Bàn về lẽ công bằng trong vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất
Các tranh chấp về quyền sử dụng đất hiện nay khá phổ biến trong xã hội. Thế nhưng không phải mọi vấn đề trong quan hệ tranh chấp này đều được giải quyết bằng quy định của pháp luật, dựa vào tập quán hay án lệ mà thay vào đó là cần áp dụng lẽ công bằng để giải quyết.
Vấn đề cụ thể mà tác giả muốn đề cập đến đó là tính công sức đóp góp, tôn tạo, giữ gìn lm tăng giá trị đất tranh chấp. Vấn đề này hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể, cũng chưa có tập quán hay án lệ nên việc Toà án áp dụng lẽ công bằng để tính công sức đóp góp, tôn tạo, giữ gìn làm tăng giá trị đất tranh chấp trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất còn khác nhau.
1. Thực tiễn áp dụng lẽ công bằng
Lẽ công bằng dựa trên sự thừa nhận của mọi người trong xã hội, phù hợp với đạo đức xã hội và lẽ công bằng đảm bảo được sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp. Thực tế hiện nay, vấn đề tính công sức đóp góp, tôn tạo, giữ gìn, làm tăng giá trị đất tranh chấp trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất là khác nhau. Điều này đã tạo nên sự “không công bằng” trong các vụ án có tính chất tương nhau. Tác giả dẫn chứng một số vụ án ở các Toà án như sau:
1.1 Vụ án thứ nhất: Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2022/DS-ST ngày 19/9/2022 của TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Trong phần nhận định của Bản án, Toà án đã nhận định như sau: Đối với công sức cải tại, giữ gìn phần đất tranh chấp của hộ bà T, Hội đồng xét xử thấy rằng mặc dù hộ bà T có công sức giữ gìn, cải tạo phần đất diện tích là 6.416,5m2 tại thửa X nhưng trong thời gian từ năm 2005 đến nay hộ bà T cũng đã khai thác đất để hưởng hoa lợi, lợi tức từ phần đất này, đồng thời hộ bà T cũng đã sử dụng đất này cho người khác thuê với giá là 75.000.000 đồng từ năm 2017 đến nay. Do đó, sau khi bù trừ quyền lợi của các đương sự, Hội đồng xét xử quyết định không xem xét tính thêm công sức giữ gìn, cải tạo phần đất diện tích là 6.416,5m2 tại thửa X của hộ bà T.
1.2 Vụ án thứ hai, Bản án số 48/2022/DS-ST ngày 21/9/2022 của TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Trong phần nhận định của Bản án, Toà án đã nhận định như sau: Đối với việc hộ ông L trả giá trị quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị B diện tích 131,0m2 thuộc thửa 530, Hội đồng xét xử xét thấy như sau: Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản do Toà án thành lập thì kết luận, giá đất tranh chấp thuộc thửa 530 là 3.984.000 đồng/m2. Như vậy, hộ ông Trần Văn L phải trả lại cho bà Trần Thị B giá trị diện tích 131,0m2 tính ra là: 131,0m2 x 3.984.000 đồng/m2 = 521.904.000 đồng. Tuy nhiên, đối với phần đất diện tích 131,0m2 thuộc thửa 530 thì hộ ông L đã trực tiếp sử dụng trong nhiều năm và có công sức tôn tạo, giữ gìn làm tăng giá trị đất nên cần phải xem xét khấu trừ một phần công sức đóng góp của hộ ông L. Sau khi cân nhắc, xem xét tất cả các yếu tố có liên quan, Hội đồng xét xử quyết định tính công sức đóng góp của hộ ông L trong diện tích 131,0m2 thuộc thửa 530 là 35%. Như vậy, hộ ông L chỉ có nghĩa vụ trả cho bà Trần Thị B 65% giá trị diện tích 131,0m2 tính ra là: 65% x 521.904.000 đồng = 339.237.600 đồng.
Đối với phần đất hộ ông L có nghĩa vụ trả cho bà B diện tích 186,3m2 thuộc thửa 530 thì có diện tích hộ ông L trực tiếp sử dụng là 65,1m2. Vì vậy, cũng cần phải xem xét tính công sức giữ gìn, cải tạo và làm tăng giá trị đất cho hộ ông L đối với diện tích đất này. Sau khi cân nhắc, xem xét tất cả các yếu tố có liên quan, Hội đồng xét xử quyết định tính công sức đóng góp của hộ ông L trong diện tích 65,1m2 thuộc thửa 530 là 10%. Như vậy, bà Trần Thị B được trả lại diện tích 186,3m2 nhưng phải hoàn lại tiền công sức đóng góp, giữ gìn, cải tạo và làm tăng giá trị đất cho hộ ông L là 10% giá trị diện tích 65,1m2 tính ra là: 10% x 65,1m2 x 3.984.000 đồng/m2 = 25.935.840 đồng. Số tiền này sẽ được trừ trực tiếp vào số tiền giá trị đất mà hộ ông L phải trả cho bà B.
