng chưa hỏi ý kiến của con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên để xem xét nguyện vọng của con mà không có khiếu nại thì không đặt vấn đề xem xét lại. Trong trường hợp quyết định công nhận thuận tình ly hôn có khiếu nại về việc nuôi con, thì Toà án cấp giám đốc thẩm cần hỏi ý kiến của con; nếu nguyện vọng của con phù hợp với sự thoả thuận của bố mẹ thì không cần thiết phải xem xét lại quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật; nếu nguyện vọng của con không phù hợp với sự thoả thuận của bố mẹ thì cần thiết phải xem xét lại quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm”.

Như vậy, việc quy định trên có thể thấy việc hỏi ý kiến, nguyện vọng của con từ đủ 9 tuổi trở lên (Từ đủ 7 tuổi trở lên theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015) được xem là thủ tục bắt buộc, nếu trong quá trình tố tụng mà Tòa án không thực hiện thủ tục này thì bị coi là vi phạm tố tụng.

Quan điểm 2: Việc xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên không được xem là thủ tục bắt buộc, bởi lẽ:

Một là, mặc dù con từ đủ 7 tuổi trở lên là có khả năng biết tự lập trong sinh hoạt và có khả năng nhận thức một số vấn đề. Tuy nhiên, sự nhận thức đó chưa đầy đủ mà chỉ mang tính cảm tính. Vì vậy để đảm bảo tốt nhất cho người con thì đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải xem xét toàn diện xem ai là người có khả năng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho đứa trẻ để quyết định giao cha hoặc mẹ (Quyết định lý tính). Trong trường hợp này thì nguyện vọng của con chỉ là mang tính chất tham khảo.

Chính vì vậy, theo quy định này thì trong trường hợp hai bên thuận tình ly hôn với nhau thì mặc dù nguyện vọng của con trái với sự thỏa thuận của cha và mẹ thì Tòa án cũng chỉ xem xét nguyện vọng của con mang tính chất tham khảo, Tòa án cần phải xem xét ai là người có khả năng đảm bảo quyền nuôi con tốt nhất. Nếu trong trường hợp 2 bên thỏa thuận việc giao con cho ai đó trái với nguyện vọng của người con nhưng người được giao con không đủ điều kiện đảm bảo nuôi con thì Tòa án cần phải đưa vụ án ra xét xử và quyết định giao cho bên có đủ điều kiện nuôi dưỡng và căn cứ vào nguyện vọng của con về việc mong muốn sống với người đó.

Hai là, theo quy định khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định năm 2015 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Xét thấy, Nghị quyết số 02/2000 và Công văn số 61/2002 hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nên các văn bản trên cũng sẽ hết hiệu lực thi hành theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Do đó, việc xem xét nguyện vọng của con từ đủ 9 tuổi trở lên (7 tuổi trở lên theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015) không được xem là thủ tục bắt buộc.

Ba là, trong một số trường hợp việc lấy lời khai của con là không thể thực hiện được, ví dụ như đứa con đang sống với cha hoặc mẹ nhưng cha hoặc mẹ đang nuôi dưỡng không cho con thể hiện nguyện vọng, ý kiến mong muốn sống với ai. Hoặc trong trường hợp người con rời khỏi nơi cư trú với cha hoặc mẹ mà không thông báo cho người còn lại biết địa chỉ của con. Hoặc cũng có trường hợp người con bị khuyết tật hoặc mất năng lực hành vi dân sự nên Tòa án không thể lấy lời khai của người con.

Theo tác giả thì quan điểm 1 là hợp lý, bởi lẽ mặc dù nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên (dưới 18 tuổi) chỉ mang cảm tính của người con, chưa phân biệt được sống với ai là tốt nhất cho người con cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, để đảm bảo vụ án được giải quyết triệt để và hạn chế đến mức ảnh hưởng tinh thần của người con sau này thì pháp luật cần ghi nhận thủ tục xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên khi Tòa án giải quyết việc ly hôn của cha và mẹ là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ thì không cần phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi như: không biết địa chỉ cư trú của người con; người con bị khuyết tật hoặc mất năng lực hành vi dân sự; nguyện vọng của con trái với sự thỏa thuận của cha với mẹ và sự thỏa thuận đó đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người con. Điều này cũng phù hợp với giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của TANDTC: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con

Theo quy định nêu trên thì nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên chỉ là một trong những yếu tố Tòa án phải xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, việc quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Mặt khác, theo quy định tại Điều 214, Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc không lấy được lời khai của các con không phải là căn cứ để đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Do vậy, Tòa án giải quyết theo thủ tục chung và căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để xem xét, quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con

Nói tóm lại, việc xem xét nguyện vọng của con khi Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn là điều cần thiết để giải quyết vụ án được toàn diện, hợp tình và hợp lý nhưng việc quy định xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên như tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 là còn bất cập, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong thực tế không thống nhất. Vì vậy, việc TANDTC hướng dẫn chi tiết thi hành điều luật về xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên là điều cần thiết, đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất và đúng pháp luật.

 

 

[1] Do Tòa thu thập chứng cứ nên đòi hỏi phải mời Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tham gia phiên tòa

[2] Có một số trường hợp vì lý do nào đó cha hoặc mẹ không thể lấy lời khai của con nên đã giả mạo chữ ký của người con để giao nộp cho Tòa án.

[3] Khoản 5 Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015.

[4] Điều 103 Bộ Luật dân sự năm 2015.

Ths TRƯƠNG MINH TẤN (TAND huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long)