Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Chỉ thị nêu rõ: Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Đề án), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, cũng như các nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức triển khai Đề án còn hạn chế, một số mục tiêu đặt ra của Đề án chưa đạt được, chưa phát huy hết tác động tích cực của việc triển khai Đề án.

Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc và chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các Bộ (Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông), UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức có liên quan triển khai việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân một cách có hiệu quả; chủ động, tích cực hợp tác, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế về giáo dục quyền con người; chú trọng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về quyền con người để nâng cao hiệu quả giáo dục quyền con người ở nước ta…

Nội dung tăng cường triển khai thực hiện Đề án tập trung vào một số nhóm vấn đề sau:

Tiếp tục đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân, tổ chức các khóa đào tạo kiến thức về quyền con người, đẩy nhanh tiến độ biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông, tài liệu chuyên khảo, tham khảo về giáo dục quyền con người.

Rà soát, hoàn thiện chương trình giảng dạy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nội dung quyền con người cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; thực hiện nghiêm các nội dung giáo dục quyền con người được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục quyền con người trên cổng thông tin điện tử của một số Bộ, ngành, địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, tích cực tuyên truyền, quảng bá cho cộng đồng quốc tế về kết quả triển khai thực hiện Đề án.

Ảnh: doanhnhansaigon

MINH TRÍ