Ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là cần thiết

Chiều nay (19/11/2019), dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình trước Quốc hội và sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ cùng ngày và thảo tluận tại Hội trường vào sáng ngày 23/11/2019.

1. Hòa giải, đối thoại – phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, hiệu quả và thân thiện

Như chúng ta đã biết hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và văn hóa của người Việt Nam. Hòa giải, đối thoại có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc được giải quyết nhanh chóng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đối với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về hòa giải, đối thoại giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm.

2.1. Hòa giải, đối thoại trong tố tụng

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định hòa giải là một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn [1]. Bộ luật này cũng quy định chế định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án (Chương XXXIII). Quyết định công nhận hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực thi hành [2].

Luật Tố tụng hành chính quy định Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự đối thoại để giải quyết vụ án hành chính [3]. Hoạt động đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện là thủ tục bắt buộc trước khi mở phiên tòa xét xử vụ án hành chính.

2.2. Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng

Đối với hoạt động hòa giải, pháp luật hiện hành quy định một số cơ chế hòa giải ngoài tố tụng, cụ thể: hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể (về quyền, lợi ích) theo quy định của Bộ luật Lao động; hòa giải thương mại theo quy định của Luật Thương mại; hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Đất đai; hòa giải của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; hòa giải giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, hòa giải trước tố tụng đối với một số loại tranh chấp là thủ tục bắt buộc trước khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án (còn được gọi là thủ tục tiền tố tụng) [4].

Đối với hoạt động đối thoại, pháp luật hiện hành quy định một số cơ chế đối thoại ngoài tố tụng như đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Khiếu nại [5].

Như vậy, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng.

3. Thực trạng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhiều năm qua hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng, ngoài tố tụng đã thu được kết quả đáng kể. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm 50,6% tổng số các vụ việc [6]. Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt 80,06% [7]. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Tuy vậy, thực tiễn cũng chỉ ra những hạn chế của các phương thức hòa giải, đối thoại hiện hành; cụ thể: (1) Chứng cứ do các bên đương sự cung cấp trong tâm thế thắng thua thường không đầy đủ, còn che giấu, thậm chí ngụy tạo; (2) Không linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành; (3) Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại phải chấp hành quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán nên không thể linh hoạt trong việc đưa ra các lời khuyên, phương án giải quyết tranh chấp để các bên tham khảo, lựa chọn; (4) Thời gian, công sức dành cho hòa giải, đối thoại còn hạn chế; (5) Các khiếu kiện hành chính thường vắng mặt người có trách nhiệm; (6) Các Trung tâm hòa giải thương mại và trọng tài còn rất ít [8]; (7) Hòa giải thành ở cơ sở phần lớn là những va chạm, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, không phải là các tranh chấp, khiếu kiện đến mức phải giải quyết bằng quy trình tố tụng.

Chính vì vậy, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý hàng năm tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Việc gia tăng như vậy là tất yếu, tỷ lệ thuận với tăng dân số và quy mô nền kinh tế. Tỷ lệ gia tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước [9], trong khi đó, biên chế không thay đổi. Có những địa bàn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu v.v.) mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ. Tình hình đó bắt buộc phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho Tòa án. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp.

4. Kết quả triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018). Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu được những thành công nhất định, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.
Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, tiếp tục thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương [10], Tòa án nhân dân tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019). Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Đối với những vụ việc hòa giải, đối thoại không thành (10.508 vụ việc), qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các Hòa giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật, từ đó giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án sau này của Tòa án.

Kết quả thí điểm nêu trên được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội. Kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại. Cụ thể: (1) Phát huy tối đa tự do ý chí và khả năng tự định đoạt của các chủ thể tham gia với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các Hòa giải viên giúp các bên trao đổi, đàm phán với nhau, gợi ý về các giải pháp phù hợp để giải quyết tranh chấp: (2) Đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp (nhanh chóng; kín đáo và bảo mật thông tin; hài hòa lợi ích; tránh được tâm lý thắng thua; giữ được mối quan hệ giữa các bên …); (3) Tạo sự tin tưởng cho các chủ thể trong quá trình hòa giải, đối thoại; đồng thời là thiết chế quan trọng để hỗ trợ cho các thỏa thuận được thực thi; (4) Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện; (5) Kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại qua quá trình thương lượng, có sự thỏa thuận, nhất trí của các bên nên khả thi và được các bên tôn trọng, tuân theo; (6) Giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của Tòa án; hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp; tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân; (7) Khắc phục được bất cập, nâng cao hiệu quả trong giải quyết các khiếu kiện hành chính; (8) Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức ít tốn kém.

Việc áp dụng phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án với phương châm “hai bên cùng thắng” trong thời gian qua đã minh chứng hòa giải, đối thoại không chỉ là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, khắc phục tình trạng tồn đọng án; thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế – xã hội phát triển, giảm chi phí cho xã hội. Nó như là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của Tòa án và góp phần xây dựng Tòa án thân thiện.

Như vậy, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; kết quả thí điểm đã chứng minh chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại – hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngoài tố tụng, trước khi Tòa án thụ lý vụ việc là đúng đắn. Việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hết sức cần thiết và là một tất yếu khách quan.

1.Điều 10; từ Điều 205 đến Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
2.Theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (từ Điều 416 đến Điều 419).
3.Các quy định về đối thoại trong tố tụng hành chính được quy định tại Điều 20, từ Điều 134 đến Điều 139 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
4.Hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp đối với tranh chấp đất đai – Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, Hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải đối với tranh chấp lao động cá nhân – Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012.
5.Điều 30 Luật Khiếu nại năm 2011.
6.Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của các Tòa án tăng dần qua từng năm. Năm 2016, các Tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ, đạt tỷ lệ 50% trên tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết; năm 2017 là 173.958 vụ, đạt tỷ lệ 50,6%; năm 2018 là 184.143 vụ, đạt tỷ lệ 53,2%. Số lượng các vụ đối thoại thành năm 2018 là 351 vụ/4479 vụ đã thụ lý, đạt tỷ lệ 7,84%.
7.Công văn số 1163/BTP-PBGDPL ngày 05-4-2019 của Bộ Tư pháp về việc cung cấp thông tin về thực tiễn thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở và hòa giải thương mại.
8.Theo số liệu của Bộ Tư pháp, đến nay mới chỉ có 05 Trung tâm hòa giải thương mại được Bộ Tư pháp cấp phép thành lập, 03 Trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng hòa giải thương mại; hiện chưa có số liệu thống kê về vụ việc tranh chấp thương mại được giải quyết theo phương thức hòa giải thương mại.
9.Trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý là: năm 2016 thụ lý 360.456 vụ việc; năm 2017 thụ lý 403.468 vụ việc; năm 2018 thụ lý 458.728 vụ việc.
10.Thông báo số 121a-TB/BNCTW ngày 20-9-2018 của Ban Nội chính Trung ương thông báo Kết luận của đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo.

BÍCH PHƯỢNG - HÒNG NGỌC