Văn bản công chứng di chúc và di chúc có vô hiệu không?

Vợ chồng cụ An, cụ Bình lập di chúc, có người làm chứng, có xác nhận của chính quyền. Cụ An mất năm 2003. Đến năm 2018 cụ Bình cũng qua đời, trước khi qua đời cụ Bình lập di chúc có công chứng, nội dung khác di chúc đã lập cùng cụ An... dẫn đến các quan điểm khác nhau trong xử lý.

Vợ chồng cụ An và cụ Bình có tài sản chung gồm: 01 căn nhà hai tầng diện tích 80m2,  02 căn nhà một tầng và đất vườn tại xã L, huyện M, tỉnh N đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình cụ An, diện tích đất là 2000m2. Vợ chồng cụ An và Bình có 4 người con là Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Năm 2003, vợ chồng cụ An và cụ Bình lập di chúc cho cháu ngoại là chị Hải (con gái bà Ngôn) toàn bộ nhà; cho chị Hải và Hương (con bà Hạnh) quyền sử dụng đất vườn. Di chúc này viết tay, có người làm chứng và được Ủy ban nhân dân xã L xác nhận.

Năm 2013, cụ An chết. Năm 2014, cụ Bình cùng 4 người con lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, theo đó, 4 người con từ chối nhận di sản thừa kế của cụ An và nhường kỷ phần thừa kế của mình là quyền sử dụng đất tại xã L, huyện M, tỉnh N của cụ An cho mẹ mình là cụ Bình. Năm 2015, cụ Bình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2018, cụ Bình chết. Sau khi cụ Bình chết được 49 ngày, Văn phòng công chứng S đến công bố Bản di chúc của cụ Bình được lập trước khi cụ Bình chết 15 ngày, với nội dung để tài sản cho bà Ngôn và chị Hải. Cụ thể, cụ Bình di chúc cho con gái là bà Ngôn được thừa kế 01 căn nhà hai tầng, 02 căn nhà cấp 4 và 70% quyền sử dụng đất ở, đất vườn và cho chị Hải (con gái bà Ngôn) 30% đất ở, đất vườn. Đây là Văn bản công chứng di chúc được lập trước khi cụ Bình chết 15 ngày tại nơi ở của cụ Bình, do sơ suất nên Văn bản công chứng ghi địa điểm lập Văn bản công chứng tại Văn phòng công chứng S.

Ông Công - con cụ Bình khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Văn bản công chứng di chúc của Văn phòng công chứng S vô hiệu và di chúc của cụ Bình lập năm 2018 vô hiệu. Chị Hương cũng cho rằng nhà đất đã được ông ngoại là cụ An di chúc cho chị và chị Hải, mẹ chị là bà Hạnh không có quyền nhường kỷ phần thừa kế của mình cho cụ Bình.

Về tình huống pháp lý này, hiện nay có các quan điểm giải quyết khác nhau. Cụ thể:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Văn bản công chứng của Văn phòng công chứng S vô hiệu và di chúc của cụ Bình lập năm 2018 vô hiệu. Bởi lẽ, cụ Bình đã định đoạt cả phần tài sản của cụ An đã di chúc cho hai cháu năm 2003 và văn bản công chứng ghi sai địa điểm công chứng.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: Các đồng thừa kế của cụ An đã định đoạt để cụ Bình được sử dụng đối với quyền sử dụng đất nhưng chưa thỏa thuận định đoạt phần tài sản của cụ An là 3 căn nhà. Mặc dù Văn bản công chứng thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở Văn phòng công chứng và ghi địa điểm công chứng tại Văn phòng công chứng nhưng chỉ là sơ xuất về thủ tục khi soạn thảo văn bản nên không vi phạm Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015, không ảnh hưởng đến nội dung di chúc. Cụ Bình lập di chúc trong trạng thái tinh thần tỉnh táo, hoàn toàn minh mẫn, đủ sức khỏe, tự nguyện, không bị cưỡng ép, đe dọa hoặc lừa dối. Do đó, Văn bản công chứng của Văn phòng công chứng S và di chúc của cụ Bình vô hiệu một phần (phần di chúc về tài sản gắn liền với đất); phần còn lại có hiệu lực pháp luật.

