Đàm phán về Hiệp định giữa Việt Nam và Mông Cổ về dẫn độ

Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước và ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/10/2018, tại Hà Nội, Bộ Công an đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp tiến hành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Mông Cổ về dự thảo Hiệp định dẫn độ.

Đoàn đàm phán Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Trưởng đoàn. Đoàn đàm phán của Mông Cổ do bà Bat-Ulzii Tumurbaatar, Vụ trưởng Vụ Điều ước, Pháp luật và hợp tác thuộc Bộ Tư pháp và Nội vụ làm Trưởng đoàn.

Sau các nghi thức ngoại giao và thông tin về pháp luật hai nước, hai Đoàn đã tiến hành đàm phán chính thức dự thảo Hiệp định trong không khí trang trọng, hữu nghị và trên tinh thần làm việc tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Việc đàm phán dự thảo Hiệp định tiến hành trên cơ sở Phương án đàm phán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chủ tịch nước đồng ý, bảo đảm các nguyên tắc được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên trong cùng lĩnh vực cũng như bảo đảm hài hòa hóa giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Mông Cổ.

Trên cơ sở đó, hai Đoàn đã thống nhất các nội dung của bản dự thảo Hiệp định bao gồm tên gọi, Lời nói đầu và 22 điều, cụ thể như sau: nghĩa vụ dẫn độ (Điều 1); các tội phạm có thể bị dẫn độ (Điều 2); các trường hợp từ chối dẫn độ (Điều 3); hoãn dẫn độ và dẫn độ tạm thời (Điều 4); dẫn độ công dân (Điều 5); thủ tục dẫn độ và các tài liệu cần thiết (Điều 6); thông tin bổ sung (Điều 7); Cơ quan Trung ương (Điều 8); bắt khẩn cấp (Điều 9); đồng ý dẫn độ (Điều 10); nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người (Điều 11); dẫn độ cho quốc gia thứ ba (Điều 12); chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ (Điều 13); tịch thu và chuyển giao tài sản (Điều 14); quy tắc đặc biệt (Điều 15); quá cảnh (Điều 16); thông báo kết quả (Điều 17); đại diện và chi phí (Điều 18); tham vấn (Điều 19); giải quyết bất đồng (Điều 20); mối quan hệ với các điều ước quốc tế khác (Điều 21); hiệu lực, sửa đổi và chấm dứt hiệu lực của Hiệp định (Điều 22).

Kết thúc đàm phán, hai Trưởng đoàn đã ký Biên bản ghi nhớ và ký tắt vào dự thảo Hiệp định cùng các văn bản phụ lục kèm theo; đồng thời, khẳng định sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước để hoàn thành các thủ tục pháp luật trong nước, chuẩn bị cho việc ký chính thức Hiệp định trong thời gian tới.

Việc đàm phán, tiến tới ký chính thức Hiệp định về dẫn độ với Mông Cổ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, với xu hướng chung về ký kết các điều ước song phương trong cùng lĩnh vực, đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mong muốn của hai nước. Việc đàm phán, tiến tới ký chính thức Hiệp định cũng sẽ góp phần triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế đa phương mà hai bên là thành viên như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và nhiều điều ước quốc tế đa phương khác về phòng, chống tội phạm.

Việc đàm phán, tiến tới ký chính thức Hiệp định này sẽ tăng cường và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên thực hiện hợp tác song phương về dẫn độ, bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải bị trừng trị nghiêm minh, bảo đảm thượng tôn pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân hai nước, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, cũng như làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2019.

 

Trung tướng, GS, TS. NGUYỄN NGỌC ANH