Chỉ có cơ sở để xác định quan hệ hôn nhân thực tế của ông A và bà B

Qua bài viết “Ông A qua lại cùng lúc với bà B và bà C thì công nhận hôn nhân thực tế với người nào?” của tác giả Nguyễn Ngọc Linh Trang, quan điểm của tôi là công nhận ông A với bà B là hôn nhân thực tế.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và; tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng”. 

Vì tình tiết trong bài viết tác giả đưa ra là bà B ở thành phố và bà C ở quê, nên ta loại trừ trường hợp ông A là cán bộ miền Nam tập kết ra bắc. Ông A chưa đăng ký kết hôn với bà nào trong hai người, vì vậy, quan hệ hôn nhân của ông A có thể được pháp luật công nhận kể từ ngày ông xác lập quan hệ chung sống như vợ chồng với bà B, bà C.

Hiện nay Luật HNGĐ 2014 không có quy định trực tiếp về hôn nhân thực tế mà chỉ quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau: Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.

Và những vấn đề pháp lý có liên quan đến hôn nhân thực tế sẽ áp dụng quy định của Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật HNGĐ 2000 để giải quyết và; Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10.

Như vậy, trong trường hợp của ông A cần áp dụng Luật Hôn nhân gia đình 1959 (có hiệu lực đến trước ngày 03/1/1987) vì ông A bắt đầu sống chung như vợ chồng với bà B năm 1980, và làm đám cưới ở quê với bà C năm 1983. Tại Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 1959 quy định “Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác”, nghĩa là pháp luật lúc này đã chỉ công nhận quan hệ hôn nhân 1 vợ 1 chồng.

 Do đó, chỉ có thể công nhận một quan hệ hôn nhân thực tế cho ông A. Quan điểm 2 cho rằng phải công nhận quan hệ hôn nhân thực tế cho ông A với cả hai bà B và C là không đúng.

Vậy, ông A được công nhận quan hệ hôn nhân thực tế với người phụ nữ nào?

Căn cứ Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 thì để được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp khi không đăng ký kết hôn thì phải thoả mãn được hai điều kiện sau:

(1) Hai bên đã có thời gian chung sống với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987;

(2) Có đủ điều kiện kết hôn theo quy định và; thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận; Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Hoặc họ thực sự chung sống với nhau; chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau xây dựng gia đình.

Ông A và bà C có đám cưới, có hai con chung song ông A lại thực sự chung sống, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình đến nay với bà B. Vì vậy, nếu xét riêng từng mối quan hệ giữa ông A và bà C, ông A và bà B thì các mối quan hệ này đều thoả mãn 02 điều kiện để được xác định là hôn nhân thực tế.

Song như trên đã trình bày, tại thời điểm ông xác lập quan hệ hôn nhân với bà B và bà C, pháp luật chỉ công nhận chế độ 1 vợ 1 chồng. Vì vậy, căn cứ vào thời điểm chung sống với nhau như vợ chồng giữa ông A và bà B là năm 1980, còn giữa ông A và bà C là năm 1983 thì chỉ có cơ sở để xác định quan hệ hôn nhân thực tế của ông A và bà B.

 

Tòa án nhân dân huyện Văn Yên, Yên Bái  xét xử vụ án dân sự - Ảnh:Lê Thu Hương

 

ĐINH THU NHANH (Toà án quân sự Quân khu 4)