A, B phạm tội “Giết người” hay “Cướp tài sản” gây hậu quả làm chết người?

Hai đối tượng trộm chó, khi bị chủ nhà kéo lại thì dùng súng bắn chết chủ nhà, hai đối tượng này phạm tội gì? Cướp tài sản với tình tiết làm chết người hay Giết người ?

Ngày 27/3/2021, ông H cùng con trai đang ngủ trong nhà. Lúc này, có tiếng xe máy chạy nhanh rồi dừng lại trước nhà ông H nhưng máy xe vẫn nổ. Thấy động, hai con chó trong nhà ông H lao ra sủa dồn dập, sau đó chợt lặng im. Nghi có kẻ gian bắt trộm chó, ông H cùng con trai mở cửa đi ra ngoài quan sát thì phát hiện hai người lạ mặt (A và B) đang kéo xác chó lên xe máy định chạy đi. Hai cha con ông H vây lại, tri hô, bắt hai tên trộm. Hai tên trộm chó lúc này rồ máy xe bỏ chạy. Ông H lao tới kéo xe lại, choàng tay ôm tên trộm chó ngồi phía sau (B), và tiếp tục tri hô. Trong lúc giằng co, ông H bị A dùng súng tự chế bắn vào người, tử vong. Sau khi bắn chết chủ nhà, A và B vội tẩu thoát.

Căn cứ TTLT 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng quy định về tình tiết "Hành hung để tẩu thoát" là căn cứ để chuyển hóa tội danh từ trộm cắp sang cướp tài sản như sau:

“Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.

Chúng ta có thể thấy rằng, trong vụ án trên, A và B đã có sự bàn bạc, thỏa thuận cùng nhau thực hiện hành vi trộm chó, trường hợp bị phát hiện, vây bắt thì dùng súng tự chế chống trả. Do đó, A và B là đồng phạm trong vụ án này.

Hành vi dùng súng tự chế bắn vào người, khiến ông H tử vong là hành vi dùng vũ lực tấn công người bị hại nhằm chiếm đoạt cho được tài sản. Do đó, theo quy định tại TTLT 02/2001 đã đủ yếu tố để chuyển hóa từ tội “Trộm cắp tài sản” (Điều 173 BLHS 2015) sang tội “Cướp tài sản” (Điều 168 BLHS 2015).

Tuy nhiên, trong quá trình định tội danh xuất hiện các quan điểm tranh luận như sau:

Quan điểm thứ nhất (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: A, B đồng phạm tội “Cướp tài sản”. Hành vi dùng súng tự chế bắn ông H tử vong của B thuộc tình tiết “Làm chết người”. Do đó, cần xét xử A và B đồng phạm tội “Cướp tài sản” gây hậu quả làm chết người theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 168 BLHS 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng: A, B đồng phạm tội “Cướp tài sản” là do xuất phát từ việc chuyển hóa tội danh từ tội “Trộm cắp tài sản”. Do đó, hành vi dùng súng tự chế bắn ông H tử vong phải cấu thành tội “Giết người” (Điều 123 BLHS 2015). Như vậy, phải xét xử A và B đồng phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 và tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015.

Trên đây là tình huống và các quan điểm tranh luận về việc định tội danh trong trường hợp chuyển hóa tội “Trộm cắp tài sản” thành tội “Cướp tài sản”. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý của quý bạn đọc cùng đồng nghiệp./.

 

TAND tỉnh Bình Thuận xét bị cáo Nguyễn Thanh Tâm tại phiên tòa xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” - Ảnh: Đình Châu

THANH THỊNH (Tòa án quân sự Khu vực Hải quân) –