Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
Khởi kiện tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ phức tạp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện do hòa giải tại cơ sở chưa đúng quy định. Đây là vấn đề cần quan tâm để khắc phục.
Tranh chấp đất đai là một hiện tượng xảy ra phổ biến trong xã hội, tranh chấp này đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ phức tạp. Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 cũng đã quy định cụ thể về quy trình giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 202, Điều 203 mục 2, Chương 13 của Luật đất đai năm 20131; Điều 235, Điều 236 tại mục 2 thuộc chương 15 của Luật Đất đai năm 20242) nhưng trên thực tế vẫn chưa được áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất, dẫn đến hiệu quả chưa cao, không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây khó khăn trong quá trình hoạt động tố tụng của Tòa án.
1. Yêu cầu về hòa giải tại cơ sở
Luật Đất đai năm 2013 quy định tại Điều 202 “các trường hợp tranh chấp phải qua hòa giải ở cơ sở trước khi khởi kiện tại Tòa án” và tại Điều 235 của Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định cụ thể: “Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp”; ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định như sau: “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”3. Điều 88 Nghị đinh 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ cũng quy định chi tiết quá trình nhận đơn khiếu nại, các bước thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh, thành lập Hội đồng hòa giải và các thành viên, hình thức làm việc để tiến hành hòa giải ở cơ sở4.
Như vậy, hòa giải tại cơ sở là một thủ tục rất quan trọng, tuy nhiên thật tế hiện nay, hầu hết UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vạn Ninh khi làm công tác hòa giải chưa thật sự quan tâm đến các quy định nêu trên mà chỉ dựa vào kinh nghiệm, áp dụng một cách máy móc, rập khuôn theo những cách làm cũ đã thực hiện thời gian trước đây khiến cho công tác hòa giải tại cơ sở không đảm bảo về chất lượng cũng như hình thức.
Một số nơi không tiến hành hoặc không hướng dẫn người dân yêu cầu thủ tục hòa giải ở cơ sở theo quy định để đương sự thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án.
Việc hòa giải tranh chấp đất đai có những nơi không lập thành biên bản hòa giải mà chỉ làm biên bản làm việc trong đó hầu như chỉ nêu lại các ý kiến của đương sự đã trình bày và sau đó kết luận là không hòa giải được, dù không thể hiện được có sự hòa giải của Ủy ban đối với sự việc các bên đang tranh chấp cũng không nêu được ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai...
Có một số biên bản hòa giải không đảm bảo về mặt hình thức, không có chữ ký của các thành viên tham gia hòa giải, không có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND xã, phường.
Thành phần tham gia hòa giải chưa đảm bảo như không có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Không đủ thành phần các bên tranh chấp tham gia hòa giải đối với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình (hầu hết chỉ triệu tập chủ hộ gia đình tham gia mà thiếu đi các thành viên khác trong hộ gia đình).
Tiến hành hòa giải mà chưa thực hiện việc thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, chưa thu thập đầy đủ các tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.
Còn xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết (45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai – khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013; không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai - điểm c khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai năm 2024), thậm chí có trường hợp nhận đơn nhưng không giải quyết hoặc để kéo dài dẫn đến việc khiếu nại vượt cấp.
2. Giải pháp
Để hạn chế việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người dân liên quan đến lĩnh vực tranh chấp đất đai do hòa giải ở cơ sở chưa đúng quy định của pháp luật cần đề ra một số giải pháp sau:
Cần tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. Các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó xác định được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Cẩn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên; tổ chức thi hòa giải viên giỏi; phổ biến kinh nghiệp hòa giải; cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật cần thiết phục vụ công tác hòa giải…
Khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 20155 lý do chưa được hòa giải cơ sở hoặc do việc hòa giải tại cơ sở chưa đảm bảo về hình thức, thành phần, nội dung… thì tại Thông báo trả lời đơn khởi kiện cần thể hiện cụ thể, rõ ràng những thiếu sót của biên bản hòa giải ở cở sở để đương sự biết mà làm việc với UBND xã, phường; đồng thời ngoài gửi Thông báo cho đương sự thì nên gửi luôn cho UBND cấp xã, phường nơi phải hòa giải để UBND biết thực hiện đúng quy định, rút kinh nghiệm khi hòa giải các đơn khiếu nại tranh chấp đất đai tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự hoàn tất thủ tục khởi kiện.
Thẩm phán, Thư ký Tòa án trong khi thực hiện công tác tại địa phương kết hợp việc trao đổi cùng với cán bộ địa phương như cán bộ địa chính xã, phường những quy định liên quan đến công tác hòa giải, đặc biệt là sự cần thiết của việc hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã, phường phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 43 để từ đó cán bộ địa chính xã, phường sẽ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND chú trọng hơn đối với công tác tổ chức hòa giải trong những vụ việc cụ thể.
3. Kết luận
Có thể nói, giải quyết tranh chấp đất đai đã có những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật và đổi mới cơ chế giải quyết. Làm được điều này phải có nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời và đặt trong mối quan hệ phụ thuộc, tác động lẫn nhau; bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác giải quyết tranh chấp đất đai và các giải pháp hỗ trợ khác. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và chính quyền địa phương. Chỉ có như vậy mới thực sự nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác xét xử của Tòa án nói chung và trong giải quyết án tranh chấp đất đai nói riêng.
Trên đây là những đề xuất giải pháp từ thực tiễn ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, rất mong vấn đề này được quý độc giả quan tâm chia sẻ thêm về những kinh nghiệm, giải pháp khắc phục việc trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng.
Đất tranh chấp tại xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh. Ảnh: Vi Nhật Hoàng
Bài liên quan
-
Thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt
-
Toà án trả lại đơn khởi kiện khi chưa có thông báo cho bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ
-
Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi đương sự không nộp chứng cứ về việc đã thông báo cho bên vay
-
Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận