Bàn về đường lối giải quyết vụ án chia tài sản chung là đối tượng của hợp đồng tặng cho có điều kiện

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015. Về bản chất, hợp đồng tặng cho tài sản là chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác.

Sau đây là một trường hợp về tặng cho tài sản có điều kiện. Cụ thể:

Ông A và bà B có ngôi nhà được xây dựng trên thửa đất rộng 200m2, đã được UBND huyện X, tỉnh Y cấp GCN QSDĐ và quyền sở hữu nhà. Ông A và bà B lập hợp đồng tặng cho con gái duy nhất là chị C và chồng là anh D, trong đó có nội dung: nhà đất không được chuyển nhượng và để sau này thờ cúng bố mẹ, ông bà. Hợp đồng tặng cho được công chứng hợp lệ và GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà đã được hiệu chỉnh mang tên vợ chồng C và D. Sau đó, ông A và bà B mất. Nay vợ chồng C và D ly hôn nên anh D yêu cầu chia tài sản chung là ngôi nhà và đất, trong đó anh D đề nghị được chia bằng hiện vật và thửa đất có hoàn toàn có thể chia bằng hiện vật.

Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau về đường lối giải quyết vụ án.

Quan điểm 1 cho rằng hợp đồng tặng cho giữa vợ chồng ông A, bà B với vợ chồng anh chị C, D là hợp đồng có điều kiện. Mặc dù nhà đất được tặng cho chị C và anh D, nhưng toàn bộ tài sản này được dùng để thờ cúng và theo truyền thống thì chị C là con duy nhất của ông A và bà B nên chị C có trách nhiệm thực hiện việc thờ cúng đối với ông A, bà B và được hưởng phần di sản do ông A, bà B để lại. Tài sản được tặng cho chung vợ chồng, nhưng do điều kiện của hợp đồng không được phép chuyển nhượng và để thờ cúng nên chị C được chia toàn bộ tài sản; anh D chỉ được hưởng phần giá trị đối với tài sản được chia.

Quan điểm 2 cho rằng hợp đồng tặng cho chung đã có hiệu lực; quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đã được chuyển hoàn toàn sang cho chị C và anh D, nên đây là tài sản chung của vợ chồng và được chia bình thường theo quy định. Anh C hoàn toàn có quyền được hưởng phần tài sản bằng hiện vật vì nhà và đất có thể chia bằng hiện vật cho cả chị C và anh D.

Sau khi nghiên cứu tình huống trên và các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này cần phải xác định bản chất hợp đồng tặng cho giữa ông A bà B với chị C anh D; việc chuyển quyền sở hữu và trách nhiệm do việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của các bên:

Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự có điều kiện, thì “1) Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.

Như vậy, Điều 120 chỉ quy định rằng để được coi là “giao dịch có điều kiện” thì giao dịch đó phải có điều khoản, nội dung quy định về điều kiện làm “phát sinh giao dịch” và “hủy bỏ giao dịch”. Điều luật này không quy định về điều kiện thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, trong chế định về hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015, khoản 6 Điều 402 có quy định chi tiết hơn: “6) Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.”

Như vậy, tổng hợp quy định tại Điều 120 và Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015 ta có thể hiểu “hợp đồng có điều kiện” là giao dịch dân sự trong đó nội dung chứa đựng quy định về việc phát sinh, chấm dứt hiệu lực hợp đồng và thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt một sự kiện nhất định.

Khi tìm hiểu quy định cụ thể đối với hợp đồng tặng cho, Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: tặng cho tài sản có điều kiện là việc bên tặng cho yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Và theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự thì “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”

Như vậy, do hợp đồng tặng cho giữa ông A, bà B với chị C, anh D có hiệu lực pháp luật và tài sản đã được đăng ký chuyển quyền sở hữu theo quy định, cho nên quyền sở hữu đã được chuyển từ ông A, bà B sang cho chị C, anh D. Do vậy, đây là tài sản chung của chị C, anh D trong thời kỳ hôn nhân. Nghĩa vụ thờ cúng bố mẹ, ông bà của chị C, anh D theo hợp đồng tặng cho tài sản phát sinh sau khi chị C, anh D được tặng cho và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Nghĩa vụ này không làm ảnh hưởng đến việc xác định quyền sở hữu chung của chị C, anh D đối với tài sản nêu trên và việc thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản này.

Cho nên, theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản được chia đôi, chia bằng hiện vật. Anh D có quyền được chia nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng bằng hiện vật. Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực hiện, không thực hiện nghĩa vụ là điều kiện của hợp đồng tặng cho nếu có sẽ được tiến hành theo quy định của Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015; nó không làm ảnh hưởng đến việc định đoạt tài sản chung của chị C, anh D sau khi đã được chuyển giao từ ông A, bà B.

 Rất mong quí đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý!

TRẦN NGỌC THÀNH (Phó Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp TANDTC)