1.3 Vụ án thứ ba, Bản án số 149/2020/DS-PT ngày 06/07/2020 của TAND tỉnh Bình Dương(1)
Trong phần nhận định của Bản án, Toà án đã nhận định như sau: Bà T đã quản lý, sử dụng đất liên tục, lâu dài từ năm 1983 đến nay đã trên 30 năm và nộp hoa lợi cho Chùa đến năm 2017, khi phát sinh tranh chấp tại Tòa án mới không nộp hoa lợi cho Chùa. Theo lẽ công bằng, cần tính một phần công sức cho bà T với tỷ lệ 5% giá trị quyền sử dụng đất để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nên cần buộc Chùa P có trách nhiệm thanh toán cho bà T một phần công sức nêu trên.
1.4 Vụ án thứ tư, Bản án số 115/2021/DS-PT ngày 24/03/2021 của TANDCC tại Đà Nẵng(2)
Trong phần nhận định của Bản án, Toà án đã nhận định như sau: Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp diện tích đất nêu trên là do các bên nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các cơ quan xét cấp GCNQSD đất đều có lỗi. Diện tích đất có tranh chấp đã được gia đình bà H quản lý, sử dụng từ năm 1958 đến năm 1982 là 24 năm; sau đó, được gia đình ông H bà P quản lý, sử dụng từ năm 1982 đến năm 2011 sảy ra tranh chấp là 29 năm. Quá trình sử dụng đất, ông H bà P đã xây dựng nhà ở kiên cố trên đất; đã được Nhà nước cấp GCNQSD đất và hàng năm thực hiện nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất cho Nhà nước. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H về việc buộc ông H, bà P trả lại 1.800 m2 đất và hủy một phần Quyết định số 333/QĐ-UB ngày 30/5/2002 của UBND huyện Đ đối với nội dung cấp GCNQSD đất cho hộ ông Lê Thanh H diện tích 1.800 m2 đất có tranh chấp; đồng thời, buộc vợ chồng ông H bà P phải trả cho bà H một khoản tiền về công sức giữ gìn, tôn tạo đất là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do chưa xem xét toàn diện quá trình quản lý, sử dụng đất nên việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên buộc vợ chồng ông H bà P phải trả cho bà H 1/10 giá trị diện tích đất có tranh chấp là chưa phù hợp với mức độ lỗi của các bên, cũng như chưa bảo đảm lẽ công bằng theo quy định của pháp luật dân sự.
Do đó, kháng cáo của bà Nguyễn Thị H yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc vợ chồng ông H, bà P trả lại 1.800 m2 đất và hủy một phần Quyết định số 333/QĐ-UB ngày 30/5/2002 của UBND huyện Đ là không có căn cứ nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận; tuy nhiên, đối với yêu cầu của bà H về việc trường hợp ông H không trả lại đất thì trả tiền theo giá thị trường là có một phần căn cứ như đã phân tích nêu trên và phù hợp với ý kiến của Kiểm sát viên đại diện VKSNDCC tại Đà Nẵng phát biểu tại phiên tòa, được Hội đồng xét xử chấp nhận sửa bản án sơ thẩm đối với nội dung buộc ông H bà P phải trả cho bà H và những người thừa kế của cụ Nguyễn H, cụ Nguyễn Thị N một khoản tiền về công sức giữ gìn, tôn tạo đất tương ứng với 3/10 giá trị diện tích đất có tranh chấp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, cũng như phù hợp với lẽ công bằng theo quy định của pháp luật dân sự.
1.5 Vụ án thứ năm, Bản án số 253/2019/DS-PT ngày 26/11/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng(3)
Trong phần nhận định của Bản án, Toà án đã nhận định như sau: Xét, ông Q có công xin, được UBND xã Đ giao đất, ông Q đã thuê san ủi và trồng một số cây cà phê, sau đó cho ông D, bà T mượn nhưng vợ chồng ông D, bà T cũng có công trong việc quản lý, tôn tạo đất trong nhiều năm nên việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông D, bà T trả lại ông Q toàn bộ các thửa đất là chưa xem xét công sức của ông D, bà T, do đó, cấp phúc thẩm xét cần áp dụng “lẽ công bằng” quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự 2015 chia cho mỗi bên quyền sử dụng ½ các thửa đất.
