Về thời điểm bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố

Nhằm góp phần nghiên cứu, xây dựng “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính” của TANDTC, trong phạm vi bài này, tác giả xin được bàn về quy định thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS 2015

 Quy định của pháp luật về thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố

– Tại khoản 3 Điều 176 BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”. Như vậy, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố bất kỳ thời điểm nào miễn trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Quy định này trên thực tiễn áp dụng có những bất cập như: Bị đơn lợi dụng quy định này để kéo dài thời gian giải quyết vụ án nên tại phiên hòa giải cuối cùng thẩm phán hỏi về yêu cầu phản tố thì họ trình bày không yêu cầu, nhưng đến khoảng thời gian sau đó, gần đến hạn phải đưa vụ án ra xét xử (đa phần là những vụ án tranh chấp về đất đai) thì bị đơn gửi văn bản trình bày yêu cầu phản tố. Lúc này thời hạn giải quyết vụ án được tính lại và những thủ tục tố tụng cũng quay lại quỹ đạo ban đầu.

– BLTTDS năm 2015 đã có quy định khác so với BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn. Cụ thể: Tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 quy định: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.(1)

Như vậy, so với quy định của BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, thời hạn để bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố trong BLTTDS năm 2015 ngắn hơn, trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, chứ không phải chờ đến khi Tòa án chuẩn bị ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.(2) Và thuận lợi hơn cho Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án là nhằm tránh được tình trạng bị đơn muốn kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.

 Nhận xét và kiến nghị của tác giả

Chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 là chưa hợp lý, bởi những lý do sau:

– Việc quy định “quyền” đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải không mang tính bắt buộc. Theo tác giả hiểu thì “quyền” ở đây có nghĩa là bị đơn có thể làm hoặc không làm những gì mà pháp luật không cấm. Do đó, bị đơn muốn đưa ra hoặc không đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là do bị đơn tự quyết định. (Điều 5 BLTTDS 2015 về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự).

– Quy định trên dễ dẫn đến tình trạng mỗi Tòa sẽ có cách tiếp nhận đơn yêu cầu phản tố của bị đơn khác khau. Cụ thể là nhận thức về thời điểm nhận đơn yêu cầu phản tố của Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án. Nếu bị đơn nộp yêu cầu phản tố sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì trên thực tế có hai trường hợp xảy ra: Thẩm phán sẽ trả đơn, không nhận đơn yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc nhận đơn yêu cầu phản tố của bị đơn. Vì lý do chung nhất là quy định “quyền” đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải không mang tính bắt buộc nên mỗi Thẩm phán sẽ có cách nhìn nhận khác nhau.

Chính những bất cập này dẫn đến việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai, chứng cứ và hòa giải bị gián đoạn và làm cho thời hạn giải quyết vụ án kéo dài, mất thời gian và chi phí đi lại của những đương sự có liên quan trong vụ án. Do đó, nhằm khắc phục hạn chế này, tác giả có kiến nghị như sau:

Tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 nên sửa đổi: “Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố thì phải đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Việc quy định này sẽ thống nhất cách nhìn nhận của Thẩm phán về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn và thể hiện được tính bắt buộc đối với bị đơn về thời điểm khi có yêu cầu phản tố. Ngoài ra, quy định này còn bảo đảm cho tất cả các yêu cầu và  mọi tài liệu, chứng cứ của các bên trong vụ án được đưa ra xem xét cụ thể tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng, để chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử nhanh chóng. Bên cạnh đó, nó sẽ thuận lợi cho Thẩm phán khi hòa giải vụ án được khách quan, dễ dàng và tăng tỷ lệ hòa giải thành của vụ án hơn.

Trên đây là ý kiến về quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015, mong nhận được ý kiến từ quý đọc giả.

Ảnh: Chuyên gia nước ngoài trao đổi  tại Tọa đàm về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại do TANDTC tổ chức tại Hà Nội, tháng 3/2018

NGUYỄN THÀNH PHỤC- Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, Tiền Giang