Hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp ngăn chặn mới được bổ sung trong BLTTHS năm 2015. Trên cơ sở phân tích những điểm còn bất hợp lý về đối tượng, thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh... tác giả kiến nghị sửa đổi quy định của BLTTHS về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn.

1.Quy định

Biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, phù hợp với thực tiễn hiện nay khi nhiều trường hợp sau khi thực hiện hành vi phạm tội, trong quá trình xác minh, điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án, người phạm tội đã lợi dụng việc xuất cảnh để trốn ra nước ngoài, gây cản trở cho việc xử lý vụ án và thi hành hình phạt. Theo quy định tại điều luật, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh có thể được áp dụng với hai loại đối tượng: 1) Bị can, bị cáo. Đây là những đối tượng đã bị khởi tố về hình sự nhưng được tại ngoại điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ thi hành án và họ đang có hành vi chuẩn bị xuất cảnh ra nước ngoài nhằm tránh việc xử lý hành vi phạm tội hoặc trốn tránh việc thi hành án. 2) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Mặc dù đây là những người chưa bị khởi tố về hình sự nhưng là người bị người khác tố giác hoặc bị cơ quan, tổ chức kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hình sự mà qua kiểm tra, xác minh sự việc bị tố giác, kiến nghị khởi tố đó có đủ căn cứ chứng tỏ người đó bị nghi thực hiện hành vi phạm tội và xét thấy cần phải ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

2. Một số điểm bất cập, hạn chế

Trên quy định của BLTTHS năm 2015 và thực tiễn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thời gian qua, chúng tôi thấy có một số hạn chế, bất cập.

2.1. Về đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh[1]. Có nghĩa là, chỉ có người bị buộc tội mới có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 giải thích: Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”[2] mà không có người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Rõ ràng, trường hợp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã thực hiện xong hành vi phạm tội không phải là đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Do vậy, quy định tại Điều 124 đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 4, Điều 109 BLTTHS năm 2015.  

Thứ hai, căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 124 BLTTHS năm 2015 có thể hiểu bị can, bị cáo có dấu hiệu xuất cảnh để bỏ trốn khi thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì đều có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử cho thấy những bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thường có dấu hiệu xuất cảnh để bỏ trốn cao hơn bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng. Việc quy định một cách chung chung như tại điểm b, khoản 1 Điều 124 BLTTHS năm 2015 dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách tràn lan, không cần thiết. Hơn nữa, khoản 1 Điều 124 BLTTHS có nêu: “Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn…”, tuy nhiên, căn cứ cụ thể nào thì tính đến thời điểm hiện tại chưa được giải thích và quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật tố tụng hình sự nào, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng. Do đó, tác giả cho rằng, thời gian tới cần có các văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong tố tụng hình sự, để các cơ quan tiến hành tố tụng có cách hiểu và nhìn nhận đúng đắn về bản chất của biện pháp ngăn chặn này.

Ngoài ra, đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là bị can, bị cáo thì thực tế cho thấy, có những trường hợp bị can, bị cáo xuất cảnh nhằm tiêu hủy tài liệu, chứng cứ của vụ án bởi tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội hiện đang ở nước ngoài mà không nhằm mục đích bỏ trốn. Vậy, trường hợp bị can, bị cáo có dấu hiệu xuất cảnh nhằm tiêu hủy tài liệu, chứng cứ thì có cần tạm hoãn xuất cảnh hay không thì điều luật chưa đề cập tới.

2.2. Về thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh

Tại khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này…”[3]. Tuy nhiên, quá trình áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong từng giai đoạn tố tụng trên thực tiễn vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, cụ thể:

Thứ nhất, trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tối đa để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả được gia hạn) là không quá 04 tháng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận nguồn tin về tội phạm. Hết thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố. Đối với trường hợp khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, việc áp dụng hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã được quy định cụ thể, rõ ràng không có vướng mắc.

Tuy nhiên, trong trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố thì BLTTHS năm 2015 lại chưa quy định, cụ thể tại khoản 3 Điều 148 BLTTHS năm 2015 có nêu: “Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục thực hiện”[4]. Điều đó có nghĩa là, nếu hết thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm hoặc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bị tạm đình chỉ thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cũng hết (vì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn xác minh nguồn tin tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015) thì mặc nhiên người đó được xuất cảnh sang nước ngoài, trong khi cơ quan giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra để chứng minh tội phạm và khi đã đủ chứng cứ chứng minh tội phạm thì người phạm tội đã bỏ trốn sang nước ngoài, do đó gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhất là hiện nay việc thực hiện tương trợ tư pháp hình sự về dẫn độ, ủy thác tư pháp… còn nhiều bất cập do một số quốc gia Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp. Do vậy, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp này không hiệu quả.

