Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại và góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bài viết khái quái quát chung quan điểm về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại một số quốc gia từ đó đưa ra một vài góp ý cho Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về nguyên tắc bên gây thiệt hại có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại mà mình đã gây ra cho bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, người gây thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp nhất định do pháp luật quy định như: thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng; hay trong trường hợp bên bị thiệt hại không áp dụng những biện pháp hợp lý, cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình... 

Liên quan đến nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vấn đề này đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận lần đầu tiên trong BLDS 2015. Bên cạnh sự thừa nhận của nhiều quốc gia trong hệ thống dân luật lẫn thông luật, quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều tại một số nước trong đó có Cộng hòa Pháp. Do vậy, trong phạm vi bài viết này tác giả sẽ trình bày khái quái quát chung quan điểm về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại một số quốc gia từ đó đưa ra một vài góp ý cho Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Hội đồng thẩm phán TANDTC (sau đây được gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết) nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật dân sự, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác xét xử của TAND.

1.Khái quát chung về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Tại Việt Nam, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Chương XXI của BLDS 2015 với 25 điều luật được chia làm 3 mục. So với BLDS trước đây thì quy định của BLDS 2015 tuy không có bổ sung thêm điều luật mới nhưng nhiều nội dung cơ bản của các điều luật đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn. Liên quan đến nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 BLDS 2015 cũng đã bổ sung quy định mới ghi nhận thêm nghĩa vụ của người bị thiệt hại, cụ thể là nghĩa vụ áp dụng những biện pháp hợp lý, cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình. Nếu bên bị thiệt hại vi phạm nghĩa vụ này, nghĩa là không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho mình thì sẽ không được bồi thường phần thiệt hại xảy ra. Đây là nguyên tắc bồi thường thiệt hại mới nhằm cụ thể hóa một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại khoản 3, Điều 3 BLDS 2015: «Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực ».

Nhìn chung, việc người bị thiệt hại không áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình có thể hiểu là người bị thiệt hại đã để cho thiệt hại trở nên trầm trọng hơn hoặc không làm gì để giảm bớt hoặc ít nhất là hạn chế, ngăn cản nó xảy ra. Do bản chất của trách nhiệm dân sự là khôi phục càng chính xác càng tốt thiệt hại do hành vi gây thiệt hại trái pháp luật gây ra nên người bị thiệt hại có nghĩa vụ áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể thiệt hại xảy ra cho chính mình. Điều này được chấp nhận trong luật pháp hoặc án lệ của nhiều quốc gia như Đức, Anh,… với một số bảo lưu nhất định liên quan đến trường hợp thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm. Theo đó, nếu người bị thiệt hại có thái độ thờ ơ, để mặc cho thiệt hại xảy ra thì sẽ bị xem là có lỗi trong việc gây ra một phần hoặc toàn bộ thiệt hại cho mình và do đó sẽ không được bồi thường đối với thiệt hại mà họ phải gánh chịu[1]. Có thể nói rằng đây là quy định có tính chất trừng phạt đối với người bị thiệt hại cũng như phòng ngừa thiệt hại xảy ra.[2]

Bên cạnh các quốc gia ghi nhận nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại thì Pháp lại có giải pháp hoàn toàn trái ngược. Bởi lẽ, theo quy định của Pháp, bồi thường toàn bộ thiệt hại là một nguyên tắc cơ bản của trách nhiệm dân sự. Nguyên tắc này đã được án lệ ghi nhận, cụ thể như sau : « Đặc điểm của trách nhiệm dân sự là khôi phục càng chính xác càng tốt sự cân bằng bị phá hủy bởi thiệt hại và đặt nạn nhân trở lại tình trạng mà anh ta đã có nếu hành vi gây thiệt hại không xảy ra »[3]. Bằng cách công nhận tất cả các thiệt hại đều được bồi thường, nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại thể hiện sự tôn trọng không chỉ đối với quyền của nạn nhân (được bồi thường cho tất cả thiệt hại mà mình phải gánh chịu), mà còn đối với người gây thiệt hại (chỉ chịu trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại thực tế mà mình đã gây ra).