- Quan điểm thứ ba cho rằng:

+ Di sản là quyền sử dụng đất có nguồn gốc là của cụ An và cụ Bình. Do đó, cần phải xác định phần di sản của cụ An trong khối tài sản chung của vợ chồng cụ An và cụ Bình. Đây là phần di sản cụ An đã định đoạt cho 2 cháu là Hải và Hương. Năm 2013, cụ An chết, cụ An không có sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập, nên cụ Bình và các con thỏa thuận định đoạt di sản của cụ An mà không có ý kiến của chị Hải và chị Hương. Khi xem xét tính pháp lý của di chúc cụ Bình lập năm 2018 cũng cần phải xem xét vấn đề này.

+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “2. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng”.

Vì vậy, cũng cần làm rõ, di chúc cụ Bình lập năm 2018 có trong tình trạng minh mẫn hay không.

Về cơ bản, chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ ba. Trong tình huống pháp lý này cần phải xem xét di chúc chung của vợ chồng cụ An và cụ Bình lập năm 2003. Đây là di chúc chung của vợ chồng cụ An và cụ Bình được viết tay, có người làm chứng và được Ủy ban nhân dân xã L xác nhận. Sau khi cụ An chết (năm 2013), di chúc này có hiệu lực đối với phần của cụ An. Tức là, chị Hải và chị Hương được hưởng phần di sản của cụ An là ½ khối tài sản chung của vợ chồng cụ An và cụ Bình. Việc các con của cụ An và cụ Bình thỏa thuận chia tài sản thừa kế của cụ An và tự nguyện nhượng phần thừa kế của mình là quyền sử dụng đất cho cụ Bình là không đúng, xâm phạm quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc của chị Hải và chị Hương. Cụ Bình chỉ có quyền thay đổi di chúc đối với phần tài sản của mình là ½ khối tài sản chung của vợ chồng.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm thứ ba, cần làm rõ, di chúc cụ Bình lập có trong tình trạng minh mẫn hay không, vì thời điểm lập di chúc cụ Bình đã 80 tuổi, đang điều trị bệnh nan y và thời điểm lập di chúc trước khi chết 15 ngày. Tôi cũng đồng ý với quan điểm thứ hai về việc Văn bản công chứng ghi không đúng địa điểm công chứng chỉ là lỗi sơ xuất, không ảnh hưởng đến giá trị của văn bản công chứng, nếu văn bản công chứng đáp ứng được các yêu cầu có hiệu lực khác.

Như vậy, đối với tình huống pháp lý này sẽ xảy ra 2 trường hợp:

- Trường hợp cụ Bình lập di chúc trong tình trạng minh mẫn, biết chữ, đọc được, nghe được thì di chúc của cụ Bình lập năm 2018 có hiệu lực một phần (đối với phần tài sản của cụ Bình trong khối tài sản chung của vợ chồng); di chúc này vô hiệu đối với phần di sản của cụ An trong khối tài sản chung của vợ chồng (chị Hải, chị Hương được hưởng thừa kế theo di chúc của cụ An lập năm 2003).

- Trường hợp cụ Bình không biết chữ hoặc không còn minh mẫn thì Văn bản công chứng vô hiệu và di chúc của cụ Bình vô hiệu hoàn toàn.

Trên đây là tình huống pháp lý còn có những ý kiến khác nhau trong việc giải quyết, chúng tôi rất mong sự trao đổi của bạn đọc!

Đường phố Vũng Tàu - Ảnh: THÁI VŨ

BÍCH PHƯỢNG - NGỌC DIỆP