Hướng dẫn áp dụng các điều luật về xâm hại tình dục trẻ em theo hướng cụ thể, chi tiết

Ngày 20/9, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã họp phiên toàn thể thảo luận về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì phiên họp.

1.Nhiều quy định mang tính định tính

Trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của BLHS, BLTTHS, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, TANDTC đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các tội xâm phạm tình dục như làm rõ về chủ thể phạm tội; cụ thể hóa hành vi phạm tội; mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”, bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”; sửa đổi, bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này và bổ sung Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) nhằm hình sự hóa hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức…

Tuy nhiên, BLHS năm 2015 vẫn còn nhiều quy định mang tính định tính, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 41/2017/QH14, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em để bảo đảm áp dụng đúng, thống nhất pháp luật là cần thiết.

2.Những nội dung còn chưa thống nhất

Dự thảo Nghị quyết gồm 8 điều, gồm: Điều 1. Phạm vi áp dụng; Điều 2. Giải thích từ ngữ; Điều 3. Về một số tình tiết định tội; Điều 4. Về một số tình tiết định khung; Điều 5. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em; Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là trẻ em; Điều 8. Hiệu lực thi hành.

Quá trình xây dựng Dự thảo Nghị quyết còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, nên Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thảo luận, cho ý kiến về từng nội dung chưa thống nhất.

2.1. Về phạm vi áp dụng của Nghị quyết

Ý kiến thứ nhất cho rằng, nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết, không chỉ hướng dẫn đối với một số quy định của BLHS mà còn hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến xét xử các vụ án xâm hại tình dục. Bởi loại vụ án này có đặc thù, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân gây bức xúc trong dư luận xã hội cần tăng cường, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại kịp thời và nhanh nhất.

Ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài các nội dung hướng dẫn như quan điểm thứ nhất, đề nghị mở rộng phạm vi hướng dẫn thêm các điều luật về tội phạm khác liên quan đến tình dục như Điều 326 về tội truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm, Điều 327 về tội chứa mại dâm, Điều 328 về tội môi giới mại dâm và Điều 329 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi cũng cần được hướng dẫn. Bên cạnh đó, hướng dẫn cả thủ tục xét xử vụ án xâm hại tình dục.

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học là cơ quan soạn thảo cho rằng đây là hai nhóm tội quy định ở hai chương khác nhau của BLHS nên việc hướng dẫn áp dụng chung trong một nghị quyết sẽ gặp khó khăn khi hướng dẫn những vấn đề chung. Mặt khác, do yêu cầu về thời gian khá gấp (tháng 9 Hội đồng Thẩm phán phải thông qua Nghị quyết), trong khi việc hướng dẫn mở rộng sang các tội phạm khác đòi hỏi phải thực hiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử dẫn đến không bảo đảm tiến độ đã đề ra. Vì thế, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đề xuất theo quan điểm thứ nhất và đã thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết.

2.2. Về việc hướng dẫn các hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác và dâm ô tại các khoản 1, 2, 3 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết

Ý kiến thứ nhất cho rằng, nội dung hướng dẫn cần thể hiện tính khái quát, không sa đà vào các hành vi cụ thể; nên sử dụng các thuật ngữ mang tính bao quát (như bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục…) đã được giải thích tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết để thay cho các thuật ngữ mang tính thô tục (như dương vật, âm đạo, hậu môn, háng, đùi…).

Ý kiến thứ hai cho rằng, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán là văn bản hướng dẫn luật nên phải cụ thể, chi tiết để dễ áp dụng trong thực tiễn. Ở các nước như Mỹ, Úc, Canada luật hình sự của họ cũng quy định rất cụ thể, không né tránh việc sử dụng các thuật ngữ như dương vật, âm đạo, hậu môn, bìu, mu… khi mô tả hành vi phạm tội. Hướng dẫn như vậy tránh được sự nhầm lẫn, trùng lắp giữa các hành vi.

Trên cơ sở đó, nhóm ý kiến này đề xuất nội dung hướng dẫn các hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác và dâm ô trên cơ sở Dự thảo 3 của TANDTC trước đây. Cụ thể:

“1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi đưa dương vật xâm nhập vào âm đạo, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.”

“2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS là một trong các hành vi sau đây:

a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào;

b) Đưa bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào;

c) Đưa dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn hoặc miệng, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào;

d) Đưa vật khác (không phải là dụng cụ tình dục) xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.”

“3. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLHS là một trong các hành vi sau đây có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục:

a) Dùng bộ phận nhạy cảm của người phạm tội tiếp xúc (trực tiếp hay gián tiếp qua áo quần) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể của người phạm tội để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục hoặc đồ vật khác để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng các bộ phận khác trên cơ thể của họ để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai của người dưới 16 tuổi).”

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nhất trí với quan điểm thứ nhất và đã thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết.

2.3. Về tình tiết “có tính chất loạn luân”

Ý kiến thứ nhất cho rằng, tình tiết “có tính chất loạn luân” và “loạn luân” của BLHS là hai vấn đề khác nhau. Có tính chất loạn luân được hiểu là người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội không chỉ đối với người cùng dòng máu về trực hệ, người là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha mà phải bao gồm cả đối với cô, dì, chú, bác, cháu ruột; con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể. Vì loại tội phạm này trái với luân thường, đạo đức và truyền thống của người Việt Nam cần phải nghiêm trị.

Ý kiến thứ hai cho rằng, tình tiết “có tính chất loạn luân” được hiểu tưởng tự như “loạn luân” nên chỉ bao gồm trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, người là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Bởi đây là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, việc hướng dẫn thêm các trường hợp như ý kiến thứ nhất là quá rộng.

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nhất trí với quan điểm thứ nhất và đã thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết.

2.4. Về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Ý kiến thứ nhất cho rằng, ngoài việc hướng dẫn áp dụng hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến trẻ em” một cách nghiêm khắc, thì cần phải hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng ngừa “cấm người phạm tội xuất hiện ở nơi có đông trẻ em” đối với bị cáo trong một số trường hợp cụ thể. Có như vậy mới bảo đảm phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em một cách hiệu quả. Do đó, dù BLHS chưa quy định biện pháp này nhưng nếu Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán có thể hướng dẫn để áp dụng thì sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Ý kiến thứ hai cho rằng, các quy định của BLHS và pháp luật hiện hành (Luật trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…) chưa quy định biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa nào khác hạn chế quyền tiếp xúc của người có hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Việc hướng dẫn như ý kiến thứ nhất làm hạn chế quyền con người và không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nhất trí với quan điểm thứ nhất và đã thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết.

VŨ HÙNG