Đình chỉ giải quyết vụ án khi thời hiệu khởi kiện đã hết và đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu

Qua nghiên cứu bài viết “Ngân hàng yêu cầu trả nợ theo hợp đồng khi đã hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án có đình chỉ hay không?” của tác giả Võ Văn Như (TAND Tp Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đăng ngày 24/9/2021, tôi xin có ý kiến trao đổi.

Đầu tiên là quy định về thời hiệu khởi kiện. Có thể thấy pháp luật tố tụng dân sự hiện nay không đưa ra khái niệm cụ thể về thời hiệu khởi kiện mà dẫn chiếu đến BLDS 2015. Theo đó, khoản 3, Điều 150 BLDS 2015 quy định “thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”. Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng dân sự cũng quy định rằng, Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ (Điều 184 BLTTDS 2015). Hay nói cách khác là Tòa án không đương nhiên áp dụng quy định về thời hiệu trong giải quyết vụ việc dân sự khi đương sự không có yêu cầu trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu.

Tiếp theo là quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Có thể hiểu đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là dừng hẳn việc giải quyết vụ án khi có những căn cứ do pháp luật quy định theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Điều 217 BLTTDS 2015 quy định rằng sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: “… e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp theo quy định (khoản 1, Điều 218 BLTTDS 2015).

Trong bài viết, tác giả nêu lên vấn đề trong trường hợp Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bên vay (ông A) trả cả tiền nợ gốc và lãi suất theo hợp đồng khi thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết thì Tòa án giải quyết như thế nào?

Bài viết đã nêu lên ba quan điểm về vấn đề này, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất: Đối với Ngân hàng khởi kiện ông A yêu cầu trả nợ vay theo Hợp đồng tín dụng cả tiền gốc và lãi suất thì Tòa án thụ lý quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng tín dụng. Quá trình thụ lý, giải quyết xem xét tính hợp pháp của hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật và Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 2 Điều 184 của BLTTDS. Trường hợp bị đơn - ông A yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện thì Tòa án giải quyết theo hướng xác định lại quan hệ tranh chấp “Đòi lại tài sản”, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn Ngân hàng đối với phần lãi suất trên số tiền nợ gốc theo Hợp đồng tín dụng.

Quan điểm thứ hai: Khác với quan điểm thứ nhất, cho rằng không ngẫu nhiên mà TANDTC lại có thêm giải đáp ở câu 3 phần III về Dân sự[1]: Đối với các loại hợp đồng dân sự: … hợp đồng vay tài sản của các cá nhân, tập thể với nhau (không phải là hợp đồng tín dụng) thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định tại Điều 429 của BLDS năm 2015 và Điều 184 của BLTTDS. Trong nội dung giải đáp câu 3, TANDTC đã khẳng định nội dung giải đáp câu 2: “Đối với vụ án Ngân hàng cho vay thì Ngân hàng chỉ khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc), một khi thời hiệu khởi kiện đã hết đối với Hợp đồng tín dụng và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp đòi lại tài sản mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng hay không”. Như vậy, trường hợp Ngân hàng khởi kiện yêu cầu trả nợ cả tiền gốc và lãi suất theo Hợp đồng tín dụng, mà Tòa án thụ lý quan hệ tranh chấp là Tranh chấp hợp đồng tín dụng, quá trình giải quyết xem xét đã hết thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 của BLTTDS.

Quan điểm thứ ba: Lập luận quan điểm thứ hai có phần đoán định hướng dẫn giải đáp của TANDTC và căn cứ đình chỉ theo điểm điểm h khoản 1 Điều 217 của BLTTDS là chưa vững chắc. Trường hợp Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả cả tiền nợ gốc và lãi suất theo hợp đồng, đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định Điều 429 của BLDS năm 2015 để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”, và Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 2 Điều 184 của BLTTDS, nghĩa là khi và chỉ khi đối với vụ án trên bị đơn A yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì Tòa án phải đình chỉ đối với vụ án quan hệ tranh chấp là hợp đồng tín dụng, với lý do bị đơn có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết. Như vậy, khác với quan điểm thứ nhất, Tòa án không thay đổi quan hệ tranh chấp thành “Đòi lại tài sản”. Theo đó, Ngân hàng cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm  đối với phần nợ gốc sẽ khởi kiện thành vụ án khác Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, pháp luật tố tụng dân sự đã có quy định một cách minh thị như đã trình bày ở trên. Theo đó, trong trường hợp vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện, đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu và yêu cầu này được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự căn cứ theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 217 BLTTDS 2015.

Do vậy, trong trường hợp thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết, Tòa án sẽ không đương nhiên xác định lại quan hệ tranh chấp “đòi lại tài sản” từ đó giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng đối với phần lãi suất trên số tiền nợ gốc theo Hợp đồng tín dụng mà phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu có yêu cầu của đương sự về việc áp dụng thời hiệu và yêu cầu này được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Ngân hàng không có quyền khởi kiện lại yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng (do vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp) theo quy định tại khoản 1, Điều 218 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách khởi kiện vụ án mới là vụ án đòi lại tài sản (quan hệ pháp luật có tranh chấp khác so với vụ án trước đã bị đình chỉ) để Tòa án thụ lý giải quyết do tranh chấp về quyền sở hữu, đòi lại tài sản thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện (Khoản 2, Điều 155 BLDS 2015).

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được trao đổi từ những độc giả có quan tâm.

 

Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, Cần Thơ xét xử vụ án  “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”- Ảnh: Tô Nguyễn Mộng Lành

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (VNU –HCM)