Cha mẹ không yêu cầu nuôi con khi ly hôn?

Khi giải quyết các vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình Tòa án cần giải quyết bốn mối quan hệ là hôn nhân, con, tài sản và nợ. Trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ nêu việc giải quyết về con khi ly hôn nếu cha, mẹ không yêu cầu nuôi con thì giải quyết như thế nào.

Đối với các vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình khi giải quyết về con chung cha hoặc mẹ sẽ yêu cầu quyền được nuôi con, trường hợp này Tòa án căn cứ vào độ tuổi, nguyện vọng của con và điều kiện nuôi con của cha hoặc mẹ tốt hơn để giao con chung cho cha hoặc mẹ nuôi. Tuy nhiên đối với trường hợp cha, mẹ không yêu cầu nuôi con chung thì chưa có hướng dẫn vấn đề này.

Ví dụ vụ án cụ thể: Chị A yêu cầu ly hôn với anh B, chị A và anh B có hai con chung là cháu C 9 tuổi và cháu D 4 tuổi, hai cháu hiện đang sống chung với bà E (mẹ của anh B). Chị A yêu cầu giao hai con chung cho anh B nuôi, chị A không cấp dưỡng. Nguyện vọng của cháu C là sống chung với bà E, ý kiến bà E đồng ý nuôi cháu C và cháu D, ý kiến chị A cũng đồng ý để cháu C và cháu D cho bà E nuôi dưỡng. Từ khi Tòa án thụ lý vụ án anh B tuy nhận được các văn bản tống đạt của Tòa án nhưng không có văn bản nêu ý kiến gửi đến Tòa án, cũng như không tham gia phiên hòa giải và xét xử.

Khi giải quyết vụ án trên có nhiều quan điểm khác nhau về hướng giải quyết giao con cho ai nuôi dưỡng như sau:

 Quan điểm thứ nhất: Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy sau khi ly hôn, cha mẹ ngoài quyền còn có nghĩa vụ nuôi dưỡng con chưa thành niên, nếu không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Trong trường hợp này Tòa án sẽ xem xét chị A hay anh B có điều kiện nuôi hai con tốt nhất sẽ quyết định giao con. Nếu điều kiện nuôi con của chị A tốt hơn anh B thì Tòa án quyết định giao hai con cho chị A nuôi dù chị A không đồng ý nuôi con và ngược lại nếu điều kiện nuôi con của anh B tốt hơn thì Tòa án quyết định giao hai con cho anh B nuôi dù anh B không đồng ý nuôi con.

Quan điểm thứ hai: Trong vụ án trên cháu C 9 tuổi có nguyện vọng sống với bà E, ý kiến chị A cũng đồng ý để cháu C cho bà E nuôi dưỡng. Nếu bà E có đủ điều kiện nuôi dưỡng cháu C thì cần công nhận sự thỏa thuận giữa chị A, bà E và nguyện vọng của cháu C giao cháu C cho bà E nuôi dưỡng theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 - Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”

Đối với cháu D 4 tuổi thì giải quyết như quan điểm thứ nhất.

Quan điểm thứ ba: Trong vụ án trên nếu bà E có đủ điều kiện nuôi dưỡng cháu C và cháu D thì nên giao cháu C và cháu D cho bà E nuôi dưỡng vì tuy trong trường hợp này chị A và anh B là cha, mẹ của cháu C, cháu D nhưng chị A và anh B không muốn nuôi dưỡng hai cháu. Ngoài ra hai cháu đang sống với bà E, bà E cũng đồng ý tiếp tục nuôi hai cháu, cháu C có nguyện vọng sống với bà E nên để bà E tiếp tục nuôi dưỡng là tốt cho hai cháu về mọi mặt. Nếu giao hai cháu cho chị A hoặc anh B nuôi dưỡng thì khó đảm bảo hai cháu được chăm sóc tốt, vì chị A và anh B không muốn nuôi dưỡng hai cháu.

Tác giả, thống nhất với quan điểm thứ ba bởi vì suy cho cùng việc giao con cho ai nuôi dưỡng khi ly hôn đều ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con, nên khi cha mẹ ly hôn cần xem xét ai có đủ điều kiện nuôi con sau ly hôn và con chung muốn sống với ai, nếu cha, mẹ đã không muốn nuôi con chung nhưng ra quyết định giao cho cha hoặc mẹ nuôi thì chưa đảm bảo tốt nhất cho cuộc sống của con chung. Trong vụ án trên nếu giao cho bà E nuôi thì cũng đảm bảo là giao cho người thân thích trong gia đình, phù hợp với nguyện vọng của cháu C. Ngoài ra nếu sau khi giao hai cháu cho bà E nuôi nhưng sau đó bà E không đảm bảo việc nuôi dưỡng hai cháu thì cha hoặc mẹ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi mong sớm có văn bản hướng dẫn vướng mắc trên và mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả.

 

TAND Tp.Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền nuôi con - Ảnh: TGT

HUỲNH VĂN SÁNG (VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)