Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi đương sự không nộp chứng cứ về việc đã thông báo cho bên vay
Bài viết này phân tích quy định tại Điều 469 của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) để chứng minh việc “bên cho vay phải thông báo cho bên vay trong một thời hạn hợp lý” trước khi đòi nợ là quy định của luật nội dung, không phải là điều kiện về mặt thủ tục đương sự cần đáp ứng khi khởi kiện.
Qua bài viết “Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản” của tác giả Nguyễn Thị Vân đăng ngày 28/02/2024[1] thì: Việc xử lý đơn khởi kiện đối với việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, mà cụ thể là những hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, thường có những quan điểm khác nhau về điều kiện khởi kiện, đôi khi có Thẩm phán lúng túng trong việc xử lý đơn khởi kiện, từ đó đưa ra những quyết định thiếu chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Do đó, rất nhiều trường hợp người khởi kiện khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán.
Theo tác giả Nguyễn Thị Vân, “căn cứ quy định của Điều 469 Bộ luật Dân sự thì trước khi thực hiện việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà đó là hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn thì người khởi kiện (người cho vay) phải thực hiện việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý. Hết thời hạn nêu trên, nếu người vay không thực hiện việc trả nợ thì người cho vay mới được tiến hành việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.” Tác giả cũng đề cập đến những quan điểm khác nhau về điều kiện thụ lý đối với đơn khởi kiện về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, đó là:
Quan điểm thứ nhất: Kèm theo đơn khởi kiện và giấy tờ tài liệu chứng minh nhân thân của người khởi kiện và người bị kiện (nếu có); người khởi kiện phải có những giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho vay và tài liệu chứng cứ thể hiện việc người cho vay đã thông báo cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiện việc trả nợ và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ.
Quan điểm thứ hai: Kèm theo đơn khởi kiện và giấy tờ tài liệu chứng minh nhân của người khởi kiện và người bị kiện (nếu có); người khởi kiện phải có những giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho vay; tài liệu chứng cứ thể hiện việc người cho vay đã thông báo cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiện việc trả nợ nhưng người vay không thực hiện việc trả nợ (nếu có).
Về vấn đề này, tác giả có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tác giả không đồng tình với nhận định rằng: “căn cứ quy định của Điều 469 Bộ luật Dân sự thì trước khi thực hiện việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà đó là hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn thì người khởi kiện (người cho vay) phải thực hiện việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý. Hết thời hạn nêu trên, nếu người vay không thực hiện việc trả nợ thì người cho vay mới được tiến hành việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Thực tế, BLDS cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) không có quy định về việc trước khi khởi kiện thì đương sự phải “thông báo cho người vay một thời gian hợp lý”. BLDS tại Điều 469 quy định: “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” Đây là nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng vay. Vậy, nếu các bên không báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý khi đòi nợ hoặc khi trả nợ thì có nghĩa là các bên đã không thực hiện đúng nghĩa vụ.
Do đó, khi bên cho vay yêu cầu bên vay trả tiền nhưng không báo trước thì bên cho vay không thực hiện đúng nghĩa vụ theo luật định nên bên vay cũng không có nghĩa vụ phải trả nợ ngay, hay nói cách khác bên cho vay không có quyền yêu cầu bên vay phải trả nợ ngay và cũng không có quyền yêu cầu bên vay phải chịu lãi chậm trả từ sau ngày bên cho vay đòi nợ. Còn nếu bên cho vay báo trước cho bên vay một khoảng thời gian hợp lý mà hết thời hạn đó bên vay vẫn không trả nợ, thì ngày tiếp theo liền kề của thời hạn sẽ được xác định là ngày bên vay chậm trả, trách nhiệm chịu lãi chậm trả sẽ được tính từ thời điểm này. Như vậy, quy định tại Điều 469 BLDS về nghĩa vụ thông báo là điều khoản thông thường được áp dụng trong hợp đồng vay không kỳ hạn nếu như các bên không có thỏa thuận điều khoản tùy nghi. Đây không phải là điều kiện mà đương sự phải đáp ứng khi nộp đơn khởi kiện.
Thứ hai, tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng “việc thông báo cho người cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiện việc trả nợ và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ thì đây là điều kiện để người cho vay yêu cầu người vay trả nợ, không phải là điều kiện khởi kiện được pháp luật quy định.” BLDS không quy định việc thông báo cho bên vay là điều kiện để bên cho vay khởi kiện. Vì vậy, không thể áp dụng điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện. Mặt khác, tại điểm e khoản 1 Điều này cũng không có quy định liên quan đến việc người khởi kiện phải thông báo cho người bị kiện trước khi khởi kiện. Quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS chỉ đề cập đến trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung “đơn khởi kiện” theo yêu cầu của Thẩm phán chứ không phải là bổ sung “hồ sơ khởi kiện". Việc bổ sung đơn khởi kiện đã được quy định rõ tại Điều 193 BLTTDS. Vì vậy, nếu Toà án trả lại đơn khi người khởi kiện không nộp chứng cứ về việc đã thông báo đòi nợ cho bên vay là không có cơ sở pháp lý.
Tuy vậy, thiết nghĩ, đây là trường hợp người tiến hành tố tụng chưa hiểu đúng tinh thần của điều luật nên có những hướng xử lý khác nhau, không phải là vướng mắc xuất phát từ nội dung quy định của pháp luật. Vì vậy, việc ban hành văn bản hướng dẫn là không cần thiết.
[1] Nguyễn Thị Vân, Khiếu nại về việc khởi kiện tranh chấp vay tài sản, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, link truy cập: https://www.tapchitoaan.vn/khieu-nai-ve-viec-tra-lai-don-khoi-kien-tranh-chap-vay-tai-san10375.html, ngày truy cập: 25/5/2024.
TAND quận Gò Vấp ,TP HCM xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Ý Linh
Bài liên quan
-
Toà án trả lại đơn khởi kiện khi chưa có thông báo cho bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ
-
Việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý để trả nợ không phải là điều kiện khởi kiện
-
Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản
-
Mang ô tô người khác đi cầm cố lấy tiền trả nợ, lĩnh 12 năm tù
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận