Pháp luật của Trung Quốc và Thái Lan về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp - Kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài viết nghiên cứu pháp luật của Trung Quốc và Thái Lan về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, mỗi quốc gia đều quy định cụ thể những tiêu chuẩn, điều kiện về người đại diện phù hợp yêu cầu pháp lý riêng của quốc gia mình.

1.Quy định của Trung Quốc

Công ty với tư cách là một pháp nhân – một thực thể pháp lý độc lập (a separate legal entity), tự bản thân nó không thể hành động cho chính mình mà chỉ có thể hành động thông qua những con người cụ thể - những người quản lý. Do đó, công ty luôn cần có người đại diện trong giao dịch để xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.[1] Vì vậy, hầu như pháp luật nước nào cũng chú trọng chế định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Pháp luật Trung Quốc quy định về điều kiện, quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của người đại diện như sau:[2]

-Yêu cầu về người đại diện

Luật Công ty của Trung Quốc không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với quốc tịch của người đại diện theo pháp luật và cá nhân được chọn có thể thực sự là cư dân của bất kỳ quốc gia nào và cũng không bắt buộc phải cư trú tại Trung Quốc. Theo Luật Công ty, người đại diện theo pháp luật có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành (nếu không có Hội đồng quản trị), Tổng giám đốc. Tuy nhiên, việc lựa chọn người đại diện theo pháp luật khác nhau tùy thuộc vào cơ cấu của công ty. Ví dụ, đối với công ty liên doanh có cổ phần của người Trung Quốc và nước ngoài, thì chủ tịch hội đồng quản trị sẽ là người đại diện theo pháp luật. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (WFOE), chủ tịch, giám đốc điều hành hoặc tổng giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Việc chỉ định người đại diện theo pháp luật, cho dù là liên doanh hay WFOE, đều phải đăng ký với cơ quan đăng ký công ty và tên của người đại diện theo pháp luật cũng sẽ có trên giấy phép kinh doanh của công ty.

Mọi doanh nghiệp được thành lập tại Trung Quốc, dù trong nước hay nước ngoài, đều phải có người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật là người đại diện chính của công ty, người có quyền lực pháp lý đại diện - và thực hiện các nghĩa vụ ràng buộc thay mặt - công ty theo quy định của pháp luật hoặc các điều khoản của hiệp hội công ty. Về cơ bản, người đại diện theo pháp luật là người được chỉ định để thay mặt cho công ty.

Khi giao kết hợp đồng, hành vi của người đại diện theo pháp luật là ràng buộc đối với công ty ngay cả khi người đó hành động vượt quá phạm vi được ủy quyền của họ. Do đó, việc không hiểu đúng về quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật có thể dẫn đến tình trạng nhà đầu tư nước ngoài bị bắt đòi tiền chuộc. Khi chỉ định người đại diện theo pháp luật, điều quan trọng cần lưu ý là người đại diện theo pháp luật về cơ bản sẽ có đầy đủ chìa khóa đối với công ty, tiền mặt và vốn.

- Quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện

Luật Công ty của Trung Quốc không quy định cụ thể quyền hạn của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật được quyền thực hiện mọi hành vi liên quan đến điều hành chung của công ty theo mục đích và mục tiêu của công ty. Bao gồm các hoạt động sau:

+ Hành động (hợp pháp) để bảo toàn tài sản của công ty;

+ Thực hiện giấy ủy quyền nhân danh công ty;

+ Ủy quyền đại diện theo pháp luật và tranh tụng của công ty;

+ Thực hiện mọi giao dịch hợp pháp thuộc phạm vi kinh doanh của công ty đó.

- Trách nhiệm pháp lý của người đại diện

Trách nhiệm pháp lý của người đại diện theo pháp luật có thể được chia thành trách nhiệm dân sự, hành chính và trách nhiệm hình sự, mỗi loại sẽ thực hiện các hậu quả pháp lý khác nhau.

Trách nhiệm dân sự. Hoạt động của người đại diện theo pháp luật được coi là hoạt động của công ty, có nghĩa là mọi trách nhiệm dân sự phát sinh từ hành vi của người đại diện theo pháp luật đều do công ty chịu. Tuy nhiên, công ty có thể yêu cầu người đại diện theo pháp luật bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại do mình gây ra.

Trách nhiệm hành chính. Một đại diện theo pháp luật có thể bị phạt và trừng phạt nếu công ty của họ vi phạm bất kỳ luật nào của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngoài bất kỳ hình phạt nào mà công ty đã áp dụng. Nếu tình hình nghiêm trọng thì người đại diện theo pháp luật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm hình sự. Trung Quốc quy định trách nhiệm hình sự đối với cả cá nhân và công ty. Với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công ty, người đại diện theo pháp luật sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp người đó tham gia gây án và trực tiếp phụ trách hoặc chịu trách nhiệm về tội phạm của công ty.

