Bàn về giá trị pháp lý của các giấy tờ trong quá trình xác lập có yếu tố gian dối, hoặc sai quy trình

Bài viết nêu hai vụ án tương đối điển hình về việc buộc người có hành vi gian dối hoặc thực hiện quy trình sai trong việc xác lập các giấy tờ trên phải chịu trách nhiệm hình sự, khi các giấy tờ trên được sử dụng, không cần quan tâm đến vấn đề các giấy tờ này là thật hay giả, hay mục đích xác lập các giấy tờ này của người có hành vi gian dối, thực hiện sai quy trình là để có giấy tờ thật hay giả; đồng thời bình luận về cách giải quyết hai vụ án này.

1. Vụ án thứ nhất

1.1. Nội dung vụ án và quan điểm giải quyết

Công ty TNHH B thành lập vào năm 2008, do Nguyễn Ngọc H làm chủ sở hữu, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về du học, thăm thân nhân và xuất khẩu lao động sang các thị trường châu Âu, các nước Úc và Canada. Xuất phát từ quy định của Chính phủ Canada là hồ sơ xin cấp thị thực có thể nộp trực tuyến qua mạng bằng các tập tin, nên Nguyễn Ngọc H đã nảy sinh ý định chỉnh sửa, làm giả các tài liệu và sử dụng các tài liệu giả này để nộp nhằm xin cấp thị thực cho các khách hàng mà theo Nguyễn Ngọc H, nếu làm đúng thì hồ sơ xin thị thực của các khách hàng này có thể bị từ chối.

Thực hiện ý định trên, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023, với vai trò là giám đốc Công ty, Nguyễn Ngọc H đã chỉ đạo các nhân viên trong Công ty của mình liên hệ với Công ty TNHH Thương mại K và một số người khác làm giả, hợp thức hóa hồ sơ xin thị thực xuất cảnh sang Canada cho 41 trường hợp, trong đó có 35 trường hợp được cơ quan chức năng của Canada chấp nhận cấp thị thực, còn lại 06 trường hợp bị từ chối. Riêng Công ty TNHH Thương mại K, ngoài việc phối hợp với Công ty TNHH B làm giả, hợp thức hóa một số hồ sơ trong số các hồ sơ xin thị thực của các khách hàng nói trên, còn tự mình thực hiện đối với 05 trường hợp khác cùng với cách thức như trên. Việc làm giả, hợp thức hóa hồ sơ xin thị thực này có sự phối hợp của các khách hàng.

Những người trong hai Công ty nói trên đều bị điều tra, truy tố, xét xử về hai tội, là các tội “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo các điều 348, 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015).

1.2. Bình luận

Hành vi gian dối là làm giả, hợp thức hóa hồ sơ xin thị thực xuất cảnh sang Canada cho khách hàng của các thành viên hai Công ty trên bị các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, tức là đối với việc xuất cảnh của các khách hàng của hai Công ty trên, các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định đây là hành vi trái phép.

Tuy nhiên, theo điểm b khoản 1 Điều 33 về điều kiện xuất cảnh của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (sửa đổi, bổ sung năm 2023), thì công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có thị thực. Do đó, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng hành vi gian dối làm giả, hợp thức hóa hồ sơ xin thị thực xuất cảnh sang Canada cho khách hàng của các thành viên hai Công ty trên là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, đồng nghĩa với việc không chấp nhận giá trị pháp lý của các thị thực mà nhà nước Canada cấp cho các khách hàng, bởi chỉ có như vậy thì việc xuất cảnh của các khách hàng của Công ty TNHH B và Công ty TNHH Thương mại K mới là xuất cảnh trái phép và các thành viên của hai Công ty này mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 348 BLHS 2015.

