Bàn về thực nghiệm điều tra vụ án hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng có quyền tiến hành thực nghiệm điều tra. Trong khi đó, Điều 204 BLTTHS chỉ quy định trình tự, thủ tục áp dụng cho trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiến hành biện pháp thực nghiệm điều tra, không có quy định việc thực nghiệm điều tra của Tòa án, Thẩm phán. Như vậy, vấn đề đặt ra là Thẩm phán tiến hành thực nghiệm điều tra theo trình tự, thủ tục nào?
1. Quy định của luật
Theo Điều 204 BLTTHS năm 2015 [1], thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự.
Về người có thẩm quyền thực nghiệm điều tra: Người tiến hành thực nghiệm điều tra có thể là Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên. Trong giai đoạn điều tra, khi cần kiểm tra, xác minh các tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra; Kiểm sát viên chủ yếu kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Điều tra viên khi tiến hành biện pháp này. Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành thực nghiệm điều tra trong trường hợp cần thiết.Thực nghiệm điều tra tại Điều 204 BLTTHS được hiểu về mục đích của thực nghiệm điều tra, thực nghiệm điều tra được tiến hành nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, như kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không? Người làm chứng, bị hại có thể nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không?
Những người có thể tham gia thực nghiệm điều tra: Người có chuyên môn; trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia. Người bắt buộc phải tham gia thực nghiệm điều tra: Điều tra viên, Kiểm sát viên, người chứng kiến. Như vậy, so với BLTTHS năm 2003 (Điều 153) thì BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định cho phép Cơ quan điều tra mời người có chuyên môn tham gia thực nghiệm điều tra và quy định rõ người chủ trì thực nghiệm điều tra là Điều tra viên.
Các hoạt động khi thực nghiệm điều tra: Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết như đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ và phải ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Vấn đề kiểm sát thực nghiệm điều tra, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra.
Nguyên tắc thực nghiệm điều tra: Khi tiến hành thực nghiệm điều tra không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
2. Một số vướng mắc
Thứ nhất, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 45 BLTTHS năm 2015, thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng có quyền tiến hành thực nghiệm điều tra. Trong khi đó, Điều 204 BLTTHS chỉ quy định trình tự, thủ tục áp dụng cho trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiến hành biện pháp thực nghiệm điều tra. BLTTHS không có quy định việc thực nghiệm điều tra của Tòa án, Thẩm phán. Như vậy, vấn đề đặt ra là Thẩm phán tiến hành thực nghiệm điều tra theo trình tự, thủ tục nào?
Điều 204 BLTTHS chưa có quy định về việc lập biên bản thực nghiệm điều tra. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, bổ sung quy định này.
Thứ hai, khoản 2 Điều 204 BLTTHS có quy định: “Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản”. Vấn đề chưa rõ Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát bằng văn bản hay hình thức nào? Với trường hợp Kiểm sát viên tiến hành thực nghiệm điều tra thì Kiểm sát viên có phải thông báo cho Cơ quan điều tra, Điều tra viên hay không. Vấn đề này quy định chưa rõ, vì vậy cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể.
Thứ ba, qua thực tiễn áp dụng quy định về thực nghiệm điều tra thấy còn có vướng mắc như vi phạm quy định về thực nghiệm điều tra, thể hiện ở việc không tổ chức thực nghiệm để kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không; người làm chứng, bị hại có thể trông thấy, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không tại hiện trường nơi xảy ra vụ án mà thực hiện ở nơi khác, dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng.
Đối với tình tiết quy định “diễn lại hành vi, tình huống” thì hiện đang có một số quan điểm chưa thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về vần đề thực nghiệm điều tra trong vụ án hình sự. Theo đó, thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự. Do vậy, trong mọi trường hợp khi thực nghiệm điều tra cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm tại hiện trường nơi xảy ra vụ án. Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối với trường hợp tình tiết điều luật quy định “diễn lại hành vi, tình huống” thì không nhất thiết phải thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, mà chỉ cần tại một địa điểm nhất định như trụ sở làm việc hoặc tại nơi giam, giữ bị can là đúng quy định. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho bị can, bị hại, người làm chứng diễn lại hành vi mà bị can khai nhận để kiểm tra, xác minh lại tình tiết đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự không nhất thiết phải diễn tả tại nơi hiện trường xảy ra vụ án. Bởi vì, nếu thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, thì công tác bảo vệ hiện trường phức tạp, tốn công sức cũng như chi phí cho công tác thực nghiệm điều tra.
