Việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý để trả nợ không phải là điều kiện khởi kiện

Sau khi nghiên cứu bài viết “Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản” của tác giả Nguyễn Thị Vân, đăng ngày 28/02/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai trong bài viết và làm rõ thêm các nội dung.

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 469 BLTTDS quy định: “1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất  cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý.”

Như vậy, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi và hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì đối với bên cho vay đòi lại tài sản và bên vay trả nợ vào bất cứ thời điểm nào phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý.

Mục đích của việc thông báo này nhằm để tính lãi đối với việc chậm trả nợ gốc sẽ bắt đầu từ thời điểm nào trong hợp đồng vay tài sản, “thời gian hợp lý” do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo (khoản 3 Điều 6 NQ 01/2019/NQ – HĐTP) , thông thường đối với việc thông báo được thực hiện bằng lời nói giữa bên cho vay và bên vay nếu không có thỏa thuận thì khoảng thời gian sẽ ấn định là không quá 03 tháng. Tuy nhiên, việc thông báo này không phải là điều kiện bắt buộc đối với việc khởi kiện tại Tòa án, bởi lẽ căn cứ khoản 1 Điều 3 NQ 04/2017/NQ – HĐTP ngày 05/05/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án thì “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.”.

Vì vậy, việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý chỉ để xác định việc chấm dứt hợp đồng vay tài sản khi một trong các bên có đủ điều kiện chấm dứt hợp đồng vay tài sản trước thời hạn và cũng đồng nghĩa với việc xác định lãi suất từ thời điểm nào nếu bên vi phạm chậm trả và việc quy định trên chỉ mang tính tùy nghi không phải là điều kiện bắt buộc khi phát sinh tranh chấp khởi kiện đến Tòa án. Đồng thời, đây cũng là nguyên tắc trong giao dịch dân sự cá nhân có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và mọi cam kết thỏa thuận, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Như vậy, từ những lập luận trên, việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiện việc trả nợ không thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS.

Trên đây là quan điểm của tác giả, kính mong quý độc giả đóng góp ý kiến!

TRẦN VĂN MINH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)

Việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý chỉ để xác định việc chấm dứt hợp đồng vay tài sản - Ảnh: MH