Muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngày 24/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ về một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, cơ chế đặt hàng, cung cấp thông tin cho báo chí…

Chia sẻ về một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí thực hiện được một bước và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, “không thể nóng vội”.

“Mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân. Việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý phải nghiêm, thực chất, kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh những gì không phù hợp. Tránh tình trạng thực tế không như văn bản”, Phó Thủ tướng khẳng định và nêu một số ví dụ cụ thể như “theo quy định, mỗi một cơ quan chủ quản có một tạp chí, một viện nghiên cứu khoa học chỉ có một tạp chí, trong khi, trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ có rất nhiều phân ngành nhỏ hay hoạt động của tạp chí trực thuộc hội khoa học, kỹ thuật”.

“Năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, chúng ta phải đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí xem những gì phù hợp, chưa phù hợp nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo Phó Thủ tướng, muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ TT&TT phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. “Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trước sự cạnh tranh của thông tin trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí cần được thông tin minh bạch một cách nhanh nhất có thể về những “điểm nóng” hay sự cố vừa phát sinh. Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ TT&TT cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo và phối hợp, đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm. “Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất thì nhân dân, công luận sẽ nghe theo”.

Về thực hiện chuyển đổi số trong báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng với hình thành cơ sở dữ liệu, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến năng lực xử lý dữ liệu của đơn vị mình mà còn liên quan đến các ngành khác. Các tác phẩm báo chí “nói có sách, mách có chứng” bằng số liệu, thậm chí là những số liệu qua phân tích nhiều dữ liệu khác mới định hướng, trả lời được mong mỏi của công luận. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…, Phó Thủ tướng mong muốn báo chí bám sát, phản ánh đúng thực tế, động viên nhân dân chống dịch tốt, chuẩn bị đón Tết đầm ấm trong bối cảnh dịch bệnh.

BẢO THƯ