1.6 Vụ án thứ sáu, Bản án số 109/2018/DS-PT ngày 29/05/2018 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh(4)
Trong phần nhận định của Bản án, Toà án đã nhận định như sau: Hiện nay gia đình bà H đang sinh sống trên phần đất đã ổn định. Bà cũng có đơn đề nghị được giữ lại đất ở và hỗ trợ cho ông H 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng. Tại thời điểm tranh chấp, ông H đã có đất nơi khác để sinh sống, không có nhu cầu về nhà ở nên không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của ông H, mà cần phải buộc bà H trả lại cho ông H giá trị quyền sử dụng đất tương ứng với thành quả lao động mà gia đình của ông H tạo lập được phần đất này theo giá trị sử dụng đất thực tế tại thời điểm xét xử sơ thẩm được Hội đồng định giá xác định là 2.850.000 đồng/m2 x 1317,5 m2= 3.754.875.000 (ba tỷ bảy trăm năm mươi bốn triệu tám trăm bảymươi lăm nghìn) đồng. Tuy nhiên, khi xem xét giá trị bồi thường cho ông H cũng cần phải xem xét công sức gìn giữ, tu bổ, cải tạo đất của bà H từ đất ao đã bồi bổ đến nay để tính giá trị bồi thường cho phù hợp. Hiện nay công sức giữ gìn, tu bổ, cải tạo đất chưa có quy định cụ thể về giá trị tính nên chưa có căn cứ để tính toán. Tuy vậy, xét về mức độ lỗi, phía ông H, bà N, bà X cũng có một phần lỗi do không kiên quyết theo đuổi vụ kiện để giá trị đất ngày một tăng. Theo lẽ công bằng, bà H là người có công, ông Vlà người có của nên cần buộc bà H trả lại cho ông H, bà N, bà X 30% giá trị phần đất theo giá đã định của Hội đồng định giá cụ thể là 1.126.462.500 (một tỷ một trăm hai mươi sáu triệu bốn trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm) đồng.
2. Đề xuất, kiến nghị
Qua các vụ án trên thấy rằng trong từng vụ án, Toà án có xem xét tính công sức đóp góp, tôn tạo, giữ gìn làm tăng giá trị đất tranh chấp dựa trên lý lẽ về sự công bằng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lẽ công bằng mà Toà án áp dụng dựa trên căn cứ nào, căn cứ vào đâu Toà án tính công sức đóng góp là 5%, 10%, 20%, 30% … và việc áp dụng các tỷ lệ % này có thật sự đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi của các bên đương sự chưa. Bởi vì lẽ công bằng trong các vụ án dẫn chứng ở trên chủ yếu là sự nhận thức, phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, việc Toà án giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất có tính đến công sức đóp góp, tôn tạo, giữ gìn làm tăng giá trị đất tranh chấp về cơ bản đảm bảo được sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp.
Để lẽ công bằng được Toà án áp dụng để tính tính công sức đóp góp, tôn tạo, giữ gìn làm tăng giá trị đất tranh chấp quyền sử dụng đất được thuyết phục hơn, tác giả kiến nghị đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần hướng dẫn và thống nhất cách tính công sức đóng góp, tôn tạo, giữ gìn làm tăng giá trị đất tranh chấp. Trong đó, cần quy định mức tính công sức tối thiểu và tối đa trong một vụ án là bao nhiêu phần trăm. Theo tác giả đề xuất mức tối thiểu và tối đa là từ 5% đến 30% tuỳ thuộc vào từng vụ án cụ thể do Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá.
Thứ hai, cần nghiên cứu, lựa chọn các bản án tranh chấp về quyền sử dụng đất có tính chuẩn mực và điển hình về tính công sức đóng góp để phát triển thành án lệ.
Thứ ba, cần tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên đề về áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết, xét xử vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất. Qua đó, tạo nhận thức chung cho các Thẩm phán cũng là tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật tại Toà án.
Kết luận
Áp dụng lẽ công bằng được xem như là cách thức nhằm giải quyết các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án mà các tranh chấp này hiện nay pháp luật không có quy định, không có tập quán, không có quy định để áp dụng tương tự và không có án lệ. Hiện nay, lẽ công bằng được áp dụng dựa trên sự đánh giá, phân tích của Toà án trên các tình tiết trong từng vụ án cụ thể. Vì vậy việc nghiên cứu áp dụng lẽ công bằng để tính công sức đóng góp, tôn tạo, giữ gìn, làm tăng giá trị đất tranh chấp trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất hiện nay là rất cần thiết có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
TAND TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án dân sự - Ảnh: BVPL
(2) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-1152021dspt-ngay-24032021-ve-doi-lai-tai-san-la-quyen-su-dung-dat-176959
(3) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-2532019dspt-ngay-26112019-ve-tranh-chap-quyen-su-dung-dat-yeu-cau-huy-hop-dong-chuyen-n-150227
(4) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-1092018dspt-ngay-29052018-ve-tranh-chap-quyen-su-dung-dat-55608
Bài liên quan
-
Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
-
Thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt
-
Về nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng
Kiến nghị bãi bỏ quy định về áp dụng lẽ công bằng trong BLDS và BLTTDS năm 2015 -
Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận