Chỉ công nhận quan hệ hôn nhân thực tế đối với quan hệ chung sống như vợ chồng giữa ông A và bà B

Qua nghiên cứu bài viết “ Ông A qua lại cùng lúc với bà B và bà C thì công nhận hôn nhân thực tế với người nào?” của tác giả  Nguyễn Ngọc Linh Trang đăng ngày 27/9/2022, và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng chỉ công nhận quan hệ hôn nhân thực tế giữa ông A và bà B.

Theo nội dung vụ việc, ông A chung sống như vợ chồng với bà B từ năm 1980. Đến năm 1983 ông A tổ chức đám cưới và chung sống với bà C nhưng vẫn tiếp tục chung sống với cả bà B và bà C. Trong cả hai trường hợp, các bên đều không có đăng ký kết hôn. Trong quá trình sống chung, ông A có hai người con chung với bà C và không có con chung với bà B.

Tôi cho rằng, chỉ công nhận quan hệ hôn nhân thực tế đối với quan hệ chung sống giữa ông A và B. Về cơ sở pháp lý, hiện nay việc nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước năm 1987 được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT TANDTC - VKSNDTC – BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó, Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về điều khoản chuyển tiếp quy định: “1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết. 2. Đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này. 3. Không áp dụng Luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực”.

Do vậy, vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trước năm 1987 được giải quyết theo quy định tại điểm a, Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000”.

Bên cạnh đó, điểm d, Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT TANDTC - VKSNDTC - BTP còn quy định để“được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1) Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; 2) Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận; 3) Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; 4) Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”.

Theo các quy định nêu trên thì để được công nhận là quan hệ hôn nhân thực tế thì việc chung sống như vợ chồng cần phải thỏa mãn các điều kiện kết hôn theo quy định và chỉ vi phạm điều kiện về hình thức. Mặc dù Nghị quyết số 35/2000/NQ-HĐTP chưa quy định một cách minh thị điều này nhưng đây là cách hiểu hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật hôn nhân và gia đình cũng như đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Bên cạnh đó, điều này đã được khẳng định trong Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT TANDTC - VKSNDTC – BTP, cụ thể: “để được xem là chung sống như vợ chồng thì cần có đủ điều kiện để kết hôn…” như đã trình bày ở trên. Do đó, căn cứ vào những phân tích ở trên thì có thể xác định việc chung sống như vợ chồng giữa ông A và bà B được công nhận là quan hệ hôn nhân thực tế và được pháp luật bảo vệ bởi lẽ mặc dù không có đăng ký kết hôn nhưng ông A và bà B thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình từ năm 1980 và tiếp tục chung sống kéo dài sau khi ông A chung sống với bà C (thuộc một trong những trường hợp quy định tại điểm d, Mục 2, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT TANDTC - VKSNDTC - BTP).

Đối với quan hệ giữa ông A và bà C, mặc dù ông A và bà C có tổ chức lễ cưới và chung sống với nhau từ năm 1983 nhưng vào thời điểm đó, quan hệ hôn nhân thực tế của ông A với bà B vẫn chưa chấm dứt nên quan hệ giữa ông A và bà C không được công nhận. Nói cách khác, quan hệ giữa ông A và bà C chỉ được công nhận là hôn nhân thực tế trong trường hợp quan hệ hôn nhân thực tế giữa ông A và bà B đã chấm dứt, tức là ông A phải không còn chung sống với bà B kể từ khi ông A chung sống với bà C. Điều này cũng được ghi nhận trong Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế. Theo đó, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế, trong đó quan hệ hôn nhân thực tế đầu tiên được xác định là đã chấm dứt.

Liên quan đến quan điểm cho rằng công nhận hôn nhân thực tế đối với cả hai trường hợp là không phù hợp, trái với quy định về chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã được ghi nhận từ Luật Hôn nhân và gia đình 1959 cho đến nay, trừ trường hợp cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác được quy định tại Thông tư số 60/TATC của TANDTC ngày 22/02/1976.

Các giả Nguyễn Thanh Huyền (Tòa án quân sự khu vực quân khu 7), Cao Thị Thu Hà (Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên)... có chung quan điểm trên đây. Riêng tác giả Nguyễn Đức Hà – (Viện kiểm sát nhân dân thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho rằng ông A và bà C đã có 2 người con chung. Do đó, cần thiết phải đảm bảo, xác định quyền và nghĩa vụ của ông A, bà C với 2 người con chung với tư cách pháp lý phù hợp.

 

TAND thành phố Hà Giang  xét xử  chia tài sản sau ly hôn - Ảnh: Vũ Tuyết Mai

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (VNU –HCM)