Dựa trên nguyên tắc bồi thường toàn bộ này, các bản án của Tòa án tại Pháp đã bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào về nghĩa vụ của nạn nhân trong việc giảm thiểu thiệt hại của họ theo quy định tại Điều 1382 BLDS Pháp, với cùng một nguyên tắc: « Tác giả của một vụ tai nạn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; và nạn nhân không bị ràng buộc để hạn chế thiệt hại của mình vì lợi ích của người có trách nhiệm bồi thường »[4]. Tuy nhiên, xuất phát từ nguồn cảm hứng của các học thuyết trong hệ thống pháp luật của nhiều nước Châu Âu, các dự án cải cách luật trách nhiệm dân sự của Pháp đã xem xét đến việc bổ sung thêm điều khoản quy định về nghĩa vụ của nạn nhân trong việc hạn chế thiệt hại. Theo đó, một số Dự thảo đã đề xuất: « Khi nạn nhân có khả năng, bằng các biện pháp an toàn, hợp lý và tương xứng, để giảm mức độ thiệt hại của mình hoặc tránh tình trạng tăng nặng của nó, thì việc không thực hiện sẽ dẫn đến việc giảm mức bồi thường, ngoại trừ trường hợp các biện pháp này có thể gây tổn hại đến sự toàn vẹn thân thể của nạn nhân »[5].

Cần lưu ý rằng nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại theo những dự thảo nêu trên chỉ liên quan đến thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (thiệt hại về vật chất). Bên cạnh đó, các biện pháp mà nạn nhân thực hiện để hạn chế thiệt hại của mình được giới hạn trong các biện pháp an toàn, hợp lý và tương xứng. Hay trong Dự thảo liên quan đến cải cách luật trách nhiệm dân sự gần đây nhất cũng đặt ra vấn đề về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của nạn nhân, theo đó ngoại trừ những thiệt hại liên quan đến thương tật cơ thể, thẩm phán có quyền tùy chọn giảm thiệt hại được bồi thường khi nạn nhân không thực hiện các biện pháp an toàn và hợp lý để ngăn chặn thiệt hại. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng thiệt hại mà nạn nhân gánh chịu trở nên trầm trọng hơn do thái độ thờ ơ của chính họ[6]. Mặc dù vậy, quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều tại Pháp. Đồng thời, cho đến nay các bản án của Tòa án tại Pháp vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về sự phát triển của án lệ về vấn đề này.

Trên thực tế thái độ của người bị hại không hoàn toàn bị bỏ qua trong luật của Pháp khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây thiệt hại. Thật vậy, đôi khi việc hạn chế hoặc loại trừ quyền được bồi thường của người bị thiệt hại cũng được xem xét đến thông qua yếu tố lỗi của người sau cùng này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng không giống như nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại (chỉ có thể xảy ra sau khi thiệt hại đã xảy ra), lỗi của người bị thiệt hại phải góp phần gây ra thiệt hại, cấu thành mối quan hệ nhân quả và xảy ra trước hoặc cùng thời điểm với lỗi của người gây thiệt hại. Nói cách khác việc vi phạm nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại sẽ bị xem là lỗi của người bị thiệt hại[7]. Điều này cũng được thừa nhận trong luật cũng như án lệ của Bỉ. Theo đó, nạn nhân bị xem là có thể đã « phạm một lỗi nếu, bằng cách không tiến hành sửa chữa mà lẽ ra người này có thể làm mà không gây bất tiện nào cho mình. Người bị thiệt hại đã để cho thiệt hại trở nên tồi tệ hơn, đã cho phép mọi thứ xấu đi nghiêm trọng hơn... ». Án lệ cũng cho rằng trong giả thuyết này, việc thiệt hại trở nên trầm trọng hơn là do toàn bộ hoặc một phần lỗi của người bị hại chứ không phải do hành vi trái pháp luật gây ra…[8].