Tác giả cho rằng, việc không chấp nhận giá trị pháp lý của các thị thực mà nhà nước Canada cấp cho các khách hàng là không thỏa đáng, vì các thị thực này khi xác lập tuy có yếu tố gian dối của những người làm hồ sơ xin cấp thị thực, nhưng đây không phải là thị thực giả và mặt khác, phía nhà nước Canada cũng không có bất cứ văn bản nào thu hồi hay hủy bỏ các thị thực này. Ngoài ra, cũng không có căn cứ xác đáng nào để cho rằng nhờ yếu tố gian dối nói trên mà các khách hàng được xét cấp thị thực, bởi cơ quan chức năng Canada không đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể đối với người xin cấp thị thực, nên ý nghĩa của hành vi gian dối trên trong việc các khách hàng được cấp thị thực là không rõ ràng. Do đó, các thị thực này cần xác định là có giá trị pháp lý đối với Việt Nam, và vì vậy việc xuất cảnh của các khách hàng không phải là trái phép, tức là những nhân viên của hai công ty trên không phạm tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 348 BLHS 2015. Hành vi gian dối của những người làm hồ sơ xin cấp thị thực nói trên, tùy trường hợp, cần được xem xét xử lý theo một trong hai tội là tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, hoặc đồng thời cả hai tội. Hai tội này cùng được quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015.

Như đã phân tích ở trên, việc buộc các nhân viên của hai Công ty chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, mà thực chất của việc này chính là sự không thừa nhận giá trị pháp lý các thị thực mà cơ quan chức năng nhà nước Canada cấp cho các khách hàng là việc làm không đúng, vì trái với quy định tại Điều 33 của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019sửa đổi, bổ sung năm 2023. Ngoài ra, việc buộc tội này còn dẫn đến một mâu thuẫn khác là cơ quan chức năng trong khi không chấp nhận giá trị pháp lý của các thị thực mà các khách hàng sử dụng, nhưng lại không buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh theo Điều 347 BLHS 2015, khi mà họ đã có hành vi phối hợp với các nhân viên của hai Công ty trên cung cấp các thông tin gian dối để được cấp thị thực.

2. Vụ án thứ hai

2.1. Nội dung vụ án và quan điểm giải quyết

Võ Thị Thủy T và Nguyễn Anh C quen biết nhau do có thời gian trước đây cả hai cùng làm ăn, sinh sống tại CHLB Đức. Vào quãng thời gian giữa năm 2023, gặp Nguyễn Anh C từ Đức về Việt Nam, biết Nguyễn Anh C có khả năng làm hồ sơ cho người Việt Nam sang Ba Lan và Đức lao động, Võ Thị Thủy T đặt vấn đề với Nguyễn Anh C, xin được cùng hợp tác với C về công việc trên để kiếm thêm thu nhập ngoài công việc đang làm. Nguyễn Anh C đồng ý. Khi đặt vấn đề với Nguyễn Anh C về việc hợp tác đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động, Võ Thị Thủy T biết quy trình làm visa Ba Lan loại D (loại sang Ba Lan lao động) của Nguyễn Anh C là không theo con đường chính thức, vì để được cấp visa Ba Lan theo con đường chính thức, người xin visa phải đến Đại sứ quán Ba Lan để được phỏng vấn, lấy dấu vân tay, phải có giấy khám sức khỏe và nộp hồ sơ trực tiếp tại đây, trong khi đó, visa mà Nguyễn Anh C làm cho khách hàng không cần tuân thủ quy trình trên. Tuy vậy, khi trao đổi về việc hợp tác giữa hai bên với Võ Thị Thủy T, Nguyễn Anh C nói rằng visa mình làm là visa thật, chỉ không đúng theo quy trình thông thường, nên có dặn T hướng dẫn cho khách hàng khai báo tại Hải quan cửa khẩu một số thông tin không đúng sự thật, cụ thể là khai báo rằng người được cấp visa đã trực tiếp đến Đại sứ quán Ba Lan làm thủ tục xin cấp visa, chứ không phải giao hộ chiếu cho Nguyễn Anh C làm. Võ Thị Thủy T tin tưởng những gì Nguyễn Anh C nói, vì trước đó các khách hàng của Nguyễn Anh C đã xuất cảnh được theo cách làm này, nên quá trình hợp tác với Nguyễn Anh C, Võ Thị Thủy T đã làm theo những gì Nguyễn Anh C căn dặn.

Hai bên thống nhất mỗi khách hàng phải chịu chi phí khoảng 16.000 EURO; Võ Thị Thủy T có nhiệm vụ nhận tiền, hộ chiếu của khách hàng để chuyển sang Đức cho Nguyễn Anh C; khi C làm xong visa và hợp đồng lao động thì gửi hai loại giấy tờ này về Việt Nam cho Võ Thị Thủy T để Võ Thị Thủy T giao lại cho khách hàng, đồng thời hướng dẫn khách hàng ra sân bay xuất cảnh sang Ba Lan; Võ Thị Thủy T được giữ lại 4.000 EURO - 5.000 EURO/1 hồ sơ gồm tiền vé máy bay và tiền công mà Võ Thị Thủy T được hưởng.

