Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án. Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Phiên chất vấn.

Tham dự Phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. 

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Dự phiên chất vấn còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở Trung ương, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội; các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, đại diện Kiểm toán nhà nước, Ban Nội chính Trung ương cùng một số cơ quan có liên quan.

Tại điểm cầu các địa phương có các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, các  đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương, cùng đại diện các cơ quan hữu quan. 

 

Quang cảnh phiên chất vấn tại Hội trường

Bốn nội dung chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho biết, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quố hội, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, xuất phát từ tình hình thực tiễn và thống kê hoạt động chất vấn thời gian qua, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực Tòa án và Kiểm sát. 

 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân trong thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp. Chủ tịch Quốc hội nhận định: "Trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm chất lượng biên chế còn có mặt, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án nhân dân chất lượng, hiệu quả, công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên". Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà nổi lên là vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt tiêu chỉ tiêu của Quốc hội đề ra…Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành Tòa án.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến đến với 62 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các tòa án, viện kiểm sát các tỉnh/thành phổ, TANDTC, VKSNDTC, TAND cấp cao, VKSND cấp cao, TAQS...

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án sẽ tập trung vào 4 nội dung: 

- Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án.  

- Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.

- Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Theo báo cáo, tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này?  Thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án TANDTC đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?

 ĐBQH Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Thời gian qua, Unicef đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và TANDTC đã trình hồ sơ đề nghị đưa dự án luật này vào chương trình. Đề nghị Chánh án cho biết việc ban hành đạo luật này có khắc phục được bất cấp trong  giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên hiện nay hay không? Câu 2: Đề nghị Chánh án TANDTC cho biết kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến?

 Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu cho biết, thời gian qua, hệ thống Tòa án các cấp đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp. Điều này đã được thể hiện đầy đủ trong báo cáo Quốc hội hàng năm của TANDTC và đã được Quốc hội thẩm định, thảo luận nhiều lần.

Với tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của cử tri, ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, các Tòa án liên tục đổi mới, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt và đột phá để thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch, chương trình công tác nên công tác của các Tòa án trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Thực hiện Kế hoạch số 249 ngày 3/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21, Chánh án TANDTC đã có Báo cáo số 25/BC-TA gửi tới đại biểu Quốc hội. Theo đó, báo cáo đã nêu rõ những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, giải pháp khắc phục theo bốn nội dung yêu cầu chất vấn Chủ tịch Quốc hội đã quán triệt....

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nêu rõ, hoạt động của Toà án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và đã được chỉ ra trong báo cáo. Trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã điểm lại một số tồn tại, hạn chế đó. Đây là những vấn đề sẽ được lãnh đạo TANDTC chỉ đạo Toà án các cấp tập trung khắc phục quyết liệt trong thời gian tới. 

Thay mặt lãnh đạo Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án Nguyễn Hoà Bình mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những đóng góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đối với công tác Toà án để giúp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang… tuy nhiên số lượng không nhiều, đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật. Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế. 

Chánh án TANDTC cho rằng, để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử.

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án TANDTC cho rằng, nếu đưa hết khiếu kiện sang Tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân, trong khi đó, nếu có lựa chọn cho UBND giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn. Chánh án TÀNTC đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về tư pháp người chưa thành niên, TANDTC đang trình 1 Dự án Luật về nội dung này, hồ sơ đang được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Ở thế giới có luật chuyên biệt về vấn đề này. Do đó, việc xây dựng đạo luật riêng thể hiện cam kết của chúng ta là 1 trong 2 quốc gia ở Châu á thực hiện các cam kết về bảo vệ trẻ em. Điều này thể hiện sự nhân ái, nhân đạo đối với trẻ em.
Về phiên Tòa trực tuyến, Về xét xử trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương… Đến nay, các trang bị cho xét xử trực tuyến đã cơ bản đầy đủ, đã xét xử hơn 5400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.

Hiện nay, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện.