2.Một số góp ý liên quan đến quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại

Như đã đề cập ở trên, quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại là nguyên tắc mới được bổ sung vào những nguyên tắc cần tuân thủ trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần được hướng dẫn, giải đáp cụ thể để đảm bảo việc áp dụng quy định được thống nhất. Nhằm đáp ứng yêu cầu nêu trên, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã đưa ra Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và quy định về nghĩa vụ của người bị thiệt hại trong việc hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình nói riêng. Theo đó, điểm e, khoản 2, Điều 3 Dự thảo Nghị quyết nêu trên quy định như sau : « Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường phần thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình, có nghĩa là trường hợp người bị thiệt hại có thể biết, nhìn thấy trước và có đủ điều kiện để ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra ». Theo quy định này thì người bị thiệt hại không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình trong mọi trường hợp. Để có thể giảm trách nhiệm bồi thường của mình đối với những thiệt hại mà người bị thiệt hại phải gánh chịu, thì người gây thiệt hại phải chứng minh được rằng: thứ nhất, « người bị thiệt hại có thể biết, nhìn thấy trước được thiệt hại xảy ra » ; thứ hai, « người bị thiệt hại có đủ điều kiện để ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra » và thứ ba, « người bị thiệt hại đã để mặc cho thiệt hại xảy ra ». Như vậy, cần lưu ý rằng người bị thiệt hại chỉ có nghĩa vụ hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình trong trường hợp đáp ứng ba điều kiện nêu trên.

Có thể thấy rằng Dự thảo Nghị quyết đã có những hướng dẫn liên quan đến quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình của người bị thiệt hại nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn áp dụng quy định này. Tuy nhiên, ngoài câu hỏi người bị thiệt hại có nghĩa vụ áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình trong trường hợp nào thì vẫn còn một số vấn đề khác cũng cần được hướng dẫn một cách cụ thể nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật như: người bị thiệt hại có nghĩa vụ áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế đối với những loại thiệt hại nào? Những biện pháp nào được xem cần thiết, hợp lý ? Các chi phí phát sinh từ việc áp dụng những biện pháp này có được xem là thiệt hại để được bổi thường không và việc xác định những chi phí này ? Liên quan đến những vấn đề nêu trên, bài viết mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị với mong muốn góp phần hoàn thiện hơn cho Dự thảo Nghị quyết, cụ thể như sau :

Thứ nhất, về những loại thiệt hại mà người bị thiệt hại buộc phải có nghĩa vụ áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế, ngăn chặn

Pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định minh thị về vấn đề này mặc dù có thể thấy quy định về các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại chỉ được đề cập đến trong trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (khoản 3 Điều 589 BLDS 2015) và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (điểm a, khoản 1 Điều 592 BLDS 2015). Do vậy, thiết nghĩ Dự thảo Nghị quyết nên có quy định cụ thể hướng dẫn về vấn đề này trong phần quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, xu hướng được thừa nhận tại nhiều quốc gia khác trên thế giới là người bị thiệt hại chỉ bị ràng buộc nghĩa vụ hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình đối với những thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (thiệt hại về vật chất)[9]. Hay nói cách khác, đối với những thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm thì người bị thiệt hại không buộc phải có nghĩa vụ này trên cơ sở quy định về quyền được tự do về thân thể và được đảm bảo sự toàn vẹn của thân thể của cá nhân[10].