Sau khi có sự thống nhất trên, vào cuối năm 2023, Võ Thị Thủy T liên hệ được với 04 khách hàng có nhu cầu làm visa Ba Lan để sang Ba Lan và Đức lao động, gồm Bùi Kiều H, Nguyễn Phi Nh, Nguyễn Mạnh H, Dương Hải N. Võ Thị Thủy T đã liên lạc với Nguyễn Anh C để mỗi bên tiến hành công việc của mình theo thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất trước đó. Cụ thể Võ Thị Thủy T đã nhận tiền của 04 khách hàng, chuyển hộ chiếu của họ và phần tiền công của Nguyễn Anh C sang Đức cho Nguyễn Anh C; còn Nguyễn Anh C đã gửi hình ảnh chụp visa trên các hộ chiếu của 04 khách hàng trên cho Võ Thị Thủy T để Võ Thị Thủy T chuyển các hình ảnh này cho các khách hàng, giúp họ yên tâm. Tuy nhiên ngày 23/4/2024, có hai khách hàng là Phạm Văn T và Đoàn Thị H mà Nguyễn Anh C đã nhận tiền để làm visa xuất cảnh sang Ba Lan cho họ, có nhờ Võ Thị Thủy T mua vé máy bay và hướng dẫn hai khách hàng này làm thủ tục khai báo tại Công an cửa khẩu sân bay Nội Bài để xuất cảnh sang Ba Lan nhưng không xuất cảnh được, vì Công an cửa khẩu sân bay Nội Bài cho rằng visa mà Phạm Văn T và Đoàn Thị H sử dụng là visa giả, Võ Thị Thủy T không còn tin các visa Nguyễn Anh C làm cho khách hàng là visa thật như C nói, nên dừng việc tham gia đưa 04 khách hàng Bùi Kiều H, Nguyễn Phi Nh, Nguyễn Mạnh H, Dương Hải N xuất cảnh sang Ba Lan, thống nhất để Nguyễn Anh C làm thủ tục xuất cảnh cho Dương Hải N tại Cảng hàng không Đà Nẵng, nếu visa của Dương Hải N được chấp nhận thì làm tiếp cho 03 khách hàng còn lại. Tuy vậy, sau khi Phạm Văn T và Đoàn Thị H không xuất cảnh được, vụ án bị phát hiện nên sau đó các khách hàng Bùi Kiều H, Nguyễn Phi Nh, Nguyễn Mạnh H, Dương Hải N không xuất cảnh được.

Võ Thị Thủy T bị điều tra, truy tố, xét xử về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 348 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với các lý do:

 - Võ Thị Thủy T biết rõ quy định của nhà nước Ba Lan là hồ sơ xin visa nộp tại Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, với thủ tục phỏng vấn, lấy dấu vân tay; nên nhận thức rõ việc làm visa cho khách hàng của Nguyễn Anh C là trái quy định của nhà nước Ba Lan;

- Võ Thị Thủy T nhận thức rõ 06 người mà Võ Thị Thủy T phối hợp với Nguyễn Anh C làm thủ tục xuất cảnh sang Ba Lan không đủ điều kiện để xuất cảnh sang Ba Lan;

- Võ Thị Thủy T không có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động.

- Tuy vậy đã cùng Nguyễn Anh C tổ chức cho các khách hàng Phạm Văn T, Đoàn Thị H, Bùi Kiều H, Nguyễn Phi Nh, Nguyễn Mạnh H, Dương Hải N xuất cảnh sang Ba Lan.

Vì vậy, Võ Thị Thủy T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép do đã có hành vi phối hợp với  Nguyễn Anh C làm thủ tục xuất cảnh cho 06 khách hàng nói trên.

2.2. Bình luận

Các cơ quan pháp luật đã buộc Võ Thị Thủy T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép với các lý do nêu trên.

