Ba ý kiến đáng suy ngẫm

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, với nhiều ý kiến đáng suy ngẫm không chỉ đối với dự án luật cụ thể, mà còn liên quan đến chủ quyền quốc gia, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đến trách nhiệm cá nhân mỗi đại biểu.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa khi bàn về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư trong Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt  Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cho rằng, đất đai là một tài sản quan trọng đối với người dân, gắn liền với cuộc sống của người dân, do đó việc thu hồi đất của người sử dụng đất sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người sử dụng đất. Chính vì vậy tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Việc giới hạn thu hồi đất là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền của người dân.

Tại khoản 56 Điều 32 của dự thảo quy định phạm vi thu đất quá rộng, nhiều trường hợp thu hồi đất chưa đúng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt tại khoản 6 Điều 32 còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược, mà không cần đưa ra thêm bất cứ điều kiện gì. Quy định này tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng trong việc thu hồi đất và có thể dẫn đến trường hợp vì lợi ích của nhà đầu tư mà bỏ qua quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Việc thu hút dự án đầu tư là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đặc khu và mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao điều kiện sống của người dân. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị “đánh giá lại tính thực sự cần thiết ở trường hợp thu hồi đất này cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013”.

Ý kiến của đại biểu đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất. Chắc không đại biểu nào quên nỗi uất nghẹn của nhiều hộ dân bị thu hồi  đất ngoài dự án ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp Hồ Chí Minh đang nóng bỏng hiện nay. Và không chỉ có một Thủ Thiêm, nếu đến trụ sở tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ; nếu thường xuyên quan tâm đến mảng chủ đề này trên báo chí, thì thấy ở các mức độ khác nhau, khiếu kiện về thu hồi đất rất phức tạp, do nhiều hộ dân bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn.

Vì vậy, các nhà làm luật, các đại biểu Quốc hội phải điều tiết lợi ích của các chủ thể, từ Nhà nước, nhà đầu tư đến người dân bị thu hồi đất bằng các quy định chặt chẽ, cân nhắc các yếu tố có lợi và có hại một cách toàn diện, đảm bảo nguyên tắc công bằng xã hội. Trong đó, luật phải quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của người bị thu hồi đất, coi đây như nguyên tắc ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn để ra quyết định phê duyệt dự án có liên quan đến đất đai.

Cũng liên quan đến đất đai nhưng ở góc độ khác, đại biểu Dương Trung Quốc quan tâm đến yếu tố địa chính trị. Lấy dẫn chứng khu Vân Đồn. Nếu di dân khỏi dự án, giao cho nhà đầu tư thời hạn đến 99 năm thì điều gì sẽ xảy ra? Nhà sử học cho rằng, trên thế giới, người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để mua cảng, mua vùng đất. “Tôi nhắc lại 99 năm – chúng ta hết sức cẩn trọng. Tôi đề nghị khi lấy biểu quyết, nên có một biểu quyết riêng. Ai đồng ý với 99 năm? Tôi rất mong Quốc hội nên có hình thức minh bạch ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Chứ bấm nút này chúng ta chỉ có con số chung chung thôi. Vì chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với cử tri đã bầu ra mình. Tất cả chúng ta phải bày tỏ ý kiến của mình trên những vấn đề nhạy cảm và quan trọng”.

Ý kiến ngắn của ông Dương Trung Quốc có sức nặng, buộc từng đại biểu phải cân nhắc kỹ khi bấm nút thông qua điều luật quan hệ đến một vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của Tổ quốc. Mỗi người bấm nút thông qua điều luật hôm nay phải công khai minh bạch để chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước hiện và tương lai.

Nói cụ thể hơn về vị trí địa chính trị của ba đặc khu kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Xét thấy lãnh thổ của 3 đặc khu đều liên quan đến biển đảo, đến hàng chục ngàn ki-lô-mét vuông lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển. Vân Đồn, đến Hải Nam chỉ có 200 hải lý; vịnh Vân Phong rất gần với quần đảo Trường Sa, tôi đề nghị quy định rõ việc đầu tư có sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên nước.

Do đó, đại biểu đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm và nói : “Theo tôi, thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến”.

Đại biểu dùng một từ gây chấn động tâm tư là “nhượng địa”.  Nhượng địa thường chỉ đến một vùng đất bị chuyển giao cho nước ngoài theo một hiệp ước nào đó. Ví dụ dưới sức ép của thực dân Pháp, năm 1883, triều đình Huế buộc phải ký “Hiệp ước hòa bình” chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ. Theo điều 6 và 7 của Hiệp ước này, ngoài việc phải mở cửa Đà Nẵng để thông thương còn quy định rằng Pháp được phép lập các khu nhượng địa ở Đà Nẵng. Hà Nội cũng từng có khu nhượng địa cho Pháp.

Theo sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839- 1842) và lần thứ hai (1856 – 1860), Hồng Kông (Hiệp ước Nam Kinh) và Cửu Long (Hiệp ước Bắc Kinh) bị nhà Thanh của Trung Quốc nhượng lại cho Anh; và sau khi bại trận trong Chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất, đảo Đài Loan bị nhượng lại cho Nhật Bản năm 1895…

Việt Nam ngày nay xây dựng và phát triển đất nước trên nguyên tắc tối thượng là độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nên không thể có nhượng  địa, dù là kiểu mới trên dải đất hình chữ S này.

Vì thế, cùng với những ý kiến tâm huyết và sâu sắc của đại biểu, cử tri cả nước hy vọng và tin tưởng các dự án Luật sẽ được xem xét thấu đáo, toàn diện trước khi bấm nút thông qua.

 

 

 

Ths NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT (CĐ DLHN)