Bàn về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” quy định tại Điều 234 BLHS 2015
Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi xin đề cập đến quy định pháp luật hiện hành về tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD (Điều 234), những điểm khó khăn, vướng mắc, bất cập khi áp dụng trong thực tiễn.
Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã ở quy mô thương mại xuất hiện từ những năm cuối thập kỷ 80, khi đất nước đổi mới và mở cửa, dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, giao thông đi lại thuận lợi, thương mại quốc tế ngày càng mở rộng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng buôn bán các loài hoang dã. Hơn nữa, thu nhập của người dân tăng lên cũng là lúc tầng lớp giàu có bắt đầu có điều kiện mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, bao gồm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng từ sản phẩm của các loài hoang dã…
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cho thấy các đối tượng buôn bán trái pháp luật ĐVHD thường sử dụng các thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các cơ quan chức năng. Các đường dây phạm tội, băng nhóm phạm tội xuyên quốc gia được thành lập và tổ chức hoạt động chặt chẽ với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất để tiến hành việc mua bán, vận chuyển ĐVHD, các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, cá thể hổ từ nước ngoài vào Việt Nam để tiêu thụ hoặc trung chuyển sang các nước thứ ba… Các thủ đoạn che giấu, cất giấu trong thùng hàng, container được miễn kiểm tra xác suất; để lẫn với hàng hóa cồng kềnh khác như gỗ, thực phẩm; hợp pháp hóa giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc ĐVHD hoặc sản phẩm của ĐVHD; sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi theo quy ước riêng; sử dụng phương tiện vận chuyển được thay biển số giả, dùng xe công vụ để vận chuyển… nên rất khó khăn phát hiện, điều tra đối với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tội phạm này cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế; vì vậy việc nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và thực tiễn áp dụng xử lý là cần thiết để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến ĐVHD.
Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) -Ảnh WCS VN
Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề trên, từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn tệ nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD. Điều 234 BLHS về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” là tội danh mới được quy định tại BLHS năm 2015 nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ ĐVHD…
Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành về tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD (Điều 234), lại có những điểm khó khăn, vướng mắc, bất cập khi áp dụng trong thực tiễn, cần sớm khắc phục.
1.Quy định của BLHS năm 2015 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234 BLHS)
Đây là tội danh mới được quy định tại BLHS năm 2015 nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ ĐVHD. So với BLHS 1999 thì BLHS 2015 đã cụ thể hóa về số lượng, khối lượng, giá trị tang vật hoặc mức tiền thu lợi bất chính nên đã tạo được thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hình sự và định khung hình phạt.
Về hình phạt BLHS 2015 đã nâng mức hình phạt tù từ tội phạm nghiêm trọng, cao nhất là 7 năm tù (khoản 2 Điều 190 BLHS 1999) lên đến khung 7-12 năm tù (khoản 3 Điều 234 BLHS 2015) thuộc tội phạm rất nghiêm trọng; về hình phạt tiền BLHS 2015 cũng nâng cao mức phạt tiền lên đến 1.500.000.000đ đối với cá nhân phạm tội và 6.000.000.000 đối với pháp nhân phạm tội, điều đó cho thấy mức độ nghiêm khắc của pháp luật hình sự áp dụng đối với tội vi phạm về bảo vệ ĐVHD.
Hơn nữa, lần đầu tiên BLHS 2015 quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với một số tội phạm, trong đó có tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD tại khoản 5 Điều 234 BLHS.
Theo quy định tại Điều 234 BLHS nêu trên thì các dấu hiệu pháp lý để cấu thành tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã như sau:
Về khách thể của tội phạm:
Điều luật được đặt tại Mục 3 Chương XVII “Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”. Các tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế xâm phạm quan hệ xã hội bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đó là chế độ quản lý điều hành toàn bộ nền kinh tế của nhà nước, quyền và lợi ích của nhà nước, của các tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích, tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng… được thể chế hóa trong quy định pháp luật của nhà nước, ở đây là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”.
Rõ ràng, khách thể bị xâm phạm chủ yếu là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. “Trật tự quản lý kinh tế” cũng chỉ là cái mà người phạm tội thông qua nó để xâm phạm đến một quan hệ cụ thể hơn, đó là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nên quy định tội phạm này trong Chương XIX (Các tội phạm về môi trường) cho phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội, phù hợp với Công ước CITES và các văn bản khác của Nhà nước.
Các tội phạm về môi trường xâm hại tới các quan hệ xã hội liên quan đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch, sử dụng hợp lý những nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc đảm bảo an ninh sinh thái … do đó khách thể của Điều 234 BLHS cũng chính là khách thể nhóm tội phạm về môi trường.
Điều bất cập này cần được khắc phục trong lần sửa đổi tiếp theo của BLHS 2015.
Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan: gồm 2 nhóm hành vi
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã thuộc Danh mục nêu trên.
Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì đối tượng tác động của tội phạm này là: Động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 05/2018) ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của BLHS, động vật hoang dã khác quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015 là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã, nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước CITES:
Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể. Ví dụ: Cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân.
Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết. Ví dụ: Đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan…
Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ: Thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng…; động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến. Ví dụ: Cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã.
