Bàn về quản lý thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội

Việc quản lý thu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội là thật sự cần thiết nhằm quản lý các hoạt động kinh doanh trên mạng, tránh thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, đảm bảo mục tiêu công bằng xã hội. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng tốt hơn cũng làm cho sản phẩm, dịch vụ được cung cấp tốt hơn từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.

Mạng xã hội là một nền tảng (platform) dùng để thực hiện dịch vụ kết nối thành viên có cùng sở thích, hoặc cùng mục tiêu hoạt động, vượt qua khoảng cách giới hạn về địa lý, thời gian số lượng thành viên tham gia, thông qua những tính năng chủ yếu như trò chuyện (chat), chia sẻ thông tin, hình ảnh, nhật ký…

Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện nay có các mạng xã hội phổ biến như Blog, Facebook, Youtupe, Instagram, WhatsApp, Zalo.vn, Viber, LinkedIn…, và mới xuất hiện gần đây nữa là Biztime, Gapo, Lotus. Số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam cũng ngày càng tăng cao, theo Báo cáo Digital Marketing của Hootsuite and We are social năm 2019, mạng xã hội ở Việt Nam tăng trưởng mạnh, với 62 triệu người dùng Internet và đều có tham gia ít nhất một mạng xã hội. Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng Facebook (khoảng 58 triệu người) và liên tục tăng trưởng đều đặn trong từng năm.

Như vậy, có thể thấy rằng cộng đồng trên mạng xã hội thật sự là một cộng đồng rộng lớn, với nhiều hoạt động tương tác khác nhau, là một miền đất đầy tiềm năng và hứa hẹn cho hoạt động marketing và hoạt động kinh doanh. Và trên thực tế, các hoạt động này diễn ra khá rầm rộ.

Không khó để bắt gặp một dòng trạng thái (status) trên một mạng xã hội với lời chào bán một cái bánh vừa làm nóng hổi, một hộp cơm mới nấu, một thỏi son mới “xách tay” về từ những người làm công việc nội trợ ở nhà tranh thủ kinh doanh thêm…, hay chào bán một mảnh đất, một căn nhà từ những nhà môi giới chuyên nghiệp… Thông qua các mạng xã hội, rất nhiều người có thể kiếm thêm thu nhập (chính hoặc phụ), hoặc mở rộng độ phủ sóng cho thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của công ty mình…

Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, tại Việt Nam, việc quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội của cá nhân vẫn còn hết sức khó khăn, mặc dù đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Kinh doanh qua mạng xã hội

Theo Khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Như vậy, theo khái niệm này, chỉ cần thực hiện một công đoạn của quá trình đầu tư để sinh lợi cũng được xem là hoạt động kinh doanh. Đó có thể là hoạt động thương mại, mà theo khái niệm tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2004 thì hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Còn mạng xã hội được hiểu là các mạng dịch vụ kết nối thành viên theo cách hiểu đã đề cập ở trên như Facebook, Youtube, Zalo, Viber, Instagram, WhatsApp…, không bao gồm website thương mại điện tử.

Như vậy, kinh doanh qua mạng xã hội là việc thực hiện hoạt động kinh doanh (trong đó có hoạt động thương mại) trên nền tảng ứng dụng mạng dịch vụ xã hội, với đối tượng khách hàng nhắm đến là các thành viên của mạng xã hội đó.

Chủ thể kinh doanh trên mạng xã hội có bắt buộc phải đăng ký kinh doanh?

Theo quy định chung của pháp luật Việt Nam, chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh nói chung là các tổ chức, cá nhân phải hoặc phải có đăng ký kinh doanh.

Tại Điều 6 của Luật Thương mại 2005 quy định “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Vậy, có thể nói rằng chủ thể kinh doanh ở đây là các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp; các hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; hộ kinh doanh, hoặc cá nhân có đăng kinh doanh. Đây được gọi là các thương nhân và đều thực hiện nghĩa vụ phải đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh các chủ thể kinh doanh có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh như trên thì cũng có những chủ thể kinh doanh sau đây được pháp luật Việt Nam loại trừ khỏi nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Khoản 2 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ thì hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong (không có địa điểm kinh doanh cố định, quà vặt (buôn bán nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định), buôn chuyến (hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ), kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Thẩm quyền xác định mức thu nhập thấp trên phạm vi địa phương thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, có thể thấy rằng chủ thể kinh doanh trên mạng xã hội là cá nhân nếu chỉ là buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập thấp thì không phải đăng ký kinh doanh, cũng như không phải đăng ký hoạt động kinh doanh online của mình. Chỉ có chủ sở hữu các website cung cấp dịch vụ hoặc các ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại trên thiết bị di động mới có nghĩa vụ đăng ký.

Nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội

Theo nguyên tắc quản lý thuế thì mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đều có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật (Khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý thuế 2019). Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào các sắc thuế khác nhau, nghĩa vụ thuế của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức sẽ khác nhau về đối tượng chịu thuế, phương thức nộp, số tiền nộp, căn cứ vào tình trạng hoạt động kinh doanh, thương mại của họ.

Khi kinh doanh trên mạng xã hội, cá nhân kinh doanh có thể thực hiện hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp hoặc kinh doanh không chuyên nghiệp. Và như vậy thì tùy từng trường hợp việc đăng ký kinh doanh có thể là bắt buộc hoặc không. Nhưng trên nguyên tắc, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, dù có đăng ký kinh doanh hay không thì khi phát sinh thu nhập chịu thuế, người có thu nhập vẫn phải có nghĩa vụ nộp thuế.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung, thu nhập từ kinh doanh của cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế. Điều này có nghĩa rằng nếu doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng thì cá nhân kinh doanh buộc phải nộp thuế.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi kinh doanh qua mạng xã hội, nếu như không đăng ký kinh doanh hay tự nguyện khai báo thuế thì rất khó xác định được doanh thu thực sự hằng năm của đối tượng này để từ đó có thể thu được thuế. Có rất nhiều trường hợp bán hàng qua mạng xã hội, doanh thu vượt ngưỡng 100 triệu đồng/năm nhưng Nhà nước vẫn thất thu thuế từ các đối tượng này. Có rất ít trường hợp bị phát hiện và bị truy thu thuế.

Quản lý thu thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội

Luật Quản lý thuế 2019 có quy định nhiệm vụ của ngân hàng thương mại là cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản cho cơ quan thuế để cơ quan thuế dễ dàng quản lý việc thu thuế từ các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế thông qua phát sinh thu nhập trong tài khoản ngân hàng (Khoản 2 Điều 27 Luật Quản lý thuế 2019). Tuy nhiên, người nộp thuế phải đăng ký thuế thì mới được cấp mã số thuế (Điều 5 Thông tư 95/2016/BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế); điều này có nghĩa rằng nếu một cá nhân làm kinh doanh tự do và thực hiện hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội không đăng ký thuế thì cũng không có mã số thuế (?)

Từ đó cho thấy rằng, mặc dù pháp luật quy định rõ trách nhiệm đăng ký thuế, nộp thuế của cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội nếu thu nhập vượt ngưỡng quy định, nhưng trên thực tế rất khó xác định được thu nhập chịu thuế của các chủ thể này, do việc thanh toán đa phần được thực hiện bằng tiền mặt, không qua ngân hàng, nên rất khó xác định chính xác doanh thu.

Luật Quản lý thuế cũng có nội dung quy định về ấn định thuế (Chương V Luật Quản lý thuế 2019) trong trường hợp chủ thể kinh doanh không đăng ký thuế, không khai thuế…, tuy nhiên do bản chất ảo của mạng xã hội, việc thu thập dữ liệu của cá nhân kinh doanh và doanh thu vượt ngưỡng cũng trở nên thật sự khó khăn.

Đâu là giải pháp?

Trước mắt, cần từng bước siết chặt lại việc thanh toán bằng tiền mặt, tăng cường và khuyến khích thanh toán bằng thẻ và các ứng dụng thanh toán điện tử thông qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần quy định theo hướng tất cả mọi người đều có nghĩa vụ đăng ký thuế để được cấp mã số thuế (dù thuộc đối tượng nộp hoặc không nộp thuế), chứ không nên giới hạn trong phạm vi “người nộp thuế” như quy định hiện hành. Từ đó, cơ quan thuế mới có đủ cơ sở về dữ liệu để có thể bao quát hết được các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Mã số thuế có thể là mã số được cấp theo phương thức hiện tại, hoặc có thể tích hợp cùng với số căn cước công dân, do hiện nay mỗi công dân Việt Nam đều có mã định danh riêng biệt.

Về lâu dài, việc thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân như hiện nay cần được thay đổi theo hướng không nên áp dụng giảm trừ gia cảnh theo cách khoán một số tiền như hiện tại, mà cần xem xét đến hoàn cảnh công việc của mỗi người để xác định chi phí giảm trừ gia cảnh tương ứng. Chẳng hạn, nghề giáo viên tiểu học sẽ có giảm trừ gia cảnh khác với giảng viên đại học; kế toán viên có mức giảm trừ khác với diễn viên… Lý do ở đây là chi phí họ bỏ ra để đáp ứng cho công việc của mình là khác nhau nên phần thu nhập còn lại cũng sẽ khác nhau. Trên cơ sở tính chi phí giảm trừ gia cảnh như vậy, để chứng minh chi phí hợp lý, mỗi cá nhân khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ đều phải cần đến hóa đơn hợp pháp. Khi có nhu cầu về hóa đơn hợp pháp, đòi hỏi người bán cũng phải xuất hóa đơn hợp pháp, từ đó Nhà nước có thể kiểm soát được việc thu thuế thông qua doanh thu có thể kiểm chứng được từ người bán./.

Theo kiemsat.vn

PGS.TS. NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG