Giá điện, làm cách nào để giảm?

Tăng giá điện là tăng giá đầu vào của nền kinh tế, nên mỗi lần EVN tăng giá điện là một lần doanh nghiệp và người dân quan tâm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm giá điện?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3, số tiền thu được là 20.000 tỉ đồng/năm. Theo lãnh đạo EVN, toàn bộ số tiền này sẽ được chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN…  Số tiền chi trả cho đối tác bán than cho điện là 7.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu 6.000 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá của nhà máy điện ngoài EVN khoảng 3.825 tỷ đồng. Riêng số tiền 6.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu sẽ được thu về ngân sách Nhà nước. Ngoài ra còn khoản thanh toán bổ sung chi phí mua dầu, chênh lệch mua điện tăng lên… Tổng chi phí thanh toán mà EVN phải trả khoảng 21.000 tỷ đồng. Như vậy ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu chi trả hết các đối tác. Như vậy, theo các thông tin EVN đưa ra thì tăng giá điện là giải pháp không thể thay đổi.

Điện là yếu tố đầu vào của nền kinh tế, nên tăng giá điện sẽ tác động đến hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.

Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực do tăng giá điện, giải pháp kinh điển vẫn là tiết kiệm điện, trong sinh hoạt, trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều điện năng như xi măng, thép, giấy, hoá chất… Giải pháp các chuyên gia từng nhiều lần đề xuất là các doanh nghiệp trọng điểm cần tăng cường áp dụng các biện pháp cải tiến công nghệ để giảm sử dụng điện năng; phải thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới. Bên cạnh việc triển khai thực thi luật, cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp mới, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cấp bách song song với việc người tiêu dùng tiết kiệm điện là tính minh bạch của ngành điện. Vấn đề giá điện liên quan đến tỷ giá, lỗ lãi nhiều năm qua vẫn chưa thật sự minh bạch. Yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ; điều chỉnh giá điện phải tính tới sự đồng bộ với giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng và thời điểm phù hợp.

Chuyên gia cho rằng cái gốc của vấn đề lỗ lãi trong ngành điện là do không làm rõ được trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề này. Vấn đề đặt ra là phải rõ ràng, công khai, minh bạch và phải đẩy mạnh cổ phần hóa trong việc sản xuất, cung cấp bán điện, để từ đó hướng ngành điện đến sản xuất cạnh tranh theo kinh tế thị trường. Khi sản xuất và phân phối điện theo hướng cạnh tranh thì chắc chắn giá thành điện sẽ giảm đi rất nhiều. Mặc dù có một số khâu trong ngành điện rất khó cổ phần hóa, ví dụ truyền tải điện, nhưng nhiều khâu khác hoàn toàn có thể cổ phần hóa như xây dựng các dự án điện, phát điện, bán điện. Khi đã cổ phần hóa, cạnh tranh theo quy luật của thị trường, tránh được ưu thế độc quyền thì nhất định giá điện sẽ hợp lý. Thực tế đã cho thấy, có năm EVN báo lãi hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn có kế hoạch tăng giá.

Nội dung khác là chính ngành điện cũng phải nỗ lực để giảm giá điện, bằng tiết kiệm, giảm bớt tổn thất trên lưới điện hoặc tăng năng suất của người tham gia sản xuất điện, truyền tải điện…

Do đó, trong bối cảnh hiện nay đặt vấn đề giảm giá điện là khó khăn, nhưng nếu có quyết tâm, với nhiều giải pháp đồng bộ thì nhất định mục tiêu kiềm chế giá điện có thể đạt được.

MINH KHÔI