Thứ hai, về những biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra

Theo quy định hiện nay thì những biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra là những biện pháp « cần thiết », « hợp lý ». Vậy câu hỏi đặt ra là thế nào là biện pháp « cần thiết », « hợp lý » để từ đó Thẩm phán có thể áp dụng thống nhất quy định này ? Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì để đánh giá tính chất cần thiết, hợp lý, Thẩm phán cũng cần phải dựa trên những tiêu chí cụ thể. Do vậy, để tránh sự tùy tiện, chủ quan trong việc xác định những biện pháp được áp dụng có cần thiết, hợp lý hay không trong quá trình giải quyết vụ việc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng từ đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự thì việc có quy định hướng dẫn chi tiết về vấn đề này là rất cần thiết.

Thứ ba, về các chi phí phát sinh từ việc áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế, ngăn chặn thiệt hại xảy ra

 Như đã biết theo quy định hiện nay thì người bị thiệt hại có nghĩa vụ phải áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế, ngăn chặn thiệt hại xảy ra cho mình. Nhằm khuyến khích người bị thiệt hại nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra, pháp luật dân sự hiện nay quy định rằng các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại là những thiệt hại có thể được bồi thường[11]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những chi phí nào sẽ được xem là thiệt hại có thể bồi thường ? Theo quy định hiện nay thì chi phí được bồi thường là những chi phí « hợp lý ». Nhưng chi phí « hợp lý » sẽ được hiểu như thế nào? Có thể hiểu chi phí hợp lý là những chi phí phát sinh khi áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại và nó cần tương xứng với thiệt hại cần hạn chế, ngăn ngừa. Nhưng dẫu sao việc đưa ra tiêu chí mang tính chất định tính như trên sẽ khiến cho việc áp dụng quy định này trên thực tế ít nhiều phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Cũng liên quan đến vấn đề này, thêm một câu hỏi đặt ra là những chi phí này bao gồm những loại nào ?

Có thể thấy rằng theo quy định hiện nay thì chỉ những « chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại » mới được xem là thiệt hại có thể bồi thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoài những chi phí phát sinh từ việc áp dụng những biện pháp hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra thì người bị thiệt hại có thể gánh chịu thêm một số thiệt hại khác khi áp dụng những biện pháp đó. Do vậy, để đảm bảo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ, thiết nghĩ nên có hướng dẫn liên quan đến các chi phí hợp lý theo hướng không chỉ bao gồm các chi phí phát sinh từ việc áp dụng những biện pháp ngăn chặn mà còn cả những tổn thất mà người bị thiệt hại có thể phải gánh chịu khi thực hiện các biện pháp này[12].

3.Kết luận

Tóm lại, quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những điểm mới của BLDS 2015. Việc ghi nhận quy định này nhằm mục đích khuyến khích người bị thiệt hại áp dụng những biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra. Đây là quy định hợp lý và chính đáng bởi lẽ sẽ bất hợp lý khi một nạn nhân tích cực áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra nhưng lại được bồi thường ít hơn so với người có thái độ thờ ơ, để mặc cho thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, để quy định này có thể phát huy được hết ý nghĩa của nó, thiết nghĩ cần có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn để nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại thực sự đi vào đời sống từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

 

TANDCC tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - Ảnh: VOV

 

[1] Theo học thuyết của Đức thì quyền được bồi thường của người bị thiệt hại từ người gây thiệt hại đã tạo ra một mối quan hệ pháp lý đặc biệt giữa các bên. Bên bị thiệt hại có nghĩa vụ phải giảm thiểu thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Việc vi phạm nghĩa vụ hạn chế thiệt hại có thể cấu thành lỗi của người bị thiệt hại đối với người gây thiệt hại từ đó dẫn đến việc tước bỏ quyền được bồi thường toàn bộ của người bị thiệt hại (Xem thêm : Stéphan Reifegerste, Pour une obligation de minimiser le dommage, Presses universitaires d’Aix-Marseille, p. 143-180, https://books.openedition.org/puam/530?lang=fr, truy cập ngày 4/9/2021).

[2] Xem thêm : Stéphan Reifegerste, Pour une obligation de minimiser le dommage, Presses universitaires d’Aix-Marseille, p. 143-180, https://books.openedition.org/puam/530?lang=fr, truy cập ngày 4/9/2021.

