Văn phòng Chính phủ và Toà án nhân dân tối cao phối hợp xây dựng Tòa án điện tử
Sáng 12/1, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), VPCP và Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ký Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành và cải cách hành chính.
Lễ ký kết Quy chế phối hợp có sự tham dự của Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực Lê Hồng Quang; các Phó Chủ nhiệm VPCP; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Lê Hồng Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành và cải cách hành chính.
Lễ ký kết diễn ra tốt đẹp
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực hành chính tư pháp đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá.
Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung này mới chủ yếu tập trung tổ chức thực hiện ở nội khối các cơ quan hành chính nhà nước, mà dường như còn thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với quá trình cải cách giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Vì vậy, việc ký kết Quy chế phối hợp không chỉ là sự kiện quan trọng của hai cơ quan VPCP và TANDTC, mà còn đánh dấu một dấu mốc trong việc gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa công tác cải cách, xây dựng Chính phủ điện tử của cơ quan hành chính nhà nước với công tác cải cách hành chính tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử của cơ quan tư pháp để tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của cả hai cơ quan.
Đến nay, VPCP và TANDTC đã kết nối thành công, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của TAND trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gồm: Tra cứu bản án, quyết định của Tòa án, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, án lệ; nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ; đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử; đăng ký cấp bản sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; thanh toán tạm ứng án phí được thí điểm tại thành phố Hà Nội.
"Việc ký kết Quy chế này sẽ tạo cơ sở cho công tác phối hợp giữa hai cơ quan đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.
Quy chế này cũng là cơ sở để VPCP nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Để thực hiện Quy chế đã ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị VPCP và TANDTC phối hợp tiếp tục mở rộng triển khai gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia đến tất cả các cơ quan Tòa án nhân dân và giữa các cơ quan TAND với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Lê Hồng Quang cho biết, việc ký kết Quy chế phối hợp góp phần nâng cao năng lực công tác của hai cơ quan. Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng và hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới toàn diện tổ chức, hoạt động của TANDTC.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, TANDTC phối hợp với VPCP và các bộ, ngành liên quan để kết nối văn bản của TANDTC, tích hợp dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia bước đầu ở 5 dịch vụ công nêu trên.
Việc ký kết Quy chế phối hợp là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy, trao đổi thông tin nhanh chóng, hiệu quả minh bạch giữa VPCP và TANDTC, cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, có tác động tích cực đến cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Việc ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan còn là điều kiện thuận lợi để TANDTC triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác của Tòa án, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Về phía các đơn vị của TANDTC sẽ thực hiện nghiêm các nội dung của Quy chế phối hợp.
Phó Chánh án Lê Hồng Quang đề nghị các đơn vị của hai cơ quan tăng cường phối hợp, tham vấn lẫn nhau trong đề xuất, xây dựng các văn bản liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử. Thường xuyên phối hợp, rà soát các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; định kỳ đánh giá phối hợp giữa hai cơ quan, đưa ra định hướng phát triển về công nghệ thông tin trong các lĩnh vực liên quan để phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận