Những vướng mắc trong triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động và kiến nghị hoàn thiện chính sách

Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 với nhiều nội dung mới, trong đó mở rộng phạm vi ra cả đối tượng người lao động không có quan hệ lao động. Luật cũng chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tăng cường cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất, gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường…

Để triển khai kịp thời và có hiệu quả Luật ATVSLĐ tại các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngay từ khi Luật có hiệu lực, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể: Chính phủ đã ban hành các Nghị định: Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc và Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ; Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động; Nghị định 44/2017/NĐ-CP Quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Cùng với đó, đã ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật và nghị định; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trình Chính phủ đảm bảo tiến độ, yêu cầu được giao.

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến Luật và huấn luyện về ATVSLĐ được đẩy mạnh. Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 1 (năm 2018) được tổ chức thành công với sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên cả nước với hàng chục nghìn tin, bài, tài liệu được tuyên truyền phát đến tận tay người lao động, doanh nghiệp; nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đặc biệt là để thúc đẩy các hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc của doanh nghiệp; tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến văn bản mới, hướng dẫn triển khai các văn bản hướng dẫn Luật. Đặc biệt, lần đầu tiên Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã tổ chức thành công phiên đối thoại định kỳ về ATVSLĐ với sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện các cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp với 175 câu hỏi được trao đổi, giải đáp tại buổi tọa đàm; phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ tới doanh nghiệp và người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ được triển khai tích cực:  Năm 2017, Cục An toàn lao động cũng đã phối hợp Phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện kiểm tra khoảng hơn 40 tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ. Qua thanh tra, kiểm tra đã đề xuất nhiều kiến nghị đối các doanh nghiệp khắc phục các sai phạm, làm tốt hơn công tác ATVSLĐ; phối hợp với Sở LĐTBXH các địa phương tổ chức 06 đoàn kiểm tra tại 30 doanh nghiệp và hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định; tập trung kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động huấn luyện ATVSLĐ và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Qua kiểm tra đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

Đặc biệt, nhiều hoạt động về tuyên truyền, huấn luyện đến khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động cũng bắt đầu được tăng cường triển khai như: tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ tới hơn 10 làng nghề; Phối hợp với dự án An toàn và Sức khỏe cho Lao động trẻ – Văn phòng ILO tại Hà Nội khảo sát về ATVSLĐ tại 6 làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ để xây dựng một số tài liệu huấn luyện, truyền thông về ATVSLĐ trong khu vực này; phối hợp với Trung ương Hội Nông dân VN tổ chức 2 khóa tập huấn ATVSLĐ cho cán bộ Hội nông dân các tỉnh; triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý ATVSLĐ tại một số làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội; Xây dựng phương án hỗ trợ thí điểm phòng chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong khu vực phi kết cấu…
Có thể nói Luật ATVSLĐ được ban hành là một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động cả khu vực trong và ngoài quan hệ lao động. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Luật cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể đó là: Còn phức tạp trong công tác quản lý hoạt động kiểm định dẫn đến 1 đối tượng thiết bị, 1 kiểm định viên làm kiểm định có thể phải xin nhiều giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định từ nhiều bộ quản lý, ví dụ : Cẩu tháp (Bộ Xây dựng, Bộ LĐTBXH),  bình áp lực ( Bộ LĐTBXH, Bộ Công thương ) mặc dù khi trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Luật ATVSLĐ, Bộ LĐTBXH đã báo cáo về vấn đề này); Một số chính sách, chế độ về thời giờ làm việc, thời giờ làm thêm, về ATVSLĐ cần có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp hơn với điều kiện phát triển của kinh tế, xã hội như : phương pháp xác định đặc điểm điều kiện lao động đối với nghề NNĐHNH; qui định danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong nhiều văn bản, gây khó khăn trong công tác tra cứu, thực thi.
Việc triển khai phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật xuống cơ sở để doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động nắm được còn rất hạn chế, nhất là đối với cán bộ cấp xã, phường; Việc mở rộng đối tượng áp dụng ra khu vực phi chính thức là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có những đầu tư kinh phí nhất định. Trong khi đó, các cấp, các ngành, địa phương còn chủ quan chưa quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động này dẫn đến chưa triển khai được nhiều hoạt động về tuyên truyền và huấn luyện trong khu vực không có quan hệ lao động, trong các làng nghề. Công tác thống kê, báo cáo tình hình TNLĐ còn thấp. Công tác thanh tra, kiểm tra còn ít do kinh phí thực hiện rất hạn chế và lực lượng thanh tra còn quá mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu thanh tra, kiểm tra so với yêu cầu thực tế số lượng doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên (hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, dự kiến đến 2020 có khoảng 1.000.000 doanh nghiệp); Công tác thông tin, tuyên truyền chưa sâu rộng và thường xuyên, mới chủ yếu tập trung vào Tháng hành động về ATVSLĐ; nội dung  hình thức tuyên truyền còn nặng về chuyên môn, kỹ thuật mà chưa có sự phân loại cho phù hợp với các đối tượng cụ thể.

Để những hạn chế đó sớm được nghiên cứu, khắc phục, giúp Luật ATVSLĐ thực sự đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động. Trong năm 2018, Cục An toàn lao động sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện trình Bộ, trình Chính phủ một số văn bản hướng dẫn Luật, như: Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; sửa đổi Nghị định 45/NĐ-CP về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Thông qua các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tại Phiên đối thoại lần thứ I Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những qui định chưa phù hợp trong các nghị định, thông tư về ATVSLĐ như nghiên cứu phương pháp mới trong việc xác định đặc điểm điều kiện lao động đối với nghề NNĐHNH cho phù hợp với tình hình phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay; rà soát, tập hợp văn bản hợp nhất về danh mục nghề NNĐHNH để giúp DN, người dùng dễ tra cứu; phối hợp với các cơ quan có liên quan để rà soát, đề xuất Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quyết tâm giảm 20- 30% các thủ tục, điều kiện trong cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, kiểm định; nghiên cứu, đề xuất xây dựng và ứng dụng phần mềm về cấp phép Giấy chứng nhận huấn luyện và phần mềm cơ sở dữ liệu ATVSLĐ phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, xã hội.
Hai là, Tiếp tục đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan. Tổ chức tốt các  hoạt động thiết thực, có hiệu quả nhằm thúc đẩy các chương trình, hành động cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp, khu vực làng nghề và nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong dịp tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018. Công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đổi mới theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và người lao động, kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác ATVSLĐ để họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động, giúp cho doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách bền vững.
Bà là, Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ và các hoạt động phòng ngừa, đánh giá rủi ro giúp DN và NLĐ chủ động phòng ngừa, hạn chế các TNLĐ, BNN; thúc đẩy và đề cao vai trò đảm bảo quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Hội nông dân Việt Nam, Liên minh hợp tác xã VN, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các thành viên của mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động, người lao động cũng cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ; thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình được qui định trong Luật.
Bốn là, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ theo Kế hoạch do Bộ LĐTBXH phê duyệt nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để ngăn ngừa TNLĐ.  Thanh tra các tổ chức huấn luyện, kiểm định có vi phạm trong hoạt động huấn luyện, kiểm định để kịp thời xử lý, nâng cao chất lượng và tạo sự công bằng trong các tổ chức dịch vụ này. Đẩy mạnh đưa tin, công khai các đơn vị vi phạm trên website của Cục, Bộ LĐTBXH và các phương tiện thông tin đại chúng; biểu dương các đơn vị làm tốt và phê phán các đơn vị, tổ chức vi phạm để doanh nghiệp, xã hội được biết. Đề xuất với Ban cán sự Bộ đề nghị Ban bí thư Trung ương tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 29/CT-TW của Ban bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện đạt hiệu quả sâu rộng hơn trong giai đọan tiếp theo.
Năm là, cần bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các  cán bộ ở cấp quận, huyện, xã. Trong bối cảnh biên chế, nhân lực làm công tác này hiện nay được coi là khá mỏng thì việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phân cấp hợp lý và tăng cường trách nhiệm của từng cấp từng ngành là quan trọng, nhất là cấp quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, cần tăng cường và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm tranh thủ sự giúp đỡ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và có thêm nguồn lực để triển khai các hoạt động ATVSLĐ./.
Theo laodongxahoi.net

TS. HÀ TẤT THẮNG ( Cục trưởng Cục An toàn lao động)