2.Pháp luật về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Cũng như pháp luật Trung Quốc, pháp luật Thái Lan qui định yêu cầu về người đại diện và trách nhiệm pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khá chi tiết và rõ ràng, cụ thể:[3]

- Yêu cầu về người đại diện

Pháp luật Thái Lan quy định pháp nhân hoạt động không nhất thiết chỉ thông qua một người đại diện, mà có thể nhiều người quản lý trong pháp nhân đều có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân tham gia các giao dịch nhân danh pháp nhân đó. “Ý chí của một pháp nhân được bày tỏ thông qua những người đại diện của pháp nhân đó”. Theo quy định này, một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện, mỗi người đại diện phụ trách những hoạt động nhất định của pháp nhân, và có quyền nhân danh pháp nhân trong hoạt động của mình. Đồng thời pháp luật cũng gắn trách nhiệm của pháp nhân đối với các hoạt động đó: Một pháp nhân buộc phải bồi thường về bất cứ thiệt hại nào, do người quản lý hoặc những người đại diện khác của pháp nhân gây ra cho những người khác trong khi thi hành nhiệm vụ của mình, đồng thời dành quyền khiếu nại những người gây ra thiệt hại đó.

- Trách nhiệm của người đại diện

Vấn đề quan trọng là gắn trách nhiệm của những người đại diện của pháp nhân trong quá trình nhân danh pháp nhân thực hiện các giao dịch. Pháp luật Thái  Lan quy định trách nhiệm của người đại diện như sau: Nếu thiệt hại gây ra cho những người khác là do một hành vi không nằm trong phạm vi mục đích hoạt động của pháp nhân, thì những thành viên hoặc những người quản lý tán thành hành vi đó, những người quản lý và những người đại diện khác thực thi hành vi đó phải liên đới chịu bồi thường. Nếu pháp nhân chối bỏ trách nhiệm bằng cách thay đổi các văn bản nội bộ của mình, trong trường hợp này, pháp luật Thái Lan đã quy định cụ thể: “Bất cứ sự hạn chế hoặc sửa đổi nào về quyền hạn đại diện của những người quản lý, không được thiết lập nhằm chống lại những người thứ ba có thiện chí”. Quy định này rất tiến bộ và có nhiều ưu điểm, sẽ tránh những hành động của những người quản lý trong nội bộ công ty đưa ra những quyết định như sửa đổi điều lệ, các văn bản nội bộ nhằm thay đổi quyền hạn của người đại diện mục đích để gây bất lợi hoặc chối bỏ trách nhiệm đối với bên thứ ba.

3.Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật Trung Quốc và Thái Lan về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng pháp luật về nội dung này ở  như sau:

Thứ nhất, pháp luật Trung Quốc qui định người đại diện theo pháp luật của công ty không chỉ đại diện cho công ty trong việc xác lập giao dịch và thực hiện giao dịch, mà còn chịu trách nhiệm quản trị tài sản và nội bộ công ty. Trong khi đó, quy định chung về đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong pháp luật Việt Nam chỉ xác định rằng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ đại diện cho doanh nghiệp trong việc xác lập và thực hiện giao dịch. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cũng nên điều chỉnh để bổ sung quy định này trong Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, ở Việt Nam việc đưa quy ra định hạn chế sửa đổi quyền của người đại diện để bảo vệ người thứ ba ngày tình chưa được thực hiện. Cụ thể, nếu pháp nhân chối bỏ trách nhiệm bằng cách thay đổi các văn bản nội bộ của mình, trong trường hợp này, pháp luật Thái Lan đã quy định cụ thể: Bất cứ sự hạn chế hoặc sửa đổi nào về quyền hạn đại diện của những người quản lý, không được thiết lập nhằm chống lại những người thứ ba có thiện chí. Quy định này rất tiến bộ và có nhiều ưu điểm, sẽ tránh những hành động của những người quản lý trong nội bộ công ty đưa ra những quyết định như sửa đổi điều lệ, các văn bản nội bộ nhằm thay đổi quyền hạn của người đại diện mục đích để gây bất lợi hoặc chối bỏ trách nhiệm đối với bên thứ ba.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam cũng tương đồng với pháp luật Thái Lan ở điểm cho phép có nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật Thái Lan có những quy định tránh xung đột lợi ích giữa những người đại diện khá chặt chẽ, nhưng pháp luật Việt Nam chưa quy định về vấn đề này. Do đó, để người đại diện có thể phát huy tốt vai trò đại diện cho pháp luật trong trường hợp có nhiều người đại diện, pháp luật phải dự liệu những trường hợp phải theo nguyên tắc nhất trí tùy thuộc loại hình pháp nhân và tùy thuộc tầm quan trọng của vấn đề. Để pháp nhân hoạt động có hiệu quả và tránh sự lợi dụng của người đại diện pháp nhân vì mục đích tư lợi, pháp luật thường đặt ra nguyên tắc tránh xung đột lợi ích giữa người đại diện và pháp nhân được đại diện. Việc thay thế người đại diện và các chế tài thường được dự liệu liên quan tới trường hợp này. Trường hợp người đại diện của pháp nhân vắng mặt mà gây ảnh hưởng tới người khác, thì một đại diện có thể được chỉ định thay thế. Tuy nhiên, đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác tiến hành các hành vi cụ thể trong hoạt động của pháp nhân nếu việc ủy quyền đó không chống lại các văn bản của pháp nhân và pháp luật. Các nguyên lý này đã được thể hiện phần nào đó trong pháp luật Việt Nam, nhưng có sự xê dịch khá nhiều và đôi khi thiếu thỏa đáng.[4]

 

ThS LÊ BÁ HƯNG (GV Trường Đại học Luật Đại học Huế)