Như vậy, khi buộc Võ Thị Thủy T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ quan tâm đến việc quy trình để có visa cho các khách hàng của Nguyễn Anh C có vi phạm pháp luật, mà hoàn toàn không quan tâm đến việc visa Nguyễn Anh C đã và sẽ giao cho các khách hàng là thật hay giả, việc Công an cửa khẩu xác định các visa này là visa giả có đúng không; mục đích của Võ Thị Thủy T là gì (giúp cho các khách hàng có visa thật, hay biết visa mà Nguyễn Anh C đã và sẽ giao cho các khách hàng là giả nhưng vẫn hợp tác với C để thu lợi). Nếu visa mà Nguyễn Anh C sẽ giao cho các khách hàng là visa thật (vì quy trình làm thủ tục xin cấp visa có thể sai, nhưng không chắc visa được cấp là visa giả). Do vậy, như đã phân tích ở vụ án thứ nhất không thể buộc Võ Thị Thủy T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Còn nếu visa mà Nguyễn Anh C đã và sẽ giao cho các khách hàng là visa giả, thì Võ Thị Thủy T đã bị Nguyễn Anh C lừa đối, tức Võ Thị Thủy T không phải là đồng phạm với Nguyễn Anh C trong việc Nguyễn Anh C làm visa giả. Do đó, không thể buộc Võ Thị Thủy T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đối với cả 06 trường hợp khách hàng mà Võ Thị Thủy T đã hợp tác với Nguyễn Anh C để làm thủ tục xuất cảnh cho họ. Trong trường hợp này, Võ Thị Thủy T chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đối với hành vi làm thủ tục xuất cảnh cho khách hàng Dương Hải N. Đây là trường hợp mà Võ Thị Thủy T có nghi ngờ các visa mà Nguyễn Anh C đã giao và sẽ giao cho khách hàng là visa giả, nhưng vẫn chấp nhận để Nguyễn Anh C tiếp tục làm các thủ tục xuất cảnh cho Dương Hải N, với sự hợp tác trước đó của mình. Khoa học hình sự gọi đây là trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp.

Như vậy, nếu cơ quan pháp luật chứng minh được visa mà Nguyễn Anh C đã và sẽ giao cho 06 khách hàng trên là visa giả, thì chỉ có thể buộc Võ Thị Thủy T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đối với hành vi đã phối hợp với Nguyễn Anh C làm thủ tục xuất cảnh cho khách hàng Dương Hải N. Việc buộc Võ Thị Thủy T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đối với hành vi đã phối hợp với Nguyễn Anh C làm thủ tục xuất cảnh cho cả 06 khách hàng là không thỏa đáng, không đúng với tính chất và mức độ hành vi mà Võ Thị Thủy T đã thực hiện, làm xấu tình trạng bị can, bị cáo.

Cũng cần nói thêm là, hành vi làm dịch vụ xin cấp visa cho khách hàng Việt Nam ra nước ngoài lao động, trong khi không có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động chỉ là các vi phạm pháp luật về vấn đề đăng ký kinh doanh và nộp thuế, không phải là dấu hiệu của tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Do đó, việc các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào việc Võ Thị Thủy T không có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động, nhưng đã hợp tác với Nguyễn Anh C làm thủ tục xuất cảnh cho 06 khách hàng ra nước ngoài lao động để buộc tội Võ Thị Thủy T về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép là không thỏa đáng.

Trên cơ sở nội dung của 02 vụ án nêu trên, người có hành vi gian dối, thực hiện không đúng trong việc cung cấp thông tin, tiến hành quy trình xác lập một loại giấy tờ nào đó, thì tùy từng trường hợp cụ thể, khi bị phát hiện, sẽ phải chịu một trong các loại trách nhiệm pháp luật khác nhau về sai phạm của mình. Tuy vậy, khi chưa có quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ những giấy tờ trên của cơ quan có thẩm quyền, thì chúng vẫn có giá trị pháp lý. Việc không công nhận giá trị pháp lý của chúng trong khi chưa có quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ chúng sẽ dẫn đến những quyết định không đúng. Nếu những quyết định không đúng này được thực hiện trong các vụ án hình sự, sẽ dẫn đến tình trạng xác định trách nhiệm hình sự không đúng. Vì vậy cần có quan điểm đúng đối với việc đánh giá các hành vi này trong áp dụng pháp luật.

HOÀNG QUẢNG LỰC

TAND huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến - Ảnh: Nguyễn Sự - Phạm Hưng.