Định tội danh đối với tội hành hung đồng đội

Qua nghiên cứu bài viết “Những vướng mắc khi định tội danh với tội Hành hung đồng đội” của tác giả Nguyễn Vũ Hoàng số đăng ngày 20/11/2022 trên Tạp chí Tòa án online, tôi có quan điểm về hai tình huống tác giả đưa ra.

Tình huống 01: A có hành vi hành hung đồng đội là B, hành vi của A đã gây thương tích cho B với tỷ lệ 11%. B có đơn yêu cầu khởi tố vụ án vì vậy hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS; tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như giải quyết vụ án B đã rút yêu cầu khởi tố vụ án. Vậy hành vi của A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hung đồng đội” theo Điều 398 BLHS hay không?

Nghiên cứu tình huống này, thấy rằng: Khoản 1 Điều 398 BLHS quy định: “Người nào trong quan hệ công tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, rất rõ ràng, không có điều gì vướng mắc, với hành vi của A, trong trường hợp B không có yêu cầu khởi tố vụ án, A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành hung đồng đội” theo khoản 1 Điều 398 BLHS; nếu B có yêu cầu khởi tố vụ án, A bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS. Chúng ta cũng có thể khẳng định ngay, trường hợp B có yêu cầu khởi tố vụ án nhưng sau đó B lại rút yêu cầu, thì vụ án sẽ bị đình chỉ, A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” vì khoản 1 Điều 134 BLHS thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS.

Vấn đề pháp luật chưa quy định cụ thể và còn có ý kiến trái chiều đó là, B đã có yêu cầu khởi tố, A đã đủ điều kiện bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS nhưng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án, B đã rút đơn yêu cầu khởi tố thì sau khi đình chỉ vụ án đối với tội “Cố ý gây thương tích”, có truy tố A về tội “Hành hung đồng đội” không? Với tình huống này, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, khi B rút yêu cầu khởi tố vụ án thì A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng phải truy tố A về tội “Hành hung đồng đội”. 

Bởi vì, về bản chất, nếu không có yêu cầu khởi tố của B, hành vi của A chỉ thỏa mãn cấu thành của tội “Hành hung đồng đội”, khi có yêu cầu khởi tố của B thì hành vi của A mới đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Vì vậy, khi B rút yêu cầu khởi tố, yếu tố để chuyển đổi từ tội “Hành hung đồng đội” sang tội “Cố ý gây thương tích” không còn nữa thì hành vi của A lại trở về  là hành vi phạm tội “Hành hung đồng đội”. A có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, phạm tội quy định trong BLHS và không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định trong BLHS. Do đó, không truy tố A chính là bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội “Hành hung đồng đội” theo khoản 1 Điều 398 BLHS.

Tình huống 02: X và Y cùng là quân nhân trong một đơn vị quân đội. Trong đợt nghỉ phép cuối năm, X ra quán uống bia thì gặp Y và Z (Z là bạn của Y) đang ngồi nhậu ở đó. Do có mâu thuẫn, xích mích trong công việc tại đơn vị, hai bên lại có lời qua tiếng lại xúc phạm lẫn nhau nên X đã đánh Y và Z. Sau đó, được người dân xung quanh can ngăn. Kết quả giám định tỷ lệ tổng thương cơ thể của Y là 6% và Z là 11%. Trong quá trình giải quyết vụ án, chỉ có Z có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, sau đó Z đã rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Vậy trong trường hợp này vụ án đối với X có bị đình chỉ không?

Đối với tình huống này, tôi nhất trí với quan điểm thứ hai, vụ án đối với X về tội “Cố ý gây thương tích” bị đình chỉ là có căn cứ thỏa mãn các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, do X và Y là quân nhân cùng đơn vị, là đồng đội, có quan hệ công tác với nhau, lí do X gây tổn thương cơ thể 6%  cho Y là vì có mâu thuẫn, xích mích trong công việc nên hành vi của X đã thỏa mãn cấu thành của tội “Hành hung đồng đội”. Vì vậy, tương tự như đã phân tích ở tình huống 01, mặc dù Z rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì cơ quan có thẩm quyền vẫn phải truy tố, xét xử X về tội “Hành hung đồng đội” theo khoản 1 Điều 398 BLHS để tránh bỏ lọt tội phạm.

Trên đây là một số ý kiến của tôi về bài viết, kính mong nhận được sự trao đổi, góp ý  của quý bạn đọc./.

 

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 9 mở phiên Tòa xét xử lưu động 6 quân nhân về tội “Hành hung đồng đội” - Ảnh: Thành Nhỡ

NÔNG NGỌC MỴ (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)