Quy định về thời gian hợp lý trong hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn

Đối với trường hợp, bên vay và bên cho vay có ấn định khoảng thời gian phải hoàn trả kể từ ngày một trong các bên thông báo dài hơn 03 tháng thì có hợp pháp hay không? Nếu thời hạn này dài hơn 03 tháng thì có được chấp nhận hay không?

1.Quy định pháp luật về “Thời gian hợp lý” trong hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn

Về thực hiện hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, Điều 474 BLDS năm 1995, Điều 477 BLDS năm 2005 và Điều 469 BLDS năm 2015 đều chia làm hai loại (hợp đồng có lãi và hợp đồng không có lãi) và nội dung các điều luật hoàn toàn giống nhau.

Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi, thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác[1].

Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi, thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay trong một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay trong một thời gian hợp lý.[2]

Trước đây, BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 và văn bản hướng dẫn dưới luật cũng không hướng dẫn thời gian hợp lý trong hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn. Hiện nay, “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 của BLDS năm 1995, Điều 477 của BLDS năm 2005, Điều 469 của BLDS năm 2015 do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo. [3]

Ý nghĩa của việc xác định “thời gian hợp lý” trong hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn là nhằm tính lãi đối với việc chậm trả nợ gốc sẽ bắt đầu từ thời điểm nào. Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 01) thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Phạm vi hướng dẫn của Nghị quyết 01 là chỉ đối với hợp đồng vay tiền. Do vậy, bài viết có nội dung xoay quanh hướng dẫn tại Nghị quyết 01 này.

2.Bàn về quy định “Thời gian hợp lý” trong hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn của Nghị quyết 01

Thời gian hợp lý được tính bắt đầu từ ngày thông báo. Thời gian hợp lý có thể là thời gian mà bên vay có mong muốn trả lại tài sản vay hoặc là thời gian bên cho vay muốn đòi lại tài sản vay. Các bên có quyền đưa hoặc không đưa nội dung thỏa thuận vào hợp đồng.

Đối với trường hợp, bên vay và bên cho vay có ấn định khoảng thời gian phải hoàn trả kể từ ngày một trong các bên thông báo. Khoảng thời gian này lớn hơn 03 tháng. Vậy, thỏa thuận này có hợp pháp hay không?

Đối với trường hợp các bên trong hợp đồng vay tài sản không thỏa thuận thời gian hợp lý để hoàn trả tài sản vay nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, một trong các bên đã thông báo cho bên còn lại thời hạn hoàn trả tài sản vay và được bên kia tiếp nhận và đồng ý. Nếu thời hạn này dài hơn 03 tháng thì có được chấp nhận hay không?

Chúng ta có thể thấy rằng, việc thỏa thuận về thời hạn của thông báo hoàn trả tài sản vay là một nội dung quan trọng của hợp đồng vay tài sản. Việc bên vay muốn trả lại tài sản vay vào bất cứ thời điểm nào mà được bên vay đồng ý. Đồng thời, việc bên cho vay muốn lấy lại tài sản vay bất cứ tài sản vay khi nào nếu được bên vay đồng ý. Đây được coi là các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hoặc thực hiện một phần hợp đồng  vay trên cơ sở tự nguyện của các bên. Với nguyên tắc, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng[4]. Việc thỏa thuận “thời hạn hợp lý” trong hợp đồng vay tài sản là hoàn toàn hợp pháp. Do vậy, việc các bên ấn định thời gian này trong hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng một cách tự nguyện thì thời gian này dài hơn 03 tháng là phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Từ những phân tích trên chúng tôi cho rằng, việc Nghị quyết 01 giới hạn “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 của BLDS năm 1995, Điều 477 của BLDS năm 2005, Điều 469 của BLDS năm 2015 không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo là hạn chế quyền tự do, tự nguyện và quyền tự định đoạt của các bên trong việc giao kết và thực hiện giao dịch dân sự.

3.Kiến nghị

Việc thực hiện hợp đồng vay, không phải lúc nào các bên đều có thỏa thuận rõ về thời gian hợp lý để trả nợ. Thông thường, khi bên cho vay yêu cầu bên vay trả nợ mà bên vay không trả thì bên cho vay khởi kiện đến Tòa án. Đồng thời, việc thông báo này thường được thực hiện bằng lời nói. Do đó, khi được hỏi về thời điểm bên cho vay báo trước cho bên vay thời điểm trả nợ thì bên cho vay cũng không chứng minh được, hoặc thời hạn thông báo cụ thể là bao nhiêu cũng không thống nhất.

Để giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định được “Thời gian hợp lý” để từ đó xác định được thời gian chậm trả nợ gốc. Tuy nhiên, nếu không xác định được các thời hạn này do thực tế tranh chấp như trên thì Tòa án cần phải có một hướng dẫn cụ thể để xác định thời hạn này. Lúc này, hướng dẫn về giới hạn “Thời gian hợp lý” không quá 03 tháng theo Nghị quyết 01 là hợp lý.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi bổ sung điểm a khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết 01 như sau: “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 của BLDS năm 1995, Điều 477 của BLDS năm 2005, Điều 469 của BLDS năm 2015 do các bên thỏa thuận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp có tranh chấp về “Thời gian hợp lý” thì thời gian này do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo”.

 

 

[1] Khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015

[2] Khoản 2 Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015

[3] Điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

[4] Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015

NGUYỄN CHẾ LINH (Tòa án nhân dân Tp Cần Thơ)