Mặt chủ quan của tội phạm: Người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã là do cố ý.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này không chỉ có thể nhân (người phạm tội), mà có cả pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm, còn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
* Một số tình tiết định khung tăng nặng hình phạt của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã:
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: quy định tại điểm b khoản 2 Điều 234 BLHS là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 234 BLHS 2015;
– Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm: là sử dụng các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc, chất nổ, chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy điện, bẫy sập, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn hoặc các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt;
– Săn bắt trong khu vực bị cấm: là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan hoặc săn bắt trong các khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Săn bắt vào thời gian bị cấm: là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
– Vận chuyển, buôn bán qua biên giới: là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại. Cũng được coi là buôn bán, vận chuyển qua biên giới nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng.
2.Thực tiễn áp dụng và một số điểm vướng mắc, bất cập trong điều tra, truy tố, xét xử tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.
Về thực tiễn xét xử đối với loại tội này, theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2019 số lượng các vụ án về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo quy định tại Điều 234 như sau:
Năm 2015, xét xử 57 vụ với 88 bị cáo;
Năm 2016, xét xử 79 vụ với 115 bị cáo;
Năm 2017, xét xử 94 vụ với 133 bị cáo;
Năm 2018, xét xử 8 vụ với 10 bị cáo;
Năm 2019 xét xử 7 vụ với 10 bị cáo.
Như vậy trong thời gian 5 năm từ 2015 đến 2019, toàn quốc xét xử 245 vụ với 356 bị cáo. Trong đó, năm 2017 là nhiều nhất với 94 vụ/133 bị cáo.
Từ thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực thì 2018 và 2019 số liệu lại ít nhất chỉ 17 vụ/20 bị cáo. Hình phạt áp dụng đối với tội này thì trên ba năm là 14 bị cáo chiếm 3,4%, dưới ba năm 119 bị cáo chiếm 33,4% còn lại là án treo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ là 226 bị cáo chiếm 63%.
Tại sao năm 2018 và 2019 số vụ án về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo quy định tại Điều 234 BLHS lại giảm? Phải chăng chúng ta đã ngăn chặn được những hành vi vi phạm này? Theo chúng tôi, không phải là như vậy, việc loại tội phạm này giảm hơn cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có nguyên nhân về pháp luật. Qua thực tiễn áp dụng cũng như qua nghiên cứu quy định của BLHS 2015 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, chúng tôi thấy vẫn tồn tại một số điểm vướng mắc, bất cập cần được hướng dẫn, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi khách quan sau:
Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã thuộc Danh mục nêu trên.
Khỉ đuôi dài Côn Đảo (Macaca fascicularis condorensis) – Ảnh: WCS VN
Như vậy, hành vi khách quan của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã không có hành vi chiếm đoạt. Theo Nghị quyết số 05/2018 ngày 5/11/2108 của HĐTPTANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 234 BLHS thì hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là trường hợp người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của BLHS.
Thứ ba: Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì đối tượng tác động của tội phạm này là: Động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục. Tuy nhiên, Điều 234 căn cứ vào giá trị hàng hóa, hậu quả của hành vi trong khi Điều 244 căn cứ số lượng cá thể bị xâm hại làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, định khung hình phạt gây vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Vì trong thực tế hiện nay rất khó có trường hợp nào số lượng động vật thuộc nhóm IIB có giá trị từ 150.000.000đ trở lên để đủ cấu thành cơ bản xử lý hình sự được theo quy định tại Điều 234 BLHS.
Thứ tư: Bất cập liên quan đến vấn đề xử lý vật chứng là động vật hoang dã.
Điều 106 BLTTHS 2015 quy định “Vật chứng là ĐVHD và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền là cơ quan nào thì chưa được xác định rõ vì hiện chưa có văn bản nào quy định về cơ quan này nên rất khó khăn trong việc bàn giao vật chứng; . Do vậy, có Tòa án tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, có Tòa án lại tuyên chuyển giao cho cơ quản lý chuyên ngành, có Tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy đối với ngà voi, sừng tê giác, xác con hổ…
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) – Ảnh: WCS VN
Ngoài ra, với việc xử lý các vật chứng là sản phẩm ĐVHD, các cơ quan thực thi pháp luật hiện thiếu cơ sở vật chất và thiết bị bảo quản chuyên dụng như tủ đông lạnh để bảo quản các vật chứng là thịt, xương và sừng động vật… Trong khi đó, nếu không có các tủ đông thì vật chứng dạng này thường bị phân hủy và thối rữa, dẫn tới nguy cơ lan truyền bệnh dịch từ động vật sang người.
Thứ năm: Mặc dù Nghị quyết số 05/2018 đã có hướng dẫn về vấn đề săn bắt vào thời gian bị cấm tức là săn bắt động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng nhưng hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định về mùa sinh sản của các loài, do vậy rất khó xử lý đối với trường hợp này, vì vậy cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể săn bắt vào thời gian bị cấm là thời gian nào?.
Trên đây là một số điểm khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình điều tra, truy tố xét xử đối với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, chúng tôi đề nghị các Cơ quan tố tụng Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về các vướng mắc nêu trên để các Cơ quan tố tụng không bị lúng túng trong việc áp dụng pháp luật khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến ĐVHD, góp phần đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Sơn
05:58 12/01.2025Trả lời