Bàn về quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) được ban hành dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của BLTTDS 2004; bên cạnh đó BLTTDS 2015 ghi nhận nhiều quy định mới lần đầu được quy định theo hướng bảo đảm tính công khai minh bạch trong tố tụng, bảo đảm quyền tranh tụng, mở rộng thẩm quyền xét xử, nâng cao vị trí của Tòa án trong công cuộc cải cách tư pháp. Việc nghiên cứu, phân tích những quy định mới, những quy định được sửa đổi, bổ sung của BLTTDS 2015 là cần thiết có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn xét xử góp phần nâng cao chất lượng xét xử, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bài viết dưới đây xin đi phân tích quy định mới tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS.

Quy định mới được bổ sung tại khoản 4 Điều 2015

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) được ban hành dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của BLTTDS 2004; bên cạnh đó BLTTDS 2015 ghi nhận nhiều quy định mới lần đầu được quy định theo hướng bảo đảm tính công khai minh bạch trong tố tụng, bảo đảm quyền tranh tụng, mở rộng thẩm quyền xét xử, nâng cao vị trí của Tòa án trong công cuộc cải cách tư pháp. Việc nghiên cứu, phân tích những quy định mới, những quy định được sửa đổi, bổ sung của BLTTDS 2015 là cần thiết có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn xét xử góp phần nâng cao chất lượng xét xử, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015 quy định: “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015 đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì thủ tục để Tòa án ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án là: Ngoài nội dung như quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại cấp sơ thẩm thông thường, Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây là một quy định hoàn toàn mới của BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).

Về trường hợp áp dụng

Theo nội dung điều luật, thì điều luật được áp dụng đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm (áp dụng khoản 3 Điều 343 BLTTDS Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm) hoặc quyết định tái thẩm (áp dụng khoản 3 Điều 356 BLTTDS Hội đồng xét xử tái thẩm ra quyết định Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định) và xuất hiện căn cứ đình chỉ tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án phải đồng thời giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).

Nội dung quy định là hoàn toàn khả thi bởi về nguyên tắc sau khi xét xử và tuyên bản án sơ thẩm thì bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay chỉ đến khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo luật định thì bản án sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật; còn đối với bản án phúc thẩm sau khi tuyên bản án có hiệu lực pháp luật ngay và được thi hành theo nội dung bản án phúc thẩm. Bởi lý do trên mà các nhà làm luật xây dựng quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS chỉ áp dụng trong trường hợp sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm vì bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành nên khi giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm mà xuất hiện căn cứ đình chỉ thì trong quyết định đình chỉ Tòa án phải giải quyết phần hậu quả của việc thi hành bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã bị hủy trước đó.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong trường hợp giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm lần một, bản án sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 482 BLTTDS (Khoản 2 Điều 482 BLTTDS quy định: “2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;

b) Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” khi bản án sơ thẩm này có kháng cáo, kháng nghị và cấp phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 BLTTDS Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Quá trình giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm xuất hiện căn cứ đình chỉ tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì trong nội dung quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án có được áp dụng tương tự theo đúng tinh thần, nội dung khoản 4 Điều 217 BLTTDS để quyết định luôn phần hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) hay không? Vấn đề này rất cần có sự hướng dẫn của TANDTC để quá trình áp dụng pháp luật giữa các Tòa án khi gặp trường hợp trên được thống nhất.

Xác định, giải quyết hậu quả của việc thi hành án, tính án phí

Bản chất của vụ án dân sự là việc phát sinh tranh chấp giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Bản án giải quyết tranh chấp dân sự đã có hiệu lực và được thi hành đồng nghĩa với việc có bên thắng kiện, bên thua kiện; bên thua kiện sẽ phải gánh chịu, thực hiện những nghĩa vụ, thiệt hại theo quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật. Khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án đã có hiệu lực và được thi hành đồng nghĩa những nội dung quyết định của bản án bị hủy trên sẽ không có giá trị pháp lý ràng buộc các bên phải thực hiện. Quá trình giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm mà phát sinh căn cứ đình chỉ thì Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của phần đã được thi hành án trong bản án đã được thi hành và bị hủy. Việc giải quyết hậu quả của việc thi hành án trong thực tiễn không hề đơn giản; do đây là quy định mới nên hiện nay chưa có quy định trực tiếp điều chỉnh trường hợp này.

Theo chúng tôi kể từ ngày 01/7/2016 (BLTTDS 2015 có hiệu lực pháp luật) quá trình chờ hướng dẫn thi hành mà quá trình giải quyết vụ án rơi vào trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS thì khi giải quyết hậu quả của việc thi hành án, Tòa án có thể thực hiện tương tự theo tinh thần nội dung điều luật quy định tại khoản 2 Điều 136, khoản 3 Điều 135 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì việc giải quyết hậu quả của việc đã thi hành án được thực hiện như sau:

-Trường hợp tài sản đã thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì trong phần giải quyết hậu quả việc thi hành án của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án sẽ quyết định buộc bên đã được nhận tài sản theo bản án đã bị hủy phải trả lại tài sản cho bên đã giao theo quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật bị hủy.

-Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì Tòa án sẽ quyết định người đã giao tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bên nhận tài sản bồi hoàn lại  giá trị của tài sản.

Giải quyết án phí: Bản án dân sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật được thi hành, theo đó nguyên đơn khởi kiện thắng kiện; nguyên đơn được nhận lại tiền tạm ứng án phí và bị đơn phải chịu án phí dân sự. Bản án bị cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy và chuyển hồ sơ lại cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định. Quá trình giải quyết lại vụ án tại cấp sơ thẩm, xuất hiện căn cứ đình chỉ nguyên đơn đã được triệu tập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt (điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS); theo quy định tại Điều 218 thì trong trường hợp này số tiền tạm ứng án phí sẽ được sung công quỹ nhà nước. Vấn đề hiện nay là tiền tạm ứng án phí được thi hành theo bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm bị hủy đã trả lại cho nguyên đơn. Vậy trong trường hợp này Tòa án phải xác định số tiền tạm ứng án phí dựa trên cơ sở nào và tuyên về phần án phí như thế nào theo đúng quy định của pháp luật?

Theo chúng tôi, trong trường hợp này Tòa án xác định số tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ dựa trên biên lai thu tiền nộp tạm ứng án phí ban đầu của nguyên đơn. Trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án sẽ tuyên hoàn trả số tiền án phí tương ứng với số tiền mà bị đơn đã nộp theo quyết định thi hành án; và tuyên buộc nguyên đơn phải nộp số tiền tương ứng với số tiền tạm ứng án phí ban đầu để sung công quỹ nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nên quyết định bị đơn chịu tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ nhà nước và nguyên đơn có nghĩa vụ hoàn trả bị đơn số tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp. Ý kiến này là không chính xác bởi liên quan đến vấn đề án phí là mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước (cơ quan thi hành án) với đương sự chứ không thể là mối quan hệ giữa đương sự với đương sự được việc quyết định như trên chỉ thuận tiện cho cơ quan thi hành án trong việc đảm bảo thi hành án, nhưng lại gây bất tiện, phiền hà, tốn kém cho phía bị đơn khi lại phải “chạy” theo phía nguyên đơn để yêu cầu hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp, việc giải quyết như vậy sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của bị đơn.

Ví dụ: Trong vụ án kiện đòi tài sản giữa anh Lê Quý D (nguyên đơn) với bà Đào Phương Nh (bị đơn). Cả bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều tuyên buộc bà Nh phải trả cho anh D 260.000.000 đồng; về án phí sơ thẩm bà Nh phải nộp số chịu số tiền 13.000.000 đồng, hoàn trả anh D số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 6.500.000 đồng. Sau khi án phúc thẩm tuyên và được thi hành (bà Nh đã trả anh D số tiền 260.000.000 đồng và nộp án phí tại cơ quan thi hành án số tiền 13.000.000 đồng). Bản án đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Bản án giám đốc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thảm, giao hồ sơ lại cho Tòa án sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Khi giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án đã gửi giấy triệu tập hợp lệ 02 lần mà nguyên đơn vắng mặt, Tòa án đã tiến hành lấy ý kiến của bị đơn về việc nguyên đơn vắng mặt; bị đơn đề nghị Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, phần giải quyết hậu quả của việc thi hành án; Tòa án cần buộc phía nguyên đơn là anh D phải trả lại 260.000.000 đồng cho phía bị đơn là bà Nh; hoàn trả bà Nh số tiền 13.000.000 đồng tiền án phí đã nộp; anh D phải nộp số tiền 6.500.000 đồng để sung quỹ nhà nước.

Về mẫu ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

Bản chất của việc đình chỉ giải quyết vụ án là việc Tòa án quyết định chấm dứt (hay ngừng) hoàn toàn việc giải quyết vụ án dân sự khi có những căn cứ được quy định trong BLTTDS, như vậy nội dung bao hàm quan trọng nhất trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án chính là quyết định về tố tụng, chấm dứt mọi hoạt động tố tụng liên quan đến vụ án. Tại phần 2 của Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Mẫu số 11a ban hành kèm theo kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và gần đây TANDTC có công bố lấy ý kiến dự thảo Mẫu ban hành các quyết định trong tố tụng dân sự, tại Mẫu số 43 Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vẫn giữ nguyên nội dung tại phần 2 (9) hướng dẫn: “Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự, (kể cả về tiền tạm ứng án phí)”. Như vậy, trong cả 02 mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đều chỉ được sử dụng trong các trường hợp ra quyết định theo thủ tục sơ thẩm thông thường, trong trường hợp áp dụng khoản 4 Điều 217 BLTTDS thì không đầy đủ. Thiết nghĩ cần bổ sung thêm trong mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phần về giải quyết hậu quả của việc thi hành án (nếu có) để có thể sử dụng được cả trong trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015.

 

NGUYỄN XUÂN BÌNH (TAND tỉnh Bắc Ninh) NGUYỄN HẢI ANH ( VKSND huyện Việt Yên, Bắc Giang)