Đối với câu hỏi làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TANDTC cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. TANDTC mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án.

Đại biểu Hoàng Văn Liên – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đặt câu hỏi: Trong báo cáo của TANDTC gửi Quốc hội có nêu, tỉ lệ giải quyết đơn tuyên bố phá sản doanh nghiệp chưa cao, đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Luật đang quy định tương đối ngặt nghèo về trình tự phá sản. Các Thấm phán rất giỏi trong vụ án hình sự, dân sự nhưng trong các vụ án phá sản là thiếu. Khắc phục tình trạng này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản; nâng cao trình độ Thẩm phán trong xét xử vụ án phá sản; tiến tới hình thành Tòa phá sản chuyên biệt ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyên xét xử phá sản, không xét xử các vụ án khác.

Đẩy nhanh phát triển án lệ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu thực tế, hiện nay số án lệ so với các vụ án hiện nay là quá ít ỏi, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh xã hội phát triển, hội nhập, số hóa phát sinh nhiều tranh chấp và tình tiết mới, cho phép giải quyết các vụ việc chưa được các quy định của pháp luật điều chỉnh… Đề nghị vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ có những giải pháp gì để phát triển án lệ trong thời gian tới làm cơ sở pháp luật giải quyết các vụ việc tương tự?

Liên quan đến vấn đề án lệ, , một trong những nội dung cải cách tư pháp từ nhiệm kì 14 là Quốc hội cho phép Tòa án phát triển án lệ. Lịch sử phát triển án lệ trên thế giới đã có 100 năm, cả thế giới đều cần án lệ. Trong khi đó Việt Nam mới có lịch sử phát triển án lệ vài năm gần đây. Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất không thể bao hàm hết diễn biến cuộc sống. Án lệ được xem là nguồn bổ sung cho giải thích pháp luật và thực tiễn nếu pháp luật chưa đề cập đến, tạo chuẩn mực pháp lý cho các cơ quan áp dụng. Án lệ chỉ là 1 chi tiết của vụ án mà không phải toàn bộ vụ án. 

 

Chánh án TANDTC trả lời về các vấn đề mà các đại biểu chất vấn 

Việt Nam tuy số lượng án lệ ít nhưng có một số án lệ được thế giới đánh giá cao như việc vũ khí nguy hiểm tấn công vào vùng nguy hiểm được xem là hành vi của tội giết người.

Việt Nam mới có lịch sử phát triển án lệ 4 năm, do đó chúng ta phải có những bước đi thận trọng; quy trình làm án lệ của chúng ta chặt chẽ. Điều này là rất cần thiết đối với thực tiễn ở Việt Nam. Vì quá chặt chẽ nên số lượng án lệ của ta khá khiêm tốn. Do đó, trong thời gian tới Tòa án nhân dân tối cao từng bước sửa quy trình này và khuyến khích thẩm phán giới thiệu bản án đẩy nhanh phát triển án lệ.

 

Các đại biểu chăm chú theo dõi Chánh án TANDTC trả lời chất vấn

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND địa phương thuộc nội bộ ngành và thuộc thẩm quyền của Chánh án TANDTC. Tuy nhiên, qua giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận thấy, một số địa phương có thực trạng, quy trình bổ nhiệm khá lâu và việc phải chờ bổ nhiệm thẩm phán trong thời gian khá dài sẽ ảnh hưởng tiến độ giải quyết án. Đại biểu đề nghị Chánh án có giải pháp khắc phục tình trạng trên và giải quyết các vụ án đúng quy định, không để án quá hạn, luật định.