Thứ hai, trong giai đoạn điều tra. Đối với Cơ quan điều tra (CQĐT) khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn này đối với bị can là không quá thời hạn điều tra do CQĐT ấn định trong quyết định tạm hoãn xuất cảnh (theo mẫu số 42 ban hành theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA này 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự), và không được quá thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 172 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình điều tra vụ án hình sự cho thấy, CQĐT không thể tiên lượng trước về việc vụ án đó có thể điều tra trong thời hạn bao lâu vì tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ án, của từng loại tội phạm là khác nhau nên có trường hợp CQĐT phải gia hạn điều tra lần 1, gia hạn điều tra lần 2. Do đó, việc ấn định ngày kết thúc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quyết định tạm hoãn xuất cảnh là chưa thực sự hợp lý.

Thứ ba, trong giai đoạn truy tố. Khi nhận hồ sơ vụ án từ CQĐT, Viện kiểm sát (VKS) có quyền áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh đối với bị can. Nếu tiếp tục duy trì và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh thì thời hạn áp dụng không được quá thời hạn truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS năm 2015 (kể cả trong trường hợp gia hạn thời hạn truy tố) theo mẫu số 54/HS được ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSNDTC về ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (tối đa không quá 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng; không quá 45 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 60 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 240 BLTTHS năm 2015 quy định đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng cho bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Vậy, có thể hiểu 10 ngày đó VKS có thể áp dụng thêm trong trường hợp đã hết thời hạn truy tố theo khoản 1 Điều 240 BLTTHS năm 2015 nhưng chưa giao được cáo trạng cho bị can. Trong trường hợp đã sử dụng tối đa số ngày của thời hạn truy tố mới ban hành được cáo trạng truy tố bị can, thì 10 ngày kéo dài này được tiếp tục sử dụng để triệu tập bị can đến nhận cáo trạng (trong trường hợp vụ án phức tạp). Như vậy, trong thời hạn 10 ngày để VKS giao nhận cáo trạng, thì bị can không phải chịu biện pháp ngăn chặn nào vì thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn của VKS không còn theo quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS năm 2015, do đó đối tượng có thể lợi dụng điều này để bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình tiến hành tố tụng sau này.

 3. Kiến nghị, đề xuất

Trên cơ sở những bất cập, hạn chế như đã phân tích, để hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn, tác giả bài viết đề xuất:

Một là, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn tại khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015 như sau: “1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội,…” đảm bảo sự thống nhất với Điều 124 BLTTHS năm 2015.

Hai là, bổ sung trường hợp bị can, bị cáo có dấu hiệu xuất cảnh nhằm tiêu hủy chứng cứ của vụ án mà không nhằm mục đích bỏ trốn. Cụ thể, cần sửa đổi lại khoản 1 Điều 124 BLTTHS năm 2015 thành “1. Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau:” đồng thời bổ sung điểm b, khoản 1 Điều 124 BLTTHS năm 2015 thành “Bị can, bị cáo mà có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ nhằm mục đích bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ” để phù hợp hơn với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong từng giai đoạn tố tụng hình sự, cụ thể:

 - Trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trường hợp đã hết thời hạn kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 mà vẫn chưa có kết quả giám định, kết quả định giá tài sản hoặc chưa nhận được kết quả của việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố, thì có thể gia hạn thêm thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi nhận được kết quả giám định, kết quả định giá tài sản hoặc tài liệu, đồ vật quan trọng có giá trị chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.

 - Trong giai đoạn điều tra, cần quy định thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày CQĐT ra quyết định đến khi kết thúc điều tra, hoàn tất thủ tục bàn giao hồ sơ vụ án sang VKS đề nghị truy tố bị can theo tội danh mà CQĐT đã viện dẫn, đảm bảo phù hợp với khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015. 

- Trong giai đoạn truy tố, cần quy định thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày VKS ra quyết định đến khi giao bản Cáo trạng cho bị can, đồng thời hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án nhân dân để tiến hành hoạt động tố tụng tiếp theo.

 

Làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay - Ảnh: TL

 

           

                                                                                                           

 

 

[1] Xem: Khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015.

[2] Xem: Điểm d khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015.

[3] Xem: Khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015.

[4] Xem: Khoản 3 Điều 148 BLTTHS năm 2015.

ThS.LẠI SƠN TÙNG (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)