K phạm tội Làm mất vũ khí quân dụng là có căn cứ

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Trần Thanh Sơn “Trần Ngọc K phạm tội gì ?” đăng ngày 24/11/2021 và các bài viết phản hồi, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Lam và Lại Sơn Tùng.

Tòa án quân sự Quân khu 1 xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Thứ nhất, tác giả đồng tình với quan điểm K phạm tội “Làm mất vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 414 BLHS năm 2015. Căn cứ vào nội dung của vụ án, trong quá trình đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ thủ kho, Trần Ngọc K đã thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý vũ khí, đạn dược và tự ý bàn giao chìa khóa kho cho Trần Thanh H là trợ lý kỹ thuật của đơn vị khi chưa có sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, đó là khoảng thời gian từ ngày 10/02 đến 14/02/2018 và khoảng thời gian từ 25/02 đến 27/02/2018 (khoảng thời gian Trần Ngọc K nghỉ tết và nghỉ tranh thủ). Việc giao nhận chìa khóa kho giữa hai người này không được lập thành biên bản và không có người chứng kiến. Vì thế khi đơn vị tiến hành tổng kiểm kê, kiểm tra số lượng, chất lượng các loại vũ khí, đạn dược trong kho Sư đoàn thì phát hiện đã mất 8 khẩu súng ngắn K54. Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Lam về hành vi vi phạm của K thuộc nhóm “các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu” được quy định trong BLHS.

Thứ hai, trong tình huống mà tác giả Trần Thanh Sơn đưa ra, thấy rằng  chủ thể ở đây là K, là quân nhân trong lực lượng vũ trang nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì K đã thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý vũ khí, đạn dược như: không tiến hành kiểm tra, nắm chắc số lượng vũ khí trang bị trong kho... Có thể thấy K đã lơ là trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ nên hậu quả là K đã làm mất vũ khí quân dụng, gây mất an toàn trong đơn vị quân đội. Điều 414 đã quy định rất rõ “1. Người nào được giao quản lý, được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm”, theo đó, K được giao quản lý, được trang bị vũ khí quân dụng mà làm mất thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng” thì theo quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Lam, có thể sử dụng Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS năm 1999” để xác định việc gây thiệt hại từ 3 đến 10 khẩu súng ngắn thì gây hậu quả nghiệm trọng, nhưng đây là đối với thiệt hại về vật chất, còn ở điểm đ cùng khoản này “Đối với thiệt hại phi vật chất thì tuỳ vào từng trường hợp phạm tội cụ thể để xác định hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Khi đánh giá cần chú ý đến các hậu quả như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về an ninh quốc phòng; khả năng, sức mạnh và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; uy tín, danh dự của Quân đội; mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ Quân đội; mối quan hệ quân dân v.v”. Như vậy cần phải xác định đến việc ảnh hưởng đến nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện của đơn vị quân đội, thiệt hại cả về vật chất lẫn phi vật chất để làm căn cứ chính xác để xác định hậu quả trong vụ án này.

Thứ ba, tác giả không đồng tình với quan điểm của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích khi cho rằng hành vi của A phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì khách thể bị xâm phạm của loại tội này là xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Vì K đã làm mất súng là do lơ là trách nhiệm của người quân nhân và không thực hiện đúng quy định nhiệm vụ được giao vậy thì khách thể bị xâm phạm của trong vụ án này phải là quyền sở hữu của Nhà nước đối với vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự và sức mạnh; khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội sẽ hợp lý và chính xác hơn.

Các tác giả Đinh Minh Lượng (Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5), Trần Hải Phong ( Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7), Lưu Trung Huy (Tòa án quân sự Quân khu 3) cũng có quan điểm K phạm tội Làm mất vũ khí quân dụng.

Xem thêm: Trần Ngọc K phạm tội gì?

NGUYỄN GIA HOÀNG (Viện kiểm sát quân sự khu vực 12, Quân khu 1)