Chánh án  Nguyễn Hòa Bình cho biết về tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, thời gian tới tiếp tục đổi mới cách họp tuyển chọn hội đồng thẩm phán quốc gia, sớm có nhận xét tiến cử thẩm phán khẩn trương trong bổ nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Có thông tin cho rằng Trung tâm hoà giải được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Do đó, đề nghị Chánh án cho biết hiệu quả trên thực tế của việc thực hiện hoà giải đối thoại ngoài Toà án? Đồng thời đề nghị làm rõ việc có nên xây dựng nhiều án lệ để áp dụng hay chỉ cần một số lượng vừa phải để áp dụng? Có thông tin cho rằng Trung tâm hoà giải được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Do đó, đề nghị Chánh án cho biết hiệu quả trên thực tế của việc thực hiện hoà giải đối thoại ngoài Toà án? Đồng thời đề nghị làm rõ việc có nên xây dựng nhiều án lệ để áp dụng hay chỉ cần một số lượng vừa phải để áp dụng?

Về hòa giải, Chánh án  Nguyễn Hòa Bình cho biết hòa giải là đột phá của cải cách tư pháp thay thế cho xét xử. Qua hòa giải, xung đột được giải quyết thân thiện tạo ra hòa thuan xã hội giảm bớt các chi phí mở phiên tòa, xét xử, thi hành án, hạn chế phát sinh tranh chấp mới. Những năm qua hòa giải 72.000 vụ, dù chưa nhiều nhưng giảm tải đáng kể số vụ việc Tòa án phải giải quyết.

 

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Minh Trí tại phiên chất vấn

Độc lập là một trong những nguyên tắc căn cốt của Tòa án, độc lập giữa các cơ quan, giữa các Tòa án, giữa cấp trên cấp dưới. Ngành Tòa án quán triệt chặt chẽ nguyên tắc này, thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, đặt ra quy trình phân án ngẫu nhiên, thường xuyên kiểm tra tránh can thiệp vào xét xử, Chánh án không được can thiệp vào xét xử của thẩm phán. Chánh án đề nghị các đại biểu Quốc hội tôn trọng tuân thủ nguyên tác này, tránh trường hợp có đơn đề nghị Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án.

Đối với các vụ án thi hành án rồi mà Tòa xử lại, trên thực tế không có nhiều nhưng vẫn có trên thực tế. Việc Tòa phải xử lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân; đảm bảo công bằng, lẽ phải.

Thu hồi tài sản tham nhũng

Nhiều câu hỏi chất vấn về thu hồi tài sản tham nhũng, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Trong những vụ án tham nhũng thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước tiến độ. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thu hồi tài sản dẫn vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân. Thời gian tới, Chánh án TANDTC phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để mà thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng của người dân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, về tăng cường thu tài sản tham nhũng, trên thế giới cũng như Việt Nam việc thu không hoàn toàn triệt để. Theo tổng kết 10 năm chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để nâng cao hơn nữa, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng. Do đó nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi.

Đối với các vụ án thi hành án rồi mà Tòa xử lại, trên thực tế không có nhiều nhưng vẫn có trên thực tế. Việc Tòa phải xử lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân; đảm bảo công bằng, lẽ phải.

Về tăng cường thu tài sản tham nhũng, trên thế giới cũng như Việt Nam việc thu không hoàn toàn triệt để. Theo tổng kết 10 năm chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để nâng cao hơn nữa, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng. Do đó nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi. 

Về giải quyết các đơn giám đốc thẩm, Chánh án TANDTC cho biết giám đốc thẩm không được xem là 1 cấp xét xử nhưng hiện này đơn giám đốc thẩm của ta quá nhiều, nguy cơ trở thành 1 cấp xét xử. Chỉ cần không hài lòng là đương sự tiếp tục có đơn. Trong khi đó, công lý không phải theo ý chí của người đi kiện mà theo pháp luật. Hiện chưa có giải pháp hạn chế đơn giám đốc thẩm. Một năm Tòa án phải giải quyết hàng nghìn vụ việc. Do đó nguy cơ đang hiện hữu giám đốc thẩm trở thành 1 cấp xét xử, khiến cho tố tụng không có điểm dừng. Bên cạnh đó, ngành tòa án có nhiều giải pháp nhằm tăng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tỉ lệ giải quyết còn khiêm tốn nhưng chủ yếu là do số đơn quá nhiều.

 

 

THÁI VŨ