[3] Xem thêm: Chambre sociale de la Cour de cassation, 27 mai 1970.

[4] Xem thêm : Pierre-Yves Thiriez, La mitigation ou l’obligation pour la victime de minimiser son dommage, une exception à la française », Gazette du Palais, 2014, n° 341 à 343. Theo đó, Tòa án cấp giám đốc thẩm của Pháp dứt khoát bác bỏ các lập luận được phát triển trong các học thuyết ủng hộ việc giảm nhẹ trách nhiệm của bên gây thiệt hại hay nghĩa vụ của nạn nhân trong việc hạn chế thiệt hại xảy ra cho mình theo quan điểm của pháp luật hoặc án lệ của một số quốc gia Châu Âu khác.

[5] Xem thêm : G. Durry, « Est-on obligé de minimiser son propre dommage ? », Risques 2004, p. 111

[6] Xem thêm : Point sur le projet de réforme de la responsabilité civile du 13 mars 2017, https://actu.dalloz-etudiant.fr/a-la-une/article/point-sur-le-projet-de-reforme-de-la-responsabilite-civile-du-13-mars-2017/h/23d7d54cb6e1d1b22e760a1a0e0ddec9.html, truy cập ngày 4/9/2021.

[7] Khái niệm lỗi của nạn nhân có thể có ít nhất hai nghĩa. Theo truyền thống, nó được hiểu là nguyên nhân hoặc là một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại. Thiệt hại xảy ra do lỗi của nạn nhân được hiểu là do nạn nhân đã gây ra hành vi gây thiệt hại hoặc ít nhất cũng góp phần vào việc thực hiện hành vi gây thiệt hại đó. Trong trường hợp lỗi của nạn nhân là nguyên nhân duy nhất của thiệt hại, pháp luật về bồi thường thiệt hại thừa nhận việc miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại. Nếu lỗi của nạn nhân là nguyên nhân một phần của thiệt hại thì sẽ dẫn đến sự chia sẻ trách nhiệm giữa người gây thiệt hại và nạn nhân. Điều này có nghĩa là lỗi của người bị thiệt hại được xem là cơ sở của nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại. Hậu quả là người bị thiệt hại phải chịu một phần thiệt hại cuối cùng (Xem thêm : Stéphan Reifegerste, Pour une obligation de minimiser le dommage, Presses universitaires d’Aix-Marseille, p. 143-180, https://books.openedition.org/puam/530?lang=fr, truy cập ngày 4/9/2021).

[8] Xem thêm : HAYOIT DE TERMICOURT, concl. avant Cass. Belge, 8 mai 1952, Pas. 1952. I. 570, spéc. p. 575.

[9] Xem thêm : Stéphan Reifegerste, Pour une obligation de minimiser le dommage, Presses universitaires d’Aix-Marseille, p. 143-180, https://books.openedition.org/puam/530?lang=fr, truy cập ngày 4/9/2021 ; Isabelle Bessières-Roques, L’obligation pour la victime de minimiser son dommage : faut-il une réforme législative ? https://www.argusdelassurance.com/acteurs/l-obligation-pour-la-victime-de-minimiser-son-dommage-faut-il-une-reforme-legislative.95985, truy cập ngày 6/9/2021.

[10] Xem thêm : Điều 33 BLDS 2015 quy định về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể.

[11] Xem thêm : Khoản 3, Điều 589; điểm a, Khoản 1, Điều 592 BLDS 2015.

[12] Xem thêm : Sénat (Enregistré à la Présidence du Sénat le 29 juillet 2020), Proposition de loi portant réforme de la responsabilité civile, N° 678 (Session extraordinaire de 2019-2020), https://www.senat.fr/leg/ppl19-678.html, truy cập ngày 6/9/2021.

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (VNU –HCM) ThS. HOÀNG THỊ HƯỜNG (Học viện Hành chính quốc gia)