Quan điểm tác giả: Biện pháp thực nghiệm điều tra tại hiện trường nơi xảy ra vụ án phải trong các trường hợp nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án như: Kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không? Người làm chứng, bị hại có thể trông thấy việc làm, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không? Theo đó, trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án. Đối với trường hợp lời khai của bị hại, bị can mâu thuẫn nhau, ví dụ: Bị hại khai bị chém bốn nhát dao vào đầu, vai, lưng, tay gây thương tích, nhưng bị can cho rằng không có chém mà chỉ dùng dao quơ qua, quơ lại không biết trúng vào đâu. Trường hợp này, chỉ cần cho bị can, bị hại diễn tả lại hành vi chứ không nhất thiết phải dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án.
3. Đề xuất kiến nghị
Qua một số vướng mắc đã nêu ở trên, Cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện thống nhất khi tiến hành thực nghiệm điều tra, cụ thể những vấn đề sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về trình tự thủ tục trường hợp Thẩm phán tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án hình sự; bổ sung lập biên bản thực nghiệm điều tra Điều 204 BLTTHS: “Biên bản thực nghiệm điều tra được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này”. Việc bổ sung như trên vừa đầy đủ, vừa thống nhất với các quy định khác của BLTTHS 2015 về: Đối chất (Điều 189), nhận dạng (Điều 190).
Thứ hai, khi thực nghiệm điều tra để kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không; người làm chứng, bị hại có thể nhìn thấy việc làm, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bắt buộc phải thực hiện tại hiện trường nơi xảy ra vụ án, thời gian, địa điểm phải đồng nhất với thời gian, địa điểm mà bị can thực hiện hành vi phạm tội, trừ trường hợp hiện trường bị xáo trộn, hoặc hiện trường vụ án đã thay đổi không thể khắc phục được thì chỉ cần cho diễn lại hành vi tại một địa điểm nào đó là đúng quy định của pháp luật.
Hướng dẫn khoản 1 Điều 204 BLTTHS về thực nghiệm điều tra để thống nhất áp dụng: Đối với trường hợp chỉ cho diễn lại hành vi thì không nhất thiết phải thực nghiệm tại hiện trường xảy ra vụ án mà chỉ cần một địa điểm nào đó thuận tiện cho việc bị can, bị hại, người làm chứng diễn tả lại hành vi là đảm bảo đúng thủ tục tố tụng.
Thứ ba, trước khi tiến hành các biện pháp điều tra như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét, BLTTHS năm 2015 quy định rõ Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát, tuy nhiên khoản 2 Điều 204 BLTTHS không có quy định này. Do đó, cần bổ sung cụm từ “để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc thực nghiệm điều tra” vào sau cụm từ “điểm tiến hành thực nghiệm điều tra”, cụ thể: “Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc thực nghiệm điều tra.”.
Thứ tư, khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Điều tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn thực nghiệm điều tra. Vì vậy, khoản 1 Điều 204 BLTTHS không cần thiết phải quy định “Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra”, nên giao quyền quyết định thực nghiệm điều tra cho Điều tra viên. Theo đó, khi cần kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Điều tra viên có thể thực nghiệm điều tra. Tại khoản 4 Điều 204 BLTTHS cũng nên sửa đổi theo hướng trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành thực nghiệm điều tra.
Thực nghiệm điều tra một án hình sự tại Lâm Đồng - ẢNH: LÂM VIÊN/BTN
1. Điều 204 BLTTHS năm 2015 thực nghiệm điều tra quy định:
‘‘1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.
3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.
4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.’’
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Khai mạc Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL: “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận